Anh chồng cao, mảnh khảnh, nho nhã. Cô vợ có mái tóc hoe hoe vàng buông xuống khuôn ngực tròn, đầy đặn. Cả hai luôn có nụ cười trên môi, mời chào khách đến.
Khách đến là một người đàn bà luống tuổi có đôi mắt to, tròn, khuôn mặt đầy đặn. Bà ta cười rất tự tin:
- Chào cô chú nghe. Ở đây cô chú bán sỉ hay bán lẻ vậy?
- Dạ, sỉ lẻ gì em cũng bán cả chị ơi.
- Chu choa, thế thì hôm nay tui gặp may rồi. Đâu, giới thiệu hàng cho tui coi coi…
Câu chuyện rôm rả hẳn lên. Chủ hàng thì luôn miệng giới thiệu. Khách hàng thì trầm trồ câu khen thì khen nức nở, câu chê thì chê ỏng chê eo. Hình như cả chợ dịch chuyển đến chỗ sạp hàng của vợ chồng có duyên này. Lát sau bà khách bảo:
- Vậy nghe. Đưa sổ đây, tôi ghi cái địa chỉ. Lát chuyển đến chỗ tôi số hàng tôi mới lựa đó nghe. Hàng tới, tôi gửi tiền liền hà. Mà thôi, lát xe nhà tôi tới chuyển, cô chú lựa hàng sẵn đi. Xe đến có hàng chuyển liền cho lẹ. Có mối của cô chú nay mai tôi khỏi kiếm hàng cho mất công…
Mừng vì từ nay có chỗ làm ăn lâu dài, vợ chồng chủ sạp cười tươi như hoa, luôn miệng vâng dạ, ríu rít. Vừa lúc đó có tiếng reo:
- Ba, má… Con ra rồi nè…
- Ủa, con, ra đây làm chi. Bỏ nội ở nhà một mình sao.
- Con xin nội rồi mà…
Bà khách hàng đon đả:
- Ủa, con cô chú đây hả. Chui cha, giỏi giắn quá ta… Nè, sang bên kia uống nước mía với bác đi nè.
Con bé ngước nhìn ba mẹ. Thấy bà khách đon đả, lại là người sắp tiêu thụ lô hàng mới, cô chủ sạp biểu con:
- Con cứ đi với bác đi, lát quay lại đây với má nghe…
Cô bé gái xinh xắn tong tả chạy theo bà khách qua bên kia đường và ngồi xuống cùng bà bên chiếc máy ép nước mía.
Hai ly nước mía sủi bọt trắng phau đặt trước mặt hai người cũng là lúc bà khách rút chiếc điện thoại di động ra và gọi. Bà sổ ra hàng tràng những tiếng lạ hoắc. Tiếng Miên? Tiếng Lào? Hay tiếng Thái? Chỉ bà ta biết… Vừa nói bà ta vừa rút tiền trả cô bán nước mía, không cần thối lại và nắm bàn tay cô bé kéo đứng lên. Cô bé như bị bỏ bùa mê răm rắp đi theo bàn tay của bà khách. Không ai để ý.
Chợ đông lắm rồi. Kẻ qua người lại, kẻ mua, người bán tấp nập, nào ai quan tâm đến một già một trẻ nắm tay nhau thân mật đi giữa dòng người. Bây giờ thì cả hai phải len lách mới đến được sạp vải. Bà vẫn nắm tay đứa nhỏ, tay kia áp điện thoại vào tai và bước đến sạp hàng. Vẫn những câu nói chẳng cho ai nghe. Khi đến cạnh sạp vải, bà ta nói với vợ chồng chủ sạp:
- Rồi, tôi gọi xe rồi. Chừng nửa tiếng nữa xe lại. Chuẩn bị hàng cho tôi nghe. Giờ tôi cho nhỏ qua bên siêu thị chơi chút nghe. À mà quên. Đây là địa chỉ sạp hàng của tôi. Sau này cứ địa chỉ này liên lạc nghe…
Vợ chồng chủ sạp yên lòng. Thôi thì mình mắc bận, con nghỉ hè ra chơi, mình không lo được cho con thì nhờ bạn hàng lo giùm. Có số điện thoại của người ta đây, có địa chỉ của người ta đây, lại đống hàng tới vài chục triệu người ta đăng ký mua, lo gì nữa!
*
Căn nhà của vợ chồng chủ sạp vải bị quây kín lại bởi những người tò mò. Họ xôn xao:
- Còn nhỏ bị bỏ bùa rồi. Không bị bùa mà đưa người lạ vô nhà rồi nói vanh vách tiền vàng trong nhà ở đâu…
- Đúng rồi. Bùa nó ém người ta đấy. Chứ con mẹ kia biết sao được tiền vàng cất trên nóc tủ mà lấy xuống. Còn kê cả ghế mà móc xuống đưa cho người ta nữa chứ…
- Ghê thật đấy. Bà cụ chắc cũng bị bùa luôn rồi. Nhà mình mà để cho con mẹ vô, đọc vanh vách nơi cất tiền, cất vàng…
- Mà mất bao nhiêu?
Vợ chồng chủ sạp vải về đến nơi phải len lách mới vào được nhà mình. Họ không thể lên tiếng trả lời những câu hỏi tới tấp của những kẻ hiếu kỳ. Cả hai muốn xỉu xuống khi thấy má mình bơ phờ đầu tóc và nước mắt chan hòa trên mặt. Bên cạnh là cô con gái bé nhỏ đang teo héo đi vì sợ hãi. Bây giờ cô mới chu chéo lên. Còn anh chồng thì ngồi phịch xuống nền nhà vì không chịu nổi. Cánh tủ mở toang hoác…
Bỗng đâu khanh khách tiếng cười.
Một thằng nhỏ tay khoèo, đầu nghiêng lệch sang bên đang nắm tóc lôi tới một người đàn bà mặt to, mắt to. Người ta nhận ra người đàn bà đến mua hàng ở sạp ngoài chợ lúc sớm mai. Người ta cũng nhận ra thằng ngớ ngẩn, tâm thần hàng ngày lê la ngoài chợ kiếm ăn. Không ai lạ gì nó. Cứ sáng sớm nó đã có mặt ngoài chợ. Gánh nước giúp người này, xếp lại sạp rau cho người kia, vác bao đồ cho người khác… Như làm việc nhà mà không đòi ai tiền công. Người ở chợ trả công cho nó bằng bữa cơm trưa, cơm chiều, cái bánh tét, bánh ú… Nó có duyên nhất với những đám ma. Ngủ ở bất cứ cái sạp nào trong chợ, nhưng nghe kèn trống đám ma ở xa mấy nó cũng tới. Nấu cho chủ gia nồi nước. Chuyển đến bàn khách đưa đám những ấm trà. Lấy nhang cho người này, người kia, sắp lại những mâm quả cúng. Nhất là lúc cúng. Nó quỳ bên cạnh những người nhà đám, chắp hai tay, mắt nhắm nghiền như đang mơ về cõi lạ xa xăm. Nhất là khi mọi người xì xụp lạy, nó cũng lạy một cách thật thành kính… Có nó, đám ma bỗng linh thiêng hơn.
Nó nắm chặt tóc người đàn bà cho đến khi có người đến gỡ ra. Nó vẫn khanh khách cười. Người ta lôi ra từ trong cái túi sách tay của người đàn bà những thứ mà bà ta lấy từ ngôi nhà của vợ chồng chủ sạp vải.
Thằng bé tâm thần vẫn cười khách khách.
Những người hiếu kỳ bu quanh phán chắc chắn:
- Bùa rồi, lậm bùa rồi. Chơi bùa rồi bị bùa chơi lại đó mà. Không hả? Thế sao công an không bắt mụ ta mà thằng ngớ ngẩn tâm thần bắt được… Bùa linh lắm đó…
Ngoài chợ vẫn đông. Vợ chồng chủ sạp vải lại cười tươi roi rói. Thằng ngớ ngẩn tâm thần vẫn lê la kiếm ăn ngoài chợ.
Có điều bây giờ, cứ giấc trưa nó lại có một ly nước mía sủi bọt trắng tinh do vợ anh chủ sạp trả tiền và cô chủ quán nước mía đưa cho. Nó đâu biết có lúc người ta chỉ chú ý đến người đàn bà hình như rất nhiều tiền mà chẳng để ý gì đến kẻ ngơ ngẩn tâm thần như nó.
Không ai biết chuyện gì đã xảy ra. Thì cứ coi như là có bùa đi…
Người chợ là như thế thì phải!
Truyện ngắn của Nguyễn Đức Thiện
VNVA