Khách cùng bà Nguyễn Phương Hằng livestream có bị xử lý hình sự?

Những buổi livestream sử dụng nhiều từ ngữ tục tĩu, nhục mạ người khác của bà Nguyễn Phương Hằng còn có sự tham gia của khách mời, có cả người là luật sư. Những người này có bị xem xét là đồng phạm?.

Ngày 24/3, bà Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, ngụ quận 1, Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam, trụ sở tại Bình Dương) bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự. Hành vi bị điều tra của bà Hằng bắt nguồn từ các hoạt động trong những livestream trên các trang mạng xã hội.

Theo Công an TP.HCM, bà Nguyễn Phương Hằng liên tục livestream, sử dụng nhiều từ ngữ tục tĩu để phát ngôn cổ xúy văn hóa “chửi" trên mạng.

Công an TP.HCM đã tiếp nhận nhiều đơn của các cá nhân tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng có hành vi “Vu khống", “Làm nhục người khác", “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" và “Đe dọa giết người" thông qua việc nhiều lần phát ngôn trực tiếp qua mạng Internet (Facebook, Youtube.com....).

Trong nhiều buổi livestream nhục mạ, chửi bới, bà Hằng mời nhiều khách cùng tham gia. Khi bà Hằng bị bắt, dư luận đặt ra câu hỏi, liệu các khách mời có bị xem là đồng phạm?.

Khách cùng bà Nguyễn Phương Hằng livestream có bị xử lý hình sự?-1
Bà Nguyễn Phương Hằng tại CQĐT. Ảnh: Công an cung cấp

Trao đổi với VietNamNet, luật sư Nguyễn Duy Bình (Văn phòng luật sư Duy-Trinh, Đoàn luật sư TP.HCM) cho hay, nếu những khách mời chỉ ngồi nghe, góp vui hoặc cười cợt ... thì không sao. Còn nếu khi họ tham gia có hành vi cùng bà Hằng xâm phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm, quyền lợi của cá nhân, tổ chức, nhà nước hoặc tâng bốc, nhận định lệch lạc, phê phán thái quá, thiếu cơ sở ... thì đó là những hành vi giúp sức.

Tuy nhiên, hành vi giúp sức kiểu này có bị xử lý hình sự hay không còn phụ thuộc vào nội dung các buổi livestream và mức độ xâm phạm. Muốn nhận định rõ hành vi và mức độ vi phạm, phải ngồi lại xem xét kỹ các buổi livestream hoặc các bài đăng trên các trang mạng.

Đặc biệt, trong một số buổi livestream có sự xuất hiện của luật sư, tiến sĩ luật và một vài cá nhân khác và khi họ phát biểu thì nhận thấy họ có một số lời lẽ mang tính hùa theo, tâng bốc, thậm chí có những nhận định lệch chuẩn cả về đạo đức và pháp lý. 

Nếu ngoài những hành vi này, các khách mời còn tư vấn riêng, hướng dẫn cho bà Hằng hoặc tham gia tìm kiếm thông tin về đời tư, về công việc của cá nhân, tổ chức trái pháp luật, bố trí lập kế hoạch livestream phát sóng nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa thì tính nguy hiểm cho xã hội sẽ cao hơn và có cơ sở để xử lý hình sự.

“Tuy nhiên, muốn có nhận định chính xác hơn, cụ thể hơn, cần phải tập hợp tất cả các buổi livestream liên quan, các bài đăng liên quan để lọc ra các tài liệu, chứng cứ và phân tích, chứng minh rõ từng tình tiết, dấu hiệu thì mới có kết luận chính xác về người vi phạm chứ không thể chỉ nhận định chung chung”, luật sư Bình nói.

Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/khach-cung-ba-nguyen-phuong-hang-livestream-co-bi-xu-ly-hinh-su-825750.html

Nguyễn Phương Hằng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.