7 băn khoăn từ vụ giảm án cho vợ bí thư đốt xác

Việc chuyển hình phạt vợ cựu bí thư xã đốt xác Lê Thị Hường từ tử hình xuống 20 năm tù dù đúng tinh thần khoan hồng của luật mới nhưng chưa đúng quy định của pháp luật.

Việc chuyển hình phạt vợ cựu bí thư xã đốt xác Lê Thị Hường từ tử hình xuống 20 năm tù dù đúng tinh thần khoan hồng của luật mới nhưng chưa đúng quy định của pháp luật.

Trong tuần qua, báo chí đồng loạt đưa tin nhờ áp dụng luật mới nên “nữ sát thủ” Lê Thị Hường (vợ nguyên Bí thư xã Kim Long, huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) được giảm án từ tử hình xuống còn 20 năm tù về tội Giết người (chưa đạt).

Dư luận băn khoăn không chỉ vì việc chuyển hình phạt này chưa đúng pháp luật mà còn bởi người ta thấy tính chất, mức độ phạm tội của vụ án từng gây rúng động xã hội như thế mà nay kẻ thủ ác lại chỉ chịu mức án 20 năm tù.

Không đúng trình tự

Việc chánh án TAND tối cao quyết định giảm án cho Lê Thị Hường xuống 20 năm tù là căn cứ vào khoản 3 Điều 7, khoản 3 Điều 57 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 và điểm a khoản 4 Điều 1 Nghị quyết 144/2016 ngày 29/6/2016 của Quốc hội.

Tuy nhiên, đối chiếu với quy định tại các điều khoản trên thì trường hợp của Lê Thị Hường không phù hợp.

Thứ nhất, tháng 3/2014, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên án tử hình với bà Lê Thị Hường và bản án hình sự phúc thẩm ngày 8/7/2014 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã tuyên y án sơ thẩm. Ngày 11/7/2014, bà Lê Thị Hường có đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm án tử hình và đang trong thời gian xem xét thì Bộ luật Hình sự 2015 và Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) 2015 mới được Quốc hội thông qua.

Thứ hai, bản án hình sự phúc thẩm cũng không bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Vụ án đang được Chủ tịch nước xem xét đơn xin ân giảm án tử hình của Lê Thị Hường. Chánh án TAND tối cao đã căn cứ vào quy định có lợi cho người phạm tội để ra quyết định giảm án cho bị cáo Hường xuống 20 năm tù là không đúng trình tự.

Thứ ba, căn cứ vào hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm thì Lê Thị Hường không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 7, khoản 3 Điều 40 hay khoản 3 Điều 57 BLHS 2015. Bởi vì các điều luật này chỉ áp dụng đối với người phạm tội khi bị phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích…

7 ban khoan tu vu giam an cho vo bi thu dot xac hinh anh 1
Bà Lê Thị Hường đang nghe tòa sơ thẩm tuyên án tử hình. 

Luật chưa quy định trường hợp kết án tử

Thứ tư, nếu căn cứ vào quy định của BLHS 2015 thì trường hợp của bà Hường chỉ bị áp dụng hình phạt 20 năm tù. Nhưng BLHS 2015 cũng như BLTTHS 2015 không có quy định người bị kết án tử hình đang được Chủ tịch nước xem xét đơn xin ân giảm thì có được áp dụng không và nếu được thì thủ tục thế nào.

Thứ năm, theo khoản 3 Điều 1 Nghị quyết 144/2016 thì tiếp tục áp dụng BLHS 1999 và BLTTHS 2003 cho đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 có hiệu lực thi hành. Cũng theo Nghị quyết 144/2016, kể từ ngày 1/7/2016 thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7 BLHS 2015 và điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 109/2015 về việc thi hành BLHS; tiếp tục áp dụng khoản 2 Điều 1 và các quy định khác có lợi cho người phạm tội tại Nghị quyết 109/2015; áp dụng các quy định của BLTTHS 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của BLHS 2015 và Nghị quyết 109/2015.

Như vậy, Lê Thị Hường bị kết án và bản án có hiệu lực pháp luật trước khi BLHS 2015 ban hành nên không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 40 hoặc khoản 3 Điều 57 BLHS 2015. Ở đây chỉ có thể nói trước khi bị thi hành án tử hình thì BLHS và BLTTHS có quy định theo hướng có lợi cho người bị kết án.

Thứ sáu, nếu căn cứ vào khoản 2 Điều 367 BLTTHS 2015 thì Lê Thị Hường cũng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 40 của BLHS 2015. Giả thiết có thuộc trường hợp này thì chánh án TAND tối cao cũng chỉ chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho Lê Thị Hường chứ không thể chuyển từ tử hình xuống hình phạt 20 năm tù được.

Nên có tờ trình cho Chủ tịch nước

Thứ bảy, giả thiết sau khi chánh án TAND tối cao chuyển hình phạt tử hình xuống hình phạt 20 năm tù cho Lê Thị Hường mà Chủ tịch nước lại có quyết định bác đơn xin ân giảm (hoặc cho ân giảm từ tử hình xuống chung thân) cho bà Hường thì giải quyết ra sao?

Chính vì vậy, theo tôi, trong trường hợp này chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao cần trình với Chủ tịch nước xin rút lại tờ trình về việc xét đơn xin ân giảm án tử hình đối với Lê Thị Hường. Khi đó, hồ sơ vụ án trở lại TAND tối cao. Tiếp đó, Chánh án TAND tối cao mới xem xét cho Lê Thị Hường được hưởng các quy định của BLHS năm 2015.

Ngoài ra, Chánh án TAND tối cao cần xem xét, rút lại quyết định chuyển hình phạt từ tử hình xuống còn 20 năm tù đã ký mà báo chí đưa tin mới đây. Đồng thời, chánh án TAND Tối cao cần nghiên cứu hai phương án khắc phục mà TS Phan Anh Tuấn đã gợi ý hoặc khắc phục bằng phương án khác khả dĩ ít phức tạp mà vẫn đảm bảo đúng pháp luật.

Hai cách giảm án cho vợ cựu bí thư đốt xác

Có hai cách có thể khắc phục chuyện giảm án cho bà Lê Thị Hường đúng pháp luật, đồng thời đảm bảo sự khoan hồng của BLHS 2015.

Cách thứ nhất là giảm án từng bước. Cụ thể là chánh án TAND tối cao chuyển hình phạt từ tử hình xuống thành tù chung thân cho đúng điểm b khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 109/2015. Khi bà Hường chấp hành tù chung thân thì sẽ giảm án xuống 20 năm theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 109/2015.

Cách thứ hai là Chánh án TAND tối cao (hoặc Viện trưởng VKSND tối cao) ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm để Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hủy bản án này, sau đó xét xử lại. Hiện vẫn còn thời hạn kháng nghị.

Hai cách này tuy hơi phức tạp (nhất là cách thứ hai) nhưng đúng luật, đảm bảo sự khoan hồng của BLHS 2015.

TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự, ĐH Luật TP.HCM

Khoảng trống trong hai bộ luật mới

Nhân sự việc này, cũng cần nói thêm là BLHS và BLTTHS vẫn còn khoảng trống liên quan. Đó là chưa có quy định về trường hợp người bị kết án tử hình đã bị Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà đã trình Chủ tịch nước xét đơn xin ân giảm án tử hình của người bị kết án thì giải quyết thế nào.

Thiết nghĩ khoảng trống này cần được bổ sung vào BLHS và BLTTHS 2015 khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015.

 
 Theo Đinh Văn Quế (Pháp Luật TP.HCM)
Nguyên Chánh tòa Hình sự TAND tối cao

vợ bí thư đốt xác


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.