Vy ngồi đây đã hai giờ đồng hồ. Nghe văng vẳng bốn năm lần hờ khóc của thân nhân người chết. Đến lần thứ sáu thì không còn sợ nữa. Toàn thân rơi vào trạng thái không trọng lượng. Hình như cô lơ mơ buồn ngủ.

Đã hai ngày nay Vy không chợp mắt. Kể từ lúc được báo tin Nhân đột quỵ. Giờ họp giao ban sáng không thấy anh. Vợ anh lên phòng tìm. Phát hiện chồng trần truồng nằm còng queo trên sàn, mặt bê bết máu. Nhà vệ sinh còn ngổn ngang quần áo. Nước tiểu trong bồn cầu chưa kịp giật. Có thể, anh đã nằm lạnh lẽo ở đấy cả tối. Bác sĩ lắc đầu không bình luận.

Không hiểu sao, tin dữ thế mà Vy không sụp. Cảm giác chênh vênh nửa mừng nửa lo. Nếu như tối qua Vy nghe lời anh vào khách sạn thì anh đã không phải một mình về phòng làm việc. Nhưng nếu như việc đột quỵ xảy ra trong khách sạn thì Vy sẽ xử lý thế nào? Nghĩ đến đó thấy rùng mình như có khí lạnh chạy qua gáy.

Nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu. Hai mắt tụ máu sưng như hai cái kính bơi úp trên mặt. Bác sĩ nói, hy vọng hồi phục hoàn toàn gần như rất khó khăn. Vợ Nhân nghẹn ngào: XIn hãy dùng tất cả các loại thuốc đắt nhất cho chồng tôi!

Cơ quan thường xuyên có hai nhân viên túc trực ở bệnh viện theo dõi tình trạng của sếp. Cộng thêm ba người nhà của Nhân, giường bệnh lúc nào cũng thiếu dưỡng khí. Vợ Nhân sát cánh bên chồng không dám cả về nhà lấy quần áo. Đến giờ thăm, Vy vào thấy bộ đồ mới của chị còn nguyên mác. Mấy nhân viên nữ xì xào: Sếp nhất, vợ yêu đến thế là cùng. Cô khác bũi môi: Không ở đấy thì biết giao cho ai thu phong bì?

Vy chỉ dám đến viện mấy ngày đầu, khi Nhân còn nằm trên phòng cấp cứu. Sang tuần thư hai, gia đình xin ra phòng riêng, rộng 10m2, cô không dám bén mảng, sợ bị nghi.

Nhân nằm thiêm thiếp trên băng ca. Mấy cậu sinh viên thực tập vào vê vê đầu vú mãi mà anh không nhúc nhích, chúng lắc đầu bàn tán: Dễ liệt đây!

Vy rất muốn nắm chặt lấy tay anh. Muốn truyền cho anh hơi ấm và tình cảm của cô. Nhưng không có lúc nào đủ riêng tư để làm điều đó. Trong phòng cấp cứu, Nhân là bệnh nhân Vip, được hưởng sự chăm sóc đặc biệt của rất nhiều người.

Cạnh giường của Nhân là một cụ bà rất gầy. Anh trai chăm mẹ cứ chép miệng: Người ta béo quá mới huyết áp cao đột quỵ, cụ gầy nhẳng nheo mà cũng ngất, chả hiểu làm sao. Cụ tỉnh táo, biết hết, mọi chuyện nhưng méo mồm, không nói được và toàn thân bị liệt. Bác sĩ nhắc anh con trai mấy lần: Mua các đệm nước cho cụ không nằm lâu dễ bị mảng mục. Anh con trai năm lần bảy lượt ầm ừ khất.

Lúc ra ngoài hành lang đi mua nước, Vy thấy anh ngần ngừ đếm từng xấp tiền lẻ hỏi mua mấy cái bánh mỳ cuối ngày bán giá thanh lý. Hôm sau, cô nhờ bác xe ôm ở cổng viện bê vào cái đệm nước Mimosa, nói là có người quen gửi anh. Bàn tay đen đúa ôm khư khư cái đệm ngượng nghịu giơ lên quẹt nước mắt. Ở ngoài nhìn vào, Vy cũng thấy rưng rưng. Giá như Vy có thể có ích với Nhân!

Hai tuần, Nhân vẫn không có dấu hiệu hồi tỉnh. Đám nhân viên nói lại: Bác sĩ bảo, gia đình phải chuẩn bị tinh thần chờ tin xấu nhất. Phó của Nhân khấp khởi mừng, đi qua Vy liếc lem lém. Vy xuống sắc hẳn, cả ngày chả làm gì ra hồn. Bố mẹ tưởng cô ốm, cuống lên bắt uống cả vốc vitamin tổng hợp. Mẹ bảo: Hàng Mỹ xịn đấy, không bổ nọ cũng bổ kia! Vy nhắm mắt nuốt mà vẫn nghẹn tắc ở họng. Nếu Nhân không tỉnh lại thì bổ để làm gì?

Vy phải về quê Nhân để lấy thêm giấy tờ. Đúng vào ngày chị em họ của anh làm lễ giải hạn. Canh cúng to nhất làng. Giày, mã, tiền vàng để chật kín cả sân đình. Thầy cúng tên Chộp, nghe đâu là bộ đội tuột xích, sau trận ốm đột nhiên có biệt tài "thông thiên văn". Vy cũng vào quỳ, thành tâm cầu cho anh mau tỉnh. Trước, Vy đi chùa Hà, làm sớ xin cho anh bình phục hoàn toàn. Giờ giảm xuống chỉ còn mong tỉnh dậy thôi.

Thánh sống khôn chết thiêng, thánh từ bi hỷ xả, thánh thương thằng Nhân thì ít, thánh thương chúng con thì nhiều. Thánh phù hộ độ trì cho thằng Nhân sớm khỏe lại, cho nó đi làm bình thường. Cái thuyền ấy bây giờ mà chìm chúng con chỉ có nước chết theo...

Vy không nén được tiếng cười, nhìn sang bên cạnh. Một người đàn ông lác mắt, mặc quần áo bộ đội đang khấn vái rất thành kính. Phía sau ông ta, có năm bẩy bóng người cũng đang dập đầu vái như bổ củi. Cô cháu Nhân làm cùng chỗ Vy giải thích: Đấy đều là họ hàng có con đang học đại học. Chỉ nhằm khi ra trường là gửi gắm cho Nhân xin việc. Nhân mà không đi làm được nữa thì họ không biết đào đâu mấy chục triệu để lo công chức cho con.

Hai ngày sau, Nhân tỉnh thật. Cả họ nức lòng phục tài thầy Chộp. Người nhà của Nhân trên viện còn kháo nhau: Giáo sư, tiến sĩ chạy chữa mãi mà chả bằng ông "giáo sư Chộp" ra tay một lần.

Vy không thể giữ được khi nghe tin Nhân tỉnh. Cô lao vào viện ngay, bất chấp mối nguy hiểm bị phát hiện. Ba tuần không gặp, tay chân Nhân teo lại như người suy dinh dưỡng. Mắt đã mờ nhưng ánh nhìn vẫn lờ đờ. May lúc ấy vợ Nhân chạy ra ngoài, nếu không những giọt nước mắt của Vy sẽ không thể giúp cô che giấu thêm được nữa.

Vy gặp riêng bác sĩ trưởng khoa. Ông bảo: Không ngờ sức sống của Nhân lại mãnh liệt như vậy. Bây giờ, khả năng hồi phục chỉ còn trông cậy hoàn toàn vào sự chăm sóc của người nhà.

Vy bước thấp bước cao ra khỏi viện, người lơ lửng đến suýt bị taxi tông mấy lần. Về nhà, cô ngủ đến sáng. Không mộng mị.

Phó của Nhân thay đổi thái độ nhanh cũng như khi nghe tin canh khó hồi phục. Gặp Vy yêu cầu cô đi khảo sát thị trường vùng biển để xúc tiến nốt dự án Nhân đang làm dở. Cuối buổi còn ngậm ngùi cố gắng chân tình bảo Vy: Em tránh đi một thời gian cũng tốt!

Vy xách vali về đúng khách sạn mà cô và Nhân đã ở lần trước. Đêm đầu tiên, nhớ mùi của Nhân điên cuồng. Lẩm nhẩm thuoojc cả bài thoại tiếng Ý mà vẫn không ngủ được. Giờ này, ở viện Nhân thế nào rồi? Đã có lúc nào nhớ đến Vy?

4 giờ sáng, chợ cá gần bãi tắm đã lao xao. Vy chân trần đi trên cát xông vào tận nơi để xem. Từng thuyền cập bến san sát. Mỗi thuyền có đến cả tạ cá ngừ. Đám phụ nữ cầm cái rổ con con đi từng thuyền xin lộc. Mỗi người cho được năm bảy con, cộng cả lại họ cũng được một mớ. Bán cho khách du lịch cứ mười lăm nghìn một chục, cá tươi nguyên, mắt còn xanh biếc.

Vy đứng lơ ngơ một lúc thì có người túm áo chỉ chỉ vào túi và nói gì cô không hiểu. Hỏi lại mấy lần, Vy bị chửi ngay.

Chợ họp đến khoảng 6 giờ thì tan. Ở một góc Vy vẫn thấy người ta làm cá nóc. Người địa phương giải thích, cá ấy đem phơi khô trà trộn vào cá thường bán không ai biết. Có một vài hàng quà sáng bày ra ngay bãi cát, bán cho người đi chợ. Nhiều nhất là hàng chè xanh. Ai về vung vẩy một túm lá năm trăm, một nghìn.

Những ngày đầu ở biển, Vy tưởng mình sẽ chết chìm trong nỗi nhớ Nhân. Cô viết không biết bao nhiêu lần lên cát: "Em nhớ anh, trời ơi, em nhớ anh!". Vy lấy cả cành phi lao để đánh dấu những chỗ cô đã viết. Nhưng sáng ra thì chẳng còn vết tích gì. Sóng đã xóa đi tất cả.

Vy soạn hàng trăm tin nhắn cho Nhân nhưng không dám gửi đi cái nào. Vy bất lực vì cái lúc mà anh cần cô nhất thì cô lại không có tư cách để ở bên anh. Vy cứ chờ, khi Nhân khá hơn, có thể Nhân sẽ gọi điện cho cô. Có thể, Nhân chỉ cần nhắn một cái tin "như được lập trình" - Vy hay nhận xét thế mỗi lúc Nhân nhắn:"a y e". Ngay cả khi ngủ Vy cũng để điện thoại kè kè bên mình. Nhưng Nhân vẫn bặt vô âm tín. Nhân có biết là Vy lo lắng cho Nhân như thế nào không?

Vy mang theo năm quyển sách về tình yêu. Vy cứ lẩn thẩn nghĩ, sau này, khi Nhân đỡ hơn, có thể Nhân nghe những câu chuyện cảm động mà cô đã đọc. Vy thậm chí quyê bẵng mất vợ của Nhân trong sự sắp xếp tương lai đầy chủ quan.

Một ngày của Vy trôi qua trong tuần tự nhớ thương, hờn giận, tủi thân rồi lại thương thương nhớ nhớ. Vy nghĩ đến lời khuyên của bạn: Nhân lúc này chấm dứt đi thôi. mày cống hiến ba năm tuổi xuân cho lão ấy rồi. Nghe lời tao, lần sau đừng dính vào các U50, hãm lắm. Tuổi ấy là bắt đầu bệnh tật đầy mình. Ở cạnh mà cứ nơm nớp lo tăng-xông, tổn thọ.

Có khi, nếu Vy chủ động chấm dứt Nhân lại nhẹ lòng cũng nên. Nghĩ thế nước mắt lại làm cay sống mũi. Nhiều lúc, chán cảnh cặp kè dấm dúi Vy cũng thôi. Nhưng chả biết bắt đầu từ đâu. Có lúc, an phận tặc lưỡi hay có với Nhân một đứa con. Đằng nào cũng dang dở dở dang

Vy thấy tình cảnh của mình chẳng khác đám cá ngừ mắc cạn. Chỉ còn biết giương mắt lên mà tự hỏi: Sao lại ra nông nỗi này?

Giá như có ai đó chỉ cho Vy một lối về...

Cửa Nhượng 5-2009

Theo Nguyễn Thị Thư