Các thương hiệu đắt tiền từ châu Á đang cố vươn lên khẳng định mình trên thị trường, với lợi thế chủng loại sản phẩm, giá rẻ cùng lượng khách hàng đông đảo. Đây cũng là cơ hội của nhiều vụ sáp nhập thương hiệu tương lai.

Từ nhiều thập kỷ nay, các mặt hàng xa xỉ làm tại châu Á đã mang tiếng "nhái" trước những sản phẩm đến từ châu Âu. Điều này thúc đẩy các công ty trong khu vực tìm lối đưa tên tuổi đi lên. Couronne, Farah Khan, hay Woo đang thu hút khách hàng bằng những sản phẩm do chính mình sản xuất, cạnh tranh với các đối thủ châu Âu.

Couronne là một trong những thương hiệu Hàn Quốc đang khẳng định mình trong các nhãn hàng xa xỉ. Ảnh: T-araworld
Couronne là một trong những thương hiệu Hàn Quốc đang khẳng định mình trong các nhãn hàng xa xỉ. Ảnh: T-araworld

Louis Vuitton hay các nhãn hiệu phương Tây khác đang tiêu thụ chậm, cho thấy nhu cầu mua sắm tại châu Á dần thay đổi. Dân số của lục địa lớn nhất thế giới không ngừng tăng và khách hàng ngày càng chuộng thiết kế mới lạ hơn là những logo tên tuổi nhan nhản khắp nơi. Khảo sát của công ty Bain & Co. cho thấy, một nửa giao dịch với hàng xa xỉ năm 2012 do người châu Á thực hiện.

Theo Bloomberg, xu hướng này có thể dẫn đến nhiều cuộc sáp nhập hơn, khi những công ty như LVMH Moet Hennessy Louis Vuitton SA (LVMH) hay PPR SA (một tập đoàn chuyên đồ xa xỉ, sở hữu nhiều thương hiệu như Gucci, Alexander McQueen, Boucheron, Sergio Rossi…) đang tìm kiếm tăng trưởng.

Uche Okonkwo, Giám đốc cao cấp của Luxy Corp (công ty cố vấn chính sách và quản lý tài sản) nhận xét: "Trong thế kỷ 21, những thương hiệu xa xỉ có thể đến từ bất cứ đâu. Điều quan trọng là sản phẩm do những bàn tay khéo léo nhất làm ra và từ những chất liệu tốt nhất". Lý do Uche đưa ra là ngày nay người tiêu dùng rất chuộng các mặt hàng làm thủ công.

Các sản phẩm như iPhone của Apple (sản xuất tại Foxconn, tập đoàn của Đài Loan), hay xe Prius của Tập đoàn Toyota Motor (Nhật Bản) giúp châu Á nổi tiếng vì chất lượng gia công, nhưng nhìn chung khu vực vẫn là “công xưởng” của lượng hàng vi phạm nhãn quyền khổng lồ. Theo Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển đánh giá, một mình Trung Quốc chiếm hơn nửa giao dịch hàng nhái trên toàn cầu.

Ngược lại, các công ty Pháp và Italy lại củng cố tư tưởng cho khách hàng rằng những sản phẩm và phụ kiện xa xỉ là "món riêng" của châu Âu, dù họ đi mua nguyên liệu và sản xuất không ít từ các đơn vị ở quốc gia khác (đa phần là châu Á, nổi tiếng nhất vẫn là Trung Quốc). Hermes International SCA, nhà sản xuất có trụ sở tại Paris là một ví dụ. Họ nhập len cashmere từ Mông Cổ, rồi đặt thêu thành khăn quàng tại Nepal và bán sản phẩm với giá hàng nghìn USD.

"Năm 2012, khoảng 272 tỷ USD doanh thu đến từ các thương hiệu châu Á", Luxe Corp ước tính. Công ty Couronne của Hàn Quốc (thành lập năm 2009) đang thay đổi nhận thức khách hàng bằng những thiết kế đa dạng và màu sắc. Năm ngoái, Couronne có doanh thu 40 triệu USD, bằng với một thương hiệu xa xỉ cỡ nhỏ của châu Âu như hãng sản xuất giàu Berluti (Italy) do LVMH sở hữu. Couronne nhập một nửa số da thành phẩm từ các công ty Pháp và Italy chuyên cung cấp nguyên liệu cho Hermes, Guicci, Prada, Louis Vuitton.

Jeong-Hey Seok, sáng lập viên và là nhà thiết kế của Couronne nói: "Khách hàng muốn sản phẩm chất lượng, nguồn gốc thì ít quan trọng hơn". Theo dự đoán của công ty quản lý đầu tư Sanford Bernstein, sau năm 2017, doanh số của các mặt hàng xa xỉ tăng từ 6 - 7% mỗi năm, còn từ giờ đến lúc đó là 10%.

Năm nay, công ty Couronne dự kiến tăng trưởng 38%, trong khi LV chỉ đặt mục tiêu 6%. Trong khi đó, Giám đốc tài chính Donatello Galli của Prada nhận định: "Các điều kiện của thị trường đang hơi phức tạp. Thời tiết lạnh bất thường, khủng hoảng kinh tế châu Âu và nguy cơ chiến tranh hạt nhân từ Triều Tiên làm giảm nhu cầu tiêu dùng".

Một lợi thế khác ở châu Á là nhân công rẻ. Điều này đông nữa giá cả của các thương hiệu xa xỉ tại đây linh động hơn nhiều so với đối thủ châu Âu. Một chiếc túi da bán chạy nhất do Couronne sản xuất có giá 500 USD, còn sản phẩm cùng cỡ của LV khoảng 1.340 - 2.930 USD.

Dù có nhiều cơ hội, các thương hiệu Á châu cũng chưa thể soán ngôi của đối thủ trong một sớm một chiều. Theo công ty tư vấn McKinsey & Co., gần một nửa người mua sắm Trung Quốc cho rằng nhãn hiệu nổi tiếng đồng nghĩa với chất lượng tốt hơn. Có 16% người Mỹ đồng quan điểm trên. Còn HSBC ước tính 5 sản phẩm Vuitton bán ra thì 3 cái in đầy logo LV của công ty.

Theo VNE