Bên dưới là bức ảnh chụp mộ ông được cắt từ một tờ báo nào đó, dán lại. Toàn bộ những điều đó cho thấy người chép thơ hâm mộ vị nhà thơ tài hoa, đoản mệnh ấy đến nhường nào.

Bên ngoài cửa sổ, nắng bắt đầu tắt, đêm đang chuyển mình. Hoàng hôn ở đây dường như xuống sớm hơn, bởi những tòa nhà cao tầng. Mấy mươi năm về trước Hàn đi xa, không gian u ám của một bệnh viện đông người nhưng bệnh tật đã làm cho họ có cảm giác xa rời mọi thứ. Những chiếc giường bên cạnh, bệnh nhân cũng nhìn chúng tôi như xa lạ, vì cách biểu hiện rất lạ của Khải. Sẽ có ngày này. Dường như Khải cảm nhận được điều đó qua đôi mắt tôi, qua những giọt nước mắt đang đua nhau rơi nhanh xuống má tôi. Tôi đã cố gắng lắm nhưng không làm cách nào để nó dừng được cả. Lúc đó, tôi chỉ muốn chạy ra ngoài nhưng lại sợ lúc trở vào sẽ vĩnh viễn không bao giờ còn gặp lại được anh nữa. Nó mơ hồ, xa xôi và có gì đó rất lạ.

Tôi không nhớ rõ bao giờ, nhưng có lẽ cách đây vài ba năm gì đó. Trong một đêm cuối thu. Đã sắp về sáng. Trên trời, vành trăng đi ngủ muộn, tròn vành vạnh, sáng lấp lánh. Không gian mơ màng, lòng người cũng mơ màng - ngồi bên anh tôi thường có cảm giác này mà không hiểu vì sao. Khải chỉ vành trăng và nói:

- Có thể Hàn ở trên kia!

- Trên nào cơ?

- À. Không!

Khải cười mơ màng, lẩm bẩm một mình: “Kẻ ngoài ngắm người trong trăng”. Tôi không hiểu hết những câu nói nửa vời của Khải.

Có lần Khải vào Quy Hòa, chỉ để một lần xem lại nơi Hàn đã từng sống với những ngày cuối trước khi tạ thế. Anh đã khóc khi từ nơi đó về. Có người bảo anh điên nhưng không đâu. Anh thương Hàn cô đơn ngay khi cần người thân yêu nhất thì không có. Những ngày tháng bơ vơ một mình chỉ có người cháu nhỏ đi đi, lại lại mang cơm. Anh luôn thắc mắc: “Tại sao Hàn không đi du học. Tại sao Hàn lại gặp cụ Phan vào thời điểm đó. Giá như sau khi du học về, Hàn gặp cụ Phan, có thể lịch sử đã sang trang và cuộc đời Hàn đã đổi khác. Có lẽ Hàn sẽ không bị phong, có thể Hàn sẽ không chết và sẽ không có một Hoàng Cúc dịu dàng chờ Hàn nơi chốn kinh kỳ xa xôi khi anh chuyển vào Quy Nhơn, rồi tạ thế ở trại phong Quy Hòa trong cô đơn. Và cũng có lẽ sẽ không có những vần thơ kinh điển - một lời trách xa xôi gửi thôn Vĩ.

Nhà Khải có bốn chị em. Ba chị đầu là con bà cả. Khải con bà hai. Đấy là tôi gọi thế cho dễ, chứ thực ra Khải là kết quả sự ngã lòng của ba, khi ông có phút giây ngoài chồng vợ. Mẹ Khải có một nét đẹp rất Huế. Khải tự hào về mẹ. Sau này khi bà hai mất, Khải được ba và bà cả đón về, nhưng trong nhà anh không có danh phận gì. Anh lớn lên trong vòng tay của người thân mà như xa lạ, sự hời hợt của các chị, vẻ lạnh lùng của ba cộng với sự cay nghiệt của bà cả khiến anh sống mặc cảm với bản thân.

Chúng tôi hứa hẹn với nhau khi chưa hiểu gì về tình yêu nhưng vẫn đi về cùng nhau mỗi lần tan học. Đó là những lần Khải giơ tay cho tôi xem những vết bầm tím do ba đánh, rồi ngồi nhìn ra xa mà tự nghĩ đến người mẹ quá cố của anh. Không buồn, không khóc, không ca cẩm, chỉ thương thân bơ vơ ngay trong nhà. Cái kiếp con không giá thú, nó cay nghiệt đến mức này ư? Tôi đã từng nghĩ như vậy, nhưng chỉ là nghĩ.

Đấy là khi tôi biết rõ bệnh của Khải đã đến lúc nguy cấp. Anh muốn cùng tôi đi Quy Nhơn lần cuối, để một lần nữa được ngắm nơi Hàn yên nghỉ. Và lần nào vào thăm mộ Hàn, Khải cũng mang một bó hoa cúc trắng thật to. Tại sao không là hồng, là lan hay huệ mà là cúc. Đơn giản, đấy là loài hoa dù khô cũng không bao giờ rụng lá.

Chúng tôi gặp Khang. Khang bảo trong đời anh chỉ vẽ mỗi khách một bức ký họa, nhưng riêng Khải thì đến bốn bức. Khải cười buồn, gật đầu rồi bảo còn đến nữa, nhưng tôi biết sẽ không có bức ký họa thứ năm. Khang vẫn nói cười hồn nhiên. Hỏi tôi có cần ảnh Hàn không? Tôi đứng im. Khang loay hoay một lúc đưa cho tôi bức chân dung Hàn, đôi mắt lãng tử, buồn heo hút. Khang giải thích, đôi mắt Hàn đẹp và mơ mộng hơn, nhưng Khang vẽ mắt Hàn theo cảm nhận riêng, nên nhiều nét hơi khác. Từ mấy chục năm nay, anh vẽ Hàn theo trí tưởng tượng bởi hình ảnh Hàn in đậm trong lòng Khang. Bao nhiêu năm ngồi cạnh mộ Hàn và vẽ những bức chân dung vội vàng gửi khách thập phương. Khang vẽ nhanh và rất nhiều, có khi không giống lắm nhưng rất có hồn. Tôi hiểu tình cảm ấy. Tôi nâng bức chân dung Hàn do Khang vẽ.

“Người ta bảo yêu thơ là yêu nghệ thuật tạo chữ, chứ không nên yêu người phía sau nó” - Khải thì thào - “Nhưng anh lại yêu luôn người sau con chữ kia, người đã tạo nên những dòng thơ buồn và những câu chuyện bi thương. Chao ôi!”…

Khải đưa tôi một tập tài liệu dày. Đó là những tư liệu đáng giá mà có thể chỉ anh mới có. Anh muốn tôi bằng sự hiểu biết về Hàn mà anh từng kể, bằng tình yêu thương của một người hậu thế hãy viết một kịch bản hoàn thiện về Hàn. Tôi cầm những tư liệu quý giá đó, đọc kỹ càng từng câu từng chữ. Hình ảnh Hàn ẩn hiện trong đầu thấp thoáng, xa mờ chợt nhòa chợt hiện, không rõ lắm, nhưng những gì Khải nói luôn ám ảnh tôi, vào cả giấc ngủ. Chợt cũng muốn làm một cuốn phim về Hàn nhưng khổ vì tài năng không đủ lớn.

Khải nằm trên giường, queo quắp, chỉ còn da bọc xương. Đôi đồng tử trắng dã. Đã mấy hôm anh không ăn được miếng cơm nào. Mỗi lần tôi đưa ống hút sữa vào miệng, anh nhăn nhó bảo đau cổ lắm, cố mãi cũng chỉ hút được một phần tư ống. Khải nhìn lên trần nhà. Nhắc hoài tên mẹ anh - người mẹ quá cố mà anh chưa bao giờ tưởng tượng được. Mẹ mất quá sớm và cái tuổi của anh cũng không hiểu được mất mát lớn lao như thế nào, cái tuổi quá bé để hiểu lần ra đi ấy của mẹ là vĩnh viễn và không có sự trở lại. Tôi muốn điện cho ba và mẹ cả, nhưng anh không cho, nói hãy cho anh đi thanh thản rồi báo sau, anh không muốn họ bận lòng về mình. Khải bảo tôi hát cho anh nghe bài Hàn Mặc Tử. Tôi cất tiếng hát mà lòng đau nhói. Có lẽ đó là bài hát buồn nhất mà tôi từng biết. Khải tỉ tê:

- Anh may mắn hơn Hàn, trước lúc đi xa luôn có em bên cạnh làm tất cả những gì anh muốn.

Tôi cất giọng lên. Những người trong phòng khóc theo tôi. Khải bảo thích nhất đoạn điệp khúc. Đấy là đoạn hay nhất và cũng buồn nhất. “Hàn Mặc Tử xuôi về quê cũ giấu thân nơi nhà hoang, Mộng Cầm hỡi thôi đừng thương tiếc tủi cho nhau mà thôi, tình đã lỡ xin một câu hứa kiếp sau ta trọn đôi, còn gì nữa thân này xin để một mình mình đơn côi…”. Bài hát dứt thì tay Khải hạ xuống thành giường.

Từ nay không còn “kẻ ngoài ngắm người trong trăng”, như anh từng nói.

Sài Gòn cứ chợt nắng chợt mưa. Chiếc ti vi bật cả buổi nhưng tôi không để ý, dù từ ngày Khải mất, nó là bạn thân thiết nhất.

Ngồi ôm mớ bản thảo Khải đưa, tôi định sẽ viết một kịch bản hoàn hảo về Hàn, biết đâu tôi sẽ nổi tiếng. Lại nghĩ ngợi.

Trên ti vi chợt hiện dòng chữ: “Hàn Mặc Tử”. Làm tôi bừng tỉnh. Phải rồi. Dạo này báo chí rất ca ngợi về bộ phim này. Đó là bộ phim khá hay về Hàn do Hãng phim truyền hình Thành Phố Hồ Chí Minh thực hiện. Khải không còn để tận hưởng những thông điệp yêu thương của người đời sau dành cho Hàn - vị thi sĩ tài hoa bạc mệnh. Hàn Mạc Tử hay Hàn Mặc Tử đều là ông. Nhưng tại sao không có anh để nói cho tôi biết ai đã thêm nửa vành trăng nghiêng để biến chữ “Mạc” kia thành chữ “Mặc” như bây giờ.

Trên vô tuyến, gió chiều đưa những vần thơ bay bay trên bãi biển. Trên bàn, tập thơ của Hàn sóng sánh trăng. Mơ màng tôi thấy bức ảnh Hàn động đậy.

Truyện ngắn của Võ Thị Thúy