Cái câu "Chồng giận thì vợ bớt lời/Cơm sôi nhỏ lửa không đời nào khê" nhiều khi khiến tổ ấm "tắt lửa" hoặc tan vỡ, bởi nó được áp dụng một cách mù quáng.

Chồng được đằng chân lân đằng đầu

Lần đầu tiên bị chồng đánh, Hoa sốc đến nỗi lăn ra ngất xỉu. Khi tỉnh dậy, cô thu dọn quần áo, bỏ ngay về nhà bố mẹ đẻ, trong lòng tin chắc mình không thể sống nổi với kẻ vũ phu như vậy. Mấy hôm sau, cô quay trở lại nhà chồng cùng lời giáo huấn của người lớn: Cô đã dại dột khi cố giành phần thắng với anh chồng nóng tính trong cuộc cãi cọ, anh nổi hung lên cho cô ăn tát là sai nhưng một phần lỗi cũng thuộc về cô. Anh đã xin lỗi rồi thì cô cũng nên bỏ qua, từ giờ rút kinh nghiệm, khi chồng đã nóng thì vợ phải im, giữ hòa khí gia đình là điều quan trọng nhất.

Áp dụng những lời khuyên khôn ngoan  đó, về sau, mỗi khi chồng nổi nóng, Hoa đều im lặng. Chính cô cũng nhận ra, lúc anh đã điên lên, cô có lý sự cũng chẳng ăn thua gì, chả lời nào lọt tai anh, nếu cứ cố, anh lại cho mấy bạt tai thì kẻ chịu thiệt, chịu đau, chịu nhục chỉ có cô mà thôi. Thôi thì chờ lúc anh bình tĩnh lại mà góp ý, mà đả thông vậy.

Thế nhưng thường khi đã “tỉnh táo”, chồng cô thường lảng tránh hay lờ đi mong muốn “bàn lại” của vợ. Nếu Hoa cố gắng, anh lại nổi khùng, mắt trợn trừng, mặt đỏ ké, tay gân lại như sắp sửa vung lên, khiến cô sợ khiếp vía. Hoa đã biết cánh tay ấy mạnh như thế nào.

Có vẻ chồng Hoa biết rất rõ tâm lý của vợ, nên anh ngày càng thoải mái thể hiện cái sự “nóng tính” của mình. Hễ vợ chồng có gì trái ý nhau là anh lại “chốt hạ” bằng một cơn quát mắng, đập phá vài thứ cốc chén. Bố mẹ chồng Hoa bực bội quát: “Khổ, chị còn lạ gì tính anh ấy nữa, im đi cho yên cửa yên nhà. Vợ gì mà ngu, làm náo loạn cả lên”.

Hoa cảm thấy so với thời con gái luôn mạnh mồm bảo chồng em phải thế nọ, chồng em phải thế kia, nếu không tử tế em bỏ ngay, thực tế đã trở nên khác hẳn. Đừng nói chuyện bỏ chồng khi đã có hai đứa con, ngay cả chuyện vác vali về nhà mẹ đẻ, cô cũng không nghĩ đến nữa. Bố mẹ cô chắc cũng không chấp nhận lý do bỏ về là vợ chồng cãi cọ. Cũng đã lâu Hoa không ăn đòn chồng. Chỉ cần anh vằn mắt lên, cô đã sợ rồi.

Lửa cứ bớt mãi, bếp tắt lạnh

Thư, 34 tuổi, lấy phải anh chồng mà phương châm bất di bất dịch của anh là “chồng luôn luôn đúng”. Mỗi lần vợ có vẻ “quên” chân lý đó, anh đều giúp chị nhớ bằng những câu mắng chửi, quát lác, chì chiết. Không cần ai nhắc, tự Thư cũng biết, lúc đó chị có nói gì cũng vô ích. Chị đành tạm chịu thua cho giông tố qua đi.

“Lúc còn yêu nhau, tôi cũng đã biết anh ấy vừa nóng tính vừa gia trưởng, nhưng tôi vẫn quyết định lấy vì anh ấy rất tốt, rất yêu thương tôi, không lăng nhăng gái gú”, Thư tâm sự. Đến tận bây giờ, sau hơn 7 năm lấy nhau, anh vẫn chung thủy như vậy. Nếu như những người đàn ông khác sau giờ làm thường la cà nhậu nhẹt, hoặc chơi bời “em út” thì anh chỉ thích về nhà, nằm đọc báo, xem tivi chờ vợ nấu cơm, hứng lên thì chơi với con. Gần đây khi con lớn đã vào lớp một, chính anh là người kèm con học.

Thư chắc hẳn rất hài lòng về chồng nếu như anh bớt độc đoán chuyên quyền. Mọi việc từ lớn đến nhỏ đều phải theo ý anh. Chỉ cần một chút phản đối từ phía vợ là anh nổi cơn tam bành dữ dội như sắp tung hê tất cả. Và ngay cả khi đã ôn hòa trở lại, chồng Thư cũng chẳng bao giờ chịu “đàm phán” để nhận ra sự vô lý của mình. Những lúc đó, anh luôn nói với vợ bằng một giọng ôn tồn kiểu bề trên: “Chỉ cần em ngoan ngoãn, vâng lời thì anh sẽ yêu em hết lòng. Anh ghét nhất là loại đàn bà nặc nô cãi chồng nhem nhẻm”.

Thư  biết, chị không đủ khả năng để làm chồng thay đổi nên đành chấp nhận, bởi anh vẫn là người tốt. Mỗi lần chồng hùng hổ trấn áp ý kiến của vợ trong một chuyện bất đồng nào đó, chị lại “ngậm miệng” trong ngán ngẩm và bất lực. Vì thế, trong mắt mọi người, gia đình chị luôn là một mái ấm hạnh phúc, thuận hòa, được nêu ra như tấm gương cho những đôi vợ chồng phường chèo tuy yêu nhau nhưng cãi nhau, choảng nhau tối ngày. Chồng Thư vì thế cũng rất tự hào về tài “tề gia” của mình, về việc vợ anh luôn được khen là tốt nhịn, biết cách cư xử, phụ nữ Việt Nam là phải như thế…

Thế nhưng Thư cảm thấy, tình yêu của chị dành cho chồng đã không còn nữa. Mỗi lần vợ chồng “quan hệ”, chị cảm nhận rõ lòng mình lạnh giá, không chút rung động. Anh vẫn yêu chị, nhưng chị, trong thâm tâm, chỉ còn coi anh là “đồng sự” có chung nhiệm vụ nuôi lớn các con, báo hiếu cha mẹ hai bên.

Không thể lần nào cũng chỉ một người bớt lửa

Thực tế cho thấy, “cơm sôi bớt lửa” đã là bí kíp khôn ngoan giúp giữ lại bao nhiêu tổ ấm yên lành. Không ích gì khi cả hai đều bừng bừng nộ khí, “quyết chiến” bằng được. Lùi một bước để tiến hai bước khi tình thế phù hợp là cách hạn chế tối đa việc gây tổn thương cho nhau, để không có những lời nói, hành động khó bề cứu vãn. Thế nhưng, bớt lửa thế nào cho bếp khỏi tắt lạnh luôn cũng là một nghệ thuật.

“Từ trước đến giờ, bớt lửa lúc cơm sôi luôn được cho là phần của người vợ. Chồng nóng thì vợ phải bớt lời chứ không phải ngược lại”, chị Tuyết, 30 tuổi, nói. “Trong quan điểm của rất rất nhiều người, nổi nóng là đặc quyền của riêng ông chồng, ông ta không hài lòng là có thể quát mắng, đập phá và nếu người vợ không chịu ‘lui quân’ thì nếu hậu quả xấu xảy ra, người ta trách người vợ không biết cư xử chứ không trách ông chồng bạo lực, vì cơn nóng giận của ông ta được thông cảm”.

Những lúc vợ chồng cãi nhau, không chỉ ông xã nổi nóng, bản thân Tuyết cũng không giữ được bình tĩnh: “Tôi cũng là người, cũng có lúc điên lên chứ. Thế nhưng cả bố mẹ đẻ lẫn bố mẹ chồng đều cho rằng, nếu tôi không im trước là tôi sai. Tóm lại, hai bên đều cháy đùng đùng nhưng chỉ mình tôi phải bớt lửa. Anh ta không cần bớt, nên nhiều khi còn cố tình cháy to hơn để giành phần thắng. Thực sự, những ức chế đó khiến tôi ngày càng ghét chồng”.

Còn chị Mai Anh, 38 tuổi, đã ly dị sau nhiều năm nhún nhường chịu đựng, luôn bớt lời khi chồng giận. “Tôi tốt nhịn lắm, nhịn miết. Nhưng điều đó càng dẫn đến sự mặc định về vị trí của tôi trong gia đình. Anh ấy coi thường vợ, ngày càng quen thói chuyên quyền độc đoán. Tôi nhẫn nhục mãi, ngày càng thù oán chồng, chẳng thiết tha gì nữa ngoài con cái”.

Một ngày, cơn bất mãn được tích tụ lâu năm đã bung ra, Mai Anh tự hỏi tại sao mình phải nhẫn nhục trước một người mình không yêu nữa. Chị cãi lại, và bị đánh đến mức phải vào viện. Sau khi hồi phục, chị kiên quyết ly hôn mặc cho sự níu kéo của chồng.

“Nghĩ lại, tôi thấy lỗi cũng tại mình. Tôi chỉ biết nhịn, biết im lặng, coi chuyện giữ hòa khí trong nhà là quan trọng nhất. Nhưng đó chỉ là sự bình yên giả tạo khi hai vợ chồng ngày một xa nhau, bởi không hề có sự trao đổi thẳng thắn. Nếu tôi chỉ tạm nhẫn khi gay cấn rồi sau đó kiên quyết đòi đối thoại rõ ràng, đưa ra những yêu cầu dứt khoát thì chồng tôi đã không ngày một tệ như vậy, tình cảm của tôi với anh ta sẽ không cạn kiệt như vậy”, Mai Anh ngậm ngùi.

Một gia đình không có tiếng cãi cọ là điều ai cũng muốn. Nhưng đã là tổ ấm thì phải có lửa.
 
Theo Xzone/Tri Thức Thời Đại