Việc ngày càng nhiều người nổi tiếng xuất hiện trong tình trạng say xỉn trên livestream và các chương trình trực tuyến đang làm dấy lên lo ngại về việc bình thường hóa và tô vẽ hình ảnh uống rượu, đặc biệt trong các nội dung dễ dàng tiếp cận với trẻ vị thành niên.

Các chuyên gia cảnh báo những quy định hiện hành thiếu tính ràng buộc và không được thực thi nghiêm túc, tạo điều kiện cho việc truyền tải hình ảnh uống rượu một cách vô trách nhiệm.

“Xin lỗi tất cả mọi người vì những lời nói bất cẩn và hành vi thiếu chín chắn của tôi trong buổi livestream trên mạng xã hội vào thứ Bảy vừa qua. Tôi sẽ xem đây là cơ hội để nhìn lại bản thân và cố gắng thể hiện hình ảnh trưởng thành hơn, luôn ý thức được sức nặng của từng lời nói và hành động" - ca sĩ BoA viết trên nền tảng cộng đồng người hâm mộ Weverse.

Nghệ sĩ uống rượu, say bí tỉ trên show ảnh 1
BoA (áo sọc đỏ) bên cạnh Jun Hyun Moo trong show uống rượu.

BoA gây tranh cãi vì lời lẽ khi uống rượu trên sóng trực tiếp

Trước đó, BoA xuất hiện trong buổi phát sóng trực tiếp cùng nghệ sĩ Jun Hyun Moo, cả hai cùng uống rượu và trò chuyện. Trong lúc livestream, một khán giả đặt câu hỏi về tin đồn hẹn hò giữa Hyun Moo và danh hài Park Na Rae, BoA đáp: “Tôi nghĩ họ không hẹn hò đâu. Anh tốt hơn cô ấy nhiều”. Một bộ phận cư dân mạng cho rằng đây là phát ngôn thiếu tôn trọng đối với Park Na Rae.

“Tôi đã trực tiếp xin lỗi Park Na Rae vì những lời nói không phù hợp khi cô ấy không có mặt. Tôi biết ơn vì sự bao dung của cô ấy” - BoA chia sẻ.

Rượu tràn ngập các kênh YouTube

Các nền tảng trực tuyến, đặc biệt là YouTube, đang chứng kiến sự bùng nổ của nội dung liên quan đến rượu. Những chương trình nổi bật có thể kể đến như Zzanbro của danh hài Shin Dong Yeob hay Nothing Prepared của rapper Lee Young Ji. Các video có sự tham gia của các thần tượng nổi tiếng như Jisoo (BlackPink), Ahn Yu Jin (IVE) và Suga (BTS) thu hút hàng triệu lượt xem.

Loại nội dung này thường mô tả việc uống rượu một cách hào nhoáng, khuyến khích những thói quen không lành mạnh như uống liên tục, pha trộn nhiều loại rượu hay cổ vũ người khác cùng uống. Trong tập phát sóng ngày 10/3 của Zzanbro, khách mời nói rượu “như loại thuốc bổ” và “tốt cho lưu thông máu” trước khi cùng cụng ly và uống cạn.

Nghệ sĩ uống rượu, say bí tỉ trên show ảnh 2
Một cảnh show Not Much Prepared của Lee Young Ji, có sự góp mặt của Jisoo (bên trái) với tư cách là khách mời.

Theo Korea Joongang Daily, Viện Xúc tiến Sức khỏe Hàn Quốc cho biết tỷ lệ các cảnh uống rượu mang tính tô vẽ trong 100 video về rượu được xem nhiều nhất trên YouTube đã tăng từ 27,8% năm 2021 lên đến 78% vào năm 2023.

Thói quen tiêu thụ nội dung của khán giả cũng đã thay đổi, đa dạng hơn, khiến họ tiếp xúc với hình ảnh uống rượu ở nhiều hình thức khác nhau. Từ năm 2021 đến 2023, các phim truyền hình và chương trình thực tế ăn khách trên truyền hình Hàn Quốc trung bình có 1,1 cảnh uống rượu mỗi tập. Trong khi đó, con số này trên các nền tảng phát trực tuyến tăng vọt lên 3,7 cảnh mỗi tập.

Một khảo sát cho thấy khoảng 10% học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông chia sẻ rằng họ có cảm giác muốn thử rượu sau khi xem các nhân vật trong phim hay show truyền hình uống rượu.

Khi rượu trở nên quá quyền lực

Mặc dù YouTube có chính sách gỡ bỏ những nội dung gây hại cho trẻ vị thành niên như cảnh uống rượu quá mức hoặc bạo lực, TikTok cũng áp dụng giới hạn độ tuổi khi người lớn đăng tải nội dung liên quan đến uống rượu, thực tế vẫn có nhiều video uống rượu nổi tiếng không bị hạn chế.

Trước thực trạng này, Bộ Y tế và Phúc lợi cùng Viện Xúc tiến Sức khỏe Hàn Quốc đã tiến hành sửa đổi hướng dẫn liên quan đến nội dung rượu trên truyền thông vào năm 2023, lần đầu tiên sau sáu năm. Các quy định mới khuyến nghị hạn chế tối đa khả năng tiếp cận của trẻ em và thanh thiếu niên đối với loại nội dung này, đồng thời yêu cầu chèn cảnh báo về nguy cơ của việc lạm dụng rượu. Tuy nhiên, những hướng dẫn này không mang tính bắt buộc.

Nghệ sĩ uống rượu, say bí tỉ trên show ảnh 3
Nội dung chương trình trò chuyện liên quan đến việc uống rượu đã trở thành xu hướng mới trong các chương trình tạp kỹ tại Hàn Quốc 2 năm trở lại đây.

Các chuyên gia cho rằng những biện pháp trên vẫn còn quá lỏng lẻo.

“Việc người nổi tiếng uống rượu một cách gần gũi và thoải mái có sức ảnh hưởng lớn hơn cả quảng cáo truyền thống. Các nền tảng cần tăng cường cơ chế tự kiểm soát, và các chương trình phòng ngừa do chính phủ dẫn dắt cần được triển khai song song” - bác sĩ Lee Hae Kook, chuyên gia về cai nghiện tại Bệnh viện Thánh Mary Uijeongbu thuộc Đại học Công giáo Hàn Quốc nhận định với Korea Joongang Daily.

“Với việc ai cũng có thể xem mọi loại nội dung, từ phát sóng truyền hình đến các buổi livestream cá nhân chỉ qua chiếc smartphone, tiêu chuẩn đạo đức đối với nội dung truyền thông đang suy giảm. Chúng ta cần giáo dục truyền thông mạnh mẽ hơn để bảo vệ giới trẻ khỏi sự phơi nhiễm không kiểm soát với nội dung liên quan đến rượu” - giáo sư truyền thông Yu Hyun Jae tại Đại học Sogang nhận xét.

Theo Tiền Phong