Những ngày mẹ sống trong "chiếc lồng son" giữa phố thị

Sau khi bố tôi qua đời, mẹ sống một mình trong căn nhà cũ ở quê. Khi ngôi nhà bị giải tỏa, tôi đón mẹ lên thành phố ở cùng, cũng là để chăm sóc bà tốt hơn.

Là con một, lại nhận trọn tài sản thừa kế, tôi tự nhủ mình càng phải làm tròn chữ hiếu.

Những tưởng có mẹ bên cạnh là điều tốt đẹp nhất, bữa cơm có người phụ, cuối tuần có người cùng đi dạo, lại tiện chăm sóc sức khỏe.

Nhưng chỉ sau hai tháng, tôi nhận ra mẹ ngày càng ít nói, chỉ quanh quẩn ở nhà với TV và điện thoại.

Khu chung cư trẻ trung của chúng tôi dường như không dành cho bà, người đã quen ngồi tán chuyện với hàng xóm mỗi chiều.

Mẹ tôi từng là người hoạt ngôn, vui vẻ, thích giao lưu nhưng giờ đây, bà ngày một lặng lẽ.

Tôi tự hỏi: có phải chính chúng tôi đang làm mẹ buồn, dù đã cố gắng lo cho bà đủ đầy?

Nhận thừa kế toàn bộ tài sản, tôi vẫn quyết gửi mẹ vào viện dưỡng lão sau một câu nói - Ảnh 1.

Tôi từng sợ viện dưỡng lão là hai tiếng đau lòng. Nhưng giờ, tôi biết đó lại là nơi mẹ được sống trọn vẹn tuổi già. Ảnh minh hoạ

Câu nói ban đêm khiến tôi thức trắng cả đêm suy nghĩ

Một đêm nọ, khi vô tình đi ngang phòng, tôi nghe thấy mẹ đang thì thầm qua điện thoại: "Ở đây con cái bận rộn quá, mình mình cứ thui thủi. Nhiều khi nghĩ hay là đi theo ông nhà cho nhẹ lòng…"

Tôi sững người. Đó không phải than thở của một người già cần giúp đỡ mà là tiếng lòng của người cảm thấy… cô đơn.

Tôi kể lại với vợ. Và hôm sau, chúng tôi đưa mẹ đi ăn, ngập ngừng hỏi: "Hay mẹ thử đến một nơi có nhiều người bạn cùng tuổi để sinh hoạt thoải mái hơn? Có thể là về quê hoặc… viện dưỡng lão?"

Tôi lo mẹ sẽ giận. Nhưng bà chỉ trầm ngâm, rồi gật đầu: "Ở quê giờ cũng ít ai thân quen, thử vào viện dưỡng lão xem thế nào…"

Viện dưỡng lão – nơi tôi học lại định nghĩa về lòng hiếu thảo

Viện dưỡng lão cách nhà tôi không xa, đầy đủ tiện nghi, nhân viên tận tình, không gian xanh mát và yên tĩnh.

Quan trọng hơn, nơi đó có những cụ ông, cụ bà minh mẫn, vui vẻ, từng trải như mẹ tôi sẵn sàng trò chuyện, chơi cờ, hát hò mỗi ngày.

Chỉ sau một tuần, mẹ đã hòa nhập. Mỗi lần chúng tôi tới thăm, bà đều rạng rỡ khoe: "Hôm nay mẹ diễn kịch, mai mẹ dạy lớp hát". Bà có bạn, có sân chơi, có cuộc sống mới.

Lúc tiễn chúng tôi ra cổng, mẹ nhẹ nhàng nói: "Ở đây mẹ vui lắm. Mẹ cảm ơn hai con đã hiểu và tôn trọng mẹ."

"Viện dưỡng lão" không phải là nơi bị bỏ rơi mà có thể là nơi khởi đầu

Nhiều người mang định kiến rằng gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão là bất hiếu, là vô trách nhiệm.

Nhưng tôi đã nhận ra, sự hiếu thuận đôi khi không nằm ở việc giữ cha mẹ bên mình, mà ở chỗ dám gác lại ánh mắt soi xét của thiên hạ để lắng nghe và trân trọng điều cha mẹ thật sự mong muốn.

Cha mẹ đã vất vả cả đời, lúc về già, điều họ cần không chỉ là cơm ngon áo ấm, mà là một cuộc sống có bạn, có niềm vui, có cảm giác được là chính mình.

Chữ hiếu đôi khi bắt đầu từ việc buông tay đúng lúc

Tôi từng sợ viện dưỡng lão là hai tiếng đau lòng. Nhưng giờ, tôi biết đó lại là nơi mẹ được sống trọn vẹn tuổi già. Và hơn hết, đó là lúc tôi thực sự hiểu rằng:

Yêu thương không phải là giữ khư khư bên cạnh, mà là dũng cảm để mẹ được tự do sống cuộc đời mà bà mong muốn.

Theo Gia đình và Xã hội