
Ngành Than "than" thuế cao làm khó cho xuất khẩu (Ảnh: Vinacomin).
Theo tổng hợp tình hình sản xuất từ Tập đoàn Than Khoáng sản Việt
Nam (Vinacomin), trong tháng 8/2013, toàn Tập đoàn sản xuất được 2,8
triệu tấn than nguyên khai. Tuy nhiên, công tác tiêu thụ chỉ đạt 1,9
triệu tấn, chủ yếu là than bán trong nước, than xuất khẩu chỉ đạt
280.000 tấn.
Riêng trong tháng 7, xuất khẩu chỉ đạt 235.000 tấn. Lý giải cho
tình hình xuất khẩu than khó khăn, Vinacomin cho biết, chủ yếu do Chính
phủ tăng thuế xuất khẩu than từ 10% lên 13% từ đầu tháng 7/2013.
Trước tình hình ngày càng khó khăn về công tác tiêu thụ than, nhất
là trong 2 tháng 7 và 8/2013 vừa qua, xuất khẩu than đạt thấp, chưa được
300.000 tấn/tháng. Do vậy, lượng than tồn kho hiện nay đã lên tới 7,9
triệu tấn.
Phía Vinacomin lo ngại, nếu cứ theo tình hình này, dự kiến kết thúc năm, lượng than tồn kho có thể lên đến gần 10 triệu tấn.
Vừa rồi, báo cáo tài chính của một số công ty con thuộc Vinacomin cho thấy lợi nhuận 6 tháng không mấy khả quan.
Chẳng hạn, mới đây nhất, Than Cọc Sáu (TC6) báo lỗ 56,7 tỷ đồng
trong quý II/2013, thiệt hại nặng nề so với mức lỗ ròng 5 tỷ đồng cùng
kỳ 2012. Khoản lỗ quý II đã kéo kết quả 6 tháng đầu năm của TC6 xuống âm
54 tỷ đồng.
Cuối quý 2/2013, số dư hàng tồn kho của TC6 trên 500 tỷ đồng, tăng 71,5% so với số dư đầu năm, tương ứng mức tăng 209 tỷ đồng.
Khoản tăng chủ yếu là ở chi phí sản xuất kinh doanh dở dang. Trong
gần 1.100 tỷ đồng tài sản ngắn hạn cuối quý 2, tiền mặt của TC6 chỉ
chiếm một tỷ trọng rất nhỏ, 0,8%, đạt 8,8 tỷ đồng. Phần lớn tài sản ngắn
hạn của Công ty nằm ở các khoản phải thu khách hàng (570 tỷ đồng) và
hàng tồn kho.
Theo thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, do lợi nhuận sau
thuế và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính bán
niên soát xét năm 2013 âm hơn 54 tỷ đồng nên cổ phiếu TC6 (HNX) không
được giao dịch ký quỹ kể từ ngày 26/8/2013.
Trong tháng 9/2013, Vinacomin dự kiến đạt mục tiêu sản xuất 3,2
triệu tấn than nguyên khai, đẩy mạnh công tác tiêu thụ đạt 2,9 triệu
tấn, giảm tồn kho.
Trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn, hướng tiêu thụ của Vinacomin là
thị trường trong nước bên cạnh kiểm soát chất lượng than thương phẩm,
đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm khoáng sản, đẩy nhanh tiến độ
một số dự án...
Một số đơn vị kho vận của Vinacomin được chỉ đạo mở rộng kho để cố
gắng bằng mọi giá, duy trì sản xuất đảm bảo việc làm cho người lao động,
nhất là đội ngũ thợ lò.
Theo Bích Diệp
Dân Trí
Dân Trí