Chị V.B.T (sinh sống tại Bình Dương) vừa trải qua những ngày đầy ám ảnh khi con phải cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Theo chị T, vào khoảng 18h30 tối trước khi bé nhập viện, người lớn phát hiện con có lấy lọ nước (thuốc) nhỏ mũi đặt ở khe giường để nghịch.

Khi người lớn phát hiện đã cất đi và hỏi con có uống không thì con lắc đầu nói: "Con không uống, chỉ cầm nghịch chơi".

Tới 20h cùng ngày, con xuất hiện các triệu chứng bất thường như: môi tái nhợt, thân nhiệt giảm, buồn ngủ rũ. Chị T cho biết trước đây bé chưa từng có những triệu chứng bất thường này. Khi gia đình hỏi kỹ hơn, lúc này bé mới thú nhận có uống vài giọt thuốc nhỏ mũi.

Hai vợ chồng chị T đã tức tốc đưa con tới viện. Tại bệnh viện, bác sĩ phát hiện bé có nhịp tim chậm, thân nhiệt giảm chỉ còn 35,5 độ C.

hat nano nhua co the truyen tu me sang thai nhi o chuot 54
Con chị T được chiếu đèn và theo dõi nhịp tim. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Sau khi khai thác tiền sử, bác sĩ xác định con bị ngộ độc naphazolin - thành phần có trong thuốc nhỏ mũi chỉ dùng cho người lớn. Tôi bủn rủn chân tay với kết luận của bác sĩ. Ngay lập tức con tôi được súc ruột và truyền dịch cả đêm để làm loãng nồng độ độc tố trong máu”, chị T chia sẻ.

Sau khi súc ruột, bệnh nhi được theo dõi thêm 1 tiếng ở Khoa Cấp cứu. Khi tình trạng ổn định, bé được chuyển lên khoa Nhi.

Đêm hôm đó, 2 vợ chồng chị T cùng nhau trông con không dám chợt mắt. Vì nhịp tim của con chưa ổn định trở lại và con vẫn phải chiếu đèn sưởi ấm để ổn định thân nhiệt.

Sau 2 ngày nằm viện, sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định, con đã được xuất viện về nhà.

Theo gia đình, nguyên nhân khiến bệnh nhi ngộ độc là do gia đình đã vô ý để thuốc nhỏ mũi trong tầm với của trẻ

“Tới giờ nghĩ lại tôi vẫn ám ảnh với tiếng bíp bíp của máy móc trong phòng bệnh. Tôi không nghĩ rằng chỉ vì hành động vô ý của người lớn mà lại khiến con rơi vào tình trạng nguy hiểm tới tính mạng như vậy", chị T tâm sự.

Qua trường hợp của gia đình, chị T muốn nhắn nhủ các bậc phụ huynh rằng mỗi gia đình cần có tủ thuốc trên cao - ngoài tầm tay của trẻ nhỏ.

"Trẻ con rất nhanh nhẹn và tò mò. Chúng tôi không ngờ chỉ một phút lơ là lại suýt mất con. Đây là bài học lớn không chỉ cho gia đình tôi mà còn là lời cảnh báo đến tất cả cha mẹ có con nhỏ”, chị T chia sẻ.

Cẩn trọng trong việc cất giữ thuốc 

Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, chuyên gia nhi khoa ở TP.HCM, cho biết naphazolin là một trong những hoạt chất phổ biến trong điều trị bệnh tai mũi họng nhưng hạn chế dùng cho trẻ em. Đây là hoạt chất được liệt kê vào danh sách các chất dễ gây ngộ độc cấp ở trẻ em.

8cd3aa1b 49ec 4c11 b73f de06e65b033a 1
Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, chuyên gia nhi khoa ở TP.HCM.

Theo bác sĩ Sang, ngộ độc naphazolin hiện nay chưa có thuốc giải độc mà chỉ điều trị triệu chứng và phụ thuộc vào cơ chế tự đào thải của bệnh nhi. Do đó, khi nghi ngờ trẻ bị ngộ độc naphazolin, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

Ngộ độc naphazolin gây ra các triệu chứng như: hạ thân nhiệt, da tái nhợt; nhịp tim chậm (bradycardia); huyết áp tụt, khó thở; buồn ngủ sâu, thậm chí là hôn mê; trường hợp nặng có thể đe dọa tính mạng của bệnh nhi.

Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đưa naphazolin vào danh sách các thuốc không khuyến cáo sử dụng cho trẻ dưới 6 tuổi, đặc biệt là dạng nhỏ mũi.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các hiệp hội nhi khoa cũng cảnh báo nguy cơ ngộ độc nặng ở trẻ nhỏ khi dùng thuốc này không đúng liều.

Thực tế đã ghi nhận nhiều trường hợp trẻ em ngộ độc do uống nhầm thuốc của người lớn, nhất là ở những gia đình có nhiều thế hệ cùng sinh sống với nhau.

Bác sĩ Sang khuyến cáo người dân tuyệt đối không để các loại thuốc như: thuốc nhỏ mũi, thuốc huyết áp, thuốc đái tháo đường, các loại thuốc Đông y hoàn viên… trong tầm với của trẻ, đặc biệt là các loại thuốc nhỏ mũi, nhỏ mắt, siro, vitamin có bao bì bắt mắt vì dễ khiến trẻ nhầm lẫn với đồ uống.

Trong gia đình,người dân nên trang bị tủ thuốc treo cao trên 1m để tránh việc trẻ có thể lấy thuốc chơi nghịch và gây ngộ độc.

“Cha mẹ tuyệt đối không dùng thuốc của người lớn cho trẻ em, trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu ngộ độc, phụ huynh cần đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, không tự xử lý tại nhà”, bác sĩ Sang khuyến cáo.

Theo Người đưa tin