Ở những ngày mưa trắng trời, chỉ có hai bên đường là cánh rừng cao su ngút ngàn, lạnh lẽo, không một bóng người. Đường thì cứ quanh co, luôn ở phía trước, phải rướn tay ga mà đuổi. Bởi vậy mà đường đến trại vừa tầm lái cho một chuyến “phượt” nhưng lúc nào anh cũng quên, phải ghé lại hỏi. Ngày hôm nay cũng vậy. Buổi sáng, trùng với ngày giữa tháng, anh lại nhận được dòng tin rất quen nhưng vô cùng lạ, của một ai đó có vẻ luôn nhớ đến mình. Tháng nào cũng đều đặn như vậy.

“Mới lên hả, anh nghĩ lên muộn, không chờ, ăn cơm một mình nhé!”. “Vâng. Chiều em về luôn. Chỉ hỏi các anh tình hình có gì mới không, em làm bài phản ánh ngắn”. “Để anh nói anh em chuẩn bị, cũng như mọi hồi. Cứ nghỉ ngơi, cơm nước đã”.

Đã có vô vàn thay đổi ở cái trại giam khét tiếng này. Nó luôn dẫn đầu về các bản án, các hình thức phạm tội, các thân phận con người. Nhưng với Nguyên, chỉ có một thứ không thay đổi, đó là anh giám thị. Hiền lành, ít nói, đối với Nguyên như một người anh. Nhớ ngày đầu lên đây, những cánh cửa sắt, hàng rào dây thép gai, và những bóng áo sọc đã làm mặt Nguyên biến sắc, vừa nói vừa nín thở vì sợ. Cũng phải, một thằng thanh niên độc thân, mới vào Nam lập nghiệp ba tháng, sống giữa Sài Gòn ngồn ngộn mặt còn biến sắc huống hồ đi tác nghiệp trại giam. Thế mà lúc đó, Nguyên vẫn cố đăm chiêu, căng thẳng lắm, cái tỏ vẻ của một thằng vừa thiếu, vừa cố chứng tỏ mình đủ kinh nghiệm, tài năng. Anh giám thị chỉ cười mỉm, nói, trại giam là kho hồ sơ sống về thế giới tội phạm, nếu tận tâm khai thác thì rất có ích cho ngành, cho bản thân phạm nhân và những người thân quen của họ. Anh còn nhiệt tình trả lời cả những câu hỏi rất ngô nghê của Nguyên, sau này có chút kinh nghiệm rồi, Nguyên thấy nó ngu ngốc và nguy hiểm nữa. Chẳng hiểu sao, lúc đó anh không đuổi mình ra? Lần sau cấm mình lên, không mở cửa cho vào. Một câu hỏi, lẽ ra Nguyên phải truy từ anh cho bằng được. Nhiều lần lên trước, định hỏi rồi lại thôi. Lại vẫn là sự tự ti của một đứa trai Bắc, đồng hương với anh giám thị, đang và sắp trưởng thành.

Người ta tuyển Nguyên vào một cơ quan mới, kỳ vọng anh sẽ là một cây bút có nội lực tương xứng với những gì đã viết, đã đạt được ở cơ quan cũ. Trước đó là cả năm trời thử thách dài đằng đẵng làm “điệp viên đơn tuyến”, không moi móc hay phá hoại gì cơ quan cũ nhưng phải dựa vào những cơ sở, quan hệ từ cơ quan cũ – gần như lén lút – hoạt động phục vụ cơ quan mới, với một cái bút danh khác. Anh háo hức, nhưng cẩn trọng và đã vượt qua. Ông sếp chức vụ lớn nhất tòa soạn mới tưởng thưởng cho anh bằng một cuộc điện thoại đường dài vồn vã, từ Sài Gòn ra Hà Nội: “Em muốn làm ở đâu?”. Một lần nữa, sự nông nổi của tuổi trẻ lại khiến anh vội vàng: “Em muốn thử sức ở Sài Gòn!”. “Vất vả đấy nhé!”. Ông ấy đã cảnh báo như vậy. Nguyên kệ. Bỏ mặc lại Hà Nội, xách cái ba lô, ngay đêm ấy bắt xe tốc hành vào Nam. Người yêu chưa có. Thầm thương trộm nhớ thì đáng kể gì. Bố mẹ kinh tế cũng ổn rồi. Và còn sức khỏe. Cứ thử đi. Tin rằng mình là người tốt, sẽ sống được giữa cuộc đời...

“Anh. Nếu muốn tìm một cái gì đó, luôn đứng sau và đeo bám mình, thì tìm từ đâu?”. Bâng quơ, Nguyên hỏi. Anh giám thị nheo mắt, cười mỉm: “Yêu rồi hả. Hay điều tra tôi đấy?”. “Không. Em hỏi vậy thôi”. “Tìm từ nơi bắt đầu. Hiểu không?”. Anh gật gật cái đầu, lại cười mỉm. Nguyên đưa đũa gắp một miếng dưa muối. Cơm tù ngon ngọt, giản dị. “Tìm từ nơi bắt đầu!” – Anh nói đúng. Nhưng nơi bắt đầu đó ở đâu. Bắt đầu cho cái gì. Nguyên cũng chẳng hiểu sao mình lại hỏi vậy. “Sao anh không đuổi em ra khỏi trại từ ngày ấy?” – đó mới là câu hỏi Nguyên cần và phấn khích nhất.

Buổi sớm nay, mới mở máy ra, đã thấy dòng tin: “Hãy khỏe mạnh. Hãy làm việc. Viết được đấy!”. Không biết từ bao giờ, có lẽ từ khi vào Sài Gòn, cứ giữa tháng Nguyên lại nhận được những dòng tin quan tâm và khích lệ đại loại như vậy. Mỗi lần một số điện thoại nhưng nội dung và cú pháp dường như chỉ do một người. Nguyên không đặt câu hỏi, tại sao người khác biết số điện thoại và biết việc mình làm - công việc của người nổi tiếng và đầy cạm bẫy. Nghe mấy thằng bạn cùng làm trong mảng này còn chửi, “dạo này pê-đê ở đâu mà nhắn tin rủ rê suốt”. Nguyên không quá đẹp trai để con gái Sài Gòn đeo đuổi. Anh cũng không quá dịu dàng để một chàng pê-đê nào đó lại quan tâm. Không. Sự quan tâm này kiên trì lắm, nhiều lúc đến lạnh cả sống lưng. Anh đi đâu, viết gì, đạt được cái gì, họ đều biết, nhắn tin. Đến khi gọi lại số máy đó thì “không liên lạc được”. Rồi, Sài Gòn náo nhiệt lại cuốn Nguyên đi...

Anh giám thị đã đi nghỉ trưa. Bỏ lại Nguyên bên bàn cơm dang dở, trời núi rừng thấy nóng gắt, ve kêu râm ran. Đầu óc tự dưng nghĩ mông lung, không thể tập trung được. Hôm nay, trại tha giam cho một số phạm nhân có thành tích tốt, anh giám thị để lại một xấp hồ sơ, bản tự kiểm điểm của họ cho Nguyên tham khảo. Nơi bắt đầu của họ, trước khi vào đây, dễ tìm thôi, đó là những sai lầm hoặc tội lỗi. Nhẹ nhàng hay nghiêm trọng đều là phạm tội, phải đi tù. Cái “nơi bắt đầu” này Nguyên cũng gặp nhiều ở ngoài đời. Nhưng rồi Sài Gòn náo nhiệt lại kéo anh đi, đâu cho anh dừng chân ở những nơi ấy trong giây lát. Sự vô tình đến lạnh lùng ấy, nếu anh có thể dừng lại, chạm được vào, thử làm một việc có trách nhiệm hơn là dùng ngòi bút, biết đâu lại níu kéo được nhiều người khỏi mất cả tuổi thanh xuân đi tìm, chuộc lỗi. Cả một xấp hồ sơ về những phạm nhân trẻ tuổi này. Ma túy. Mại dâm. Lừa đảo. Cờ bạc... Họ, trạc tuổi như Nguyên. Đi tù khi Nguyên bắt đầu đi làm. Mới đấy, anh đã vào Sài Gòn được bốn năm. Nơi bắt đầu Nguyên cần tìm, chẳng lẽ là đây?

Cơn buồn ngủ trưa chợt ập đến. Mệt mỏi. Thấy nhàm chán cho cái công việc này. Dịch chuyển rồi, lại cứ tiếp tục di chuyển. Đi và viết. Đến phát ngán. Những thân phận. Vô số hoàn cảnh. Na ná như nhau. Nguyên dừng chân tại đó được bao lâu? Một vài câu hỏi ngắn. Một buổi phỏng vấn nho nhỏ. Rồi vội vã chia tay. Anh ngồi bên trang giấy. Chắc họ lại tiếp tục lầm lũi nhớ về “nơi bắt đầu”. Mắt Nguyên nhòe đi, xem bản tự kiểm của một phạm nhân, văn chương hay lắm, nét chữ còn ngây thơ như tuổi học trò: “Thưa các cán bộ! Em bắt đầu trượt chân từ lúc vào Sài Gòn, theo bạn bè đua đòi. Lúc đầu chỉ đi vũ trường buổi tối, sau đi cả đêm, uống rượu tây và thuốc lắc. Để có tiền, em đã...”. Con đường phạm tội này, khỏi đọc Nguyên cũng biết nó như thế nào. Những cuộc tình thâu đêm suốt sáng này, anh quen quá rồi. Cũng chẳng cần đi “thực tế” hay điều tra tìm hiểu làm gì...

Trời nóng bức. Ve kêu râm ran. Nguyên nhớ Hà Nội đến nao lòng. Hà Nội của anh. Ký túc xá nằm ở phía đông thành phố, sát ngay bên giảng đường với những ô cửa màu xanh rêu, tường vàng đã ngả màu thời gian bàng bạc. Nhớ những tối ngủ lại ký túc, trèo tường rào qua nhà dân, cảm nhận cuộc sống của họ, ngồi chiếu hoa, uống trà đá, cắn hạt hướng dương hóng mát, cùng mấy thằng bạn dưới quê mơ tưởng về cái khí lạnh thơm phức trong vũ trường với rượu bia, hoa quả và những em chân dài mắt xanh mỏ đỏ. Sáng sáng, đến lớp thấy hội bạn quý tộc mắt nhắm mắt mở, miệng thốc ra mùi rượu bia chua loét, vừa ngáp vừa ngủ. Có ánh mắt cô lớp trưởng Lễ nhìn chúng thương hại, rồi quay sang hội bạn Nguyên nguýt cái dài. “Bọn thành phố” chia làm hai phe dù cho toàn con nhà giàu, chí ít cũng khá giả. Nguyên ở thành phố, bắt xe buýt đi học, mỗi sáng mẹ cho hai nghìn, dặn con trai đừng ăn quà vặt hay uống nước ngoài quán, đau bụng. Mẹ sợ anh không biết giữ mình, sớm hư hỏng nếu sống buông thả, sau này rất nguy hiểm cho công việc. Một mình Nguyên ở phe bên kia của “bọn thành phố”, cô lớp trưởng ở giữa.

Bài báo “tìm từ nơi bắt đầu” ấy, Nguyên không viết về “thực tế” vũ trường. Anh viết về mẹ. Và những người mẹ. Những đêm khuya, mẹ trông Nguyên học bài, không ngủ, bà lục cục pha cốc nước chanh, có khi mua cho anh cái bánh khúc nóng của bà già bán đêm hay đi qua ngõ. Đêm về, khi mẹ ngủ rồi thì đường phố lại rú lên tiếng của những đoàn đua xe, toàn bọn choai choai, rồi lại nghe những tiếng lục cục mở cửa của những bà mẹ khác, bạc tóc chờ con về, có khi phải đến bệnh viện nhận xác con, thậm chí phải đến trại giam nhận con về, hứa để gia đình tự cải tạo. Bài báo ấy, Nguyên nghĩ mình đã dừng chân lâu nhất. Và sâu nhất ở “nơi bắt đầu”. Viết về mẹ, nhưng chẳng hiểu sao khi đọc nó, Lễ đã khóc. Khi mùa phượng vĩ đơm hoa đỏ giảng đường, Nguyên nở mũi phát biểu trước các tân sinh viên chia sẻ “kinh nghiệm làm báo” rồi đi Thái Nguyên thực tập. Lớp trưởng nhìn theo, ánh mắt lạ lắm, hỏi “Nguyên đi rồi, có về Hà Nội không?”.

“Tìm được không, phóng viên trẻ?”. Anh giám thị đã quay trở lại. “Không tìm được đâu, thấy em không quyết tâm. Để sau nhé, giờ ta làm việc...”. Nguyên không quyết tâm? Đúng. Bởi chẳng biết quyết tâm tìm cái gì. Tìm câu trả lời từ giám thị? Không, anh ấy đang giở những tập hồ sơ, báo cáo ra chuẩn bị trả lời phỏng vấn. Không phải lúc. Hay nhớ về mẹ, hỏi mẹ đã tìm ra Nguyên bằng cách nào, làm sao biết anh sống ra sao, làm việc như thế nào ở miền Nam lạ lẫm, náo nhiệt này. Giờ này chắc mẹ đã nghỉ trưa dậy, lo toan dọn dẹp cho bữa cơm chiều. Bài báo ấy, nghe nói mẹ tìm được là nhờ lớp trưởng, sau này khi Nguyên đi thực tập, Lễ vẫn ghé thăm. Bẵng đi một dạo, Nguyên lên rừng viết phóng sự về những cô giáo dân tộc, lên bản dạy chữ cho trẻ em nghèo, rồi lấy những anh biên phòng, lập gia đình; mẹ hỏi cô ấy tính ra trường làm ở đâu. Lớp trưởng không nói. Từ đó không thấy đến nữa. Mẹ cứ khen, con bé này thùy mị nết na, gán ghép Nguyên với Lễ làm anh đỏ cả mặt, kể cả khi bà nói qua điện thoại. Gái Hà Nội mà thắt đáy lưng ong. Nguyên lên bản, đi ròng rã bốn ngày trời mà chẳng thấy cô gái nào đẹp như thế. Những lúc ấy, chợt nhớ Lễ da diết. Cái khuôn mặt trăng rằm có cái cằm hơi rộng, bờ môi đỏ không cần tô son, mỗi lúc cười, hàm răng bắp ngô trắng nõn. Trước ngày hòa bình của “bọn thành phố”, thấy Lễ cứ đi lên đi xuống quanh chỗ Nguyên ngồi, đến khi anh phát hiện có một mẩu giấy nhỏ nhét trong quyển vở thì đã muộn bởi đám bạn đã đọc hết. Lễ viết: “Em... thích những bài báo của anh!”. Dòng chữ học trò e ấp. Nhưng muộn rồi. Khi anh về phép, mẹ nói Lễ không muốn nói chuyện với con nữa, hình như cô ấy đã có người yêu...

“Cô phạm tội gì?”. “Dạ, thưa nhà báo, giết người!” . “Vì sao cô giết?”. “Thưa, vì ông ấy ngoại tình với má em. Một tối, em phát hiện ra ông qua tin nhắn gửi cho má”. “Vậy mà cũng giết?”. “Dạ, không chết. Em sợ ổng cướp mất má em...”. Đầu óc Nguyên trống rỗng. Viết lia lịa lên cuốn sổ phóng viên đã kín gần hai mặt chữ. Một cô gái phạm tội ngộ sát. Gương mặt cô đẹp như thiên thần. Cô ra. Anh giám thị đưa một cô khác vào cho anh phỏng vấn... Lại một cô khác... Cô khác nữa... Ngày mai, tất cả sẽ được tự do. Chẳng biết tìm gì, hỏi gì thêm cho bài viết mới lạ. Bất giác, Nguyên thò tay xuống túi quần, lấy điện thoại, lén nhìn những dòng tin nhắn dưới gầm bàn. “Xe buýt, dạo này cán chết nhiều người, sao không thấy viết?”. Nguyên chửi thầm. Sáng nay, lên trại muộn cũng vì xe buýt. Xe buýt dàn hàng ngang, lấn chiếm hết lòng đường bên phải. Điện thoại thì cứ rung lên bần bật vì những dòng tin nhắn này...

Nguyên lại lao đi trên những đường cong bất tận. Đường về xa hơn, mông lung lắm bởi những gì vu vơ không thành câu hỏi. “Em phạm tội giết người...”. “Thưa cán bộ, em phạm tội lừa đảo...” “Em phạm tội vì tạt axít người tình...”. Những cô gái mang gương mặt thiên thần. Trẻ trung và xốc nổi. Ngày mai, đời sẽ giang tay đón em. Hy vọng, “nơi bắt đầu” ấy, sẽ không phải là những sai phạm, lỗi lầm...

“Nguyên, em ở đâu?”. Giọng anh giám thị thét lên trong điện thoại, át cả tiếng gió hú. Nguyên hối hả phóng xe quay ngược. Tới cổng trại giam. Những hàng rào sắt... “Anh đã tìm được câu trả lời!”. Giám thị lao ra, đón Nguyên từ cửa, chìa ra cho Nguyên một bản kiểm điểm. Rõ ràng Nguyên đã đọc. Đã lại vô tình lướt qua... “Giữa tháng, cô ấy ra văn phòng, mượn điện thoại các quản giáo, hình như nhắn tin cho em...”. Nguyên không tin vào mắt mình. Đúng rồi. Nét chữ này, nói ra mới nhớ... “Em biết, em đã có lỗi lầm với gia đình, với thầy cô, với anh. Nếu được ra trại, em sẽ làm lại. Có thể, bằng những gì em đã được học hành, giáo dục. Chắc là sẽ có người hiểu và giúp em...”. Mắt Nguyên nhòe đi. Giám thị ghì chặt đôi vai anh, hình như đôi mắt cũng ươn ướt... “Cô ấy thấy em, nhưng không muốn gặp. Anh đã nói. Nhưng cô ấy tự ra về. Đừng buồn nhé. Dù sao, cũng có câu trả lời...”.

Nguyên phóng xe như điên. Anh gào lên đua với tiếng gió hú hét. Không. Không thể như thế được. Lớp trưởng xinh đẹp dịu hiền của anh. Cô ấy không thể phạm tội được. Không thể trượt ngã. Không thể vì những thuốc lắc, vũ trường, tàng trữ trái phép ma túy... Lễ là như vậy ư? Không. Anh không tin. Ngàn lần không tin. Nơi bắt đầu của em, là giảng đường của chúng mình, là những bài báo thời sinh viên, là sự trượt dài của nhiều trong những “bọn thành phố”. Không phải anh. Lẽ nào, là em hả Lễ?

... Nguyên nhớ, ngày đầu tiên nhập học, ra về, đứng bần thần bên bến xe buýt, thấy lớp trưởng trờ tới, hỏi có đi cùng không. Chân Nguyên muốn bước lên. Nhưng cái đầu lắc lắc. Cái tự ái của thằng con trai mới lớn. Lễ phóng xe vụt đi, Nguyên nhớ mái tóc dài bay trong gió ấy, để lại mùi hương rất khó tả. “Tìm từ nơi bắt đầu!”. Không. Le lói ánh đèn đêm bên đường. Cái trạm xe buýt cuối cùng trước khi rời huyện. Nó đã là điểm đến cuối của Nguyên trong hành trình tìm kiếm không tên. Tìm được rồi, thấy đớn đau, thất vọng. Thành phố sắp tới kia rồi. Nhưng chẳng muốn đi. Đầu óc như muốn vỡ tung. Thân thể rã rời... Những chén rượu chia tay giải sầu quá mức làm Nguyên muốn thiếp đi. Lời anh giám thị cứ văng vẳng bên tai: “Tìm lại nơi bắt đầu...”.

Sương xuống lạnh buốt. Cổ họng Nguyên nóng rực. Khát quá. Đồ nghề, túi xách, xe máy vẫn còn đây. Và dường như, còn có một bóng người, e ấp cạnh anh... Nguyên dụi dụi mắt. Không phải trong mơ... “Phải... Lễ đó không...”. Nguyên thấy cái đầu cô gái khẽ gật... “Nguyên, em xin lỗi...”. Họ lao vào nhau. Ghì chặt. Quấn quýt nụ hôn đầu vụng về. Nhưng không vội vã. “Em vẫn đọc anh... Em tự hào... Em xấu hổ... Em không muốn anh tủi nhục, mỗi lần lên trại... Nếu biết, anh sẽ tìm được ra em, phải không... Em đã đi bộ, qua rất nhiều trạm xe buýt...”. “Em tìm về nơi bắt đầu ư?”. “Vâng, nơi mình quen nhau...”.

Xe lại lướt đi trên những đường cong mềm mại, lúc này đã mượt như nhung bởi ban mai sớm. Đã có gió. Đã có nắng. Nguyên nhìn Lễ qua gương, thấy cô vui nhưng mắt đỏ hoe, còn đầy nước. Em. Đừng khóc nữa... Nơi bắt đầu của em, của anh, sẽ là ngày hôm nay. Ngày về hoàn lương. Ngày tiếp nối của những tháng năm thương nhớ không tên. Của giảng đường và những bài báo về “nơi bắt đầu” ấy. Quàng tay ra sau, kéo Lễ xích lại mình hơn nữa, Nguyên thấy hơi ấm áp của thành phố đang trước mặt...

Theo Thiếu Gia