Ý nghĩa của “cẩn hòm”

Với nhiều người, chiếc quan tài luôn tạo ra cảm giác rờn rợn nhưng với Nguyễn Thị Lan Kiều (SN 1993, quê Đồng Tháp), đó là thứ chị vẫn chạm tay vào và làm đẹp cho chúng mỗi ngày.

Lan Kiều đã có gần 3 năm gắn bó với nghề được mệnh danh là “không dành cho người yếu bóng vía”. Vợ chồng chị sở hữu một cơ sở mai táng trọn gói ở thành phố Cao Lãnh.

anh trong bài 1.jpg
Chị Kiều cần 7-8 tiếng đồng hồ để cẩn xong một hòm 

Công việc Lan Kiều tự tin và gắn bó mật thiết hơn cả là “làm đẹp cho quan tài” hay còn gọi là “cẩn hòm”. Mỗi tuần, Kiều nhận hòm từ thợ, sau đó tự tay trang trí cho chiếc hòm ấy đẹp hơn, ấn tượng hơn.

“Cẩn hòm là khảm hoặc gắn ốc lên đồ vật mình muốn trang trí. Tùy theo loại gỗ, tôi sẽ lựa chọn chất liệu ốc khác nhau, có khi là giấy, có khi là đồ nhựa được tạo hình sẵn”, Kiều kể. 

Mỗi người có một cách trang trí khác nhau. Riêng Kiều thường cẩn rồng phượng hoặc cảnh đồng quê lên hòm bởi chị quan niệm, đó là những thứ vừa đẹp đẽ, vừa mang ý nghĩa tâm linh. 

Sau khi Kiều trang trí xong, đội thợ sẽ sơn lại một lần nữa cho bóng. Chiếc hòm lúc này không còn đơn điệu mà đã có phần đặc sắc hơn.

Với Kiều, việc cẩn hòm đơn giản là làm cho chặng đường cuối cùng của người đã khuất trở nên ý nghĩa, trang trọng hơn. Người sống cũng vì thế mà được an lòng.

“Đa phần mọi người muốn càng đơn giản càng tốt nên tôi không trang trí quá cầu kỳ. Người mua thường vội vàng, chỉ hỏi chất liệu gỗ, giá tiền rồi chốt chứ không mấy ai để ý đến hoa văn, hình vẽ trên hòm. 

Dẫu vậy, tôi vẫn làm bằng cái tâm, sắp xếp mọi thứ một cách hài hòa”, chị nói.

Với công việc mang ý nghĩa tâm linh như cẩn hòm, chị Kiều không tuân theo quy tắc gì nghiêm ngặt. Theo chị, nguyên tắc quan trọng nhất của người cẩn hòm là làm việc bằng cái tâm, tôn trọng người đã khuất và làm theo ý nguyện của gia chủ.

“Chúng tôi có một quy tắc phải tôn trọng tuyệt đối là cúng tổ nghề. Vào ngày mùng 2 và 16 âm lịch hàng tháng, tôi thành tâm cúng bái với đầy đủ bông trái, nhang đèn. Không tin tổ là không được”, chị Kiều kể.

Tẩm liệm cho người đã khuất

Cẩn hòm chỉ là một phần công việc của Lan Kiều trong dịch vụ mai táng. Ngoài ra, chị còn cùng chồng và một vài nhân viên khác làm việc tẩm liệm trọn gói cho người đã khuất.

Kiều gọi đây là công việc “không dành cho người yếu bóng vía”. Sau khi gia chủ “chốt đơn”, Kiều sẽ chuẩn bị đồ tẩm liệm, đồ trang trí, đồ tang, đèn cầy, lư hương... rồi đưa đến nhà khách hàng trước giờ tẩm liệm khoảng 3-4 tiếng đồng hồ.

anh trong bài 2.jpg
Chị Kiều rất tôn trọng nghề

Đến đó, chị cùng đội ngũ mỗi người một việc, người treo mành, người chuẩn bị đồ tẩm liệm trong hòm, người viết cáo phó, người viết lời cảm tạ, người treo lộng... 

“Đôi khi, vợ chồng tôi còn thay người nhà tắm rửa, thay quần áo cho người đã khuất, chuẩn bị một cách tươm tất trước khi đưa họ nhập quan.

Ai sợ, chứ tôi không sợ. Tôi học kinh Phật nên hiểu một chút về luân hồi, nhân quả. Tôi cảm thấy, người mất cũng như mình, chỉ là họ đã yên giấc ngàn thu”, chị Kiều nói.

Cũng như cẩn hòm, chị Kiều làm công việc này với sự nghiêm túc, tận tâm. Chị quan niệm, đây là đoạn đường cuối cùng của người đã khuất nên muốn làm tươm tất, chỉn chu nhất có thể.

“Xong việc tẩm liệm, tôi và mọi người ra về, chờ đến ngày đưa họ đi an táng. Cho đến khi người mất được an nghỉ nơi đất mẹ thì mọi thứ mới thực sự hoàn tất”, chị Kiều chia sẻ.

Kể từ khi làm nghề đến giờ, Kiều chưa từng mơ mộng hay thấy ám ảnh. Chị xem đây là một công việc bình thường như mọi công việc khác, dẫu cho nhiều người nhận xét chị là “đàn bà gang thép”, “gan lì”...

“Chúng tôi không có quy tắc gì cả, xong việc thì đi tắm, không phải tắm lá hay hơ lửa để xua tan khí lạnh mà đơn giản là tắm cho mát và sạch sẽ thôi”, chị Kiều chia sẻ.

Làm nghề liên quan đến... cái chết, chị Kiều gặp nhiều tình huống xót xa.

Chị từng mai táng cho một gia đình, chồng chết được 25 ngày thì vợ cũng đi theo. Một nhà khác, người chồng buổi sáng còn khỏe mạnh, buổi chiều đã chết ngay trên võng. Gia đình khó khăn đến mức không mua nổi một chiếc quan tài cho người đã khuất.

“Hoàn cảnh thương quá, bên tôi hỗ trợ mai táng miễn phí. Người vợ gom góp hết tiền phúng viếng, sau khi lo này lo kia thì còn được 3 triệu đồng, đem đến đưa cho tôi bảo phụ vô tiền áo quan. Tôi nhất quyết không cầm, bảo cô đem về mua gạo cho mấy đứa nhỏ”, chị Kiều kể.

Chứng kiến nhiều cuộc chia ly, mất mát và những giọt nước mắt, chị Kiều nhận ra nhiều điều. 

Trước đây, vợ chồng chị hay khắc khẩu, cãi nhau. Sau này, khi cùng nhau làm nghề, cả hai dần nền tính hơn, học cách kiềm chế và bỏ qua cơn giận một cách nhanh chóng.

“Đời người sống hôm nay không biết ngày mai ra sao, nên thương nhau được lúc nào thì cứ thương, vui vẻ ngày nào hay ngày đó. Nhiều năm làm nghề, hơn ai hết tôi hiểu cuộc đời vô thường như thế nào”, chị giãi bày. 

Theo VietNamNet