Mùa thu, mùa đẹp nhất trong năm ở bất
cứ đất nước nào. Nhưng, có lẽ mùa thu ở xứ sở Kim Chi để lại trong tôi
nhiều ấn tượng, khi những hàng cây dọc theo các con đường dài tít tắp
xuyên dọc ngang đất nước, trên những triền đồi trong công viên hay trên
các đỉnh núi cao đều được “nhuộm” màu vàng sóng sánh.
|
||||||
Tôi đã đôi lần “lạc lối” bởi thu
sang trên đất nước này. Và, thu này trong chuyến công tác theo lời mời
của “Hiệp hội vì cuộc sông tốt đẹp trong tương lai Hàn Quốc” tôi đã
tranh thủ thăm thú một số thắng cảnh, di tích nổi tiếng của xứ Hàn, và
tôi lại “bị” thu vàng quyến rũ, mời gọi…
Cố cung Gyeongkok nằm ngay trong lòng thủ đô Seoul lẽ ra sẽ tới thăm trước nhưng tôi quyết định đi thăm Công viên Song Ni San.
Vượt qua hơn 250 km từ thủ đô Seoul
đến Công viên Song Ni San lúc 10 giờ (8 giờ sáng Việt Nam) bãi đỗ xe
của công viên này, rộng, sạch đẹp gần như kín chỗ bởi rất nhiều đoàn
khách du lịch ở nhiều quốc gia đến thăm thú.
Vừa ra khỏi ô tô, tôi bị “hớp hồn”
bởi trước mặt núi non hùng vỹ, môi trường trong lành thảm lá cây ngân
hạnh (một loài cây được trồng phổ biến ở Hàn Quốc) từ trên đỉnh núi dát
vàng kéo dài xuống chân núi bao bọc lấy khu vực công viên. Từng đoàn
người rồng rắn thả bộ bắt đầu chinh phục những điểm tham quan trong công
viên.
Tháp bằng gỗ 5 tầng “độc nhất vô nhị” ở Hàn Quốc. Mặc dù đã đôi lần đến công tác ở xứ
sở của nàng Dae Jang Geum nhưng tôi luôn bị bất ngờ với môi trường
trong lành, phong cảnh tuyệt vời và ý thức người dân, đặc biệt cách ứng
xử của người Hàn Quốc ở những nơi công cộng.
Công viên Song Ni San nằm ở vùng có
cảnh quan đẹp nhất của đất nước Hàn Quốc, với những dãy núi, rừng trùng
điệp, hùng vỹ chen lẫn vô số trồi đá Granite, được coi là “vùng núi
rừng nguyên sinh hẻo lánh” - nơi có đền, chùa Beopjasa nổi tiếng. Đây là
khu liên hợp đền chùa lớn nhất thời kỳ Beopjasa - khoảng năm 553 sau
công nguyên, và đã được xây dựng lại, bao gồm quần thể DaeungboJeon,
tượng phật vàng lớn và có tháp bằng gỗ cao 5 tầng độc nhất vô nhị ở Hàn
Quốc, chính là nét đặc biệt và mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc Hàn.
Đến khu liên hợp đền chùa tại công
viên này, hầu như không một khách du lịch nào không chụp một tấm ảnh lưu
niệm dưới chân tượng phật cao to, đẹp với khuôn mặt từ bi lồng lộng
giữa trời xanh.
Tượng phật được làm bằng chất liệu đồng thiếc cao 33m, nặng 160 tấn, hoàn thành vào năm 1990 với chi phí lên đến 4 triệu USD.
Di tích cổ xưa còn bao gồm: Lối
kiến trúc mái cửa trời bằng đá; tượng phật ngồi thanh tịnh cũng được đẽo
gọt bằng những khối đá; một quả chuông cổ đồ sộ và một chiếc vạc bằng
gang khổng lồ được đúc vào năm 720 sau công nguyên dùng để nấu cơm đủ
cho hơn 300 nhà sư tại chùa ăn mỗi bữa.
Cố cung Gyeongbok. Xung quanh khu đền, chùa có những
con đường dẫn khách tới một loạt các đỉnh núi cao hàng ngàn mét. Một
trong số đó là núi Man Jang dae, cao 1033m, khách du lịch có thể leo lên
tương đối dễ dàng. Chính ngọn núi này vào năm 1464, Vua Sejo đã lên
núi bằng kiệu để thưởng ngoạn cảnh đẹp của đất nước ngài. Từ trên đỉnh
núi này, du khách có thể đến thăm núi Mun subong hoặc Sin Seon dae, thậm
chí có thể tới Ipseok dae, Birobong và đỉnh núi cao nhất Cheonh Wang
bong (1058m) - là những địa điểm du lịch nổi tiếng trong công viên…
Tôi đã hơn một lần “lạc” vào công
viên này khi các công trình trong công viên Song Ni San đang được trùng
tu. Nói chuyện với người “gác đền”, biết tôi từ Việt Nam đến, anh liền
chạy đi lấy một viên ngói và cây bút đề nghị: Anh ký chữ ký của mình vào
viên ngói này để chúng tôi lợp lên mái của công trình với ý nguyện, anh
cùng với nhiều du khách khác của các quốc gia đã đồng lòng với người
dân Hàn Quốc trùng tu, gìn giữ di sản cho nhân loại…
Rời Công viên Song Ni San trở về
thủ đô Seoul chuẩn bị cho hành trình đến vùng đất khác, tôi tranh thủ
thời gian còn lại vào thăm Cố cung Gyeongbok.
Quả thật như những gì mà truyền
thông nước bạn quảng bá cho cố cung này. Quần thể kiến trúc Cố cung
Gyeongbok phản ánh đời sống văn hóa vô cùng phong phú của người dân Hàn
Quốc trở thành điểm tham quan nổi tiếng nhất của thủ đô Seoul, đồng thời
nó còn là biểu tượng kết tinh những tinh hoa của kiến trúc cung điện,
đền đài phương Đông.
Kiến trúc trong Cố cung Gyeongbok
bao gồm 5 cung: Gyeongbok, Changyeong, Changdeok, Deoksu và Gyeonghui,
trong đó Gyeongbok là cung điện đồ sộ, bề thế nhất, đồng thời là trung
tâm của quần thể kiến trúc, cũng là trung tâm chính trị của các triều
đại Triều Tiên xưa.
Nét đặc trưng ở Cố cung Gyeongbok
là vẫn giữ được đường nét cổ kính gần như nguyên mẫu xa xưa, đồng thời
phản ánh rõ nét những đặc trưng của lối kiến trúc cung điện phương Đông,
kiến trúc với quy mô lớn, khí thế hiên ngang, hùng dũng, uy nghi thể
hiện sự thống trị của đế chế đương thời. Gyeongbok được xây dựng vào năm
1395 dưới triều vua Taejo - nhà vua đầu tiên, cũng là người sáng lập
triều đại Joseon. Đây chính là cung điện lớn nhất của 5 cung, thể hiện
quyền lực tối cao của đất nước. Có được dáng vóc của quần thể Cung điện
Gyeongbok gần như xưa là do sức lao động phi thường, óc sáng tạo của
người dân xứ Hàn sau khi chiến tranh và những biến cố chính trị kết
thúc…
Nhìn các em học sinh Hàn Quốc đủ
mọi lứa tuổi xếp hàng ngay thẳng, trật tự lũ lượt vào cung tham quan,
học tập và du khách thập phương đến đây chiêm ngưỡng, mới thấy được sự
tài tình của người dân xứ Hàn trong cách làm du lịch cũng như giáo dục
lịch sử cho lớp trẻ… |