Sáng 3/2, phiên tòa xét xử vụ án tham ô xảy ra tại Công ty cổ phần Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land) tiếp tục diễn ra. Kết thúc phần tranh luận, trước khi HĐXX vào nghị án, các bị cáo được phép nói lời sau cùng.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh trình bày về tình cảm của gia đình, bạn bè, của những người mới quen và của xã hội đối với bản thân mình. Theo bị cáo Thanh, những ngày trong trại tạm giam, bị cáo nhiều đêm mất ngủ vì nhớ vợ con, nhớ bạn bè.
Lần được tiếp xúc với gia đình trước phiên tòa trước, bị cáo Thanh cho biết bản thân vô cùng xúc động khi bố bị cáo mang cho cái bánh bao và mấy quả quýt, những thứ ông rất thích ăn.
“Bị cáo vẫn tin tưởng vào cuộc sống, tin tưởng vào xã hội, tin tưởng HĐXX. Bị cáo muốn cám ơn tất cả những người dân, những người bạn mới, cám ơn các luật sư và cả những người công an dẫn đoàn đưa bị cáo đi xét xử... Một lần nữa cám ơn những người quan tâm đến bị cáo trong quá trình xét xử... Cũng như bản án trước, sau khi bản án có hiệu lực, bị cáo muốn sang Đức thăm vợ con, nếu có chết thì cũng trong vòng tay vợ con” - bị cáo Thanh nói.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh trước tòa. Ảnh: TTXVN
Trong lời nói sau cùng, bị cáo Đinh Mạnh Thắng, nguyên Chủ tịch HĐQT Cty CP đầu tư và thương mại dầu khí Sông Đà, cho biết: “Đến giờ, bị cáo đã nhận thức được hành vi phạm tội của mình. Suốt quá trình điều tra, xét xử, bị cáo cũng đã thành khẩn khai báo hết các hành vi. Tuy nhiên, bị cáo tham gia vụ án trong ý thức vô tình, không có chủ ý, cũng thực sự không biết gì về việc mua bán cổ phần. Mong quý tòa xem xét các tình tiết giảm nhẹ, xem xét quá trình công tác của bị cáo, xem xét tội danh để có phán quyết công tâm, thấu tình đạt lý, để bị cáo mau chóng về với gia đình, xã hội.”.
Tiếp đến, bị cáo Đào Duy Phong, nguyên Chủ tịch HĐQT PVP Land, nói lời sau cùng: “Suốt 8 năm nay, ngay từ lời khai, bản tường trình đầu tiên cho đến lời khai tại tòa, bị cáo cũng không khai khác. Lời khai bị cáo hoàn toàn chính xác, giúp cơ quan điều tra nhanh chóng làm rõ bản chất vụ án.Tại các phiên tòa trước, cả sơ thẩm và phúc thẩm, lời khai của bị cáo trước sau như một.
Bị cáo thực sự ăn năn hối cải, động viên gia đình khắc phục hậu quả từ tháng 1/2011. Đề nghị HĐXX xem xét thêm tình tiết giảm nhẹ...”.
Nói lời sau cùng ngăn gọn, bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh, nguyên Tổng Giám đốc PVP Land, gửi lời xin lỗi các cổ đông cũng như cán bộ công ty vì hành vi bị cáo gây ra.
“Bị cáo xin lỗi người thân trong gia đình, hành vi của bị cáo đã làm ảnh hưởng đến gia đình. Bị cáo chưa làm tròn trách nhiệm với gia đình. Bị cáo xin lỗi Cơ quan điều tra - Bộ Công an và các điều tra viên. Quá trình điều tra, bị cáo khai báo tương đối thành khẩn nhưng chưa hết. Đến quá trình truy tố, bị cáo đã nhận thức được và khai báo hết, giúp điều tra vụ án được nhanh chóng. Mong HĐXX xem xét đánh giá, đưa ra phán quyết phù hợp cho bị cáo” - bị cáo Sinh trình bày.
Đối với các bị cáo khác, trong lời nói sau cùng, tất cả đều mong HĐXX xem xét, đánh giá khách quan, đưa ra phán quyết công tâm để các bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời.
HĐXX tuyên bố nghỉ để nghị án, sáng 5/2, tòa sẽ tuyên án.
Trước đó, ở phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát đối đáp lại các ý kiến của luật sư cũng như các bị cáo, đặc biệt là ý kiến của bị cáo Trịnh Xuân Thanh.
Theo cáo buộc, Trịnh Xuân Thanh là người quyết định và chỉ đạo cho chuyển nhượng hơn 12 triệu cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương cho Lê Hòa Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng 1/5 với giá 34 triệu đồng/m2, thấp hơn giá trị thực của Dự án (52 triệu đồng/m2) với mục đích để chiếm đoạt số tiền chênh lệch.
Thực tế, Trịnh Xuân Thanh đã được chia hưởng 14 tỷ đồng từ số tiền chênh lệnh đó. Tại phần luận tội, đại diện VKS cho rằng, Trịnh Xuân Thanh là người có chức vụ, quyền hạn cao nhất ở Tổng Công ty CP xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), có vai trò quyết định việc cho chuyển nhượng hơn 12 triệu cổ phần và chỉ đạo Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh thực hiện; bị cáo chiếm hưởng số tiền 14 tỷ đồng. Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo có thủ đoạn che giấu hành vi phạm tội.
Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo chưa thật thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội, chỉ khai nhận một phần hành vi phạm tội của mình. Ngày 2/2, tranh luận tại tòa, bị cáo Trịnh Xuân Thanh nói rằng bản thân thất vọng về lập luận của VKS. Lập luận của VKS “không khác bản luận tội và biến điều bị cáo làm đúng thành sai”.
Theo bị cáo Thanh, về chia tiền, tại tòa, các bị cáo đều nói không có bất cứ cuộc gọi, liên hệ gì với bị cáo. “Bị cáo nói với công an là tôi chưa bao giờ gọi cho Phong nhưng không ai xác nhận. Có người ngồi đây không ai nói liên hệ trực tiếp với bị cáo, không hiểu bị cáo bàn thế nào mà bảo bị cáo chỉ đạo bán giá thấp. Đại diện VKS coi thường tất cả người ở đây, coi thường các luật sư, coi thường cả bố mẹ bị cáo ngồi đây, biến không thành có, nói bị cáo chia tiền. Việc này ảnh hưởng rất lớn khiến người ta nghĩ đây là đấu tố, bè phái. Bản đối đáp của VKS hoàn toàn né trách sự thật. Bị cáo khẳng định bị cáo hoàn toàn vô tội...” - bị cáo Thanh tranh luận.
Sáng 3/2, đối đáp với ý kiến của bị cáo Thanh, đại diện VKS khẳng định, căn cứ quyết định khởi tố bị can đối với bị cáo Thanh, Cơ quan điều tra - Bộ Công an đã thu thập tài liệu chứng cứ. Căn cứ vào đó, VKSND Tối cao quyết định truy tố bị cáo Thanh và các bị cáo khách về tội tham ô là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. “VKS tôn trọng ý kiến của các luật sư và những người tham gia tố tụng khác, tuy nhiên, việc đánh giá các ý kiến này như thế nào là do HĐXX.
Tại phiên tòa này, bị cáo Thanh khai báo không thành khẩn, quá trình điều tra trước đó Thanh khai báo gian dối. Quá trình điều tra xác định, sau khi trả lại số tiền 14 tỷ đồng, bị cáo Thanh dặn Thắng và Hương phải giữ bí mật, coi như tiền mới đến tay Hương và phải hợp thức hóa thành tiền mua cổ phần của Vietsan” - đại diện VKS nói.
Dẫn ý kiến của bị cáo Thanh cho rằng VKS quy chụp, bị cáo không vi phạm sao phải chỉ đạo Thắng, Hương hợp thức hóa bằng việc hợp thức hóa, đại diện VKS nhấn mạnh: “Bị cáo phải xấu hổ trước xã hội vì trước từng giữ chức vụ cao nhất tại PVC, từng là Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang mà đây là lần thứ 2 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội tham nhũng là tội phạm mà cả xã hội đang lên án".