Tôm hùm giảm giá 50%, cá mú ế ẩm bị bỏ đói, nghìn tấn ngao ứ đọng

Chưa năm nào người nuôi hải sản lại khó khăn như năm nay khi tôm hùm rớt còn nửa giá, cá mú bị bỏ đói vì không bán được, còn người nuôi ngao đứng ngồi không yên vì ùn ứ hàng nghìn tấn dù giá đã chạm đáy.

Đầu năm nay, khi dịch Covid-19 xuất hiện ở nước ta, nhiều mặt hàng hải sản bị rớt giá mạnh do không thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Song, ít lâu sau đó giá đã phục hồi khi thị trường 1,4 tỷ dân dần được khơi thông.

Thế nhưng, niềm vui chưa kéo dài được bao lâu, tháng 4 năm nay dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cả xã hội thực hiện giãn cách. Các nhà hàng, quán ăn phải tạm thời đóng cửa khiến nhiều mặt hàng thuỷ hải sản cao cấp rơi cảnh ế ẩm, giá rớt thảm. Thay vì chỉ bán ở các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, nhà hàng,... thì tôm hùm, cá hồi, ốc hương xuất hiện tràn chợ với giá rẻ chưa từng có. Thậm chí, chúng còn được bán cả ở vỉa hè.

Những ngày gần đây, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khiến giá nhiều mặt hàng hải sản tiếp tục giảm sâu, khó tiêu thụ.

Tại xã Nhơn Hải (Quy Nhơn, Bình Định), thay vì niềm vui bước vào chính vụ thu hoạch tôm hùm thì ngư dân nuôi trồng loại hải sản “nhà giàu” này lại đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng bởi giá tôm hùm giảm chỉ còn phân nửa so với trước.

Tôm hùm giảm giá 50%, cá mú ế ẩm bị bỏ đói, nghìn tấn ngao ứ đọng-1

Giá tôm hùm đang giảm mạnh 

Theo đó, giá tôm hùm bông loại 1 giảm còn 600.000-650.000 đồng/kg, loại 2 giảm còn 450.000-500.000 đồng/kg, loại 3 giảm còn 300.000 đồng/kg.

Tương tự, người nuôi tôm hùm xanh tại Khánh Hòa cũng gặp nhiều khó khăn do giá mặt hàng này giảm chỉ còn 450.000-500.000 đồng/kg loại 1. Nguyên nhân là do xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó, cộng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động đến thị trường tiêu thụ trong nước.

Không chỉ tôm hùm, người nuôi cá mú tại TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) cũng đứng ngồi không yên. Đến thời điểm thu hoạch, có những hộ nuôi tồn tới cả trăm tấn cá mú. Đáng chú ý, với mức giá hiện nay, nếu xuất bán được thì người nuôi cũng lỗ tới 30.000-40.000 đồng/kg.

Gia đình ông Hồ Văn Hiệp ở Cam Thịnh Đông (Cam Ranh) lo lắng vì 2/3 lượng cá mú trong ao đã đạt trọng lượng 1-2kg nhưng vẫn chưa xuất bán được. Theo ông, từ đầu năm tới nay, giá cá mú liên tục giảm do ảnh hưởng vì dịch bệnh, có thời điểm giá cá giảm chỉ còn 100.000 đồng/kg. Hiện, giá cá loại 1 cũng chỉ ở mức 115.000-119.000 đồng/kg nhưng vẫn ế ẩm.

Giá cá rớt thế thảm, khách mua cũng không có nên ông Hiệp và các hộ nuôi cá khác trong vùng đành bỏ đói, 4-5 ngày mới cho ăn một lần.

Cơ quan chức năng TP. Cam Ranh đang triển khai các chương trình đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, giải cứu cá mú và kiến nghị ngân hàng có chính sách khoanh nợ, giãn nợ cho người nuôi.

Tôm hùm giảm giá 50%, cá mú ế ẩm bị bỏ đói, nghìn tấn ngao ứ đọng-2

Hàng nghìn tấn ngao ở Kim Sơn ùn ứ dù giá giảm "chạm đáy" (ảnh: Dân Việt)

Gần một tháng nay người nuôi ngao ở Kim Sơn (Ninh Bình) cũng kêu trời vì giá bán chạm đáy mà không có thương lái tới thu mua.

Chia sẻ trên báo Dân Việt, ông Phạm Văn Nghị - một hộ nuôi ngao ở xã Kim Động (Kim Sơn) cho biết, giá ngao 12.000 đồng/kg vẫn ế. Gia đình ông có khoảng 1.000 tấn ngao đến lứa thu hoạch nhưng không xuất bán được, trong khi tiền lãi vay ngân hàng để đầu tư nuôi trồng vẫn phải trả đều đặn. Nếu tình trạng này kéo dài coi như năm nay thất thu hoàn toàn, thậm chí nhiều gia đình còn thua lỗ.

Theo thương lái thu mua ngao trên địa bàn huyện Kim Sơn, dịch Covid-19 khiến ngao không thể xuất khẩu được sang Trung Quốc. Lượng ngao thu hoạch được chỉ có thể tiêu thụ tại thị trường nội địa nên hàng ùn ứ, giá giảm mạnh.

Cùng chung cảnh ngộ, người nuôi ngao hai cùi ở Vân Đồn (Quảng Ninh) cũng gặp khó khăn trong vấn đề tiêu thụ vì dịch Covid-19. Trên mạng xã hội còn xuất hiện clip người dân không bán được ngao hai cùi nên đem đổ xuống biển.

Trao đổi với PV. VietNamNet, đại diện UBND huyện Vân Đồn thừa nhận, giá ngao hai cùi tại huyện Vân Đồn giảm xuống thấp, chỉ còn 30.000 đồng/kg ngao to và hơn 10.000 đồng/kg ngao nhỏ.

Theo vị đại diện này, thời gian gần đây thương lái không đổ về thu mua ngao như trước nên nhiều hộ dân nuôi ngao vẫn chưa thu hoạch. Lượng ngao tồn đọng rất lớn, hàng ngày vẫn phải chăm sóc nên gây thiệt hại về kinh tế cho người nuôi.

Theo VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/gia-tom-hum-ca-mu-lao-doc-hang-nghin-tan-ngao-e-am-669502.html

tôm hùm


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.