Trái ngược với nhiều phiên gần đây, trong phiên đấu thầu thứ 42 vào
ngày 11/7, NHNN đã tuyên bố sẽ giảm khối lượng chào thầu từ 40.000 lượng
về mức 24.000 lượng.
Thông báo của NHNN cho biết, sáng ngày
11/7, cơ quan này sẽ tổ chức phiên đấu thầu bán vàng miếng tiếp theo.
Đây là phiên đấu thầu vàng miếng thứ hai trong tuần này và cũng là phiên
thứ 42.
Từ trước hạn tất toán 30/6, NHNN đã
nâng khối lượng chào thầu vàng miếng từ 26.000 lượng, tương đương 1 tấn
vàng, lên mức 40.000 lượng, tương đương khoảng 1,5 tấn vàng. Khối lượng
chào thầu này liên tục được duy trì trong những phiên sau 30/6.
Tuy nhiên, đến phiên 11/7, NHNN đã quyết định sẽ hạ khối lượng chào thầu về mức 26.000 lượng vàng.
Mức giá tham chiếu mà NHNN đưa ra cho
phiên đấu thầu vàng ngày 11/7 là 37,25 triệu đồng/lượng. Đây là giá dùng
để tính giá trị đặt thầu và nhìn chung không có nhiều khác biệt với giá
vàng SJC mà các doanh nghiệp niêm yết thu mua trên thị trường vào chiều
10/7.
Như vậy, qua 4 phiên đấu thầu vàng
miếng được tổ chức sau hạn 30/6, NHNN đã bán ra hơn 6 tấn vàng. Thực tế
những phiên đấu thầu vàng miếng vừa qua cho thấy, dù giá sàn mà Ngân
hàng Nhà nước đưa ra cao hơn so với giá vàng ngoài thị trường, các ngân
hàng và doanh nghiệp vẫn trả giá cao hơn để mua được vàng.
![]() |
NHNN đã quyết định sẽ giảm khối lượng chào thầu xuống 1 tấn trong phiên đấu thầu thứ 42 vào ngày 11/7. |
Trong một diễn biến khác, chiều 10/7, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI báo giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 37,35 triệu đồng/lượng (mua vào) và 37,55 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại thị trường Tp.HCM cùng thời điểm, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng SJC ở mức 37,25 triệu đồng/lượng và 32,55 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và giá bán.
Trong khi đó, giá vàng thế giới lại
đang tăng giảm thất thường. Sau khi chạm mức cao nhất một tuần vào phiên
9/7, ở ngưỡng trên 1.250 USD, đến sáng ngày 11/7, giá vàng đã quay đầu
giảm, còn 1.247 USD.
Với mức giá như vậy, nếu quy đổi theo
tỷ giá ngân hàng, mỗi lượng vàng thế giới có giá 32 triệu đồng, kém 5,6
triệu đồng so giá vàng trong nước.
Càng đấu thầu càng lo?
Từ ngày 28/3 đến nay, NHNN đã tổ chức
41 phiên đấu thầu bán vàng miếng. Trong đó, khối lượng chào thầu là
1.218.000 lượng, tương đương hơn 46,8 tấn vàng, còn khối lượng trúng
thầu là 1.116.900 lượng, tương đương gần 43 tấn vàng.
Cùng với đó, mức chênh giá mà NHNN thu
được từ 3 đến hơn 6 triệu đồng/lượng. Nếu tính đơn giản quy trình nhập
khẩu về, dập ra và bán, chênh lệch bình quân khoảng 4 triệu đồng/lượng
và trừ đi các chi phí thì ngân sách đã thu về trên dưới 4.000 tỷ đồng.
Đây là một con số không nhỏ và đã chứng minh việc NHNN càng bán càng thắng lớn.
Tuy nhiên, 43 tấn vàng mà NHNN nhập
vào cũng tương đương với gần 2,5 tỷ USD quy đổi đã bị hụt đi, vì NHNN
nhập vàng bằng tiền USD nhưng lại bán vàng ra và thu lại bằng tiền đồng.
Đặc biệt, mỗi lần tăng cung cho thị
trường thông qua các phiên đấu thầu, NHNN vẫn phải bỏ ngoại tệ ra để
nhập vàng về và chưa biết đến khi nào mới có thể mua vàng vào để chuyển
thành ngoại tệ.
Và một câu hỏi được đặt ra rằng, NHNN sẽ tiếp tục cung ứng ra thị trường bao nhiêu vàng nữa?
NHNN hiện có các công cụ trong tay,
nguồn lực dự trữ ngoại hối là đáng kể để có thể tiếp tục tham gia thị
trường vàng với yêu cầu có mặt của người mua bán cuối cùng. Nhưng, dự
trữ ngoại hối còn có nhiều cân đối khác phải đong đếm và lo toan.
Ngược lại, hoạt động đấu thầu vàng lại
cùng lúc trực tiếp hoặc gián tiếp mang nhiều mục tiêu (hoặc ý đồ tác
động), nên đòi hỏi cần có đủ liều lượng. Một mặt, nó tạo cung để giữ ổn
định thị trường vàng; mặt khác nó đang hút tiền đồng về sau khi đã cung
ra rất lớn để mua ngoại tệ trước đây trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng
thấp, đồng thời là yêu cầu thu hẹp chênh lệch giá để tránh những tác
động bất lợi đối với tỷ giá…
Và động thái giảm mạnh lượng vàng đấu
thầu trong phiên thứ 42 dường như đang thể hiện rõ những lo ngại và toan
tính của NHNN khi "bơm" một lượng vàng tiếp theo vào thị trường.
Theo Đất Việt