Bố Quốc Tuấn: "Bôm biết chấp nhận tất cả và đồng hành với mọi cái một cách thoải mái, điều đó truyền nghị lực cho tôi"

Bôm, khác xa với tưởng tượng của chúng tôi - là một cậu chàng khoẻ mạnh, hóm hỉnh và vui vẻ nhất trên đời. Cả một chặng đường dài, cả hai bố con cứ kiên cường dìu nhau đi. Từng chút một, Bôm khá dần lên.

Bôm, khác xa với tưởng tượng của chúng tôi - là một cậu chàng khoẻ mạnh, hóm hỉnh và vui vẻ nhất trên đời. Cả một chặng đường dài, cả hai bố con cứ kiên cường dìu nhau đi. Từng chút một, Bôm khá dần lên.



Bố Quốc Tuấn: Bôm biết chấp nhận tất cả và đồng hành với mọi cái một cách thoải mái, điều đó truyền nghị lực cho tôi - Ảnh 2.

Ở đầu bài viết, tôi muốn nói: Đây sẽ là những câu chuyện vui.

Tôi đã nghĩ về một cái gì đấy tủi tủi, một câu chuyện nhiều nước mắt và những lời tâm sự nặng nề khi tìm đến căn hộ của anh Quốc Tuấn và Bôm trong một chiều đông. Nhưng rồi, tôi sớm nhận ra rằng, chẳng có một câu chuyện buồn nào ở trong căn nhà ấm áp này. Mà chỉ có những câu chuyện đẹp đẽ về tình yêu thương, về sự mạnh mẽ, và về trái tim bao la của một người cha cứ nhất định nhận rằng mình “bình thường thôi, vì người cha nào nếu ở hoàn cảnh của anh, cũng làm như vậy".

Trong căn phòng ngủ rộng chừng 20m2, anh Tuấn hào hứng khoe chúng tôi dàn loa mà anh cất công sưu tầm. Say sưa kể về những thiết bị, anh còn tỉ mẩn tìm một bài hát thật hay mà anh vô cùng tâm đắc: Why Worry của Dire Straits. “Đấy, nghe thấy gì không, tiếng guitar ở đoạn này hay tuyệt. Anh thích bài này nhất đấy". Anh kể. Và chỉ trong một tích tắc, dù căn phòng đông đúc có đến 4 người lớn đang ngồi trên chiếc giường nhỏ, anh như thể chìm vào một không gian riêng tư với bài hát và tiếng guitar. Khi tiếng hát cất lên trong phòng, trái tim tôi nhói lên khi nghe thấy những lời ca tuyệt đẹp.


Bố Quốc Tuấn: Bôm biết chấp nhận tất cả và đồng hành với mọi cái một cách thoải mái, điều đó truyền nghị lực cho tôi - Ảnh 3.

Phím đàn của Bôm

Bôm, khác xa với tưởng tượng của chúng tôi - là một cậu chàng khoẻ mạnh, hóm hỉnh và vui vẻ nhất trên đời. Bôm chào thật to và phấn khích khi nhà có khách, cứ đi ra đi vào ngồi nghe bố nói chuyện. Thỉnh thoảng ngồi xuống bên cạnh, giả vờ đọc quyển kịch bản của bố nhưng tai vẫn dỏng lên, và vênh mặt cười tự tin mỗi khi nghe thấy bố khen mình một cái gì đấy với các cô chú.

Trước khi đến gặp Bôm, chúng tôi được biết Bôm yêu âm nhạc, cả thế giới chỉ có nhạc thôi. Bố Tuấn kể, Bôm đi đâu cũng nghe nhạc, có đủ loại từ iPod, iPad, máy nghe nhạc, gì gì cũng có… và ban nhạc Bôm thần tượng nhất là Modern Talking. Mất 2 ngày để cả đám chạy đôn chạy đáo chuẩn bị 2 chiếc áo trắng in hình ban nhạc trứ danh và hồi hộp đặt vào một chiếc túi giấy, như một món quà làm quen với Bôm.

Và Bôm thích món quà đó! Ngay khi vừa mở hộp, Bôm nhảy cẫng lên khi thấy hai chiếc áo Modern Talking, cậu chàng sung sướng cầm món quà chạy khắp nhà, vừa chạy vừa hò reo hết sức phấn khích, và liên tục kéo tay bố Tuấn để khoe hai chiếc áo mới với một giọng hân hoan.

“Con mặc áo vào thử đi" - Anh Tuấn dịu dàng nói.

“Con mặc nhé? Con thử luôn nhé? Mặc luôn!” - Bôm đứng ngồi không yên với cái đề xuất  đó của bố Tuấn.

Và thế là nhanh như chớp, cậu chàng vào phòng và thử ngay chiếc áo vào. Rồi thích thú chạy ra, xoay vòng vòng khoe mọi người. Trong lúc ấy, tay vẫn cầm chiếc áo còn lại, chỉ chỉ vào hình Modern Talking in trước áo để khoe bố Tuấn.

Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một niềm vui trong sáng và hào hứng, hồn nhiên của một thiếu niên khi nhận quà đến thế! Tình cảm ấy làm tất cả chúng tôi chuyển từ bất ngờ sang hạnh phúc lây. Tiếng cười của Bôm khi ấy cứ như một thứ virus vui vẻ, làm không khí cả căn phòng trở nên thật ấm áp. Và câu chuyện của chúng tôi cứ thế bắt đầu…

Bố Quốc Tuấn: Bôm biết chấp nhận tất cả và đồng hành với mọi cái một cách thoải mái, điều đó truyền nghị lực cho tôi - Ảnh 5.

Mới ngày hôm trước, cả Bôm và anh Tuấn đều không có ở Hà Nội. Hai cha con lên Lạng Sơn cùng nhóm bạn của anh Tuấn và có một buổi đàn hát đến tận 12h đêm, một buổi mà anh Tuấn tấm tắc kể lại: “Thấm đẫm âm nhạc! Cả thầy giáo và Bôm đều chơi đàn, và phiêu rất ngẫu hứng luôn!”.

Cả thế giới của Bôm là âm nhạc. Ngoài giờ học ở trường, anh Tuấn kể: “Nó có thể đàn bất kể ngày đêm. Có hôm anh về muộn, đã 11h giờ đêm mà cửa thang máy vừa mở ra, vẫn nghe rõ mồn một tiếng nó chơi đàn trong nhà".

Bố Quốc Tuấn: Bôm biết chấp nhận tất cả và đồng hành với mọi cái một cách thoải mái, điều đó truyền nghị lực cho tôi - Ảnh 6.

Ngay từ khi còn bé, Bôm đã thể hiện sự yêu thích đặc biệt đến những phím đàn. Anh Tuấn mua những chiếc đàn organ của Trung Quốc, loại đàn chỉ có mấy phím mà mỗi phím là một bản nhạc được cài sẵn. Bôm dùng bàn tay mà “khi ấy các ngón vẫn dính vào với nhau - lúc dùng ngón này, lúc lại lấy ngón kia để bấm phím” - anh Tuấn vừa nói vừa tả lại bàn tay bé nhỏ của Bôm khi ấy, với các ngón dính chụm lại nhau, chỉ cử động thôi cũng khó khăn.

Bôm cứ tự cặm cụi chơi với những chiếc đàn ấy, hỏng thì bố Tuấn lại mua chiếc đàn mới. Đàn từ bé, rồi to dần. Đến những chiếc đàn có phần nhạc đệm sẵn rồi, Bôm đã tự tin gõ nhịp theo, dù tay vẫn mổ cò.

“Anh đã không nghĩ là nó chơi được". Anh Tuấn nói, mỉm cười khi mắt thì đang say sưa dõi theo Bôm - lúc này đã ngồi chăm chú, ngón tay lướt thuần thục trên những phím đàn để tặng các cô chú đến thăm một bản nhạc.

Bố Quốc Tuấn: Bôm biết chấp nhận tất cả và đồng hành với mọi cái một cách thoải mái, điều đó truyền nghị lực cho tôi - Ảnh 7.

Khi Bôm đàn, cậu chàng có một cái điệu nhập tâm rất đặc biệt. Khoảnh khắc ngồi trước phím đàn, Bôm hít một hơi thật sâu, trịnh trọng đặt hai tay lên phím đàn, mắt nhắm nghiền nghiêm túc. Và rồi cứ thế, từng nốt nhạc cứ tuôn ra lấp lánh theo hai bàn tay.

Cách đây 3 năm, trước khi đi Úc phẫu thuật, Bôm có ngón tay bị choẽ, không thể chơi đàn được. Sang Úc rồi, người ta mới ghép ngón tay ấy vào, cuộc phẫu thuật thành công, anh Tuấn mới bắt đầu nghĩ đến việc cho con học đàn nghiêm túc. Ban đầu mới là đàn organ, anh Tuấn mời riêng một thầy đến dạy. “Chỉ trong có mấy buổi thì phát hiện ra nó rất có năng khiếu, anh lập tức đổi ngay sang đàn piano điện". Học được 2 tháng, anh Tuấn nhận thấy niềm say mê nghiêm túc của Bôm với piano, bèn đặt vấn đề với người thầy dạy lúc bấy giờ về việc học chuyên nghiệp. Người thầy xin 1 tháng để cùng luyện tập với Bôm rồi trả lời.

Bố Quốc Tuấn: Bôm biết chấp nhận tất cả và đồng hành với mọi cái một cách thoải mái, điều đó truyền nghị lực cho tôi - Ảnh 8.

“Khi thầy nói có. Anh đi tìm ngay 1 giáo trình thi vào nhạc viện, rồi làm quen được với thầy của Bôm bây giờ. Tất cả chỉ trong 1 năm rồi đi thi. Như thế là chóng mặt luôn. Anh còn không nghĩ là như thế được. Tức là từ lúc tập đánh được 2 tay, cho đến lúc đánh đàn cơ - tổng cộng chỉ khoảng 4 tháng. Rồi đánh được 2 tay là anh hướng vào chuyên nghiệp, sau đấy đúng 1 năm. Vậy mà thi đỗ". Anh Tuấn không giấu nổi vẻ tự hào.

Cho đến tận bây giờ, đôi khi Bôm vẫn đưa tay lên và nói: Tay Bôm khó. Ngón tay của Bôm vẫn còn chút tật, vào phím khó hơn các bạn bình thường. vừa yếu hơn, lại chỉ có một khớp nên khi đàn rất mỏi, có những bản nhạc dài, Bôm bị hụt không theo kịp cường độ. Anh Tuấn trấn an Bôm bằng một sự lạc quan: “Đương nhiên là bố sẽ tìm mọi cách để chữa cho con. Nhưng là vào lúc nào, thời điểm nào. Nếu chẳng may mà mình làm không được như ý, thì hãy coi đó là cái đặc biệt của con. Các bạn khác tay bình thường, tập còn khó. Còn con làm được, thì đó là xuất sắc. Bây giờ, cái gì mình vấp thì mình luyện lại cái đấy, bằng được như bình thường thì thôi".

  Hành trình bố và con

Bố Quốc Tuấn: Bôm biết chấp nhận tất cả và đồng hành với mọi cái một cách thoải mái, điều đó truyền nghị lực cho tôi - Ảnh 9.

Lớn lên quen với 4 bức tường bệnh viện, những cuộc phẫu thuật dài, những ngày nằm liệt giường với đủ thứ máy móc cắm vào người, và hơn hết là cái nhìn đau đáu xót xa của bố, Bôm hiểu hết những điều ấy, và tự tạo cho mình một nguồn năng lượng vui tươi, tích cực để bố Tuấn không phải lo lắng, đau xót thêm. Hành trình dài và vất vả này, bố Tuấn cùng Bôm đi được đến tận đây, cũng nhờ sự mạnh mẽ của Bôm cứ âm thầm truyền cho bố Tuấn.

“Cậu ấy đau đớn nhiều lắm rồi, rất đau ấy. Dũng cảm thôi rồi luôn". Anh nói, tay đưa lên không trung áng chừng cho chúng tôi mình hình tròn lớn, miêu tả đầu Bôm khi vừa phẫu thuật xong, cắm đến 3-4 cái ống vừa hút, vừa truyền thức ăn, mặt thì sưng húp. “Cậu ấy nằm thế, bố bảo gì cũng gật gật. Giường bên cạnh, có bạn cũng bị mổ như vậy thì khóc ầm ĩ. Bôm thấy bạn thế, chẳng nói được gì mà chỉ mỉm cười nhìn bố, ý bảo: Thế mà cũng khóc". Anh Tuấn cười trìu mến.

Bôm đau lắm cũng không khóc tí nào. Lúc đỉnh điểm, trên đầu có 3 cái đinh, phải nằm yên vị một chỗ lại thêm mỏi cổ. Mặt lúc nào cũng đỏ rực vì sốt. Thế mà đến cả khi ấy, Bôm vẫn kiên cường như thể Bôm đang là bờ vai để bố Tuấn tựa vào cái lúc bố Tuấn yếu đuối nhất. Và chỉ mếu máo khi bị bắt phải ăn, trong khi người đang sốt mệt lả.

Bố Quốc Tuấn: Bôm biết chấp nhận tất cả và đồng hành với mọi cái một cách thoải mái, điều đó truyền nghị lực cho tôi - Ảnh 10.

“Em biết không, nó đã từng đeo cả cái khung như con hươu, nằm ở đây trên cái xofa này". Anh Tuấn nói, chỉ vào chiếc sofa chúng tôi đang ngồi. Trong căn phòng khách thoáng đãng nhìn ra cả một khoảng trời rộng rãi, sáng sủa, ngập tràn tiếng đàn vui tươi mà Bôm đang say sưa chơi, anh kể lại một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong hành trình của hai bố con.

Khi ấy, mỗi ngày phải kéo hàm của Bôm ra 1mm, bộ khung sẽ lôi toàn bộ xương ra. Các vết vít bắt thẳng vào xương, khắp đầu Bôm đầy sẹo, những vết khoan vào hộp sọ mà không giữ vệ sinh cẩn thận là sẽ nhiễm trùng.

Bố Quốc Tuấn: Bôm biết chấp nhận tất cả và đồng hành với mọi cái một cách thoải mái, điều đó truyền nghị lực cho tôi - Ảnh 11.

“Hàng ngày, anh cho Bôm nằm thư thái đến 8h, tắm rửa bằng nước sôi để nguội. Tắm xong thì ăn, mà phải ăn đồ mềm vì ăn rất khó. Đến 9h, anh sẽ nói: Bố xin lỗi con, bố lại phải kéo.” Nói đến đây, anh nheo mày đau đớn. Để kéo hàm ra cho con trai, người đàn ông ấy đã phải dùng chiếc cờ lê, vặn, lôi từng cái dây xuyên vào trong hàm, kéo toàn bộ hàm ra, từng chút một. Mỗi ngày 1mm, cứ thế mỗi lần vặn xong, Bôm lại sốt li bì, sốt đến 5-6h sáng thì hết, lại thư thái nằm ngủ một chút, đến 9h sáng, anh Tuấn lại vặn và kéo. Bôm cứ nằm, mặt đỏ phừng phừng vì sốt, thỉnh thoảng lại thều thào: “Bôm đau". Với một đứa trẻ chẳng bao giờ khóc, cũng chẳng bao giờ kêu ca như Bôm, có lẽ, đó là những giờ phút kinh khủng nhất.

“Thế mà, khi nằm mà hơi tỉnh lại, có khách đến thăm, nó lại xin ra đàn một tí rồi mới chịu ra nằm tiếp em ạ". Anh Tuấn mỉm cười kể lại.

Cả một chặng đường dài, cả hai bố con cứ kiên cường dìu nhau đi. Từng chút một, Bôm khá dần lên. Đã 10 cuộc đại phẫu trôi qua, mọi thứ mới ở mức là ổn, là xong những gì quan trọng nhất. Bôm vẫn còn những cuộc phẫu thuật quan trọng khác phía trước mắt mà theo anh Tuấn, là để “tinh chỉnh” lại thì mới gọi là thở phào.

Bố Quốc Tuấn: Bôm biết chấp nhận tất cả và đồng hành với mọi cái một cách thoải mái, điều đó truyền nghị lực cho tôi - Ảnh 12.

“Thỉnh thoảng nhìn ông ấy bên cạnh, anh không tin vào mắt mình, không dám tin là mọi việc đã qua được như thế. Nhìn lại những ảnh cũ, sao mà thấy thảm thương, thê lương thế. Lúc ấy, cảm giác chẳng biết phải làm gì, nuôi nó thế nào, nó làm nghề gì, học hành tương lai ra sao.” Nhiều đêm tỉnh giấc, anh quay qua chỉ ngắm Bôm thôi cũng thành thức. Bôm biết bố thức, lại ngọ nguậy rồi khều khều vào chân, vỗ vỗ nói bố ngủ đi, rồi đòi bố gãi lưng, lúc sau mới khoan khoái chìm vào giấc ngủ. Nhìn con trai tội nghiệp đã vượt qua những gì đau đớn và khổ sở nhất, để trở thành một cậu chàng vui vẻ, khoẻ mạnh đang thiu ngủ bên cạnh một cách bình yên, có lẽ, đó là phép màu mà cách đây nhiều năm anh chẳng dám mơ tới.  

Anh Tuấn ngượng nghịu kể thêm, anh có một tật xấu, ấy là cứ ai nói về Bôm, nhắc về Bôm hay nhìn Bôm làm được điều gì đấy, anh lại khóc.

“Kỳ cục lắm, không hiểu sao suốt thời gian ấy thì không khóc lúc nào. Mà bây giờ, cứ hơi một tí lại rơi nước mắt".

Chuyện gì rồi cũng sẽ ổn thôi, vì đã có bố ở đây rồi

Có gặp Bôm ngoài đời mới thấy, anh Tuấn đã bao bọc Bôm cẩn thận và an toàn thế nào. Bôm trong sáng, vui vẻ và dạn dĩ. Nhìn dáng điệu hoạt bát của Bôm khi đi ra đi vào nghe lỏm bố nói chuyện, hay cười đùa với các cô chú đến thăm nhà, chẳng ai nghĩ rằng Bôm đã trải qua cả chục cuộc đại phẫu lớn, với hình ảnh mà chỉ cần nhìn thấy thôi, người lớn đôi khi cũng phải rùng mình sợ hãi. “Nó cứ hồn nhiên sống thôi, không phải lo toan, những cái gì xung quanh không tốt là để bố đỡ hết". Anh Tuấn nói.

Để che chở cho Bôm, anh Tuấn không chỉ làm bố, mà còn dần dần rành mạch cả những công việc như thay băng, việc nội trợ, việc chăm sóc người bệnh, thậm chí đôi khi còn khéo léo và tinh ý hơn cả y tá. Anh tự nhận mình là người cực đoan, khi chưa làm được cái gì mình muốn, anh sẽ loay hoay tìm đủ mọi cách để thực hiện nó, nhất là khi liên quan đến Bôm. Ngược lại, Bôm được bố bao bọc, nhưng không hề thụ động với cuộc sống. Anh Tuấn không chỉ lo chữa bệnh cho Bôm, mà còn lo dạy dỗ Bôm trở thành một người đàng hoàng, tử tế. Anh chủ động cho Bôm ra ngoài, tiếp xúc với cuộc sống, với bạn bè, đi những chuyến đi xa để rèn luyện sức bền. “Hôm vừa rồi đi Lạng Sơn là cũng để test, xem có đủ thể lực không rồi Tết này cho nó đi Hà Giang". Anh nói.

Bố Quốc Tuấn: Bôm biết chấp nhận tất cả và đồng hành với mọi cái một cách thoải mái, điều đó truyền nghị lực cho tôi - Ảnh 13.

Thật ra, Bôm không tò mò nhiều về cuộc sống bên ngoài, từ nhỏ đến lớn đã rong ruổi theo bố đi khắp các bệnh viện trong và ngoài nước, những thành phố và châu lục xa xôi để chữa bệnh, thế nên Bôm thích nghi rất tốt. Đến các khách sạn, Bôm tự giác sắp đồ ngay.

Thỉnh thoảng, đến một khách sạn có vẻ thường thường, Bôm nói: “Không xịn lắm bố nhỉ, toilet bẩn bố nhỉ".

”Không sao đâu, bố sẽ nhờ". - Anh Tuấn đáp.

Có một dấu vết của tình yêu vô hạn nằm sau câu nói tưởng như đơn giản này. Dù là chuyện lớn nhỏ gì đi nữa, khi Bôm cần, anh Tuấn sẽ nói để bố lo cho con. Anh muốn tạo cảm giác cho Bôm rằng: Cái gì bố cũng có thể giải quyết được. Với anh Tuấn, điều này rất quan trọng khi có thể khiến con trai luôn tự tin và không sợ hãi khi có bố ở bên.

Bố Quốc Tuấn: Bôm biết chấp nhận tất cả và đồng hành với mọi cái một cách thoải mái, điều đó truyền nghị lực cho tôi - Ảnh 14.

Bố Quốc Tuấn: Bôm biết chấp nhận tất cả và đồng hành với mọi cái một cách thoải mái, điều đó truyền nghị lực cho tôi - Ảnh 15.

Bôm luôn tự tin, vui vẻ, ai gặp Bôm cũng thích cậu chàng ngay từ lần đầu, và có thể ra bắt chuyện với Bôm ngay. Thế nhưng trước đây, không phải ai cũng giữ một thái độ hoàn toàn dễ chịu như hiện tại. Nhiều người chỉ trỏ, hoặc nhẹ hơn là… nhìn chằm chằm tò mò. Điều đó tạo nên cho anh Tuấn một phản xạ đặc biệt mỗi khi ra đường, ấy là tai lúc nào cũng vểnh lên, quan sát thật nhanh xem xung quanh có ánh mắt khiếm nhã nào không. Chẳng may Bôm thấy mà thắc mắc, thì anh lại có một cách chống chế rất vui. “Anh cứ bốc phét: Thứ nhất là mọi người thấy Bôm rất đẹp trai! Thứ hai là vì người ta thấy bố là diễn viên, là nghệ sĩ, người ta đoán là sau này Bôm có thể trở thành một nghệ sĩ giỏi. Thế nên, người ta nhìn là chuyện bình thường!”.

“Con mình như thế, mình phải chấp nhận số phận và chiến đấu chứ không thể mặc cảm.  Bố mẹ mà còn mặc cảm thì người ngoài còn nói gì! Hãy cứ tự tin mà nói: Con tôi như thế đấy, nhưng tôi sẽ chữa cho nó khỏi!”. Anh Tuấn nói trìu mến.

Bố Quốc Tuấn: Bôm biết chấp nhận tất cả và đồng hành với mọi cái một cách thoải mái, điều đó truyền nghị lực cho tôi - Ảnh 16.

Sẽ có nắng đẹp sau cơn mưa

Chúng tôi chào tạm biệt hai bố con khi thành phố đã lên đèn, cô giúp việc vừa chuẩn bị một mâm cơm thơm phức. Anh hẹn chúng tôi, ngày hôm sau sẽ cùng hai bố con đi nghe nhạc Jazz - thể loại nhạc mà cả Bôm và bố đều thích nhất. Tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc, bình yên lây lan khắp căn phòng, chỉ nhờ tiếng chào thật dõng dạc của Bôm và nụ cười ấm áp của anh Tuấn khi tiễn chúng tôi ra thang máy. Văng vẳng đâu đấy, bản nhạc của Dire Strait lại vang lên trong đầu tôi, vui tươi như một lời nhắc nhớ.

"Tại sao phải lắng lo, khi sẽ có những nụ cười sau nỗi đau

Sẽ có nắng đẹp sau cơn mưa

Mọi chuyện trước giờ đã thế rồi

Thế tại sao giờ cứ phải lắng lo?"

 Theo Trí thức trẻ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.