“Nhìn con mới 4 tháng khóc vì khát sữa nhưng tôi chỉ nằm im nhìn và rơi nước mắt. Tôi muốn đứng lên nhưng mọi thứ rất khó khăn nên không thể làm gì hơn. Tôi bất lực tự trách bản thân ăn uống vô độ dẫn tới đột quỵ ở tuổi 28. Những ngày tháng đó thật là kinh khủng” - đó là lời chia sẻ của Nguyễn Thị Trà My (trú tại TPHCM) từng trải qua cơn đột quỵ cách đây gần 7 năm, một biến cố sức khỏe tưởng chỉ có ở người già.

Ăn thỏa thích mở đường cho đột quỵ

Năm 2018, My mang thai con thứ 2 và cố gắng ăn uống thật tốt hy vọng con cứng cáp, to khỏe. Cô tăng lên 80kg. “Tôi muốn làm tất cả vì con, tăng cân cũng không sao nên ăn rất nhiều thịt bò, lòng lợn, nước mía, nước dừa, chè… một cách thỏa thích không cần giới hạn”, My nhớ lại.

Khi cô đi khám thai, bác sĩ đọc bảng kết quả xét nghiệm và cau mày dặn dò: “Mỡ máu cao, gan nhiễm mỡ, tiểu đường thai kỳ, huyết áp thất thường, phải theo dõi thêm”. Tuy nhiên, My vẫn không ăn kiêng.

“Khi đó, tôi chỉ cần con to, không quan tâm tới sức khỏe của mình. Các dấu hiệu cảnh báo như mờ mắt, tê chân tay, tôi cho rằng do béo quá”, My kể.

Sau đẻ, bà mẹ này nghĩ mọi chuyện đã ổn và tiếp tục ăn nhiều lấy sữa cho con bú, làm việc từ 12 ngày sau sinh.

Buổi chiều đầu tháng 11/2018, My đi tắm và vừa bước ra khỏi nhà vệ sinh, một cơn gió lạnh khiến cô ngã quỵ. Người thân hốt hoảng gọi xe cấp cứu.

tra my dot quy 123.png
My đã trải qua cơn đột quỵ ở tuổi 28. Ảnh: NVCC.

“Trong lúc chờ xe, con gào khóc vì đói nhưng tôi không thể làm gì hơn. Hàm và lưỡi cứng lại không thể nói, một nửa người không thể cử động. Cảm giác bất lực nên hai hàng nước mắt cứ chảy xuống”, My nói.

My được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 175, các bác sĩ chẩn đoán tai biến mạch máu não. Tỉnh dậy trong phòng cấp cứu, My biết mình đột quỵ, không nhìn thấy gì. Cô hoảng hốt: “Có khi nào mất thị giác? Tôi cố cử động tay chân nhưng dường như mọi hoạt động bình thường đều cự tuyệt lại tôi, mọi thứ thật kinh khủng”.

Khi đó, My nhận ra rằng các dấu hiệu từ khi mang thai như huyết áp cao, mỡ máu cao, ăn uống vô độ đã “mở đường” cho cơn đột quỵ vài tháng sau sinh.

Nỗ lực từ con số 0

Sau giai đoạn cấp cứu, My ra viện về nhà tập phục hồi chức năng. Từ người năng nổ làm việc, My như về số 0 khi mọi việc từ ăn uống, sinh hoạt đến chăm con đều nhờ vào mẹ và chồng. Nửa người trái yếu liệt, lưỡi cứng không thể nhai, nuốt, thức ăn đều xay nhuyễn, dùng ống hút.

Suốt nhiều tháng, chồng My chở vợ đến Bệnh viện Y học cổ truyền (quận 1, TPHCM) tập phục hồi chức năng.

“Tôi nằm im một chỗ nên bị teo cơ, cân nặng giảm còn 70 kg vẫn không thể tập đi. Kiên trì cả tháng, tôi mới tự đứng dậy khỏi xe lăn nhưng tay vẫn thõng không thể cầm nắm, giơ lên, chân run bần bật, mắt bị sụp, miệng kéo hếch lên, hàm cứng khó cử động”, My nói.

Sau tai biến mạch máu não, My đã thay đổi lối sống trở thành phiên bản khỏe mạnh hơn. Ảnh: NVCC.

Sau đó, cô chuyển sang châm cứu. Suốt 4 tháng ròng rã, hàm cũng dần cử động lại. Nhìn lại hành trình phục hồi chức năng, My cho rằng nếu không kiên trì, cố gắng cô mãi mãi liệt, teo cơ và không thể trở lại như trước.

Mỗi lần tái khám, bác sĩ đều nhận xét các chỉ số hồi phục của nữ bệnh nhân tốt đồng thời khuyên cô cần thay đổi lối sống, giảm cân vì nguy cơ đột quỵ lần 2 rất lớn và có thể mất mạng.

“Chạm gần vào bàn tay tử thần, tôi nhận ra rằng sức khỏe là vàng nên nhìn nhận đúng về lối sống và bệnh tật. Tôi bắt đầu thay đổi bản thân như tự tìm hiểu về dinh dưỡng và giảm cân, từ bỏ đam mê thịt bò, chè ngọt…”, My nói.

Đến nay, My giảm cân về chỉ số như thời son rỗi. Cô từ bỏ thói quen “ăn theo sở thích”, lựa chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe. My cũng mong muốn các bạn trẻ quan tâm về dinh dưỡng nhiều hơn.

Theo bác sĩ Tạ Văn Vương, Phó Chủ nhiệm Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, thống kê hằng năm cho thấy số lượng người trẻ bị đột quỵ trên thế giới tăng dần đều trong vòng 30 năm trở lại đây, một phần lý do quan trọng đến từ áp lực công việc ngày càng cao, nghỉ ngơi không hợp lý, chế độ ăn uống và vận động thiếu khoa học dẫn tới các yếu tố nguy cơ đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu trẻ hóa.

Để ngừa đột quỵ, người trẻ cần xây dưng lối sống tốt về tinh thần lẫn thể chất, chế độ ăn uống giảm mặn, tinh bột, béo; tăng cường rau xanh và trái cây; thể dục thể thao; bỏ thuốc lá, hạn chế bia rượu và kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Theo VietNamNet