
Cơn gió đầu đông luồn qua những nhánh lau tạt vào thổi tung mái tóc rối, tiếng hoẵng kêu hoang, gà rừng động tổ tao tác, bước chân trẻ thơ giật thon thót. Toan chạy quay lại mấy lần nhưng tiếng mẹ dặn thúc giục nó bước tiếp: "Nếu không đưa được áo cho pa thì đừng có về nhà!".
Khu nấu gù hương xa hút hắt cuối cùng cũng hiện ra trước mắt. Một thằng bé nhảy chồm chồm ra chặn giữa đường, trợn mắt nạt nộ. Pài Chẩu sợ tím mặt. Thằng bé bắt nó đặt gùi xuống, lục tung lên và dùng cây gậy đập mấy lần vào chiếc áo bông nhàu nhĩ, bụi bặm.
- Không có gì à? Thế thì cút ra!
Pài Chẩu nghĩ ngợi một lát rồi lôi nắm cơm nhỏ xíu giấu trong cạp váy ra đưa cho thằng bé. Thằng bé bĩu môi, "hứ, nguội thế ai mà thèm ăn", nó nghĩ vậy nhưng tay vẫn giật lấy nắm cơm, lột lá chuối ra và cắn một miếng. Những hạt cơm dẻo queo dính dính hai bên mép. Mắt thằng bé trợn lên, miệng cắn lấy cắn để nắm cơm chẳng cần nhai mà nuốt ừng ực, một tay hất hất ra hiệu cho con bé đi vào trong.
Con bé lom khom, dịch từng bước nhỏ ra đằng sau lán bạt, chỗ nhiều tiếng ồn phát ra.
- Ðen như chó!
Nước lào xào xối ra ngoài theo lỗ thủng trên tấm bạt khiến con bé co rúm người lại. Bỗng tiếng nổ chát chúa phóng lên mái nhà làm nó giật nảy mình ngã bổ chửng về phía sau, mùi khét nồng nặc. Con bé sợ hãi nhưng vẫn lấy hết can đảm bò dậy, ngó vào bên trong. Người đàn ông có bộ râu quai nón lờm chờm khắp mặt, tay cầm khẩu súng đứng gác một chân lên chiếc ghế chữ K, khẽ nhếch mép nhưng không phải cười. Dưới đất trải mấy mảnh chiếu rách hơn chục người ngồi đó mặt dại ra sau tiếng súng. Người có khuôn mặt dữ tợn đưa mũi ủng cạ cạ vào cằm người đàn ông nhỏ thó, nâng khuôn mặt sứt sẹo lên.
- Mày chơi bao nhiêu ván mà vẫn thua.
- Cho tao gỡ thêm một lần nữa.
- Cái dái khô còn sắp không gỡ được nữa đòi...!
Hồ lỳ bĩu môi, ấn mũi giày hất người này ngã về phía sau, rút con dao phay sáng loáng ném xuống đất, quay sang mấy thằng choai choai đứng chực bên cạnh.
- Lấy một ngón tay gửi về cho vợ nó! Bảo còn muốn thì bán trâu đi mang tiền lên chuộc cái ấy của nó về.
Bọn chúng vâng dạ rối rít, xúm vào giữ chặt con bạc. Một thằng vít cánh tay nổi gân xanh lét của người này kê lên một thanh gỗ. Chúng hơi run nhưng trước mặt anh Hồ lỳ không đứa nào dám không tỏ vẻ thành thạo những động tác này.
Người đàn ông nhỏ thó cúi gằm đầu, cắn răng chuẩn bị cho nhát đoạt ngón đã từng chứng kiến một vài lần. Ngón tay trỏ đã kề vào khúc gỗ tròn đặt dưới đất. Thằng Cò vung dao toan chém xuống thì có tiếng trẻ con thét lên, con bé dùng hết sức xé toang tấm bạt lao vào chỗ pa nó.
- Pa tau đấy! Bỏ pa tau ra! - Con bé ngồi thụp xuống, xòe bàn tay bé nhỏ úp lên bàn tay gân guốc của pa nó.
- Pài Chẩu, mày vào đây làm gì?
- Mẹ bảo pa về nhà ngay. - Con bé mặt tái mét.
Hồ lỳ trợn mắt.
- Sao lại có đứa bé ở đây? Lôi nó ra ngoài kia, không chặt đi, nhanh lên!
Pa nó nhìn bàn tay bé xíu, đen đúa nhựa cây rừng đang run rẩy úp trên tay mình, "nếu chặt ngón của mình thì còn ai làm ăn, hay lấy tay nó, mẹ nó khắc mang tiền lên nhanh hơn", ý nghĩ khủng khiếp vừa trôi qua đầu, ông ta giành lấy con dao trong tay thằng Cò trước sự kinh ngạc của những người vây chung quanh, không chút do dự, ông nhắm mắt chém xuống. "Bập", con bé thét lên, nhìn xuống ngón tay vừa lìa ra, mắt nó trợn ngược, ú a ú ớ.
Phòm Hồ chưa hết kinh ngạc trước hành động của con bạc thì tiếng bước chân chạy rình rịch chung quanh lán, tiếng chó sủa óc ách tiến sát gần liếp bạt khiến ai nấy mặt tái mét, loạn xị ngậu lên. Thằng bé canh cửa vừa thở hổn hển vừa ngã dúi dụi vào bên trong khiến Phòm Hồ luống cuống chạy lại đỡ lấy nó.
- Thắng, sao vậy con?
- Cháy... cháy... lò! - Thằng bé lắp bắp câu ám hiệu rồi ngã vật xuống.
Hồ lỳ buông thõng cánh tay, mắt trợn ngược không phải để biểu lộ sự sợ hãi mà là chưa hết ngạc nhiên vì hàng loạt việc đến quá nhanh. Ðám con bạc mặt cắt không còn hạt máu, chen nhau xé bạt tháo chạy. Một bàn chân thô sần sùi vô tình giẫm lên tay con bé làm nó choàng tỉnh, hình ảnh đầu tiên găm vào đầu là pa nó đang cố xô đẩy, chen những người phía trước để thoát thân, chỉ còn một mình Hồ lỳ đứng chết lặng giữa nhà. Ông ta đeo khẩu súng lên vai và cúi xuống tát mấy cái vào mặt thằng bé.
- Thắng, Thắng! Mẹ mày, đồ ăn hại!
Hồ lỳ nhổ bãi nước bọt lấy lại bình tĩnh, xốc nách thằng bé toan chạy ra phía sau lán, chợt một bàn tay nhỏ, yếu ớt bám vào chân khiến ông giật thót mình cúi xuống, hóa ra là con bé vừa bị chính bố nó xử một ngón tay. Trùm bạc sừng sỏ, khét tiếng vùng núi Lùng bỗng thoáng bối rối, ngập ngừng giây lát. Ông ta cúi xuống đón lấy bàn tay con bé, tay kia cắp nách thằng nhỏ chưa tỉnh lao ra khỏi lán. Tiếng người vây bắt, tiếng chó huyên náo cánh rừng. Hồ lỳ ôm hai đứa trẻ lê lết ra đến sau lán. Những khẩu súng an ninh đang chĩa tua tủa về phía mình, Hồ lỳ gầm gừ mặc cả:
- Muốn hai đứa trẻ này sống thì để tao chạy!
- Vòng tròn súng từ từ hạ xuống, dãn ra hai bên. Phòm Hồ liếc nhanh chung quanh, nhìn thấy con ngựa vẫn dùng để thồ hàng hằng ngày buộc bên góc lán. Ông ta cởi dây cương, xốc con bé lên trước rồi cắp nách thằng nhỏ bị ngất nhảy lên phía sau yên.
- Ngồi vững nhé!
Phòm Hồ hét vào tai con bé, một tay ghì dây cương, tay kia giữ chặt thằng nhỏ phía sau, hai gót chân thúc mạnh vào nạng sườn của con ngựa. Ngựa hí vang, dậm dậm chân rồi phi như bay về phía sườn đồi thoai thoải, thoáng chốc chỉ còn nhìn thấy vạt áo bành tô của chùm bạc núi Lùng bay lất phất.
***
Nửa khuya Phòm Hồ mới dám mò vào nhà mẹ vợ thứ. Nghe tiếng gọi cửa dồn dập của con rể, người mẹ vợ được Hồ lỳ biệt danh là Bà già lọ mọ đi ra, vừa mở cửa vừa chửi bằng giọng lơ lớ.
- Quân khốn nạn! Ăn nắm mà nửng mỡ nại về hành tao.
- Bà nhanh cái tay lên! - Hồ lỳ một tay cắp thằng bé, một tay dắt con nhỏ, tiếng gầm ghè.
- Ối giời ơi nại bị nàm sao?
Bà già tru tréo lên khi nhìn thấy đứa cháu ngoại duy nhất bất động trong tay của bố nó. Bà hoảng hốt đỡ thằng bé nằm xuống chiếc phản kê giữa nhà, vừa lu loa vừa lật đật chạy khắp nhà lục tung mọi thứ để tìm, cuối cùng chợt nhớ ra lọ dầu cao để ở đầu giường.
Con bé nép vào sát góc tường khẽ khép đôi mắt mệt mỏi lại. Ðêm khủng khiếp trôi qua. Phòm Hồ bưng chậu nước nóng pha mấy hạt muối đến bên giường, lúc này con bé vẫn còn đang mê mệt. Ông nâng bàn tay nhỏ cuốn bọc giẻ lên khẽ cởi nút và thấm nước muối, dỡ dần từng vòng cuốn ra, máu khô đông cứng thành tảng. Phòm Hồ lặng nhìn bàn tay nhỏ tím tái khuyết một ngón, miếng giẻ dính bết vào xương. Khuôn mặt bặm trợn của ông thoáng co lại, không thể giật miếng giẻ, ông thấm từng giọt nước muối vào, tỉ mỉ bóc nó ra khỏi vết thương rồi ném xuống nền nhà, dùng thứ bột mầu đen đã tán mịn rắc lên vết chém, sau đó lấy miếng giẻ sạch băng và thắt nút lại.
Trốn ở nhà mẹ vợ hai ngày mà vẫn chưa thấy động tĩnh. Phòm Hồ ngao ngán bưng bát lên, nhìn mâm cơm đạm bạc chỏng chơ đĩa rau lang luộc chấm nước muối xanh lét.
- Bà cho người hay lợn ăn?
- Chúng mày không ăn thì biến!
Phòm Hồ buông bát, rút trong túi ra một cọc tiền đập "rầm" xuống mâm.
- Tiền này bà để mà nuôi thằng Thắng.
Bà già ngẩn người nhìn cọc tiền, nhìn sang đứa cháu ngoại khẽ gật gật đầu đồng ý, nhưng lại ái ngại liếc sang con bé.
- Anh mang đi theo à?
- Cái thân tôi còn không xong, mang vác gì.
- Ơ, thế định vứt nó đi à?
- Bà cho nó ăn vài bữa, có chết được không?
- Nhà này không thừa cơm.
- Thằng bố nó nợ tôi hai con trâu, tôi khắc nhắn vợ chồng nó lên chuộc con bé. Trâu đấy coi như là của bà.
- Thế mà tôi cứ tưởng nà con rơi con vãi của anh cơ đấy!
Bà già nói với Phòm Hồ rồi quay sang nhìn con bé đang cắm cúi gẩy cơm, mắt nheo lại.
- Vừa điếc mà nại có giá bằng hai con trâu cơ đấy. Ở đây với bà, chờ bố mày mang trâu lên bà cho về.
Con bé vẫn lầm lỳ gẩy cơm. Phòm Hồ đứng dậy khoác áo bành tô đi ra ngoài, nhảy lên yên ngựa, toan quất roi thì con bé buông đũa chạy theo với lấy bàn chân lơ lửng của ông khóc òa lên.
- Ông ơi, cho cháu về!
- Bỏ tay ra.
Phòm Hồ giận dữ hất mạnh chân, con bé ngã dằn mông xuống đất. Thoáng chút lưỡng lự, ông ta nhảy xuống đỡ nó ngồi dậy.
- Nín đi, không khóc nữa!
- Cháu... sợ...
- Sợ, sợ cái gì?
- Cháu... sợ người!
Phòm Hồ hất tay con bé ra khỏi vạt áo, nhảy lên yên thúc ngựa phi như bay ra đường.
Ngày nào Bà già cũng ra vào cằn nhà cằn nhằn, ngóng mãi mà không có ai đem trâu lên chuộc con bé về, lúc lúc lại đem cọc tiền con rể đưa ra đếm. Buổi trưa có hai người lạ đến báo cho bà biết Hồ lỳ đã bị bắt và nhắn bà muốn đòi trâu thì đưa con bé về bản Giáng đổi cho bố mẹ nó. Bà già đành phải rút mấy tờ cũ nhất trong cọc tiền con rể đưa dắt vào cạp quần. Hai đứa trẻ theo bà ngược miền núi, lên bản Giáng.
Nhà không có trâu, không có gì đáng giá ngoài một người đàn ông ngồi thu lu trong góc chiếc cũi đóng bằng gỗ, đôi mắt trắng bệch ngóng ra ngoài. Mẹ con bé ít nói, nét thanh tú, sắc lẹm một thời còn phảng phất trên gương mặt điểm chút tàn hương của người đàn bà đã hai con, đôi mắt gườm gườm đầy tức giận nhìn chồng ngồi trong cũi, rồi lạnh lùng dặn con bé.
- Ở với người ta đến khi nào có trâu tao đón về.
Bà già không lấy được trâu nên đành lóc cóc dắt hai đứa cháu đi, con bé cúi gằm mặt, trong đầu nó réo rắt gọi mẹ chạy theo kéo lại nhưng mẹ đã ẵm đứa em bước vào trong nhà, nó muốn pa tháo cũi chạy ra quất vài roi vào mông bắt nó quay về nhưng những thanh gỗ đã được mộng lại chắc chắn như một nhà tù nhỏ khép chặt lại trước mặt người bố tội lỗi.
Phòm Hồ bị xử lưu động làm gương cho dân trong vùng. Bà già dắt hai đứa cháu xuống xem. Bản án hai mươi bảy năm xứng đáng với loạt tội danh của y. Mấy tháng sau chân trái của Phòm Thắng bị bại hẳn, chỉ đi lại quanh quẩn trong nhà. Hết tiền, Bà già dắt con bé lên nhà bố mẹ đẻ đòi trâu nhưng vẫn chưa có nên lại đưa đến trại giam thăm con rể, việc quan trọng là hỏi ông ta xem còn cất giấu tiền ở đâu không.
Phòm Hồ nhìn trân trân vào gương mặt xinh xắn của con bé.
- Sao chưa về nhà?
Bà già chen ngang.
- Thằng bố bị tù trong cũi, con mẹ khất đến khi có trâu thì nên chuộc.
Con bé ngước đôi mắt long lanh nhìn Phòm Hồ. Ông ta khẽ chau mày với nó nhưng lại nói với mẹ vợ.
- Từ nay nó là con của tôi, bà về đổi giấy khai sinh cho nó, tên là Phòm Thanh Châu!