Phó phòng ngân hàng huyện lừa đảo gần 50 tỷ đồng

Dù chỉ là Phó trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh huyện Sơn Động, Bắc Giang, nhưng Phạm Thị Phượng, SN 1988, trú tại tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động đã vay 43 công dân với tổng số tiền khoảng 47 tỷ đồng.

Số tiền lớn trên là mồ hôi, nước mắt của nhiều cá nhân trên địa bàn. Trong đó, có những cụ già đã gần đất xa trời, vì tin tưởng Phượng là cán bộ ngân hàng nên đã gửi tiền cho đối tượng mong kiếm chút lãi cao hơn để có tiền dưỡng già. Không ngờ, trả lãi cao là “chiêu” để cô ta dụ các con mồi vào bẫy.

Phó phòng ngân hàng huyện lừa đảo gần 50 tỷ đồng-1
Phạm Thị Phượng tại cơ quan Công an.

Một trong những nạn nhân của Phượng là bà Nguyễn Thị T, 65 tuổi. Bà T vốn là giáo viên về hưu. Hai vợ chồng tích cóp cả đời được hơn 1 tỷ đồng đem gửi ngân hàng lấy lãi chi tiêu hàng ngày. Tuy nhiên, khi bà T đến hạn rút tiền, Phượng là cán bộ ngân hàng, biết việc này nên đã lân la gặp bà T, nói rằng mình đang cần tiền để làm thủ tục cho khách đáo hạn nên muốn vay lại với lãi suất 1.500 đồng/1 triệu/ngày. Theo lời Phượng phân tích thì với số tiền gốc 1 tỷ tiền gốc, mỗi tháng bà T sẽ được lãi 45 triệu đồng, gấp gần 10 lần so với lãi suất ngân hàng.

Thấy có lãi cao, lại tin tưởng Phượng là cán bộ ngân hàng nên bà T đã đồng ý cho Phượng vay. Thời gian đầu, Phượng trả lãi đầy đủ nên bà T tin tưởng lắm, giới thiệu anh em, bạn bè, người thân trong gia đình mình cho Phượng vay. Không ngờ, một thời gian sau, Phượng lẩn tránh không trả lãi, đòi gốc cô ta cũng khất lần. Không còn cách nào khác, bà T đành làm đơn trình báo Công an.

Một nạn nhân đáng thương khác là bà Hoàng Thị N. Bà N vốn độc thân, hoàn cảnh khó khăn, hàng ngày đi bán rau để kiếm sống. Dành dụm mãi được hơn 300 triệu mang gửi ngân hàng để lấy tiền dưỡng già, không ngờ nghe lời ngon ngọt của Phượng nên sập bẫy.

Bà N cho biết “Khi cô ta không trả lãi, mọi người kéo đến nhà tôi mới biết cô ta nợ rất nhiều tiền của rất nhiều người. Số tiền của tôi chỉ là muối bỏ bể nhưng là mồ hôi, nước mắt của cả cuộc đời tôi. Giờ mất hết tôi không biết sống ra sao”. Được biết, khi hay tin Phượng bị bắt, bà N ốm liệt giường hàng chục ngày vì xót của và lo lắng không biết có thể đòi lại được đồng nào hay không.

Theo tài liệu của cơ quan Công an thì từ thời điểm năm 2013, khi đang là nhân viên của ngân hàng này tại chi nhánh thị trấn Thanh Sơn (huyện Sơn Động) Phượng đã bắt đầu việc vay lãi của một số cá nhân rồi cho người khác vay lại với lãi cao hơn để hưởng lợi nhuận. Tuy nhiên, trong cùng năm, đang trong thế là “chủ nợ” Phượng trở thành “con nợ” khi 3 đối tác vay số tiền 5 tỷ của cô ta không còn khả năng chi trả.

Từ năm 2013 đến khi bị bắt giữ, lợi dụng danh nghĩa và uy tín của bản thân, dưới hình thức huy động vốn để đáo hạn ngân hàng và hứa hẹn trả lãi suất cao, Phượng đã vay tiền của nhiều công dân trên địa bàn huyện Sơn Động. Phượng sử dụng số tiền vay được để tiếp tục cho người khác vay với lãi suất cao hơn để hưởng lợi nhuận chênh lệch. Thực tế, do đang nợ số tiền lớn, Phượng đã dùng tiền vay được của người này để trả tiền gốc và tiền lãi cho người khác cho đến khi hoàn toàn không còn khả năng chi trả. Bằng thủ đoạn trên, Phạm Thị Phượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 43 công dân với tổng số tiền khoảng 47 tỷ đồng.

Tại cơ quan Công an, Phượng khai nhận: Từ năm 2013-2020 lợi dụng danh nghĩa là cán bộ ngân hàng, cần tiền để làm thủ tục đáo hạn cho khách đối tượng đã vay tiền của nhiều người với lãi suất từ 1.500 đồng đến 2.500 đồng/1 triệu/1 ngày. Tuy nhiên, đối tượng không sử dụng tiền vay để để đáo hạn như hứa hẹn mà dùng để trả nợ cá nhân.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố, tạm giam đối với Phạm Thị Phượng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại điểm a, Khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự. Ngày 17/5, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Bắc Giang cho biết đã kết luận điều tra, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang truy tố bị can với tội danh trên.

Trong thời gian tới, để phòng ngừa các vụ việc tương tự xảy ra, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Bắc Giang đề nghị các ngân hàng cần siết chặt hơn trong công tác quản lý, tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện các nhân viên có dấu hiệu tham gia hoặc tiếp tay cho hoạt động vay đáo hạn ngân hàng để phòng ngừa, chấn chỉnh, xử lý. Đồng thời khuyến cáo quần chúng nhân dân hết sức cảnh giác, tỉnh táo, không tham gia các hoạt động cho vay lãi suất cao để tránh gây thiệt hại về tài sản.

Theo Công an nhân dân 

Xem link gốc Ẩn link gốc https://cand.com.vn/Ban-tin-113/pho-phong-ngan-hang-huyen-lua-dao-gan-50-ty-dong-i654066/

lừa đảo


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.