"Đáng ra tôi phải xin tử hình mới đúng"

Đó là lời tâm sự của phạm nhân Huỳnh Thị Thắng, SN 1973, trú tại phường Tân Thành, TP Thái Nguyên (Thái Nguyên), đang chịu bản án chung thân về 2 tội giết người và cướp tài sản.

Đáng ra tôi phải xin tử hình mới đúng-1
Phạm nhân Huỳnh Thị Thắng trong trại giam.

Hơn chục năm trước, vì bị các chủ nợ ráo riết đòi với lời đe dọa nếu không thanh toán sẽ đâm đơn kiện, Thắng đã cùng anh bạn đồng nghiệp vào nhà nghỉ tâm sự rồi ra tay đoạt đi mạng sống của người này.

"Tôi bị trời đày"

Kể từ lúc bị bắt đến giờ, đã hơn chục năm trôi qua, Thắng là một trong số những phạm nhân đang cải tạo ở Trại giam Phú Sơn thuộc diện không người thăm gặp.

Không như một số phạm nhân khác, vắng người thăm gặp vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, xa xôi hoặc mồ côi, Thắng là bị người thân từ mặt.

Mái tóc búi cao gọn gàng, Thắng luôn né tránh ống kính của chúng tôi. Người đàn bà từng một thời gây xôn xao dư luận vì liền lúc phạm 2 trọng tội, giờ cam chịu với số phận của mình. Thắng bảo tất cả mọi chuyện đều có sự định đoạt và cuộc đời của chị ta là do trời đày.

"Tôi từng có một gia đình hạnh phúc, từng có một công việc được mọi người trọng vọng nhưng tất cả đã sụp đổ sau buổi trưa hôm đó. Gia đình tan vỡ, người thân từ mặt. Cuộc đời tôi chẳng khác nào bị trời đày", Thắng nói rồi quay đi.

Nghe tôi hỏi cuộc sống trong trại giam thế nào, có khúc mắc, thiếu thốn không? Thắng đứng quay lưng lại phía chúng tôi, đáp: "Chẳng thiếu thứ gì cả. Già rồi cũng chẳng cần gì nhiều".

- Công việc ở xưởng may phải ngồi máy cả mấy tiếng liền có quá sức với chị không?. Chị còn nhìn thấy đường kim mũi chỉ không, nhất là lúc xâu kim?

- Bình thường thôi, không có gì.

- Chị từng là giáo viên, nếu học sinh hay phụ huynh trả lời thiếu chủ ngữ như chị đang nói thế này có khó chịu không?

- Đấy là chuyện ngày xưa, còn bây giờ thì tôi là phạm nhân.

- Là phạm nhân thì được quyền nói cộc lốc, trả lời cán bộ hay khách cũng không cần có chủ ngữ à chị?

Một phút im lặng trôi qua, Thắng hạ giọng: - Thông cảm cho tôi, tại trời nóng quá, đi làm về mệt nên tôi cũng hơi bất mãn.

- Điều gì làm chị bất mãn, tại cuộc trò chuyện với chúng tôi rút ngắn thời gian nghỉ ngơi của chị hay vì điều gì, chị có thể chia sẻ với chúng tôi được không?.

- Chẳng có gì đâu. Tất cả là do tôi gây nên thì tôi phải chịu thôi. Số tôi trời đày nó thế rồi.

Chưa đầy 5 phút trong một cuộc nói chuyện, Thắng đã 2 lần thốt ra câu "trời đày".

- Người ta cố gắng làm nhưng luôn gặp thất bại thì mới nói là bị trời đày, quả báo còn chị, tôi thấy con đường công danh sự nghiệp, chuyện gia đình đều suôn sẻ cả mà, sao lại nói là trời đày được?, chúng tôi cố gợi.

Thắng cười nhạt: - thế mới nói là bị trời đày chứ người bình thường cuộc sống đã đầy đủ viên mãn rồi chẳng ai làm thế.

- Có thể nói là sướng quá hóa rồ được không?

Lần đầu tiên thấy chị ta khẽ nhếch mép cười. Thắng bộc bạch: "Tôi từng được coi là con nhà gia giáo nên chuyện quan hệ lăng nhăng ngoài hôn nhân là mối nhục của gia đình. Đã thế tôi còn cướp đi mạng sống của đồng nghiệp bằng một thủ đoạn đê hèn.

Gia đình tôi không chịu nổi áp lực nên đã từ bỏ tôi. Lâu rồi tôi không còn liên hệ gì với người thân nữa. Tôi là người cô quả".

Theo hồ sơ phạm nhân, do nợ nần nên ngày 27-11-2007, khi được anh bạn đồng nghiệp rủ đi nhà nghỉ "tâm sự", Thắng đã nhận lời. Sau khi đưa nhau vào nhà nghỉ Nguyên Hải, nằm trên địa bàn thị xã Sông Công (Thái Nguyên), Thắng đã bỏ 10 viên Sen Vông vào cốc café của bạn tình với mục đích hãm hại người này.

Khi thấy anh bạn đồng nghiệp mê man bất tỉnh, Thắng đã lấy dây điện và dao lam đoạt mạng sống của nạn nhân sau đó lấy đi số tài sản của người này gồm 1 xe máy Novvo, 1 điện thoại và 12 triệu đồng.

Với hành vi trên, Thắng bị kết án chung thân, thi hành án ở Phân trại số 2 Trại giam Phú Sơn 4.

"Tôi thấy mình may mắn vì vẫn còn cơ hội sống nhưng tôi đã nghĩ sai rồi"

Nhận xét về phạm nhân Huỳnh Thị Thắng, Trung tá Nguyễn Thị Nga, cán bộ quản giáo, cho biết Thắng sinh ra trong một gia đình cơ bản, bố mẹ và em gái đều là công chức nhà nước.

Chính vì thế mà khi xảy ra việc làm của Thắng không chỉ gây chấn động xã hội, khiến người dân Thái Nguyên bàng hoàng mà còn vô hình trung tạo nhiều áp lực cho những người trong gia đình Thắng.

Có lẽ cũng vì mất mặt và không thể chấp nhận nổi nên ngay từ lúc Thắng còn chưa hầu tòa, người thân của chị ta đã gửi đơn không nhận Thắng là con cái trong gia đình. Không riêng gì bố mẹ và em gái Thắng, phía gia đình chồng chị ta cũng làm đơn xin từ mặt.

Đáng ra tôi phải xin tử hình mới đúng-2

"Thắng là phạm nhân có trình độ, có học thức nên càng nghĩ ngợi nhiều trước việc bị người thân chối bỏ. Thời gian mới vào trại, chị ta liên tục vi phạm, lúc nào cũng có thái độ bất cần, ngông nghênh phá phách.

Chúng tôi gọi lên giáo dục rất nhiều lần, sử dụng các biện pháp từ nhắc nhở trước đội đến gặp riêng giáo dục nhưng tiến bộ không nhiều", Trung tá Nga cho biết.

Nhận xét của cán bộ này có phần đúng bởi ngay cả khi gặp chúng tôi, Thắng vẫn giữ thái độ bất cần cho dù đã hơn chục năm sống trong trại cải tạo. Dường như những tháng ngày lao động ở đây không khiến chị ta hối lỗi và muốn sửa sai.

Thắng tỏ ra đanh đá, chua chát hơn khi khăng khăng đòi đứng nói chuyện với chúng tôi ngay phía ngoài hội trường, giữa trời nắng nóng. Chị ta lấy lý do đó là cái nghiệp mà cuộc đời chị ta phải gánh, là cái nợ từ kiếp trước nên không thể tránh khỏi để không vào trong phòng ngồi nói chuyện.

"Nhiều lúc nghĩ lại, tôi cũng không hiểu tại sao lúc đó tôi lại gây tội lỗi tày đình với đồng nghiệp quyết liệt như thế. Lúc đó tôi chẳng khác nào một con thú mất hết tính người", Thắng tâm sự.

Từng có một mái ấm gia đình với người chồng cũng là công chức nhà nước và hai con trai ngoan ngoãn nhưng sau cái ngày định mệnh ấy, Thắng không còn gì cả. Bố mẹ, em gái chối bỏ, Thắng mất luôn cả chồng và con trai.

Từ ngày vào trại cải tạo tới nay, Thắng chưa hề nhận được tin gì về gia đình, người thân. Kể cả việc viết thư, gọi điện về nhà, Thắng cũng không tài nào liên lạc được với gia đình.

"Ngày tòa tuyên án chung thân, tôi thấy mình may mắn vì vẫn còn cơ hội sống nhưng tôi đã nghĩ sai rồi. Đáng ra tôi phải xin án tử hình mới đúng. Được sống mà như thế này thì thà chết đi còn hơn", Thắng nói, đôi mắt bắt đầu rớm lệ.

Không người thăm gặp, mọi sinh hoạt của Thắng đều phụ thuộc vào chế độ của trại giam khiến Thắng luôn trong tình trạng tư tưởng không ổn định, nhất là những dịp lễ tết. Phạm nhân cùng buồng được gặp người thân, Thắng cáu kỉnh. Người khác nhận được thư nhà, Thắng cũng nổi đóa lên,…

Thậm chí có thời điểm Thắng vi phạm nội qui đến nỗi bị giam riêng nhưng với chị ta, mọi hình thức kỷ luật chẳng có nghĩa lý gì. Theo quản giáo Nga, từ ngày vào trại cải tạo, Thắng luôn xếp loại cải tạo trung bình, có năm còn yếu kém.

Ba năm nay, khi được ra làm cô giữ trẻ, chị ta mới được xếp loại khá. Hỏi Thắng lý do, chị ta đáp: "Quậy mãi rồi cũng chán. Với lại cùng buồng bây giờ có nhiều cháu ít tuổi, chúng nó không quậy phá mà mình lần nào cũng bị bêu tên nghĩ cũng xấu hổ".

Trung tá Nguyễn Thị Nga chia sẻ: "Mặc dù đã tiến bộ lên rất nhiều nhưng chúng tôi vẫn phải thường xuyên gặp gỡ, trao đổi để nắm bắt tâm tư, kịp thời động viên, khích lệ. Nhiều khi tôi phải lấy những hoàn cảnh tương tự hoặc khổ cực hơn để nói chuyện với phạm nhân Thắng, để chị ta tự tin hơn...".

Cũng theo lời chị Nga thì do Thắng tâm tính thất thường nên chỉ những lúc trại giam có đông trẻ con vào theo mẹ thì mới điều Thắng ra hỗ trợ còn bình thường thì Thắng vẫn cải tạo ở xưởng may.

Trung tá Nga bảo để Thắng yên tâm cải tạo và cũng không có suy nghĩ tự ti, mặc cảm, chị đã dành nhiều buổi ngồi nói chuyện riêng với Thắng, phân tích cho chị ta hiểu.

Ngoài nói chuyện, quản giáo Nga còn giao cho Thắng có trách nhiệm truyền nghề cho những phạm nhân ít tuổi, hoặc mới vào, tạo điều kiện để Thắng có nhiều cơ hội tiếp xúc với họ nhằm xóa bỏ rào cản. Dường như chạm đúng khả năng của Thắng, chị ta lạc quan hẳn lên.

Thắng tâm sự: "Công việc của tôi là may túi. Cái nghề mà ngày xưa, ngay cả khi chưa đi dạy học, tôi cũng không thích bao giờ vì nó quá tỉ mẩn. Nhưng đây là môi trường cải tạo nên tôi coi như mình đi trả nợ tiền kiếp. Thế nên tôi nhận làm và giờ thì quen rồi. Tôi cũng không còn nặng nề với việc chẳng có ai thăm nuôi nữa.

Em gái, người thân coi tôi như chết từ lâu thì tôi cũng coi như chẳng có người thân thích nào nữa. Thời gian rảnh, thay vì gặp người thân hay viết thư cho gia đình thì tôi lên thư viện đọc sách, hoặc ngồi ở buồng xem tivi.

Chán thì nằm nghiền ngẫm sự đời. Tôi chẳng nghĩ gì nữa ngoài một thực tế là mình đang đi cải tạo và cứ bằng lòng vì điều đó. Mọi chuyện sau này thế nào, đến lúc đó sẽ tính. Có tính sớm cũng chẳng để làm gì".

Rồi như không muốn để người khác biết hết về những suy nghĩ của mình, Thắng xin phép được về phân trại, thái độ đã có chút thay đổi chứ không bất cần, nói năng cộc lốc như lúc đầu.

Nhìn dáng đi như chúi về phía trước của Thắng, chúng tôi hiểu rằng tất cả những cứng rắn bên ngoài ấy của Thắng chỉ để che giấu sự trống vắng, cô đơn trong lòng..

Theo Cảnh sát toàn cầu

Xem link gốc Ẩn link gốc http://cstc.cand.com.vn/Chuyen-tinh-tien-tu-toi/Dang-ra-toi-phai-xin-tu-hinh-moi-dung-591006/

cướp tài sản

giết người


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.