Nhưng điều duy nhất an ủi chàng diễn viên nghiệp dư là sắp đến kỳ lễ hội hóa trang, phục sức không quan trọng bằng những chiếc mặt nạ ẩn danh, trong khi nghề của Rupert lại không cần che đậy khuôn mặt. Đơn giản, anh chỉ biểu diễn trò ảo thuật lấp vào chỗ trống khi ban nhạc tạm nghỉ giải lao.

Thu nhập của Rupert chủ yếu dựa vào lòng hảo tâm của khán giả chứ không có tiền công cố định như các nghệ sĩ chính danh khác. Dù sao, được giới chủ nhà hàng hay quán bar chiếu cố cho xuất hiện trên sân khấu mini là may mắn lắm rồi, anh thường tự nhủ những khi chỉ được ít tiền còm sau cả ngày trình diễn bở hơi tai.

Từ chiều đến giờ, nhà ảo thuật miệt mài phô diễn tài nghệ trong một tiệm rượu thiết kế ngầm dưới lòng đất, chốn lui tới ưa thích của lớp người sành điệu kề trung tâm thành phố. Đã hơn hai tiếng đồng hồ trôi qua mà Rupert chẳng kiếm được đồng nào, thực khách dường như không quan tâm tới những gì diễn ra xung quanh...Bất chợt, một thiếu phụ ngồi một mình ỏ ngay bàn giáp sân khấu vẫy Rupert lại gần, khi các thành viên dàn nhạc sống đang rục rịch trở về chỗ.

Tôi có thể mời anh một ly whisky được không? - Người phụ nữ vừa chỉ vào chiếc ghế đối diện.

Rất hân hạnh! - Rupert buông câu đáp quen thuộc mỗi khi được khách hành lưu tâm.

Thiếu phụ liền với tay lấy chai rượu với quá nửa gần góc bàn rót thêm vào ly của mình, trước khi đặt chiếc ly sóng sánh trước mặt ảo thuật gia. Vẻ đẹp quý phái toát ra theo mỗi cử chỉ của thiếu phụ tóc vàng khiến tim Rupert đập liên hồi...Đây là lần đầu tiên kể từ ngày mẹ mất, anh mới được người khác giới để ý, trong trang phục xoàng xĩnh của một nghệ sĩ nghèo này.

Tôi phục sát đất tài hóa trang của anh đấy - Người đối diện cố lên giọng át tiếng nhạc rộn rã.

Tôi chưa hiểu quý bà định muốn nói điều gì? - Rupert ngây ngô hỏi lại.

Thôi đừng giả bộ nữa! Những bước nhảy thiện nghệ hồi nãy chứng tỏ anh là bậc thầy siêu đẳng về các vũ điệu...

Nhún nhảy riết rồi cũng quen thôi...

Vậy anh không phải là vũ công chính của quán, người mới được mời từ London về theo như chương trình quảng cáo ư?

Ồ, vậy thì quý bà đã nhầm rồi! Anh ấy chỉ biểu diễn vào hai đêm cuối tuần thôi...Tối mai và tối mốt, bởi hôm nay mới là thứ Sáu.

Dù sao thì anh cũng phải uống hết chỗ rượu mà người khác giới mời, dù rằng đã có sự nhầm lẫn...

Rupert nhắm mắt nhắm mũi dốc hết ly Scotch whisky không đá vào cổ họng, anh cảm nhận rõ nồng độ cồn cực mạnh đang bào cháy gan ruột...Yêu cầu tiên quyết trong nghề biểu diễn bán chuyên nghiệp là phải đáp ứng mọi yêu cầu từ phía công chúng. Trường hợp bất khả kháng lúc này cũng vậy, miễn sao đừng có bất cứ lời phàn nàn nào tới tai chủ quán là được, nếu không lần sau sẽ chẳng có chỗ ưu ái nữa đâu.

Thế thì anh làm gì ở đây? - Thiếu phụ chợt hỏi không giấu vẻ tò mò.

Đơn giản tôi hành nghề diễn trò ảo thuật, mua vui cho tiên hạ là chủ yếu...

Chưa nói hết câu, Rupert cảm thấy trời đất quay cuồng vì ly rượu mạnh, vả lại hôm nay anh đã nhịn bữa trưa. Bụng đang đói mà tống thêm chất cồn vào thật là nguy hại...

Anh làm sao thế?...- Người phụ nữ vội móc chiếc điện thoại di động mạ vàng trong xắc tay ra - Để tôi kêu taxi đưa anh về nhé.

Không, xin cảm ơn. Tôi đi bộ cũng được, nhà tôi gần ngay đây.

Lần đầu tiên chàng diễn viên hơn ba chục tuổi buộc lòng phải nói dối khách hàng.

Rồi nhà ảo thuật gắng sức bình sinh đi thẳng người, cốt để các nhân viên trong quán không phát hiện ra anh trong trạng thái chếnh choáng dễ ghét.

Bảo trọng nhé - Bà khách nói với theo - Ngoài trời tuyết rơi dày lắm.

Lần đầu tiên Rupert bỏ ngoài tai lời căn dặn y hệt mẹ chu đáo lúc sinh thời.

Chàng nghệ sĩ nghiệp dư không vội lên ngay mặt đất. Anh đứng sát đoạn co nối hệ thống ống hơi khổng lồ sưởi ấm cho cả khu nhà đồ sộ, chỉnh trang lại quần áo trước khi chống chọi với sự khắc nghiệt của tiết trời mùa đông. Chiếc bóp giả da chợt cộm lên trong túi áo khoác mỏng tanh phủ ngoài chiếc tạp dề biểu diễn. Đủ thứ giấy tờ tùy thân chứa trong bóp như thẻ an sinh xã hội, giấy căn cước, chứng chỉ hành nghề còn thời hạn...mà bất cứ ai khi ra đường giữa thời buổi nạn khủng bố rìn rập cũng phải mang theo. Nếu vô tình để quên sẽ bị cảnh sát tuần tra liệt vào dạng nghi phạm đáng ngờ ngay. Ngăn ngoài cùng Rupert dành để đựng những đồng xu lẻ cho các khoản chi hàng ngày, tờ một trăm bảng Anh cất riêng vô một ngăn kín đáo mà chỉ chủ nhân chiếc bóp mới có cơ may lần ra. Khoản hiện kim dồn lại gần cả tháng ròng hòng trang trải tiền thuê căn gác áp mái chật hẹp, cũng như chiếc bóng đèn bốn chục oát họa hoằn lắm mới được bật lên. Nghĩ đến đoạn đường trở về nơi trọ Rupert thoáng rùng mình, bởi phải băng qua những khoảng trống mênh mông phủ dày tuyết. Càng đáng ngại hơn khi phải giáp mặt với viên chủ nhà khó tính, một người gốc Do Thái cùng vẻ mặt lúc nào cũng như muốn giễu cợt đồng loại.

Chỉ cần có đôi tay khéo léo một chút là ai cũng có thể hành nghề được như cậu - Ông ta luôn lớn tiếng nhận định thay lời chào mỗi khi thấy nhà ảo thuật thấp thoáng ngoài cổng.

Tim Rupert nhói đau khi bị xúc phạm tới lòng tự ái nghề nghiệp, viên chủ nhà vô hình chung đã coi thường ra mặt cái nghề mà anh từng khổ công tự học và tập luyện suốt thời trai trẻ. Nhưng lâm vào cảnh khất nợ tiền trọ triền miên nên chàng ảo thuật gia chẳng hề phản ứng nên lời. Tốt nhất là bỏ ngoài tai mọi lời gièm pha của những kẻ ưa chõ mũi vô chuyện của người khác. Thôi, mặc kêhọ, Rupert nén tiếng thở dài trước khi kéo cổ áo khoác dựng đứng hẳn lên để tránh những cơn gió buốt bất thần.

Vừa rảo bước vừa suy nghĩ miên man...anh tràn trề hy vọng vào một mùa lễ hội hóa trang gần kề sẽ sắm sửa thêm đạo cụ và phục sức mới sửa soạn cho lễ Giáng sinh. Anh cần phải mua một cặp bồ câu màu trắng, một con thỏ xám, một bó hoa bằng nhựa và vài dải băng nilon đa sắc nữa...

Dòng chảy kí ức đưa Rupert trở lại với buổi trình diễn đáng nhớ trong thời gian qua, nhất là dịp tham gia chương trình từ thiện nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi. Những khuôn mặt ngây thơ háo hức ngóng đợi, bởi chỉ trẻ con mới hoàn toàn tin vào nhà ảo thuật. Chúng không hề hoài nghi việc chiếc khăn mùi xoa tự dưng biến thành con chim câu, hay chủ thỏ mắt ướt ngộ nghĩnh đang rời hanh từ chiếc mũ ống trên đầu người nghệ sĩ...Đặc biệt hơn là kỳ biểu diễn tại nhà dưỡng lão mới được một tổ chức phi lợi nhuận khánh thành, diễn viên tự nguyện tham gia miễn phí. Những tràng vỗ tay râm ran từ đám cử tọa lớn tuổi luôn là phần thưởng vô giá với bất cứ nghệ sĩ chân chính nào. Trẻ con và người cao tuổi thường đề cao biểu tượng tinh thần phi vật chất, do vậy những màn ảo thuật đơn giản vẫn còn đất sống, ngược lại với nếp nghĩ của giới thị dân sành điệu. Với đối tượng sang trọng thì thật khó mà nghe được lời khen, một tiếng vỗ tay tán thưởng xem ra thật lạc lõng như dưới tiệm rượu bán lộ thiên vừa rồi.

Người ta trả công cho nghệ sĩ nghiệp dư bằng tiền mặt, giống như gái làm tiền, như thể họ muốn đẩy họ đi cho đỡ vướng mắt...Trong suốt quãng đời hành nghề, Rupert chưa một lần được ký hợp đồng biểu diễn chính thức, mọi thu nhập chủ yếu dựa vào tiền boa của khách. Đó là còn may vì anh chưa phải chi phần trăm hoa hồng cho chủ nhà hàng hay đóng hụi chết cho bảo kê. Mọi người dường như chẳng thèm để ý đến sự hiện diện của nhà ảo thuật nghèo khó, ngoại trừ giới cụ ông cụ bà lẫn trẻ con hiếu động. Những nụ cười vô từ thường trực trên môi họ đã sưởi ấm lòng người nghệ sĩ.

Tuyết rơi mỗi lúc một nhiều hơn. Rupert vén áo liếc nhìn đồng hồ quả quýt rẻ tiền đeo toong teng ngay dây lưng. Chết thật, mất trọng cả buổi chiều không công dưới quán bar ngầm, mớ tiền xu ít ỏi lại thâm hụt đi để mua ổ bánh mì đặc ruột trong hiệu tạp hóa gần nhà cho bữa tối.

Nhà ảo thuật vội rảo bước theo lối tắt băng qua công viên trung tâm tiếp nối với đường vành đai hướng về khu ngoại ô, phía cuối con đường là dãy nhà trọ của ông chủ người Do Thái. Ráng chiều tà yếu ớt bị khỏa lấp bởi những đợt mưa tuyết dồn dập...Lác đác đây đó vẫn còn những đứa trẻ nô đùa trong tuyết, trong khi cha mẹ chúng cẩn trọng ngồi quan sát trên những cỗ xe trượt tự tạo đậu trên rặng thông lá nhọn. Bọn trẻ thi nhau bốc các tảng tuyết tơi xốp đắp thành tượng hình nhân ngộ nghĩnh, trong khi những đứa nhỏ hơn lăm lăm trên tay khúc cà rốt vàng ươm chờ chực cắm lên mặt tượng người tuyết sắp hoàn chỉnh. Khung cảnh hạnh phúc của đám người xung quanh khiến Rupert chạnh lòng, nếu mẹ anh không mất sớm hẳn anh cũng có một tuổi thơ êm đềm như lũ trẻ kia...Đúng là mỗi thân phận một hoàn cảnh khác nhau, như ông chủ nhà trọ thường triết lý.

Qua khỏi khu công viên rợp những tán cây là con đường trải nhựa phẳng lì thuộc tuyến vành đai vừa khai trương đầu mùa hè. Nhà ảo thuật lầm lũi bước, bỏ lại đằng sau tiếng cười sảng khoái của đám trẻ tràn trề hạnh phúc. Hai tay đút sâu vào túi áo khoác, đôi tai ửng đỏ vì rét lấp ló ngay vành mũ ống chật cứng. Đường về chỗ trọ phải bằng ngang khu nhà của những người Digan nhập cư, đây là lần đầu tiên Rupert cuốc bộ xuyên qua những căn nhà tạm bợ đậm chất du mục. Mùi xú uế lan tỏa khắp nơi, tiếng ngựa hí xen lẫn từng tràng thổ ngữ lao xao như bao trùm tất cả...Trước đây, sau khi tan suất biểu diễn, anh thường bắt xe buýt về nhà, anh sử dụng vé tháng giảm giá cho thành phần bán thất nghiệp do cơ quan lao động quận cấp. Ngôi làng của người Digan trôi bảng lảng dưới lớp sương mù, chẳng vị khách nào lưu tâm xem họ sống ra sao. Ngay cả tuyến xe buýt đông đúc cũng không có trạm dừng giữa làng, người ta kháo nhau rằng dân Digan khoái đi ngựa hơn là các phương tiện có động cơ. Thỉnh thoảng Rupert thấy đám trẻ da nâu tóc xoăn trong làng đang đeo bám vị khách bộ hành nào đó. Cảnh sát thì luôn khuyến cáo nên tránh tiếp xúc với cộng đồng Digan nếu không có việc cần thiết. Họ cẩn trọng là đúng, bởi đã xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc như nạn chôm đồ, móc túi và lừa gạt du khách nhẹ dạ, trong khi việc truy tìm thủ phạm gặp muôn vàn khó khăn, vì người Digan nom hao hao giống nhau...

Đám hành khất xuất hiện đột ngột trước mặt đã cắt đứt luồng hồi tưởng trong đầu anh. Thấy có người lạ nên bọn trẻ rủ nhau ùa ra xin xỏ. Chúng đông đến mười mấy đứa, đứa nào cũng lăm lăm trong tay dụng cụ cái bang như rổ nhựa thủng hay vỏ hộp rỗng. Thằng nhóc đi đầu cỡ tám chín tuổi mở miệng bằng giọng Anh bồi:

Xin chào...bác khách quý!

Bỗng dưng thằng bé lùi lại một bước:

Không dám, xin chào ngài...nghệ sĩ! À, ngài chuyên làm trò ảo thuật như...diễn viên trong rạp xiếc.

Mặc kệ, Rupert cứ cắm mặt bước qua đám trẻ nhếch nhác. Quả thực anh đâu có gì mà cho chúng, những đồng xu lẻ được dự trù cho khoản ăn uống trong tuần mất rồi. Tài sản lớn nhất là tờ bạc một trăm bảng đương nhiên sẽ lọt vào tay người đàn ông Do Thái ngay tối nay, chỉ mong ông ta cho anh tá túc hết mùa đông rét mướt. Số đạo cụ ít ỏi dĩ nhiên thuộc dạng bất ly thân không thể cho hay bán được...

Sau cùng, nhà ảo thuật cũng làm nản chí đám trẻ Digan qua cử chỉ hết sức cương quyết.

Không ngờ nghệ sĩ xiếc còn keo kiệt hơn cả tầng lớp khác - Một giọng Anh bồi văng vẳng nhận định từ đằng sau.

Thế là thoát nạn, Rupert khoan khoái thở phào cho vơi bớt trạng thái căng thẳng lúc phải đối mặt với những đồng loại nhí lam lũ. Nhưng điều bất ngờ đang chờ đợi anh ngay phía cuối làng, dù muốn hay không anh cũng phải dừng bước trước một đối tượng khác biệt.

Trên mô đất ngập tuyết là một cô bé chừng sáu bảy tuổi đang chìa bàn tay nhỏ xíu. Điều khiến Rupert cảm thấy lạ là đứa bé không được trang bị bất cứ một dụng cụ hành nghề ăn xin nào hết.

Sao cháu lại ngồi giữa trời lạnh thế này? - Sự kiện bất ngờ buộc anh cúi hẳn người xuống hỏi.

Bé gái vẫn yên lặng, như bỏ ngoài tai sự quan tâm đó. Rupert quyết định hỏi lớn giọng hơn:

Thế cháu có nói được tiếng Anh như mấy bạn ở kia không?

Có, thưa chú, đơn giản bởi đây là...nước Anh - Cô bé hóm hỉnh đáp.

Vậy nhà ở đâu mà cháu lại ra đây ngồi giữa trời tối thế này?

Dì dượng cháu bắt cháu phải ra chặn du khách xem có được chút gì không.

Thế ba má cháu đâu mà cháu phải ở với vợ chồng dì?

Ba cháu đã bỏ má con cháu từ lâu, còn má cháu mới chết vì cúm heo. Chẳng ai lo cho cháu đi học nữa, nếu không, cháu đang là học sinh lớp hai của ngôi trường sát công viên trung tâm.

Thì ra là vậy...Chú thật lòng chia buồn với hoàn cảnh nhà cháu...Thật đáng tiếc.

Cháu không muốn nghe người khác rủ lòng thương hại. Hồi còn sống, má cháu tìm mọi cách bươn chải chứ không ngồi trông chờ vào lòng hảo tâm của bất cứ ai...

Ghê thật! Cháu còn nhỏ mà ăn nói giống như người lớn vậy.

Má cháu với thầy cô ở trường luôn dạy cháu những điều đó.

Sao bỗng dưng cháu ngồi ở đây? Chắc bị dì la rầy phải không?

Đâu có! Dì bắt cháu chạy vội ra đây khi thoáng thấy bóng chú, trong khi dượng cháu thì cho rằng thế nào cũng kiếm được chút đỉnh...

Trông chú giống người có tiền lắm hay sao?

Cháu không quan tâm đến chuyện đó. Chỉ là chìa tay ra cho dì dượng cháu hài lòng, chứ cháu không muốn đi ăn xin.

Nếu không mở miệng xin thì chẳng ai cho...

Bé gái chợt im bặt...Rupert cảm thấy ân hận vì đã chạm vào lòng tự trọng của cô bé đáng thương. Hoàn cảnh cô bé người Digan đâu khác gì anh, cha chối bỏ trách nhiệm trước khi mẹ mất sớm...

Chú xin lỗi cháu vì đã lỡ lời. Chú muốn hỏi thêm cháu một câu cuối có được không?

Tùy chú thôi - Bé gái bỗng nở nụ cười đầy bao dung.

Lỡ cháu không xin được chút gì thì sao?

Đấy là điều mà những người hàng xóm của cháu bàn tán suốt thời gian qua. Có thể dì dượng sẽ bỏ mặc cháu vì lo cho đàn con của họ còn chưa xong. Ngay chúng cũng hành nghề cái bang từ khi mới biết đi.

Tim Rupert một lần nữa lại nhói đau khi mường tượng tương lai của cô bé khác chủng tộc. Dù sao thân phận anh còn may mắn hơn cô bé khi được nhận vào cô nhi viện, rồi còn được đào tạo hướng nghiệp hẳn hoi...Lương tâm mách bảo khiến nhà ảo thuật bất thình lình tung một chiêu chưa sử dụng bao giờ.

Tiếng chân thình thịch xen lẫn hơi thở gấp gáp dường như sắp bắt kịp Rupert.

Chú gì ơi...Có tờ giấy bạc rớt từ người chú ra nè - Bé gái Digan ráng sức hét đến lạc cả giọng - Cháu thấy nó rơi trước mặt nên vội đuổi theo trả lại cho chú...

Mặc kệ, nhà ảo thuật trẻ tuổi như bỏ ngoài tai tiếng gọi thống thiết phía sau. Lớp băng mỏng phủ mặt đường lạo xạo vỡ dưới nhịp chân gấp gáp của anh.

Theo Emanuel Ikonomov (Quang Long dịch)