Chị Nông Thị Hường (SN 1977) trú tại xã Bế Triều, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng hiện đang cải tạo tại đội 33, trại giam Phú Sơn 4 (Tổng cục 8, Bộ Công an) với mức án 11 năm tù giam, để trả giá cho hành vi giết hại mẹ chồng.
Ký ức đau buồn
Khoảng 15h ngày 10/9/2011, bà Hà (mẹ chồng chị Hường) và chị Hường (lúc này đang phát cỏ) đã xảy ra mâu thuẫn và cãi vã. Bà Hà vào nhà lấy chiếc thuổng để đánh chị Hường thì chị Hường tránh được. Để phản kháng, chị Hường đã dùng dao phát cỏ chém trúng người mẹ chồng.
Trong cơn tức giận, hai bên giằng co, chị Hường còn gây ra nhiều vết thương khác trên cơ thể của bà Hà khiến bà Hà tử vong ngay sau đó.
Sau khi lỡ tay sát hại mẹ chồng, chị Hường đã ôm vội bình thuốc diệt cỏ để tự tử. Tuy nhiên, sự việc được phát hiện và chị được cấp cứu kịp thời nên đã qua khỏi và được người nhà đưa đến cơ quan công an đầu thú.
Chị Nông Thị Hường buồn rầu khi nhắc lại ký ức đau lòng.
Nói về những ngày tháng làm dâu, chị Hường ngậm ngùi cho biết, ngay từ những ngày đầu về ra mắt, gia đình nhà chồng đã tỏ thái độ không ưng thuận với chị. Nhưng vì tình yêu, hai vợ chồng chị đã cố gắng thuyết phục hai bên gia đình đồng ý và tiến tới tổ chức đám cưới.
Chồng chị Hường là con trai út nên sau khi cưới, vợ chồng chị ở chung với bố mẹ chồng. Biết mẹ chồng không thích mình nên chị Hường luôn cố gắng chăm chỉ, hy vọng một ngày nào đó mẹ sẽ yêu quý mình. Nhưng dù có cố gắng bao nhiêu thì mẹ chồng chị Hường vẫn tỏ ra không hài lòng.
Chị Hường ân hận vì đã không kìm chế được cơn nóng giận, khiến mẹ chồng tử vong.
Và rồi chuyện gì đến cũng sẽ đến, mâu thuẫn mỗi ngày lại tăng thêm, những chuyện nhỏ nhặt cũng trở thành lý do hai mẹ con cãi vã. “Chính việc những câu chuyện nhỏ đó càng ngày càng nhiều lên, tích tụ lại đã dẫn đến câu chuyện đau lòng không ai muốn này. Chuyện này xảy ra, con tôi là người khổ nhất vì lúc đó con gái tôi mới được 4 tuổi.
Thời ấy, con bé quấn bà nội, vậy mà chỉ vì phút mâu thuẫn không kìm chế được, con tôi mất đi chỗ dựa tinh thần lớn và thiếu vắng bàn tay chăm sóc của chính người mẹ là tôi. Hậu quả ấy, tôi biết khó lòng có thể được tha thứ...”, chị Nông Thị Hường vừa khóc vừa tâm sự.
Lời xin lỗi muộn màng
Tính đến nay, chị Hường đã thụ án được hơn 6 năm, trải qua nhiều công việc khác nhau từ may mặc, trồng rau, đến hái chè. Trong suốt thời gian cải tạo, chị Hường luôn được xếp vào loại cải tạo khá và được 2 lần giảm án.
Nhưng khi nhắc lại chuyện cũ, chị lại cảm thấy mình đầy tội lỗi. Chị Hường cho biết, thời gian qua chị đã cố gắng, quyết tâm cải tạo thật tốt để có thể sớm được trở về để thắp hương tạ lỗi với mẹ chồng và tạ lỗi với người thân.
“Ban đầu, khi vào trại, tôi cũng rất tiêu cực. Thậm chí có lần bỏ ăn, ở lì trong phòng nhưng sau khi biết chuyện, quản giáo của đội tôi đã gặp gỡ, trao đổi. Cán bộ bảo rằng, chỉ có lao động mới giúp tôi nguôi ngoai chuyện cũ và đó cũng là cách duy nhất để trả giá cho những lỗi lầm mình gây ra. Vì thế, qua thời gian, tôi thấm nhuần những lời cán bộ dậy và dần ổn định tâm lý, tập trung cải tạo.
Cứ nghĩ đến tự do, nghĩ đến con là tôi vui. Nhưng có điều khiến cho tôi phải đau lòng là năm trước, chồng tôi có đưa đơn ly hôn nhưng tôi không ký và đó cũng là lần cuối cùng chồng tôi vào thăm tôi”- chị Hường cho biết.