Bà Thảo nhập viện đã hơn tuần nay. Phòng bệnh của khoa Nội ở tận lầu ba, toàn những cụ ông, cụ bà với những căn bệnh quen thuộc của tuổi già. Chỉ tại bệnh cao huyết áp, thấp khớp hành hạ bà lúc trở trời chứ bà nào có muốn nằm viện, làm phiền con cháu.

Không khí bức bối trong bệnh viện làm bà khó chịu. Được cái, chỗ bà nằm lại nhìn thẳng ra một cây phượng trong sân. Nghĩ cũng lạ, phượng thường được trồng trong các trường học, vậy mà trong sân bệnh viện sót lại một cây này.

Cây phượng đứng một mình cô đơn giữa những cây me, cây bàng. Đặc biệt, một nhánh phượng không hiểu sao lại đâm vào thành lan can, chìa tới tận cửa sổ nơi đầu giường bà. Những nụ hoa bé tí teo bắt đầu nhú ra đỏ chói. Bỗng nhiên bà tưởng tượng mình giống như cô gái trong truyện Chiếc lá cuối cùng của O. Henry, lo lắng đếm từng chiếc lá rụng và chờ đến ngày cuối cùng của đời mình. Rồi bà bật cười tự trách mình lẩn thẩn.

Niềm vui mỗi ngày của bà là mở tung khung cửa sổ, mân mê đếm những chùm hoa đã nở. Những bông hoa lửa đỏ rực như sưởi ấm lòng bà. Trước đây, đã lâu lắm, trong sân nhà bà có một gốc phượng to, đó cũng là loài hoa bà yêu thích nhất.

Sáng nay, căn phòng có thêm một bệnh nhân. Mới tờ mờ sáng, người ta đã đưa một ông cụ vào. Nghe nói ông ta bị ngất, may nhờ hàng xóm phát hiện đưa đi cấp cứu kịp thời. Ông ta nằm ở chiếc giường nơi góc phòng, phải thở ô-xy và truyền nước biển.

Ban đầu bà chẳng quan tâm nhưng dần dần người nằm ở chiếc giường ấy làm bà tò mò. Suốt ba ngày, bà không hề thấy người nào chăm sóc ông ta. Ông lão hốc hác, da vàng ệch, gò má trũng sâu.

Mỗi lần đi vệ sinh, ông phải bám vào thành giường lê từng bước chân khó nhọc. Từ hôm vào đây, ông chỉ mặc mỗi cái quần cộc. Hàng ngày, ông phải khoác tạm chiếc áo bệnh viện phát. Mái tóc như cái tổ bùi nhùi, rối tung mỗi khi ông đưa tay lên gãi sồn sột. Bà chợt thấy chạnh lòng và trông ông ta có vẻ quen quen.

Sáng hôm nay, bà đang ngắm cành phượng lung lay trong gió bỗng nghe giọng khàn khàn bên tai:

- Chị ơi, cho tôi xin một ít nước sôi được không?

Bà quay lại, là ông lão nọ. Đây là lần đầu tiên bà nhìn được khuôn mặt ông ta gần như vậy. Trời ơi, đôi mắt đó, bà không sao quên được, cả vết sẹo kéo dài từ bên phải tràn xuống tận mang tai. Bà quay mặt đi chỗ khác, chỉ bình nước, giọng run run:

- Ông cứ lấy thoải mái.

Ông già vẫn cúi gầm mặt, nhỏ nhẹ cảm ơn. Nhìn dáng ông lão khập khiễng bưng ca nước quay về giường, tim bà đập thình thịch như muốn vỡ tung. Bà choáng váng gần như muốn ngất đi. Bao nhiêu nỗi hờn căm tưởng đã chôn kín giờ trào sôi dữ dội. Chính là hắn!

Không bao giờ bà quên được. Tại sao số phận lại sắp đặt bà gặp lại kẻ bất nhân đó sau chừng ấy năm? Hơn ba mươi năm trước, khi Sài Gòn đang sục sôi giải phóng, cha bà là một chủ buôn lớn. Ông rất lo lắng và có ý định đưa vợ con đi vượt biên. Gia đình bà đã hết sức tin tưởng Mạnh, tay tài xế trung thành. Hắn là người liên hệ tàu bè, đặt cọc tiền vàng để lo cho gia đình bà đi vượt biên.

Đến cái ngày định mệnh kia, hắn bày gia đình bà chia nhỏ ra đi từng nhóm sẽ an toàn hơn. Cha mẹ bà đi trước, ra chỗ tàu đậu bí mật. Gã dắt bà đi sau. Cha mẹ bà vốn tin tưởng vào người tài xế tin cẩn nên tạm chia tay con gái và ra đi trong vội vã.

Vài ngày sau, Mạnh lại báo cho bà hay đường dây vượt biên đã bị lộ, số tiền để hắn và bà trốn đi đã mất trắng. Cả hai phải ở lại Sài Gòn, hắn sẽ đi vay mượn một món tiền khác rồi hai người sẽ trốn đi sau. Khi ấy, bà chỉ là cô tiểu thư mười tám, nào có hiểu gì về sự đời, chỉ biết tin và nghe theo lời hắn răm rắp. Bà chấp nhận chờ đợi.

Hắn đưa bà đến một căn phòng trọ tồi tàn trong một con hẻm nhỏ xíu của xóm lao động.

Một tuần, hai tuần rồi nhiều tuần trôi qua. Mỗi sáng hắn tới đưa đồ ăn cho bà rồi bỏ đi. Một ngày, khi bà đã mất hết kiên nhẫn và bắt đầu nghi ngờ thì hắn về, khuôn mặt thất thần báo cho bà một hung tin. Chiếc thuyền chở cha mẹ bà đã bị đắm giữa biển khơi. Lúc đó, bà đã tưởng mình không còn sống được nữa. Biến cố quá lớn khiến bà đau khổ cùng cực. Khi ấy, Mạnh đã hết lòng an ủi và ngỏ lời yêu bà.

Bà cũng biết Mạnh yêu mình từ lâu, từ những lần bà bắt gặp hắn ngắm trộm mình nhặt hoa phượng trong sân nhà. Thế nhưng, bà chẳng bao giờ để tâm.

Trong tình thế ngặt nghèo, Mạnh trở thành vị cứu tinh của bà. Bà không còn nơi nào bám víu, không người thân, tiền bạc. Chỉ còn mỗi hắn là quan tâm, chăm sóc bà hết mực.

Bà đành nhắm mắt đưa chân và ra điều kiện sẽ lấy hắn khi cả hai đã vượt biên an toàn. Bà đã tha thiết hy vọng cả hai có thể xây dựng một mái ấm gia đình, vượt qua khó khăn. Bà sẽ cố học cách yêu hắn để có người che chở và lo lắng cho mình. Song mơ ước nhỏ nhoi ấy không bao giờ có vì cuối cùng chân tướng của gã đàn ông tưởng là ân nhân kia đã sớm bị lột trần.

Bà nhớ mãi buổi chiều hôm đó, khi Mạnh trở về căn nhà trọ tồi tàn và sặc mùi rượu. Khuôn mặt hiền từ của hắn bỗng hóa điên dại. Hai mắt hắn long lên sòng sọc, vằn lên những tia nhìn ham muốn và đầy trơ tráo. Hắn đòi hỏi bà, nhưng bà đã chống cự kịch liệt. Nhưng sức lực của một cô gái yếu đuối không ngăn được hắn, lúc đó như một con thú dữ.

Sau khi đã chiếm đoạt được bà, hắn quỳ xuống xin bà tha thứ, không chỉ vì hắn đã hại đời của bà mà vì một tội ác khủng khiếp hơn nữa. Thì ra chính hắn là người đã hãm hại gia đình bà. Hắn thú nhận yêu bà từ lâu. Thế nhưng hắn biết mình mãi là thân phận thấp hèn nên lập âm mưu đưa cha mẹ bà đi vượt biên và chiếm đoạt món tiền vàng lớn của cha mẹ bà.

Hắn chỉ dùng một phần rất nhỏ thuê cho họ một con thuyền tồi tàn và cố tình để bà lại. Hắn nghĩ khi đã có bà rồi sẽ tính tiếp. Món tiền lớn kia để cho hắn làm lại cuộc đời và sẽ tìm cách cho bà yêu hắn. Nhưng nào ngờ, hắn đã gián tiếp làm cho cha mẹ bà phải chết. Hắn hối hận lắm. Hắn không muốn sự việc diễn ra tồi tệ như thế.

Hắn cứ lải nhải nói. Bà đã lặng đi, không còn nghe thấy gì nữa. Những giọt nước mắt hờn căm cứ trào ra như những đợt sóng. Rồi bằng tất cả sức lực, bà đã lao vào người hắn, cào cấu hắn nhưng hắn lại vật bà xuống. Trong cơn uất hận, bà cố với lấy con dao chém mạnh vào mặt hắn từ trán tới tận mang tai. Trong khi hắn ôm khuôn mặt đầy máu me, bà đã kinh hoàng chạy như điên ra khỏi căn nhà đầy mùi tanh tưởi, dưới màn mưa xối xả.

Trong lúc lang thang, đói cồn cào ruột gan, bà ngất xỉu, một số người xúm quanh, họ đưa bà vào một trạm y tế. Khi tỉnh dậy, bà quyết định phải đi xa, ít nhất là để quên...

Khi theo dân đi lên vùng kinh tế mới, trong cuộc sống khốn khổ, cùng cực, bà lại gần như suy sụp khi phát hiện ra rằng mình đã có thai. Nhiều khi nghĩ đến đứa con của hắn, bà muốn tự tử cho xong. Nhưng rồi nghĩ đến sinh linh bé bỏng trong cơ thể mình nào có tội tình gì, bà không nỡ nhẫn tâm làm thế.

Những ngày ở vùng kinh tế mới, bà phải sống trong một cái chòi giữa rẫy ngô. Bà làm việc quần quật dưới con mắt khinh khi của mọi người vì: "Gái không chồng mà chửa".

Cái bụng lớn dần trong bao nhiêu nỗi vất vả, lo toan, bà chỉ biết cắn răng chịu đựng. Bà đã phải chịu trăm bề khổ cực. Những đêm mưa, căn nhà không có cánh tay đàn ông, run bần bật giữa đồng. Bà nơm nớp hứng những chỗ dột nước, nghe gió thốc từng hồi mà cắn môi tóe máu. Thế nhưng bà dằn lòng không được khóc, phải mạnh mẽ lên, phải sống, ít nhất vì đứa con.

Ngày bà sinh, trời mưa tầm tã, cũng may có một vài chị thương tình, đưa bà lên trạm y tế. Bà con xung quanh cũng giúp giùm nồi cháo, thìa sữa. Theo năm tháng, con bao nhiêu tuổi là tay bà ngần ấy vết chai, trán bà hằn bao dấu chân chim. Từ hai bàn tay trắng, bà đã một mình làm đủ mọi nghề để sống.

Vốn có học thức, bà đã mở một lớp họp nho nhỏ, dạy cho con em những người đi kinh tế mới. Sau đó, với chút nghề nấu ăn, bà lại mở tiệm phở nho nhỏ, cuộc sống hai mẹ con khá dần. Bà đặt tên con là Kiên với mong muốn con phải mạnh mẽ.

Hồi còn bé, Kiên hay hỏi chuyện về cha mình. Khi đó, bà thường gạt phắt:

"Cha con mất rồi, con đừng hỏi thêm nữa!".

Đôi khi nhìn con ngủ say, bà giật mình vì nó quá giống hắn. Cũng khuôn mặt ấy, đôi mắt ấy, nhưng nó lại là một đứa con hiếu thuận, thương mẹ hết mực. Biết mẹ phải vất vả nuôi mình thành người. Kiên luôn cố gắng học hành, vào đại học. Giờ đây, Kiên đã có một việc làm tốt ở thành phố, rồi mua nhà và đón mẹ về sống cùng.

Giờ đây, quá khứ tưởng đã ngủ yên lại quay về khiến bà đau đớn. Tất cả ký ức bỗng hiện về rõ mồn một trong tâm trí bà. Bà đã từng sợ hắn. Nhưng sau nỗi sợ, bà lại muốn gặp lại hắn để trả thù. Như lúc này đây, bình thường bà đã nghĩ mình sẽ chạy lại để sỉ vả, để chửi bới, để nói cho hết những gì chất chứa trong lòng. Bà muốn hắn phải trả giá.

Thế nhưng, nhìn hắn chỉ còn lại một bộ xương còm cõi, xác xơ, không một người thân chăm sóc, bà chỉ thầm nhủ: "Đó là quả báo xứng đáng cho hắn!".

Một buổi chiều chập choạng, bà ra ngoài lan can ngắm hoa phượng. Chợt khi nhìn qua, bà đã thấy ông ta đứng bên. Bà giật bắn người, định đi vào vì sợ hắn nhận ra mình. Nhưng không, người đàn ông nhìn xa xăm. Ông cất tiếng:

- Tôi từng biết một người cũng mê hoa phượng như chị.

- Sao ông nghĩ tôi thích hoa phượng?

- À, nhìn chị nâng niu chúng là tôi biết.

- Vậy sao?

- À, ờ... Hơn ba mươi năm trước tôi đã từng biết và yêu một người con gái thích hoa phượng. Thế nhưng chính tôi là người chẳng ra gì.

Cũng biết mình chẳng ra gì? Ông không có tư cách nói câu đó, bà cười gằn khinh bỉ, nhưng vẫn cố tỏ vẻ tự nhiên.

- Mà sao tôi lại nói với chị chuyện đó nhỉ? Tôi xin lỗi.

Bà liếc qua thấy ông đang cúi xuống.

Giả dối, bà nghĩ và định bước vào, nhưng gượng lại hỏi:

- Ông không có con cái gì sao?

- Nhắc đến càng thêm buồn. Sau ngày giải phóng tôi cũng có chút tiền. Thế nhưng, có lẽ món tiền đó là tiền bẩn thỉu nên tôi đã bị trời đầy, chị ạ.

Ông dừng lại thở hắt một hơi dài rồi tiếp:

- Tôi đã lấy mấy bà vợ nhưng không sinh được con. Đến bà thứ tư sinh được thằng con trai nhưng bà ấy bỏ đi từ khi nó lên hai. Tôi nuôi con vất vả nhưng lớn lên nó lại theo chúng bạn đua đòi nghiện hút. Tôi làm phu bốc vác trong cảng quần quật cả ngày, được đồng nào, nó lấy hết đồng đó. Nó hết hút chích, lại đàn đúm bạn bè. Nó mới bị bắt vì cướp giật rồi được đưa lên trại cai nghiện. Sau đó, nó cũng chứng nào tật ấy. Từ hồi tôi bị té từ trên container xuống đất, gãy xương sống suýt chết, chẳng ai dám thuê mướn nữa, phải vạ vật nơi này nơi khác, bán vé số lề đường, đạp ba gác. Ôi thôi, đủ thứ nghề. Nhưng cuối cùng tôi không còn xu dính túi. Tôi lại mang trong người gần đủ các chứng bệnh của tuổi già. Hôm nọ, nó về hỏi tiền đâu, tôi không đưa, nó xô tôi ngã, phải vô đây nằm. Có lẽ vì hồi trẻ tôi đã gây nhiều nghiệp chướng nên bây giờ lãnh hậu quả.

- Nghiệp chướng của ông có liên quan đến người phụ nữ kia?

Ông ta im lặng trước câu hỏi của bà và cúi xuống, mân mê một cánh phượng. Trong ánh sáng hoàng hôn, bà nhìn những tia nắng muộn mằn xuyên qua kẽ lá. Một vài tia sáng đổ lên khuôn mặt đầy vết đồi mồi, chân chim, thật quá khác với khuôn mặt gã đàn ông của ba mươi năm trước.

Bất ngờ, một cơn gió mạnh thổi qua, ông già ho sù sụ, những chiếc lá yếu ớt rụng lả tả xuống sân. Bà dợm bước đi vì không muốn tiếp tục trong không khí quá nặng nề này chút nào nữa. Bỗng dưng ông lão lại lên tiếng, mắt vẫn nhìn vô hồn ra xa:

- Chắc bà ấy đã mất rồi và hận tôi lắm. Chính tôi đã hại một gia đình. Chính tôi.

- Biết đâu bà ấy đã có cuộc sống tốt hơn?

- Tôi cũng hy vọng như vậy. Thế nhưng trong lúc loạn lạc, người con gái chân yếu tay mềm như bà ấy chắc không sống nổi. Đã bao đêm tôi cầu trời cho bà ấy gặp được người nào yêu thương. Chính vết sẹo này, hàng nghìn lần tôi nhìn vào gương, căm thù mình, căm thù vì đã hành động như vậy, chỉ vì yêu mù quáng.

- Ông chỉ là người ích kỷ mạo danh tình yêu!

Bà buột miệng nói rồi hối hận vì có lẽ không nên nói như thế. Người đàn ông như trong trạng thái vô thức, tâm thần hoảng loạn khi nghĩ lại tội ác năm xưa, chỉ lẩm bẩm trong miệng. Bà cố lắm mới nghe được:

- Phải, tôi là thằng đàn ông ích kỷ, không đáng làm người. Tôi đã đi khắp hang cùng ngõ hẻm tìm kiếm bà ấy. Biết đâu bà ấy có thể còn sống khốn khổ hơn tôi, tôi là thằng khốn nạn...

Bà lặng im không nói. Nhớ thời còn con gái, bà nhiều lần bắt gặp Mạnh đứng nhìn trộm mình qua cánh cổng. Có lẽ nếu bằng một cách nào khác, bà đã có thể yêu...

Một cơn gió mạnh quét qua, hai người rùng mình. Ông ta cũng như chợt tỉnh cơn mê:

- Tôi xin lỗi vì kể cho chị những chuyện không đâu cả, chị quên đi nhé!

Ông mỉm cười, nặng nhọc lê bước vào trong. Bà đứng lặng nhìn bóng dáng người mình từng nghĩ như một ân nhân, cứu tinh, rồi như kẻ khốn nạn. Hận thù sau ngần ấy năm giờ chỉ còn là cái bóng vật vờ, nhấp nhô giữa ánh sáng và bóng tối chập choạng ngoài ban công, rồi bị bóng tối nuốt chửng. Trong màn đêm đang dần bao phủ, hình như bà thấy khóe mắt mình nóng hổi.

Những ngày sau đó, trong bà có một sự đấu tranh nội tâm dữ dội. Bà biết mình nên tha thứ. Thế nhưng, nhớ lại những gì đã phải chịu đựng hơn ba mươi năm qua, bà không thể bỏ qua được.

Thế rồi bà nghĩ lại, ông ta cũng đâu có sung sướng gì. Ít nhất bà còn có đứa con ngoan. Dù sao ông ta cũng đã chịu quá đủ đau khổ. Dù sao...

Bà không dám nói chuyện với ông ta một lần nào nữa, nhưng ngầm sai con bé giúp việc giúp ông lấy nước, mua cháo và những chuyện lặt vặt khác.

Khi trong người khỏe hơn, bà xin ra viện và được bác sĩ chấp thuận. Ngày bà ra viện, thằng Kiên bất ngờ đi công tác về sớm, đến bệnh viện đón bà.

Khi bà đi thử máu lần cuối, về phòng thấy con đang chờ, bà hoảng hốt, giục nó dọn đồ về mau. Bà chỉ sợ nhỡ hai người họ chạm mặt nhau.

Tuy nhiên, mọi việc đã xong xuôi, bà lại thấy lưu luyến. Bà bảo con xuống trước lấy xe còn mình tần ngần ra ban công đứng lại ngắm cây phượng lẻ loi. Những cánh hoa theo gió thốc rũ xuống tơi bời.

- Tóc bà vướng hoa phượng kìa!

Bà bất ngờ quay lại, ánh mắt bà chạm phải mắt ông đang nhìn mình. Ông lại cúi đầu xuống ngay, vẻ mặt là lạ, hình như đôi mắt ông đỏ hoe. Vài cánh phượng theo gió bay lạc lên mái tóc hoa râm của bà khi nào không hay. Bối rối, bà lấy tay phủi, rồi quay đi ngay. Bà chợt sợ ông ta đã nhận ra mình. Nhưng bà nhận ra không phải như thế. Cuộc sống vất vả đã làm bà khác xưa nhiều lắm, chẳng còn chút dấu vết gì của vẻ đẹp đài các ngày xưa.

- Bà về rồi, ráng giữ sức khỏe nhé. Hình như bà có một gia đình hạnh phúc nhỉ? Cảm ơn bà vì những ngày qua đã nghe tôi tâm sự. Bà về nhé!

Ông nói vội, vẫn cúi đầu rồi lặng lẽ quay lưng đi.

Bà thấy lòng chùng xuống, không nói một lời, rồi vội vã bước đi.

Kiên gặp bà ở dưới sân bệnh viện. Nhìn vẻ mặt thẫn thờ của mẹ, Kiên hỏi:

- Mẹ quen ông cụ nằm ở góc phòng sao?

Bà giật mình, hỏi dồn:

- Sao con lại hỏi vậy?

- Lúc sáng, khi mẹ đi thử máu, con vào dọn đồ cho mẹ, ông ấy đến xin nước. Thấy con, ông ta cứ nhìn chằm chằm ấy. Lúc đó ông ta có vẻ bối rối dữ lắm và hỏi con là con mẹ phải không, rồi lại hỏi về ba.

- Con trả lời sao?

- Con chỉ bảo là ba mất lâu rồi. Ông cụ chỉ gật đầu, bảo nhìn nhầm người rồi quay đi luôn! Con thấy lạ nên hỏi lại mẹ.

Bà chợt nhớ lại khuôn mặt ông lúc đó, cúi gằm và đôi mắt trông ươn ướt. Bà tự nhủ: "Có lẽ ông ta đã biết, đã nhận ra rồi chăng?".

Một tuần sau, bà quyết định sẽ vào thăm ông. Có thể ông sẽ không nhận nhưng bà nên làm một cái gì đó. Gặp lại gã đàn ông bà từng căm hận bấy nhiêu năm không quá đau đớn như bà từng nghĩ. Dù sao ông ta cũng không cố ý hại chết gia đình bà, chỉ vì yêu bà. Ông ta cũng phải chịu quá đủ đau đớn ở trên đời như là quả báo. Tha thứ là cách tốt nhất cho cả hai.

Hôm nay, bà có thể sẽ mở lòng mình một chút, kể cho ông ta nghe chuyện thằng cháu nội ở nhà chẳng hạn. Thế nhưng khi bà vào phòng bệnh cũ, chợt giật mình vì chiếc giường góc phòng đã trống huơ trống hoác. Bà hỏi mọi người xung quanh. Bà cụ kế bên liến thoắng kể:

- Tội nghiệp, hôm chị về không biết sao ông già đêm đó lại đi ra lan can để bị trúng gió, mê sảng suốt đêm rồi sáng hôm sau "đi" luôn. Thân nhân chẳng ai thèm lên đưa về hết. Khổ thân, bệnh viện phải lo giùm luôn. Mà không biết sao, cả đêm đó, ông ấy cứ nói mê suốt, nào là : "Tôi xin bà", rồi lại: "Xin tha thứ cho tôi!". Ổng còn chắp tay lạy liên hồi nữa, chắc là hối hận chuyện gì đó.

Bà lặng đi, nước mắt ứa ra. Khung cửa sổ nơi bà từng nằm vẫn đầy nắng, nhưng nhánh phượng lẻ loi kia đã rụng gần hết những cánh hoa đỏ. Chắc vì đêm qua trời đầy gió. Nó chìa tán trơ trụi lung lay yếu ớt như một bàn tay vẫy.

Chợt bà lặng lẽ thở dài. Ngoài kia, những cánh phượng đỏ rực vẫn theo gió bay lả tả, đỏ rực cả một khoảng sân.

Khuôn mặt hiền từ của hắn bỗng hóa điên dại. Hai mắt hắn long lên sòng sọc, vằn lên những tia nhìn ham muốn và đầy trơ tráo về phía bà.

Theo Ngọc Vân