Giới khoa học vừa phát hiện nguồn nước tồn tại hơn hai tỷ năm, dưới độ sâu hơn 2.4 km trong lòng đất mỏ Timmins, Canada.
![]() |
Ảnh minh họa: Flickr. |
Barbara Sherwood Lollar, nhà khoa học địa chất tại Đại học Toronto sau khi nhấp thử một ngụm nước trên cho biết, thứ nước ấy có mùi vị thật kinh khủng. “Ấn tượng đầu tiên tôi cảm thấy là độ mặn. Tôi nghĩ các phản ứng hoá học giữa nước và đá khiến nó có vị mặn”, Barbara Sherwood Lollar nói.
Bà cho biết thêm, nước hơn hai tỷ năm có độ nhớt hơn nước máy. Nước hơi đặc sánh gần giống thứ xi-rô từ cây gỗ thích (gỗ phong). Khi mới lấy ra từ lòng đất, nước không có màu, nhưng ngay sau khi bị ôxy hóa thì nó chuyển thành màu cam do các khoáng chất trong nước bắt đầu hình thành, đặc biệt là sắt.
Barbara chia sẻ: “Tôi phải thừa nhận rằng thứ nước cổ ấy có mùi vị thật kinh khủng. Nó mặn hơn rất nhiều so với nước biển. Chắc chắn không một ai có thể uống được thứ nước ấy, ngay chính tôi cũng không cho phép học sinh của mình làm điều này”.
Tuy chưa có sự khẳng định chính thức nào, nhưng các nhà nghiên cứu dự đoán, mặc dù trong điều kiện bị cô lập hoàn toàn với môi trường bên ngoài, các vùng nước lâu đời này vẫn có thể chứa sinh vật sống. Điều này có thể dẫn tới những suy luận liên quan tới sự sống trên sao Hỏa.
Theo tờ Los Angeles Times, giới khoa học đã đưa ra bằng chứng về sự hiện diện của nước trên bề mặt của sao Hỏa. Họ cho rằng nguồn nước cũng bị mắc kẹt trong đá ẩn sâu dưới bề mặt của hành tinh này, giống như nguồn nước cổ được tìm thấy tại mỏ Timmins.
Theo Vnexpress