Trong bối cảnh giới truyền thông hiện nay không ngừng thay đổi, việc nghệ thuật bị thao túng để phục vụ các mục đích tiêu cực đang ngày càng trở nên đáng báo động. Ca khúc “Sự nghiệp chướng” của rapper Pháo (Nguyễn Diệu Huyền) - một tác phẩm có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với giới trẻ khi 8 ngày phát sóng đã có tới 21 triệu lượt xem. Ca khúc dường như đã đánh dấu một bước ngoặt khi âm nhạc được biến thành công cụ dẫn dắt người nghe theo những lối mòn “truyền thông bẩn”. Điều này không chỉ làm lu mờ giá trị nghệ thuật mà còn làm xói mòn niềm tin của khán giả vào những thông điệp văn hóa chân chính.

“Sự nghiệp chướng” và trào lưu âm nhạc lệch chuẩn
“Sự nghiệp chướng” và trào lưu âm nhạc lệch chuẩn

Âm nhạc từ lâu đã được xem là tiếng nói của tâm hồn, cầu nối giữa nghệ sĩ với công chúng. Tuy nhiên, “Sự nghiệp chướng” lại khiến người nghe rơi vào cái bẫy của những thông điệp không rõ ràng, hướng mọi ánh nhìn từ chất lượng sáng tác sang những chiêu trò thu hút sự chú ý của truyền thông số. Ca khúc, thay vì truyền tải những giá trị nghệ thuật sâu sắc, lại dần trở thành “cửa ngõ” dẫn dắt khán giả đến những câu chuyện cá nhân gay gắt, gây sốc - như vụ livestream 'đấu tố' tình ái của ViruSs.

Livestream: Sự biến tướng của truyền thông

Tối ngày 28/3/2025, streamer ViruSs (Đặng Tiến Hoàng) và rapper Pháo tham gia phiên livestream để đối chất về mối quan hệ tình cảm giữa họ. Đáng nói, sự kiện này lại thu hút tới hàng triệu người xem cùng lúc, có thời điểm lượt xem lên tới hơn 4 triệu người chỉ để theo dõi phiên livestream vô bổ.

Cuộc "đấu tố" tình cảm giữa Pháo và ViruSs, vốn được trình bày như một cú hích táo bạo trong giới truyền thông, nhanh chóng gặp phải làn sóng phê phán dữ dội từ công chúng và các nhà phân tích văn hóa. Nhiều người cho rằng, sau vẻ ngoài của một mối tình "nóng bỏng", ẩn chứa là những mưu đồ truyền thông bẩn nhằm mục đích thu hút sự chú ý và tăng lượt tương tác trên mạng xã hội, thay vì mang đến giá trị nghệ thuật hay nhân văn.

Hệ quả của “truyền thông bẩn” đối với văn hóa và xã hội

Việc sử dụng âm nhạc như một công cụ dẫn dắt khán giả vào những chương trình livestream có nội dung “bẩn” không chỉ làm giảm đi giá trị nghệ thuật mà còn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng về mặt đạo đức và xã hội. Đối với những người trẻ tuổi, việc tiếp xúc với những nội dung thiếu chiều sâu, mang tính chất bốc đồng và gây xáo trộn cảm xúc có thể dẫn đến sự hiểu lầm về giá trị của sự thành đạt và danh tiếng. Thay vì tìm kiếm cảm hứng từ những thông điệp xây dựng, khán giả lại bị cuốn vào một vòng lặp tiêu cực, nơi mà sự nổi tiếng được đo bằng những cú sốc và tranh cãi.

Cần chế tài mạnh để lập lại trật tự

Trước làn sóng tranh cãi về ca khúc “Sự nghiệp chướng” dẫn dắt giới trẻ đến truyền thông bẩn, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, đã đưa ra quan điểm pháp lý rõ ràng về vấn đề này.

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường nhận định, đã đến lúc cần thiết lập cơ chế kiểm soát chặt chẽ đối với những hành vi tìm kiếm sự nổi tiếng bằng mọi giá, bất chấp hậu quả trên mạng xã hội. Ông cho rằng, sự nổi tiếng truyền thống, được xây dựng trên nền tảng đóng góp cho cộng đồng, tài năng hoặc giá trị cống hiến, đang bị thay thế bởi sự nổi tiếng ảo, được tạo ra bởi thuật toán, xu hướng hoặc thậm chí là những hành vi phản cảm. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với việc duy trì các giá trị xã hội.

TS.LS Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp
Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp

Theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường: “Nếu một sản phẩm âm nhạc có ngôn từ dung tục, cổ súy hành vi phản cảm hoặc vi phạm thuần phong mỹ tục, cơ quan chức năng có thể vào cuộc xử lý theo quy định của pháp luật. Theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP, những nội dung vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ 25 - 30 triệu đồng, đồng thời buộc gỡ bỏ khỏi các nền tảng phát hành.

Ngoài ra, nếu ca khúc có dấu hiệu xúc phạm danh dự, nhân phẩm hoặc tuyên truyền nội dung không phù hợp với văn hóa, đạo đức xã hội, có thể xem xét các chế tài nghiêm khắc hơn. Thậm chí, có thể áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự trong trường hợp xác định có hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân khác".

Để kiểm soát những sản phẩm âm nhạc có nội dung phản cảm, Tiến sĩ Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng: "Cần có cơ chế kiểm duyệt chặt chẽ hơn với các sản phẩm phát hành trên nền tảng số. Hiện nay, nhiều nội dung lệch chuẩn vẫn lan truyền mạnh mẽ do các nền tảng chưa thực sự kiểm soát chặt chẽ hoặc người dùng tiếp tay bằng cách chia sẻ, bình luận.

Ngoài ra, ý thức công chúng cũng rất quan trọng. Người nghe cần tỉnh táo trước những chiêu trò câu view, đồng thời tẩy chay những nội dung thiếu giá trị thay vì vô tình tiếp tay cho sự lan truyền của chúng".

“Sự nghiệp chướng” không chỉ là một ca khúc gây tranh cãi, mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh về trào lưu âm nhạc lệch chuẩn. Nếu không có biện pháp kiểm soát, mạng xã hội sẽ tiếp tục bị bóp méo bởi những chiêu trò câu view, làm xói mòn giá trị nghệ thuật thực sự.

Theo Công Thương