Thứ quả dại ở rừng bé xíu mà giá hơn trăm nghìn/kg, dân buôn ngày bán cả tạ

Loại quả này nhỏ xíu, được hái từ cây dại trong rừng nhưng lại được rất nhiều người săn đón, dù giá bán lên đến hơn trăm nghìn một cân.

Vừa mới về được gần một tạ sim, chị Trang (Hoàng Mai, Hà Nội) bắt đầu kiểm tra và lên đơn, đóng hàng gửi đi cho khách. “4 ngày nay, giờ mới về được chuyến hàng tiếp đây. Khách đặt mua nhiều quá mà hàng không về để trả khách được. Trung bình mỗi ngày, tổng đơn hàng khách đặt lên đến gần tạ quả mà giờ 4 ngày mới về được có gần tạ, không đủ chia”, chị nói.

Mấy đơn đặt trước, chị sẽ đóng hàng gửi đi trước. Còn những đơn đặt sau, chị đành phải thông báo với khách hàng chờ thêm hoặc tìm người khác để mua nếu cần gấp.

Chị cho biết toàn bộ sim nhà chị đều được người dân Nghệ An vào trong rừng hái. Do là cây mọc tự nhiên, quả sim cũng không to, đẹp như loại trồng và được người dân chăm sóc. Đặc biệt, sim tự nhiên cũng nhiều quả bị sâu, hỏng nên chị phải lựa chọn rất kỹ trước khi lên đơn đóng cho khách.

Thứ quả dại ở rừng bé xíu mà giá hơn trăm nghìn/kg, dân buôn ngày bán cả tạ-1

Sim rừng năm nay ít, giá bán cũng cao hơn năm ngoái.

“Quá trình vận chuyển xa và nhiều vấn đề nên đôi khi quả sim cũng bị dập nát. Tôi đã cố gắng chọn ra những quả không đạt chất lượng vứt đi nhưng thật sự là khó tránh khỏi việc quả dập một chút. Tôi cũng báo trước với khách để mọi người hoan hỉ nhận hàng”, chị chia sẻ.

Theo chị, năm nay, nắng hạn kéo dài khiến cây sim rừng ở các vùng đồi núi ở tỉnh Nghệ An khô cằn, quả ít, nhỏ. Mỗi ngày, người dân đi thu hái được rất ít nên chị cũng không có số lượng nhiều để bán.

Bà Phương Thảo, người dân xã Thanh Lâm (Thanh Chương), cho biết năm nay sim rừng mất mùa. Mọi năm, bà vào rừng hái sim thấy cây rất sai quả, có ngày 2 vợ chồng bà hái được cả chục cân, đem về bán kiếm mấy trăm nghìn/ngày. Nhưng năm nay, sim mất mùa, mỗi ngày 2 vợ chồng bà đi kiếm mãi cũng chỉ được có vài cân, hôm nhiều nhất cũng chỉ tầm 4-5kg.

Bà cho biết sim vào mùa từ khoảng tháng 6 đến tháng 9 Dương lịch. Thời tiết năm nay mưa ít, nắng nóng kéo dài khiến cây sim mất mùa. Quả sim cũng không được to, đẹp như những năm trước mà quả rất nhỏ, không đẹp.

Thứ quả dại ở rừng bé xíu mà giá hơn trăm nghìn/kg, dân buôn ngày bán cả tạ-2

Dân buôn có ngày bán được cả tạ quả sim rừng.

Do sản lượng sim rừng tự nhiên năm nay ít, giá cả cũng cao hơn mọi năm từ 5.000 – 10.000 đồng/kg. Hiện tại, giá bán lẻ sim tươi dao động từ 40.000 – 50.000 đồng/kg (bán lẻ). Còn loại đã phơi khô, dân buôn đang bán giá dao động từ 120.000 – 150.000 đồng/kg.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng sim rừng để chế biến rượu sim, si-rô sim, trà sim khá cao, sim dễ tiêu thụ, giá bán ổn định. Cũng vì lẽ đó, ở Nghệ An, nhiều hộ đã bắt đầu đưa cây sim về trồng ở các vùng đồi cằn cỗi, đất hoang hóa, trồng xen dưới tán rừng vừa tăng độ che phủ cho đất, tạo cảnh quan sinh thái lại có thêm thu nhập.

Quả sim được người dân trồng, chăm sóc cũng to, căng mọng và có vị ngọt hơn. Nhìn vẻ ngoài, quả sim trồng sẽ có mẫu mã đẹp hơn so với sim rừng.

Theo đông y, quả sim có vị ngọt, chát, tính bình, có tác dụng hành huyết, chỉ huyết, bổ huyết, hoạt lạc, thường dùng trong trường hợp suy nhược cơ thể, thiếu máu do mất máu, thiếu máu do thai nghén, người yếu mệt sau khi có bệnh, suy nhược thần kinh, ù tai, di tinh.

Tuy nhiên, khi chọn quả sim, người dùng cũng nên bỏ quả dập, nát đi để tránh làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Trước khi ngâm sim, mọi người nên ngâm qua một lượt nước muối để loại bớt vi khuẩn và giảm vị chát sẵn có của quả sim.

Theo Nông thôn Việt


quả dại


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.