Không chứa bất kỳ một yếu tố tâm linh nào

Ông Nguyễn Đức Phường, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, nhiều người cho rằng, khi sao băng vụt qua là sẽ có một linh hồn chết. Một số khác lại quan niệm ngược lại, sao băng sẽ biến những điều ước trở thành hiện thực. Thực tế, sao băng không mang bất kỳ một ý nghĩa tâm linh nào. Đây chỉ là hiện tượng thiên nhiên bình thường xảy ra theo chu kỳ hàng năm.

Trong vũ trụ có rất nhiều bụi (thiên thạch). Khi những mảnh thiên thạch này “lang thang” đến gần Trái Đất, lực hấp dẫn của Trái Đất sẽ “hút” chúng. Các thiên thạch lao vào khí quyển với vận tốc khoảng 30 – 50 km/s, tạo ra các sóng xung kích, nén các phần tử không khí phía trước làm nhiệt độ cao đến hàng nghìn độ và bị bốc cháy tạo ra những vệt sáng ở độ cao 60 – 100 km (tính từ mặt đất lên). Người ta gọi những vệt sáng nhỏ ấy là sao băng.

Mỗi ngày có hàng triệu mảnh thiên thạch bốc cháy và rơi xuống Trái Đất. Song, chúng ta chỉ có thể nhìn thấy những sao băng khi chúng xuất hiện nhiều (mưa sao băng). Mỗi năm, có khoảng 8 trận mưa sao băng lớn. Chúng thường lặp lại cùng thời điểm xuất hiện từ năm này sang năm khác.

Nguyên nhân là do các hạt bụi, thường là xác của những sao chổi, phân bố theo quỹ đạo hình elip quay quanh Mặt Trời theo chu kỳ nhất định và cắt ngang quỹ đạo của Trái Đất. Khi Trái Đất đi xuyên qua đám bụi này sẽ tạo nên hiện tượng mưa sao băng như chúng ta thấy.

Không tác động tới sức khỏe

Do bốc cháy và phá hủy ở độ cao cách xa mặt đất và đa phần là những thiên thạch cực nhỏ, nên mưa sao băng không gây bất cứ một ảnh hưởng nào tới sức khỏe. Lịch sử, chưa ghi nhận được một trận mưa sao băng nào gây chết người.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, những mảnh thiên thạch lớn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Chẳng hạn, một thiên thạch có đường kính từ 5 – 10m, khi lao xuống bề mặt Trái Đất tạo ra sức phá hủy tương đương với quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima. Năm 1908, một mảnh thiên thạch đã từng làm cháy rụi cả một khu rừng Tunguska (Nga).

Lịch sử cũng cho rằng, chính những thiên thạch lớn có đường kính khoảng 10 km là nguyên nhân gây ra tuyệt chủng của loài khủng long 65 triệu năm trước. Song, theo tính toán, một thiên thạch khoảng 1 km phải mất 500.000 năm mới xuất hiện, thiên thạch lớn hơn cỡ vài km phải mất đến 10 triệu năm.

Có thể quan sát bằng mắt thường

Thạc sĩ Phan Văn Đồng, Phó Chủ tịch Hội Thiên văn – Vũ trụ Việt Nam khuyên, khác với quan sát nhật thực, nguyệt thực cần phải có kính thiên văn, kính bảo vệ mắt để tránh tia tử ngoại, mưa sao băng không gây độc nên có thể quan sát bằng mắt thường.

Ngoài ra, trước đó nên tìm hiểu kỹ các thông tin như mưa sao băng rơi cực đại vào khoảng thời gian nào, Việt Nam xem rõ không… Khi ngắm nên chọn một vị trí đẹp (chỗ cách xa ánh đèn, tầm mắt không bị che khuất bởi nhà cao tầng và cây cối), nên ngắm sao băng vào lúc nửa đêm hoặc gần sáng, đặc biệt không nên quá sốt ruột và đừng hy vọng là sẽ thấy cả đợt mưa sao băng rào rào rơi xuống như mưa. Thực tế, trong vòng 1- 2 phút mới nhìn thấy một vệt sáng lóe lên trên bầu trời.

Theo Sơn Hà