Thằng em cứ than thở: "Ở nhà này hoài coi như không bao giờ tôi có được nhà! Nhà thờ là của chung mà". "Ừ thì mày cứ ở muôn năm cũng được, ai nói gì đâu". "Sao được! Còn đời con, đời cháu mình nữa chi. Mình không tranh chấp chứ tụi nhỏ biết được vậy không. Rồi kéo nhau ra tòa, kiện tụng, mệt lắm". "Ừ, thì thôi bán thì bán!"
Khách mua nhà là hai vợ chồng trẻ măng, cô vợ có thai đứa con đầu lòng bụng chửa vượt mặt rất dễ thương, cứ nói đi nói lại: “Tụi con thích chỗ này nên mua ở thôi, không buôn bán gì đâu”. Ừ, hiếm khi gặp lớp trẻ lại hoài cổ như vậy. Bởi căn nhà này chỉ là một căn phố xưa, nằm trong dãy phố cất từ trước năm 45 kia. Còn nhớ ngày trước, đi đâu về cứ kêu xe lôi “Cho tôi về phố 18 căn”, vậy là xe nào cũng biết, chở tới trúng phóc, chẳng cần nói thêm đường sá gì nữa. Có lẽ vì vậy mà ngày trước khi được động viên mua nhà trả góp ở khu công chức má tôi vẫn nhất định ở lại nhà mướn chứ không đi đâu hết. Mãi đến sau giải phóng, chủ nhà đã vượt biên cả, má tôi vẫn tiếp tục đóng tiền thuê nhà cho nhà nước cho tới khi tất cả dãy phố xưa này được hóa giá, rẻ đến mức gần như cho không vì thời gian quá lâu, nhà nào cũng rệu rả cả rồi. Nhưng dẫu sao cái chỗ này, con đường này vẫn là đường lớn, xưa giờ chưa hề thay đổi tên đường. Điều đó chẳng thú vị sao?
Ở cuối con đường nhà tôi là một ngã ba, có tên “Ngã ba cầu Xéo”. Cái xóm Cầu Xéo đã thành một địa điểm quen thuộc của mọi người trong thành phố. Những ngày má mới mất, tôi vẫn thường đến đây, nhìn hàng sao cổ thụ hai bên đường còn sót lại mấy cây, cành lá sum suê mà nhớ những buổi chiều của tuổi thơ nào xa lắc, má tôi dẫn tôi đến chỗ này ngắm những bông sao (thực ra là trái sao) quay tít trong gió như những chong chóng nhỏ bay lượn trong không gian rồi lượm cả bọc đem về nhà. Và con bé ngày đó cứ thích thú quăng lên cao từng bông sao, từng bông sao quay tít trong niềm vui vỡ òa của tuổi thần tiên “Nằm ngủ mơ thấy tiên” ấy.
Bây giờ sao ít thấy những bà mẹ dẫn con đến để lượm bông sao thả chong chóng bay lên trời cao dù trong thành phố này đây đó vẫn còn nhiều gốc sao cổ thụ từng một thời rủ bóng xuống tuổi nhỏ đầy thú vị của những đứa trẻ con năm xưa. Riêng tôi, lớn lên tôi đã cố đi tìm hiểu về cái xóm Cầu Xéo, về cái ngã ba Cầu Xéo của mình. Bởi từ đầu đến cuối con đường, chỉ có con sông Hậu chảy qua chứ làm gì có cây cầu bắc qua sông, qua rạch nào! Cuối cùng, những người già cố cựu đã cho tôi biết cây cầu Xéo kia chỉ là một cây cầu bắc từ bờ sông ra đến những tàu hàng lớn từ Campuchia sang. Tàu ngày xưa chạy bằng củi than nên cầu được bắc để phu bốc vác ôm củi đốt xuống cho tàu ngay bến sông này. Vì cầu được bắc xéo hình cùi chỏ nên dân gọi quen là “Cầu Xéo”. Cây cầu mang ý nghĩa kinh tế đã mất tăm mà cái tên vẫn còn ở lại, sống mãi đến ngày nay. Và lớp trẻ chúng tôi lớn lên, mở miệng ra là nói mình ở “Xóm Cầu Xéo”tuy chưa hề thấy cây cầu mà vẫn in hoài dấu vết xưa vào ký ức, vào cuộc sống của mình. Vậy nên, căn phố xưa, căn nhà cũ bán đi rồi mà trong tôi vẫn mênh mang nỗi nhớ, vẫn đầy ắp kỷ niệm. Và những hồi ức về ngôi nhà mình sinh ra, về những con người nơi đó như một lỗ mội trong lòng đất để nước từ đó cứ tuôn trào, tuôn trào...
- Sáu giờ rưỡi rồi! Dậy mau! dậy mau! Không trễ giờ học bây giờ.
Cái điệp khúc này ngày nào má tôi cũng cất lên vào mỗi sáng. Vậy mà mấy đứa chúng tôi vẫn tiếp tục ngáy khò khò, ít nhất là đến mười lăm phút sau. Bởi đứa nào cũng biết tỏng là khi má la vậy là mới có sáu giờ thôi. Lúc nào má tôi cũng “trừ hao” vậy mà! Tội gì không “nướng” thêm chút nữa. Chỉ cần mười phút đánh răng, rửa mặt, thay đồ, chải qua quýt cái đầu là ôm cặp chạy đi được rồi. Tội nghiệp cho chị- người- làm, sáng nào cũng nấu nồi cơm tấm mỡ hành nóng hổi, làm sẵn chén nước mắm tỏi ớt ngon lành mà mấy khi có đứa ngồi lại ăn trước khi đi học đâu. Bữa ăn sáng cứ để ăn trưa vẫn là chuyện thường ngày ở nhà này dù đứa nào vào lớp cũng đói meo bởi mấy món quà vặt trước cổng trường như khúc bánh mì, ly đá nhận chế si rô có thấm vào đâu.
Ba tôi mất sớm, má tôi một mình nuôi ba đứa con và gánh vác cả hai bên gia đình từ mấy đứa cháu ruột đến cháu chồng. Có đứa từ miệt vườn ra đi học chữ, có người học nghề, có người chỉ giúp việc nhà vì không làm gì được ở quê. Nhà lúc nào cũng trên chục người vậy mà với đồng lương giáo viên má tôi vẫn cưu mang tất cả. Đến bây giờ nhớ lại quả tôi cũng không biết làm sao cả nhà có thể sống tươm tất như vậy! Nhỏ cháu tôi vẫn nhắc:
- Bà ngoại thiệt giỏi! Hè nào cũng đưa bọn mình đi Vũng Tàu đổi gió, tắm biển. Không biết lương ngoại bao nhiêu. Mà hồi đó có ai dạy thêm làm thêm gì đâu!
Nhỏ cháu chỉ nhỏ hơn tôi bốn tuổi ấy sau này bôn ba lận đận ở Sài Gòn nên những ngày sống dưới mái nhà này vẫn là những ngày đẹp nhất, vui vẻ nhất của nó. Má tôi đã xuống tận Rạch Giá đón nó về nuôi lúc mới hai tuổi để ba má nó yên lòng đi kháng chiến. Nghe má tôi kể lại thì lúc đó nó xác xơ như con mèo ướt, cứ khóc ngằn ngặt và hay bị động kinh bởi bị nhiễm trùng cuống rún. Phải thuốc men dữ lắm nó mới khỏe được.
Lớn lên đi học trên thành phố rồi trở về nhà, căn nhà trong mắt tôi chợt nhỏ lại và tôi lại ngạc nhiên không hiểu sao với từng ấy diện tích lại chứa đông người đến vậy mà chúng tôi vẫn thấy căn nhà của mình thênh thang, đủ chỗ cho chúng tôi ăn ngủ, chơi đùa thỏa thích. Có lẽ do tuổi nhỏ hồn nhiên quá chăng? Chỉ biết ngóc ngách nào trong nhà cũng ăm ắp kỷ niệm tuổi thơ. Nhắm mắt lại là mọi thứ sẽ hiện ra, tươi rói, lấp lánh như mới hôm qua.
Này nhé, thân thiết nhất chính là gian nhà sau, nơi có vạt giường khá rộng của chị Bảy, cháu ruột của ba tôi qua giúp việc nhà. Tối nào bọn tôi cũng họp lại kể cho nhau mọi chuyện trong ngày. Mới thấy thế giới trẻ thơ sao mà đầy ắp thú vị. Đứa bị cô phạt đứng chào cờ trên bảng, đứa hí hửng vì điểm tốt, đứa hít hà ổ bánh mì cá mòi của bà Ba ngoài cổng trường bữa nay quá ngon, buổi trưa nay mới bắt được con miễng kiếng đẹp tuyệt cú mèo trên giàn bông bụp... Hấp dẫn nhất vẫn là câu chuyện của thằng em cô cậu cùng tuổi tôi. Hôm thì nó đi bẻ trứng cá bị chủ nhà xách cây rượt bắt, hôm thì nó lội qua cồn trộm ấu, bắt dế... Vốn dân miệt vườn, mới hơn mười tuổi thằng em tôi đã rành rẽ mọi trò chơi, từ tán u, câu cá, đổ dế, bắn chim đến hái trái vườn người. Mỗi câu chuyện là mỗi “chiến công” trong ngày của nó đôi khi được cường điệu hóa khiến lũ trẻ trong nhà há hốc mồm mê mẩn tâm thần. Nhớ lại thì gian nhà khách, nơi má tôi hay ngồi đọc báo, xem sách hoặc làm việc bên chiếc bàn bureau có vẻ xa cách với chúng tôi hơn bởi ít có đứa nào muốn léo hánh ra nhà trước, đứa nào cũng sợ bị má tôi kêu lại hỏi chuyện học hành.
Lớn lên một chút, bọn tôi thích quây quần buổi trưa trên bộ ván gõ ở nhà bếp, nơi các bà các chị thường ngồi bắt mâm nấu nướng ngày giỗ, Tết. Sở dĩ phải chui rúc xuống đây vì nhà tôi tuy không rộng bề ngang nhưng lại sâu đến mấy chục thước, người lớn ít khi tìm xuống. Ấn tượng nhất vẫn là những buổi cầu cơ, đánh bài. Đứa nào cũng lấm la lấm lét, vừa sợ người lớn bắt gặp, vừa sợ ma về thiệt theo bàn tay run run trên tấm gỗ hình trái tim mà thằng em quậy phá kiếm đâu từ nghĩa trang về (theo lời nó nói). Có khi chỉ tiếng dép lẹp xẹp của ai đó ở nhà trên cũng khiến cả bọn giật nẩy mình, mặt mày xanh lét. Những giây phút ấy, làm sao quên!
Vui nhất vẫn là mấy ngày Tết, khi gia đình cô chị họ bồng bế về ăn Tết. Chị này là cháu ruột của má tôi, do cậu tôi mất sớm, mợ quá nghèo nên má tôi nuôi suốt từ nhỏ đến lớn, dựng vợ gả chồng đàng hoàng. Hai vợ chồng ở đâu miệt Xuân Lộc, năm nào Tết cũng dẫn ba đứa con về chơi. Thôi thì nhà chật ních từ trong ra ngoài, ầm ĩ cũng từ ngoài vào trong. Năm sáu đứa nhỏ chia phe lắc bầu cua cá cọp hoặc chơi bài cào. Người lớn thì kéo phé, kéo xì dách, sát phạt tưng bừng không ai nể ai. Mấy đứa nhỏ có khi thua hết tiền lì xì, mặt méo xẹo, ngồi khóc rưng rức. Cuối buổi kẻ nào thắng trận phải bao cả nhà ăn hủ tíu ăn mì của gánh mì ngon nhất đầu đường, có khi phải bỏ thêm tiền túi ra mới đủ. Đúng là “Vui như Tết”!
Vui nhất là lúc về khuya, bọn nhỏ ngủ cả, mấy người lớn vẫn châu đầu vào sòng, có khi phải chui cả xuống gậm bàn vì bà ngoại tôi cứ đi ra đi vào cằn nhằn: “Lớn đầu còn dạy hư con nít”. Mãi đến giờ, hương vị những ngày Tết ấy vẫn còn đọng lại trong tôi. Nhưng đã bao năm qua, bao nhiêu cái Tết rồi, những người năm xưa ấy còn được mấy ai? Thảng hoặc có còn chăng nữa không biết còn ai nhớ về căn nhà cũ, kỷ niệm xưa như tôi không?
Sau ngày giải phóng, má tôi lại ở một mình trong căn nhà cũ. Má đã nghỉ hưu trước đó mấy năm, còn chúng tôi đều ở xa. Tôi về nhà chồng, thằng em trai lên thành phố kiếm sống còn thằng em út đã mất vì bệnh. Đêm nằm ngủ trong căn nhà xa lạ tôi cứ nghĩ đến nhà mình, nghĩ đến má tôi một thân một mình ra vô trong căn nhà sâu hút. Có đêm thức giấc giữa khuya tôi cứ ngỡ mình đang ở nhà, chừng tìm hoài không thấy chiếc cửa sổ mở ra sàn nước mà chỉ thấy mấy ngôi sao nhấp nháy trên vòm trời mới nhớ mình đã thuộc về nhà khác, thuộc về cuộc sống khác. Cảm giác hụt hẫng như vừa đánh mất một khoảng trời, một người thân thiết và bỗng dưng nước mắt rưng rưng. May mà do hoàn cảnh riêng, tôi còn được về nhà cũ ở với má mấy năm cùng hai đứa con nhỏ của mình. Theo nghề má, tôi cũng đi dạy, cũng ngày ngày đứng trên bục giảng dù đồng lương lúc bấy giờ không được thoải mái như thời của má. Tôi tất bật công việc, lại nhờ má trông coi cơm nước cho mấy mẹ con, cái công việc mà khi trước má chưa hề làm bởi nhà lúc nào cũng có người giúp việc. Vậy mà má tôi không hề phàn nàn, chỉ xót xa cho lũ cháu ăn uống không đầy đủ.
- Tội nghiệp mấy đứa nhỏ không được ăn táo, ăn nho!
- Tội nghiệp mấy đứa nhỏ không được đi tắm biển, đi đổi gió mùa hè!
Có khi những lời than thở của má làm tôi phát bực, phải la lên:
- Sao má không tội nghiệp cho con nè. Mấy đứa nhỏ nó có biết táo, nho, biết tắm biển là gì đâu mà thèm. Chỉ lớp tụi con mới thấy thiếu thôi má ơi!
Khi thằng em trai có gia đình về ở với má, tôi trở về nhà chồng. Má tôi tuần nào cũng lội bộ vào thăm con, thăm cháu cho đến lúc sức khỏe yếu hẳn. Má vẫn thường nói:
- Má thích ở đây vì gần chợ, gần trường, đi đâu cũng tiện. Buổi sáng chỉ cần đứng trước cửa nhà là đã gặp bao người quen đi ngang qua, không cần đi đâu cũng nắm hết tin tức rồi.
Đó là má tôi chưa kể đến sự hấp dẫn của dãy phố này vào những đêm Noel hằng năm, bọn nhỏ chúng tôi bắc ghế ngồi trước cửa nhà nhìn cả thành phố diễu qua, bởi đây là con đường chính dẫn xuống nhà thờ chánh tòa mà. Chưa hết, có ai đó muốn biết thời trang nóng hổi của năm nay ư? Chỉ cần ngắm những mốt áo quần của ngày giáng sinh là biết hết! Không trách mấy đứa bạn cũng thường đến ngồi “ké” trước cửa nhà tôi để nhìn thiên hạ ăn diện, mốt miết đầy đường.
Những năm cuối đời má tôi càng gắn bó với ngôi nhà. Khi má bệnh tôi đưa má về nhà mình để dễ bề chăm sóc, vậy mà cứ đi đứng được là má lén ra đầu hẻm, về nhà. Cái lẫn lộ của tuổi già làm má quên rất nhiều thứ, thậm chí có hôm không nhìn ra con cháu nhưng đường về nhà là má nhớ như in. Mở miệng ra là:
- Nhà tôi ở đường Phan Đình Phùng, dãy phố 18 căn, gần chợ lắm.
Rồi gặp ai cũng hỏi:
- Có biết nhà tôi không? Tụi nó nhốt tôi, không cho tôi về nhà...
Ôi căn nhà của má! Cả một đời làm việc nuôi biết bao nhiêu con cháu nội ngoại, của cải rốt lại của má tôi chỉ là căn nhà quen thuộc đầy ắp kỷ niệm, đầy ắp yêu thương. Chắc má tôi cũng hài lòng vì má đã ra đi trong căn phố thuê mà má đã biến nó thành nhà mình. Và rằng rất nhiều năm sau, chị em tôi vẫn thờ phượng má ở đó để mỗi ngày giỗ con cháu tụ về...
Nghe tin nhà bán, nhỏ cháu tôi trở về, thắp nhang lần cuối trên bàn thờ trong căn nhà cũ, nước mắt rưng rưng:
- Chắc bà ngoại buồn lắm! Có điều chắc ngoại không giận mình đâu. Ngoại biết hoàn cảnh con cháu mà....
Rồi nó giao nhiệm vụ cho tôi, cứ như tôi là nhà văn ngon lành lắm:
- Dì phải viết về nhà mình đi. Để giữ lại chút gì chứ. Không thể để mọi kỷ niệm vui vẻ, ấm nồng ở đây mất đi được!
Vậy là theo yêu cầu của nhỏ cháu đã cùng mình lớn lên dưới một mái nhà, theo "mệnh lệnh trái tim" mình, tôi đã kể về căn nhà xưa một thời ngập tràn niềm vui, ngập tràn hạnh phúc ấy. Đúng là một sự kể lể lan man tản mạn không nằm trong khung truyện ngắn, truyện vừa gì. Bởi cảm xúc riêng, nỗi nhớ cũng rất riêng thì làm sao sắp xếp, gọt giũa cho được! Dẫu sao tôi cũng thấy nhẹ lòng khi nhớ về bọc nhóc tỳ ngày xưa, về những người thân yêu đã mãi mãi ra đi vào chốn vĩnh hằng...
Nhà cũ bán rồi! Ý nghĩ lặp đi lặp lại trong đầu mà sao vẫn chưa quen! Sao mỗi ngày vẫn muốn chạy ngang qua đó liếc nhìn căn nhà khóa kín cổng ngoài một cái cho đỡ nhớ. Buổi sáng nay chợt thấy tấm bảng nhỏ treo phía trước “Nhà cho thuê”, bên dưới là một số điện thoại lạ hoắc. Có lẽ chủ mới trong khi chờ xây lại toàn bộ đã tranh thủ gỡ chút đỉnh vốn chăng?
Nhà cho thuê! Năm tháng trôi qua, ngôi nhà lại quay ngoắt một vòng trở lại điểm xưa? Tôi ngừng xe, nhìn mãi căn nhà cũ không còn là nhà mình nữa, bỗng thấy lòng quặn đau...
Theo Nguyễn Ngọc Tuyết