1. Chuyển tô cơm qua cửa sổ buồng, Thương bị Hoàng nhoài ra nắm chặt: "Mở cửa, mở xích cho anh!". Thương giàn giụa nước mắt: "Anh cố chịu. Được ba ngày rồi".

Gỡ vội tay chồng, Thương quay mặt bước nhanh như lẩn trốn, chỉ sợ chậm một chút, mủi lòng làm theo ý chồng. Là Công an viên thôn Vi Đồng, Thương cùng đồng nghiệp đã phát hiện nhiều vụ trộm cắp, ngăn chặn không ít vụ đánh nhau có nguy cơ gây án mạng. Nhưng, việc phát hiện chồng mình nghiện ma túy thì công phu lắm. Trong làng, cái lứa mười tám đến ba mươi, có mấy đứa nghiện. Hoàng tỉnh bơ không hề có chút biểu hiện gì. Không thuốc lá, thuốc lào. Không rượu bia cờ bạc. Chăm sóc vợ con chu đáo. Người ta nói, ma túy có sức quyến rũ lạ. Khi cơn nghiện lên không màng đến chuyện ái ân, chăn gối. Đằng này, Thương thấy chồng mình vẫn cuồng nhiệt, đắm say và đều đặn. Lần nào cũng rất "gấu"! Có lần vợ chồng âu yếm, Thương vờ hỏi: "Anh biết Ma Thị Túy là gì không?". Hoàng tỉnh rụi: "Chất độc trắng. Chết người!". Thương lại hỏi: "Thử chưa mà biết?". Hoàng dụi mặt vô hai bầu vú trần của vợ, nói át đi: "Đài báo nói thế. Thử dính liền!".

Và rồi, Thương giật mình: Gần đây, đồ đạc trong nhà cứ mất dần. Con chó gần chục cân hơi, loại chó dữ, xích cẩn thận bị mất. Chiếc xe đạp - của hồi môn mẹ cho khi về nhà chồng cũng mất. Lúa, gạo trong chum vại vơi dần. Bà Mai mắt toét - nhà đầu ngõ, bị mất trộm chó, cứ chổng mông, hướng mặt vô nhà Thương ra rả chửi. Ngoa ngoắt. Thương giận lắm, nghĩ: Hay do mình làm Công an thôn để xảy ra trộm cắp nên bị mắng vốn? Đêm ấy, Hoàng lên cơn sốt. Hai bàn tay buộc vải, lem nhem máu. Gặng hỏi mới biết bị chó cắn. Bà Mai mắt toét phát hiện chó nhà mình bị thui ở quán trên chợ, vì nhận ra cái đuôi chó bị cụt, lúc Hoàng đang ở gần đấy. Nhưng Hoàng bắt trộm chó làm gì? Thương chột dạ, nghi hoặc, chợt giật mình: Độ này chồng mình hay ngáp vặt. Da tay, da chân nổi lên, lông dựng, hay gãi. Con ruồi đậu trên mặt cũng không buồn xua. Lại thích ăn đồ ngọt: sôcôla, bích qui - những dấu hiệu của người nghiện ma túy.

Đêm khuya, Thương dựng chồng dậy: "Nói thật đi, dính vô ma túy từ bao giờ?". Hoàng chối đây đẩy: "Bậy!". Thương làm căng: "Đã vậy đi xét nghiệm!". Hoàng như bừng tỉnh: "Không!". Thương ứa nước mắt: "Sao lại đến nông nỗi này cơ chứ?". Hoàng chần chừ rồi thú nhận: "Bạn bè rủ rê. Cũng là thử cho biết". "Thế đã chích chưa?". "Mới hút, hít".

Ông giáo Hân - bố chồng Thương, buồn rầu: "Trộm ở ngay trong nhà. Cứ đà này, chổi cùn giẻ rách cũng không còn". Bà giáo khóc lóc: "Rửng mỡ!". Rồi quay sang Thương, làm mình làm mẩy: "Cô đối xử với chồng ra sao để đến nông nỗi ấy?". Ông giáo gắt: "Lỗi ở thằng Hoàng, sao lại giận cá chém thớt?".

Ông giáo Hân một đời dạy học. Những năm tiểu học, Thương là học trò của ông. Ông sống chỉn chu, mực thước, làng trên xóm dưới đều kính nể. Ông lại là trưởng tộc họ Lê Đình, một dòng họ lớn, nhiều đinh nhất làng, bao đời nay chả ai trộm cắp, hủ hóa. Tự dưng nảy nòi ra một thằng nghiện hút. Ông giáo khổ tâm lắm, sai Thương sắm một cái lễ đặt lên bàn thờ Tổ để ông tạ lỗi. Xong, quay sang Thương, gợi ý: "Con làm Công an, thầy là nhà giáo mà thằng Hoàng nghiện hút, thiên hạ sẽ cười chê. Hay gửi Hoàng vào với chú Út trong Tây Nguyên. Chú có mấy rẫy cà phê rộng, Hoàng sẽ làm với chú?". Thương băn khoăn: "Chuyển vào Nam sống, biết đâu trong đấy con nghiện còn nhiều hơn ở làng. Lại nữa, tụi nghiện hút như ma xó, tinh ranh lắm, nhoáng cái đã tìm đến nhau". Chú Út biết chuyện ủng hộ liền, nhưng thím giãy nảy: "Nhà có con nít. Định rước họa về à?". Thương nghĩ, tự mình phải lo cho mình thôi.

Minh họa: Lê Trí Dũng.

"Anh đi cai nghiện nhé?" - Thương động viên chồng. Hoàng xua tay: "Để anh tự cai". Thương hỏi: "Cai thế nào?". "Em cứ nhốt anh lại. Có cái xích chó đấy". Cái xích Hoàng mua để xích chó (giờ chó cũng bị Hoàng bán để mua ma túy), vứt chỏng chơ nơi xó hè. Đến lượt Thương ngỡ ngàng. Ông giáo Hân gật đầu: "Phải đấy, cứ xích chân nó lại". Thương băn khoăn: "Làng xóm biết họ cười cho". Ông giáo bảo: "Cười hở mười cái răng".

Thương gửi cu Ty đi mẫu giáo, không để con chứng kiến cảnh cha bị "giam cầm". Chiếc dây xích dài, liền kề với buồng là bếp, đủ để Hoàng đến nhà vệ sinh. Phải xích chân chồng, nhìn chồng vật vã vì đói thuốc, chân tay xây xát, nước dãi lem nhem, Thương đau xót lắm. Cô báo cáo vụ việc với Trưởng Công an xã: "Thưa anh, em làm Công an thôn, chồng nghiện ma túy, chẳng còn mặt mũi nào nhìn ai. Nghĩ buồn quá!". Trưởng Công an xã mới ngoài năm mươi tuổi, một người nhân hậu, có nhiều kinh nghiệm. Ông động viên: "Cậu Hoàng đã thấy được khuyết điểm. Việc tự cai tại nhà thế là tích cực. Đồng chí cứ yên tâm công tác".

2. Ngọc - em gái Thương - sắp lấy chồng. Chú rể cũng là giáo viên. Hoàng nói với vợ: "Ngày cưới, em để anh tiễn dì Ngọc về nhà chồng chứ?". Thương lắc đầu: "Anh đang cai nghiện". Hoàng tự ái, cáu: "Hay em ghen?". Thương bĩu môi: "Vớ vẩn!".

Bốn năm trước, Hoàng hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, để ý đến dì Ngọc, mười bảy tuổi, học lớp mười hai. Ngọc nhỏ nhắn, da trắng, môi đỏ, lưng ong - giống mẹ. Hoàng đã đôi lần trò chuyện với Ngọc, bối rối nắm tay Ngọc mấy lần, và chỉ suýt nữa hôn nàng. Sau này, Hoàng thú nhận, thấy dì Ngọc còn trẻ quá, để dì học hành tử tế có nghề nghiệp mà thoát ly, anh quyết định chuyển sang cô chị. Hoàng và Thương cùng tuổi "con gà cục tác lá chanh". Học hết phổ thông, Thương ở nhà tham gia công tác đoàn, rồi được chuyển sang làm Công an viên. Thương khỏe mạnh. Da nâu. Chắc lẳn. Dáng cao như cha. Má lúm đồng tiền, hút hồn bao chàng trai làng Vi Đồng. Nơi đây, quanh đi quẩn lại cũng chỉ ngần ấy con người. Trai gái lớn lên dựng vợ gả chồng, ít ai thoát ra khỏi làng. Đứa nom được một chút lại anh em họ hàng, không lấy nhau được. Thương nói: "Kể ra, anh làm em rể tôi thì tốt hơn. Nhưng đã thích làm chồng tôi thì phải xem cái đã". Hoàng thật thà: "Anh thích làm chồng em, chứ không thích làm em rể!". Thương bật cười, đe: "Đừng có mía ngon đánh cả cụm". "Không đâu, anh hứa!". Đám cưới thật vui. Vợ chồng sức dài, vai rộng, chịu khó làm ăn. Lương Công an viên của Thương, xã trả bằng lúa, mỗi tháng vài yến, sáu tháng nhận một lần. Hoàng luôn động viên vợ công tác. Còn mình mở lò nung gạch bán. Gạch tốt. Thầu thêm ruộng. Ruộng tốt. Có tiền vợ chồng sắm đồ đạc, mua cả dàn Karaoke, làm được nhà riêng trên mảnh vườn nhà từ đường họ Lê Đình. Thỉnh thoảng anh rể Hoàng còn cho dì Ngọc, đang là sinh viên, ít tiền tiêu vặt. Rồi gạch ế. Lúa mất mùa. Hoàng theo bạn lên thành phố làm thợ sắt.

Đám cưới dì Ngọc, Thương cởi xích cho chồng: "Nếu anh thực hiện đúng lời hứa thì không cần phải nhốt nữa". Hoàng gật gật.

Thương canh chồng riết. Hoàng ngồi chầu rìa bên hội "Tiến lên". Lâm mặt lưỡi cày, đít tóp - vốn là bạn học từ thời phổ thông - lơ láo ghé tai Hoàng: "Mừng người yêu cũ lấy chồng, ta đi uống rượu".

Trăng nhạt. Gió xào xạc trên những tàu chuối khô. Không thấy Hoàng, Thương vội đảo đi tìm. Đường làng nhấp nhóa ánh điện đỏ quạch. Vẫn không thấy. Trở về, qua đống rơm nhà mình, Thương giật mình: Hoàng đã phê thuốc, đang nằm, chân tay múa may, vật vã.

Thương như chết đứng: "Từ nay, không cần phải xích nữa. Ly thân!". Thương quyết liệt.

Xóm làng rộn lên dị nghị: Tay Hoàng nghiện nặng rồi! Thương đi tuyên truyền về tác hại của ma túy, có kẻ lườm nguýt: Ma túy à? Về dạy chồng đi rồi hãy khuyên bảo người khác. Cũng có người an ủi: Dào, con chủ tịch, cháu bí thư đảng ủy cũng nghiện hút đấy thôi. Đã có ai bị mất chức đâu. Mẹ Thương hoảng hốt: "Con bôi tro trát trấu vô mặt bố mẹ rồi".

Thương thưa với cha mẹ chồng: "Nhà con hứa cai nghiện mà không thực hiện được. Con thấy mình cần bày tỏ thái độ. Xin phép thầy mẹ, con về nhà bố mẹ đẻ một thời gian. Con nhờ thầy mẹ chăm sóc nhà con!". Ông giáo gật đầu liền: "Nếu phải làm gì để chồng con bỏ ma túy, thầy mẹ đều ủng hộ".

Một ngày. Hai ngày…

Đã quen hơi chồng, giờ vò võ một mình ôm con ngủ, thiếu cái mùi đàn ông của chồng, Thương thấy chống chếnh, hụt hẫng, cứ trăn trở. Thương nhớ quay quắt hơi ấm thân thể chồng những đêm mùa đông giá rét, cái hơi ấm có sức cuốn hút, quyến rũ kỳ lạ mỗi lúc xa nhau…

Hoàng cũng vậy. Bỗng dưng nhớ mùi da thịt vợ. Đêm nào, trước lúc ngủ, anh cũng úp mặt vào ngực vợ, hít hà, lắng nghe từng nhịp tim vỗ về giấc ngủ, rồi thiếp đi lúc nào không hay. Nhiều đêm Thương đi tuần tra về muộn, Hoàng vẫn chờ. Mùa lạnh thì đun nước nóng cho vợ tắm. Đôi khi, Thương lẩn thẩn tự hỏi: Cả hai vợ chồng đều quen mùi của nhau. Đấy là gì nhỉ? Rồi lại tự trả lời: Chính là tình yêu, là hương vị của hạnh phúc đấy thôi! Giờ vợ chồng xa nhau, cả hai đau khổ lắm…

Hoàng cứ thập thò ở cổng nhà mẹ vợ. Có lúc lại đứng từ xa dõi theo vợ con mà không dám đến gần. Thương mặc kệ, cố ý lờ đi. Đôi lúc cô giật thột, nghĩ dại: Nhỡ Hoàng quẫn trí làm điều bậy? Không khéo mất chồng như chơi. Lại hoang mang.

Ngày thứ ba. Cơm nước vừa xong. Chợt Hoàng xô mạnh cánh cổng lao vào, quỳ trước mặt Thương:

- Em tha thứ cho anh. Anh đồng ý đi cai nghiện... - Hoàng nói rồi quay sang bố mẹ vợ - Con xin lỗi thầy mẹ. Cho con được đón vợ con về.

Thương đỡ chồng dậy:

- Anh mới hút, hít, chứ nếu có chích một vài lần, chưa bị lây nhiễm vẫn cai được.

Hoàng lúng túng:

- Anh chỉ có một yêu cầu, em đừng hỏi anh mua hêrôin của ai. Anh không "bán đứng" bạn bè đâu!

Thương cười buồn:

- Anh không nói thì Công an cũng biết rồi.

Bữa nay, Thương không mặc trang phục Công an xã như mọi khi, mà lấy ra bần thần nâng niu cái màu xanh cỏ úa, bên tay trái áo gắn phù hiệu hình lá chắn có dòng chữ CÔNG AN XÃ thân thiết đã theo cô suốt mấy năm ròng. Thương nén nước mắt, vuốt ve rồi gấp lại xếp gọn vào túi nhựa cùng với mũ cứng, mũ mềm, giấy chứng nhận công an, lên trụ sở làm việc:

- Thưa anh - Cô báo cáo với Trưởng công an xã - chồng em nghiện ma túy, em thấy mình không hoàn thành nhiệm vụ... Em làm đơn xin nghỉ việc và xin gửi lại trang phục công an - Nói rồi, Thương đặt tờ đơn lên bàn.

Trưởng Công an xã cau mày:

- Đã ai kỷ luật đồng chí đâu mà nộp lại trang phục.

- Thưa… Em thấy mình không xứng đáng làm Công an nữa. Và em cũng không muốn mất chồng. Chồng em đi cai nghiện, em muốn tháng đầu mình luôn có mặt để giúp anh ấy.

Trưởng Công an xã gật đầu:

- Việc gia đình cán bộ đảng viên có người thân nghiện hút, mà tự giác đưa đi cai nghiện là tốt, làm gương cho quần chúng.

Ông dừng lại, nét mặt buồn hẳn. Với tay lấy cái điếu cày, ông vê mồi thuốc, định châm lửa, nghĩ sao lại thôi. Thương thấy chạnh lòng thương ông, biết mình đã làm khó cho ông. Ở xã này, một số cán bộ đảng viên có con em nghiện hút, Công an xã lập danh sách đưa đi Trung tâm cai nghiện đã gặp không ít trở ngại. Làng quê vốn yên bình đã nhuốm bụi mờ của phố xá thời mở cửa. Hàng quán mọc lên. Karaoke, gái mại dâm tìm về. Công an xã đã làm hết sức, nhưng bịt được chỗ này lại sùi ra chỗ kia. Rít xong điếu thuốc lào, nét mặt Trưởng Công an xã như giãn ra. Thương không biết rằng chính mình đã gợi cho ông một hướng giải quyết.

- Đồng chí cần thời gian theo chồng bao lâu? - Trưởng Công an xã nhìn xoáy vô mắt Thương, đột ngột hỏi.

- Dạ, một tháng.

- Đồng ý! Phép năm ngoái đồng chí chưa nghỉ, cộng với phép năm nay nữa đủ một tháng. Giờ tôi giao nhiệm vụ cho đồng chí đây - Trưởng Công an xã chủ động nói khiến Thương bối rối - Một, giúp chồng đoạn tuyệt ma túy. Hai, từ chuyện của chồng, tìm hiểu thêm, từ đó tham mưu cho Ban Công an xã, cấp ủy và chính quyền có phương án, kế hoạch đấu tranh với tệ nạn ma túy ở địa phương…

3. Ôtô lắc lư, xóc nảy ổ gà. Hoàng ngủ gà ngủ gật. Đêm qua, hai vợ chồng đều không ngủ. Tiếng chão chuộc ồm ộp nơi bờ ao, khắc khoải. Trời còn mờ sương, Thương đã dậy làm thịt gà, nấu cơm nếp. Phần gia đình ăn, phần để gói đem theo ăn đường. Túi xách, bị cói lỉnh kỉnh. Cậu con trai vẫn ngủ say. Vợ chồng nước mắt lã chã. Dùng dằng. Ông giáo động viên: "Các con yên tâm. Thầy mẹ sẽ lo cho cháu nội". Khi ngồi đón xe ôtô bên đường, Thương thấy mặt chồng buồn thiu lại chạnh lòng. Từ ngày cưới đến giờ, vợ chồng chưa bao giờ xa nhau quá ba ngày. Hoàng làm thợ sắt trên thành phố, khuya mấy cũng đạp xe về. Thương nghĩ, lần này Hoàng đi cai nghiện, không biết có kết quả không?

Chợt Thương giật thột: đưa chồng đi cai nghiện nơi rừng xanh núi đỏ, mình có nhẫn tâm quá không? Lại nghĩ đến quãng thời gian dài dằng dặc mà hốt hoảng. Thì ôtô đến. Thương không kịp nghĩ nữa, vội nắm tay chồng đẩy lên trước, chỉ sợ chần chừ lại không đi được, lại sai lời hứa với Trưởng Công an xã.

Trời đã ngả sang chiều. Họ đến được Trung tâm 05-06.

Giám đốc Trung tâm - một người đã sắp nghỉ hưu, ánh mắt nghiêm khắc, nhưng cái nhìn nhân hậu, gật đầu:

- Lần đầu tiên tôi thấy vợ đưa chồng đi cai nghiện. Chà, nếu người vợ nào chẳng may có chồng bị nghiện cũng như cô thì hay quá!

Thương thưa:

- Em muốn tìm việc làm quanh đây để kiếm thêm tiền chăm sóc chồng, cũng là để gần chồng.

Giám đốc băn khoăn:

- Việc phối hợp giữa gia đình và Trung tâm là cần thiết. Nhưng chồng đi cai nghiện mà vợ cứ đến thăm hỏi luôn chưa hẳn đã tốt.

- Sao ạ?

- Chăm bẵm, nuông chiều quá, không cai được.

Thương sụt sịt:

- Em không muốn chồng trốn trại. Gặt hái đã xong, đang lúc nông nhàn, em muốn gần chồng để động viên anh ấy.

Giám đốc gật đầu, giao hẹn:

- Mỗi tuần chỉ được gặp hai lần, mỗi lần một tiếng thôi đấy nhé!

- Dạ, được ạ!

Thương được một bà cụ nhà gần Trung tâm cho ở nhờ. Bà cụ tấm tắc:

- Cô còn trẻ, như người khác đã bỏ chồng rồi!

Thương thưa:

- Bà ơi, con nghĩ chồng người ta giết người, đầu trộm đuôi cướp, còn không bỏ. Anh nhà con mới chớm nghiện thôi!

Bà cụ gật đầu:

- Cô nói phải.

Kiểm tra sức khỏe. Bác sĩ bảo: May Hoàng chưa bị nhiễm HIV. Có người trước khi đến Trung tâm đã bị nhiễm HIV chuyển sang AIDS giai đoạn cuối. Chỉ còn chờ chết! Thương hoảng hồn. Hoàng được thực hiện chế độ cai nghiện. Hàng ngày, anh học tập, lao động. Hoàng đã là thợ sắt, đã biết làm gạch, Trung tâm cho anh học nghề mộc. Với Hoàng - một người khéo tay, những việc ấy không khó gì. Khó là mỗi lần lên cơn nghiện. Người rách tướp, xơ xác.

Giấu kín mình là Công an xã, Thương đi làm ruộng thuê, không nề hà. Nhiều bữa, tối nhọ mặt người mới về. Có chút tiền công, cô mua đường sữa bồi dưỡng cho chồng. Rồi quảy gánh đi mua, nhặt đồng nát. Cái cân nhỏ và những bao xác rắn cồng kềnh những đồ phế thải, đủ thứ tạp nham, bán lấy tiền. Không ít lần cô giật mình vì những ống kim tiêm của tụi nghiện hút vung vãi, hoặc găm, cắm vô gốc cây.

Trên đường đi mua đồng nát, cô gặp ông chủ nhà giàu nọ, đã già, hơn cả tuổi cha cô, nhưng khỏe mạnh, béo tốt lắm. Lão gọi Thương vô nhà, bảo: "Có nhiều thứ còn tốt tính bỏ đi, may quá em dọn giúp cho". Đúng thế thật. Thương mừng quýnh, cảm ơn rối rít. Lão dẫn Thương đi từ nhà bếp đến lầu trên, chỉ cái nọ, cái kia. Thương nói, còn tốt mà, ông để đấy, kẻo bà nhà tiếc của. Lão bảo, cho em tuốt. Chưa chi đã có cả một đống đồ. Lão gật đầu hóm hỉnh: "Em rửa mặt mũi chân tay cho mát, kẻo mồ hôi mồ kê nhễ nhại, xấu gái lắm". Thương cười vui. Đâu hay, cô đang lúi húi rửa mặt, chợt giật thột, lão đã đặt "của quý" vào mông Thương. Thương quay phắt, thoáng chút hốt hoảng, rồi theo phản xạ, cô vung tay định đấm thẳng vô mặt đối phương, nhưng kịp dừng được. Lão gạ gẫm: "Anh nguyên là giám đốc, nhiều tiền…". Vừa lắp bắp, lão vừa sấn tới. Mặt Thương đanh lại: "Tôi không làm đĩ để kiếm tiền". Lão cười gằn: "Tiên sư con đồng nát. Béo bở phi-la-tốp lắm đấy". Thương nắm chặt cổ áo lão dúi vô tường: "Đồng nát à? Hừ! Ông đáng tuổi cha tôi, tôi tha…Nhưng đừng nghĩ ve chai, đồng nát mà coi thường". Trên chiếc gương đối diện, phản chiếu khuôn mặt lão tái nhợt, méo mó. Buông tay khỏi cổ áo lão, Thương vứt hết đồ của lão lại.

Mới ngày nào xuống đồng cấy, cây mạ còn lơ thơ, nay đây đó lúa đã lên xanh. Một tháng đã hết. Ngày mai, Thương về quê. Bác sĩ bảo, Hoàng tiến bộ nhiều, cô yên tâm.

Giám đốc Trung tâm cho phép Hoàng được ra chơi với vợ một tối.

Họ ra một cánh bãi bên bờ sông. Ánh trăng lênh láng. Khuôn mặt Thương rờ rỡ. Trời đất, thiên nhiên dịu dàng, Thương thấy tâm hồn thật thư thái. Mùi hương ngô dọc triền bãi nồng nàn. Và, cái mùi chồng vợ lại rộn lên, xôn xao. Từ khi Hoàng nghiện nặng, vợ chồng ít gần gũi nhau. Thương cũng không còn hào hứng. Cũng có một đôi lần Hoàng đòi hỏi, Thương giận, nói, cai nghiện xong thì "cho". Lại sợ ma túy nhiễm vào máu, nhỡ "vỡ kế hoạch". Hoàng dỗi: "Hay em đã thay lòng đổi dạ?". Thương lạnh nhạt: "Tôi không được khỏe". Nhưng đêm nay, trước giờ phút chia tay, tình cảm vợ chồng sâu nặng. Hoàng cuống quýt úp mặt mình vào ngực vợ: Em ơi, con trai mình đã lớn, anh muốn vợ chồng mình có nếp, có tẻ…

Những giọt nước mắt lăn dài trên má Thương. Cô hiểu, việc học tập và cai nghiện có hy vọng tốt.

Đêm nồng nàn. Đêm đắm say. Sâu thẳm. Và cỏ thì rất mềm. Thương lặng lẽ rúc đầu vào nách chồng, dụi dụi, cảm thấy bình yên.

4. Mới đấy đã cuối đông. Cái lạnh từ phương Bắc tràn về. Bữa nay, Hoàng được ra trại. Nom anh đã có một diện mạo khác. Tóc húi cua. Khỏe mạnh, rắn rỏi. Bước đi tự tin. Có thêm vốn liếng nghề mộc lận lưng, mấy tay thợ cùng ra trại lần này đã hẹn với nhau thành một cánh thợ đi kiếm cơm thiên hạ.

Hoàng ra đến đường cũng là lúc các ông chủ tịch, bí thư đảng ủy xã đưa con cháu lên cai nghiện. Cuộc gặp mặt thật bất ngờ. Sau này, Hoàng mới hiểu, chính việc Thương đưa mình đi cai nghiện đã có tác động lớn dẫn đến việc này.

Ông giáo Hân và dì Ngọc lên đón Hoàng. Hoàng nhớn nhác nhìn nhưng không thấy vợ. Nghe nói Thương đã có thai. Anh nhẩm tính, nếu đúng vậy con mình đã được năm tháng? Mấy bữa nay, Hoàng cứ cố hình dung cái bụng bầu của vợ, cái dáng vợ đi, chỉ mong được về nhà ngay, úp mặt vào bụng vợ, kêu lên: "Con ơi!".

Ông giáo Hân giục mọi người lên xe. Ông bảo, Thương vẫn làm Công an viên. Phúc tổ bảy mươi đời họ Lê Đình nhà mình vẫn còn lớn lắm, có được cô con dâu thơm thảo. Thương cũng đã trả bà Mai tiền con chó cụt đuôi. Thực ra, thủ phạm là Lâm. Bí tiền mấy tép hêrôin, Hoàng chỉ hỗ trợ Lâm để thanh toán cho xong nợ. Hoàng mới lấy của nhà mình đi bán, chưa trộm cắp của ai. Còn Lâm nổi tiếng cờ gian bạc lận, ngược ngạo, ăn cắp vặt. Lâm cùng đi làm thợ sắt với Hoàng trên thành phố, nửa chừng bỏ. Nghĩ đến Lâm, từ hút, hít đến chích, Hoàng chợt rùng mình. Cạch đến già.

Chiều hanh hao. Hun hút gió. Làng quê sau vụ khoai đông, chuẩn bị bước xuống đồng cấy. Họ xuống xe ôtô khách, đi bộ rẽ về làng. Một chiếc sít-đờ-ca chạy ngược chiều, thấy rõ mấy anh Công an và Lâm "mặt lưỡi cày", tay bị còng. "Có chuyện gì vậy?" - Hoàng chột dạ. "Thì buôn bán hêrôin bị bắt chứ sao" - Dì Ngọc đáo để.

Cửa mở. Bước chân Hoàng líu ríu. Cu Ty nhìn Hoàng ngơ ngác như lạ như quen, chợt ngọng líu ngọng lô, nhảy cẫng lên: "Bố! Bố Ho…oàng!".

Hoàng sững sờ, ôm con vào lòng. Trên chiếc giường nhỏ, nơi Hoàng tự xích mình ngày trước, Thương đang nằm, gầy guộc trong tấm chăn mỏng. Mái tóc đen dày và dài ngày nào nay rụng đi nhiều. Cái lúm đồng tiền cũng biến mất. Bà giáo nói như phân bua: "Vợ con giẫm phải kim tiêm của tụi nghiện hút".

Thương mang thai đến tháng thứ tư, siêu âm con gái, mừng lắm. Cô định báo với chồng, lại nghĩ để đem niềm vui bất ngờ cho anh. Bữa ấy, dọn dẹp đống rơm, không may Thương dẫm phải một cái kim tiêm. Đêm. Vết thương sưng tấy. Cô lên cơn sốt, người nóng như lò than. Co giật. Ác mộng. Gia đình vội đưa lên bệnh xá rồi bệnh viện. Thương bị nhiễm trùng nặng, biến chứng. Cứu được mẹ, nhưng đứa bé không giữ được. Cả nhà đã giấu Hoàng, để anh yên tâm cai nghiện.

Hoàng ngồi sụp xuống, nắm bàn tay vợ, nước mắt lã chã. Thương cũng ứa nước mắt, như hờn như tủi. Hoàng chợt nhớ, bữa đám cưới dì Ngọc, sau khi uống rượu với Lâm, đấy là lần duy nhất mình chích. Xong, quẳng luôn kim vào chân đống rơm…

Hoàng lẳng lặng đứng dậy bước ra ngoài. Bên bờ ao vườn nhà, gà mẹ cùng đàn con đang bới đất tìm mồi. Dưới kia, mấy cánh hoa bèo tim tím nở xòe trên mặt nước. Sao mình lại để xảy ra nông nỗi này? Câu hỏi xoáy vào tim Hoàng. Không, dù có thế nào chăng nữa, mình cũng sẽ không quay lại con đường lầm lỗi vừa qua.

Ngồi lặng một lát, Hoàng trở lại căn buồng Thương đang nằm, nắm chặt bàn tay vợ. Nhìn ánh mắt chồng, Thương hiểu điều Hoàng muốn nói. Thương định nhắc nhở chồng thêm một câu, nhưng rồi lại lặng im, chỉ nắm thật chặt bàn tay chồng.

Một cơn gió nhẹ bất chợt ùa vào nhà, xôn xao mùi hương ổi, hương chanh.

Truyện ngắn của Bạch Lê Vân Nguyên
VNCA