Chỉ còn 2 ngày nữa sẽ diễn ra phiên tòa xét xử vụ án Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lên đến 16,5 tỷ đồng. Trước thời điểm diễn ra phiên tòa, luật sư của cô đã phân tích nhiều tình tiết ông cho là mâu thuẫn trong vụ án.
Trong khi dư luận xã hội đang rất quan tâm, liệu cô gái này đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của ông Cao Toàn Mỹ hay vị doanh nhân này đưa người đẹp vào "tròng" vì "hợp đồng tình ái", thì luật sư Phạm Cương - người bào chữa cho Phương Nga đã rất tự tin nhận định cô bị oan.
"Có rất nhiều mâu thuẫn trong vụ án này. Vì niềm tin này mà tôi mới nhận lời bào chữa cho bị cáo. Nếu không, chắc chắn tôi sẽ không nhận lời bào chữa. Mục đích của tôi là muốn minh oan cho hai cô gái vô tội và cũng muốn góp phần xây dựng nền tư pháp Việt Nam ngày càng minh bạch và thượng tôn pháp luật", ông Phạm Cương nói.
Trong phần nhận xét về vụ án dựa trên hồ sơ được cung cấp, luật sư Phạm Cương phân tích rất nhiều mâu thuẫn. Đầu tiên là các tình tiết từ hai lá đơn tố cáo của ông Cao Toàn Mỹ.
Theo đó, luật sư của Trương Hồ Phương Nga đặt ra các câu hỏi: Tại sao, đơn tố cáo lần 1, ông Mỹ nói Phương Nga mượn tiền để mở SPA kinh doanh nhưng đến đơn tố cáo lần 2, ông Mỹ lại nói: Nhận tiền để mua nhà. Thứ hai, trong đơn ông Mỹ cho biết mới quen Phương Nga từ tháng 5/2012 nhưng rất ít khi gặp nhau, vậy dựa vào niềm tin nào để người đàn ông này chuyển một số tiền "khổng lồ" cho cô ấy?
Vụ án Trương Hồ Phương Nga đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận
Luật sư bào chữa cho Phương Nga cũng phân tích về mâu thuẫn từ số tiền ông Cao Toàn Mỹ chuyển cho Phương Nga và Thùy Dung.
"Ông Mỹ khai với cơ quan điều tra là ông đưa cho Phương Nga 2 lần tiền mặt là 3 tỷ đồng và số tiền chuyển khoản là 13,5 tỷ đồng. Nhưng Phương Nga lại nói ông Mỹ chỉ đưa cho cô 1 lần tiền mặt là 2 tỷ đồng. Qua số tiền mà cơ quan điều tra xác minh, cho thấy ông Cao Toàn Mỹ không biết được chính xác số tiền ông đã chuyển nhờ Phương Nga và Thùy Dung mua nhà. Liệu có ai đưa tiền đặt cọc đi mua nhà mà không có giấy biên nhận tiền (khoản 2 tỷ tiền mặt đưa cho Phương Nga) hay không?", ông Phạm Cương đặt ra câu hỏi.
Ông cũng nhận định, theo thông lệ, giả sử nếu có các giao dịch mua bán nào đó, thì người ta sẽ chỉ đặt cọc một ít tiền, chứ không ai như doanh nhân Cao Toàn Mỹ tới 10 lần với số tiền 17,564 tỷ đồng.
Theo ông Mỹ khai, tháng 7/2012 ông đưa cho Phương Nga 1 tỷ tiền mặt, tháng 9/2012 ông đưa tiếp 2 tỷ. Vậy quá trình đặt cọc "có vấn đề" không khi chỉ vài ba ngày sau (6/9/2012), ông Mỹ lại chuyển khoản tiếp 1 tỷ đồng nữa?
Chưa kể, trong 8 lần ông Mỹ khai chuyển khoản tiền cho Phương Nga và Thùy Dung, đáng lưu ý là có 2 lần chuyển cho Thùy Dung mỗi lần 10 triệu đồng. Tại sao, đã 9 lần chuyển tiền với tổng số tiền là 17,554 tỷ đồng rồi mà lần cuối cùng ông Mỹ lại chuyển cho cô gái này 10 triệu đồng?.
Ngoài các vấn đề liên quan tới số tiền ông Cao Toàn Mỹ gửi cho Trương Hồ Phương Nga chính xác là bao nhiêu, 16,5 tỷ đồng hay 17,554 tỷ đồng thì luật sư của cô cũng đặt câu hỏi về các giấy tờ mà Phương Nga và Thùy Dung cho là ngụy tạo.
Ông Phạm Cương nhận định: "Thứ nhất, hàng chục các văn bản liên quan đến việc giả mạo chữ ký của ông Mỹ do Phương Nga và Thùy Dung ký đều được xác lập từ năm 2012 đến năm 2014. Vậy tại sao khi ông Mỹ gửi đơn tố cáo đến cơ quan điều tra lần thứ nhất lại không có các tài liệu này. Và nếu có thì cơ quan điều tra chắc chắn không bút phê vụ việc thuộc quan hệ dân sự. Như vậy, hàng chục văn tự mà ông Mỹ dùng để tố cáo Phương Nga và Thùy Dung giả mạo chữ ký của mình liên quan đến khoản tiền 16,5 tỷ đồng như ông Mỹ tố cáo đều có sau ngày 01/4/2014 (đơn lần 1).
Thứ hai, người như Phương Nga và Thùy Dung nếu ở trạng thái tinh thần bình thường, liệu có dám giả mạo chữ ký của ông Mỹ hay không?. Giả mạo chữ ký rồi có trốn tránh được sự trừng phạt của pháp luật hay không? Nếu không trốn tránh được sự trừng phạt của pháp luật thì hai người này có đủ can đảm để lấy được 16,5 tỷ đồng của ông Mỹ, đđối diện với bản án tù chung thân hay không? Tôi tin chắc là hai cô không bao giờ lựa chọn con đường đó".