Những con suối dọc miền tây tỉnh Phú Yên có nhiều cá bống.
Với lũ chúng tôi, loại cá thân thương này đã trở thành một miền nhớ
trong tâm tưởng nơi đồng quê thôn dã một thời. Hồi ấy, những ngày nghỉ
học, lũ chúng tôi thả bò ra đồng xa rồi buổi trưa cả bọn lặn mình vào
những con suối trong rừng vừa tắm mát vừa thả lưới giăng cá bống.
Khác với cá bống ở sông, cá bống suối có thân hình thon nhỏ cỡ bằng ngón
tay người lớn, dài chừng 10-15 cm, da có màu vàng xám, thịt chắc, thơm
ngon. Bắt được cá, chúng tôi chế biến món ăn ngay tại bờ suối. Hai món
dễ làm nhất là nướng và nấu canh. Chỉ cần ba hòn đá suối kê lại thành ba
ông táo, nhặt vài nhành củi khô nhóm lên, thế là có cả một bếp lửa hừng
than, mặc sức nướng, nấu.
Phải nói rằng, cá bống suối tươi nướng than lửa tại chỗ ngon mềm
ngọt, ăn hết chỗ chê. Riêng cá bống nấu canh với lá rau mương non mọc
dọc theo bờ suối cũng là một món ngon có một không hai. Kỳ thực, chỉ nấu
nước suối với cá bống, lá rau mương, nêm ít muối hạt thế mà nồi canh
ngon ngọt làm sao. Ăn cá bống suối nướng, cá bống suối nấu canh lá rau
mương đơn giản vậy mà cả bọn trẻ làng tôi còn giữ lại nhiều kỷ niệm đong
đầy mỗi khi nhắc lại chuyện cũ.
Bây giờ cá bống suối không còn nhiều như trước. Tuy nhiên, nhiều người
thích những món đồng thôn lại chịu khó giăng lưới hoặc dùng đó đơm thì
cũng có thể bắt được những mớ cá bống ngon lành như xưa. Cá bống bây giờ
hiếm, nên được cá ai cũng để dành ăn hoặc gửi biếu người thân ở xa.
Được cá, ngoài những món ngon kể trên, người sành ăn còn chế biến nhiều
món hấp dẫn như kho tộ, chiên vàng, chưng tương, nấu canh chua...
Hôm rồi về quê, anh bạn gần nhà làm món cá bống suối kho với sả, gọi tôi
dùng bữa. Lâu lắm mới ăn lại con cá ở đồng quê, cảm nhận vị thơm ngon
của thời thơ ấu ùa về. Ngon nhất là dùng bữa với cơm nóng hoặc ngồi gắp
cá lai rai với bánh tráng nướng cùng một chút rượu, càng nồng nàn cảm
giác...