Thanh niên đi cướp giật khóc nghẹn xin về chăm vợ sắp sinh

“Chỉ chưa đầy hai tháng nữa thôi, vợ em sinh con rồi. Em sai rồi!”, người thanh niên trẻ khóc nghẹn tại công an phường 4 quận 10, giọt nước mắt muộn màng…

“Chỉ chưa đầy hai tháng nữa thôi, vợ em sinh con rồi. Em sai rồi!”, người thanh niên trẻ khóc nghẹn tại công an phường 4 quận 10, giọt nước mắt muộn màng…

 
Thanh niên đi cướp giật khóc nghẹn xin về chăm vợ sắp sinh-1

Thanh niên liên tục lạng lách đánh võng hòng tẩu thoát.

Gần 12h đêm ngày 12-1, các trinh sát hình sự đặc nhiệm (Đội 3, Phòng Cảnh sát hình sự) đang hoàn tất thủ tục bàn giao Lê Văn Trí Đạt (26 tuổi, quận 10) cho công an quận 10 để tiếp tục điều tra về hành vi cướp giật tài sản. Đạt bị trinh sát đội 3 bắt khi vừa giật điện thoại của một người dân đang dừng bên vệ đường.

“Tụi em còn chưa đặt tên con!”

Đạt còn có tên gọi khác là đầu dài. Tại trụ sở công an phường, người thanh niên gục đầu trên bàn, thi thoảng lấy tay gãi gãi, ngáp ngáp, ánh mắt đỏ ngầu. Tay chân, cổ…của người thanh niên trẻ là những vết xăm lớn nhỏ.

Trinh sát hỏi, Đạt lần lượt trả lời, rõ ràng. Sự bình tĩnh chỉ biến mất khi nhắc tới người vợ trẻ. “Cô ấy sắp sinh rồi, là con gái. Tụi em còn chưa đặt tên con…Em đi rồi, ai chăm sóc cô ấy”, nói đến đây, người thanh niên trẻ khóc òa.

Thanh niên đi cướp giật khóc nghẹn xin về chăm vợ sắp sinh-2

Lê Văn Trí Đạt tại cơ quan điều tra.

Hỏi chuyện mới biết, Đạt mới cưới vợ hồi tháng 9-2018. Bỏ qua hết những điều tiếng không hay của người chồng trẻ, cô gái ấy chấp nhận đến bên Đạt, yêu thương rồi nên nghĩa vợ chồng. Vợ bán quần áo trên mạng, bụng đã vượt mặt nhưng cô gái ấy vẫn chăm chỉ ngày đêm bán hàng mong có tiền lo cho con trong những ngày nằm cữ sắp tới. Đạt vừa ra trại, đang học nghề sửa xe mong tu chí làm lại cuộc đời. Cả hai vợ chồng đã sẵn sàng chào đón thiên thần nhỏ.

Cứ nghĩ hạnh phúc đã mỉm cười sau bao sóng gió. Nhưng, tối 12-1, Đạt chạy xe máy giật điện thoại của người đi đường, bị trinh sát đặc nhiệm tóm gọn. Theo hồ sơ tư liệu công an, đây không phải là lần đầu tiên người này phạm tội.

Chỉ vào sợi giây chuyền vàng nặng trĩu trên cổ và nhẫn vàng trên ngón tay, tôi hỏi Đạt:

- Đây là vàng thật hay vàng giả?.

- Là vàng thật chị.

- Vàng nhiều vậy, sao còn đi cướp giật?

Im lặng một lúc Đạt cúi đầu ấp úng: “Là em làm bậy!”

- Trước giờ em đã mua được quà gì cho vợ chưa?

- Em chưa.

- Thương vợ vậy sao 8h tối không về nhà với vợ, còn đi lang thang ngoài đường?

Đạt im lặng.

- Đàn ông đã dám chơi phải dám chịu. Thương vợ thì giờ đó đã về nhà lo cho vợ, không đi cướp giật rồi- một cán bộ nói.

Đạt im lặng.

"Vèo phát, không thấy điện thoại đâu"

Ngồi tại trụ sở công an phường, hai bố con anh T (18 tuổi, quận 5) vẫn không giấu được sự bàng hoàng. Vụ cướp giật xảy ra quá nhanh, đến nỗi ra thấy người ta nói có vụ cướp giật vừa xảy ra, ông cũng chẳng biết, nạn nhân lại chính là… con trai mình.

Thanh niên đi cướp giật khóc nghẹn xin về chăm vợ sắp sinh-3

Tang vật vụ cướp giật.

“Em và ba đi mua sinh tố, ba vào mua, em dừng xe ở ngoài đợi. Vừa đưa điện thoại ra bấm bấm, thì vèo phát, không thấy đâu nữa. Thực ra, em thấy anh này (Đạt-PV) trước đó rồi, nhưng chỗ đó có rất nhiều hàng quán, cứ nghĩ anh ta đi mua đồ như hai ba con thôi, đâu ngờ…Em không kịp la gì luôn. Ổng vừa giật xong cái, chạy mất thì liền đó có một xe khác đuổi theo. Em còn tưởng đó là đồng bọn của cướp giật mà. Lẹ lắm! Rồi có một anh tới, bảo em về công an phường trình báo đi, có người đuổi theo nó rồi. Lúc về phường mới biết các anh là hình sự đặc nhiệm. Chắc các anh theo dõi nó từ trước rồi!”, T kể chuyện.

Ba của T thì càng bàng hoàng hơn. Bước ra thấy con trai đang nói chuyện với người lạ, xung quanh nghe người ta bảo có vụ cướp giật vừa xảy ra, ông cứ nghĩ chắc là…ai đó, đâu dè con trai mình vừa bị giật điện thoại.

“Cứ nghĩ lấy sao được nữa, mất điện thoại nhưng con bình an là được rồi. Trên báo đăng mấy vụ cướp giật xong chết người, hãi lắm. Nhưng các anh đã nói vậy thì hai ba con cứ về phường trình báo. Lát sau thấy các anh về, nói bắt được rồi, điện thoại của con trai cũng lấy lại được. Mừng quá!”, ba T kể.

Hơn 12h đêm, rời khỏi trụ sở công an để trở về nhà mà lòng chúng tôi nặng trĩu. Phạm tội sẽ có pháp luật xử. Nhưng nỗi đau những người ở lại: là người vợ đang bụng mang dạ chửa, là thiên thần nhỏ sắp chào đời nhưng chưa được nhìn mặt cha, là người thân…Nỗi đau bao giờ mới nguôi!

 

Chiếc bánh mì-bữa tối trinh sát và chuyện chưa kể

Hơn 11h đêm, nuốt vội chiếc bánh mì nguội ngắt, trinh sát đặc nhiệm hối nhau “ăn lẹ còn làm cho xong”. Hỏi chuyện mới biết, chiều giờ cả tổ anh em đi làm chưa kịp ăn cơm. Người đi dép lê, người áo phông, quần bò, người quần ngố, có người vẫn đội nguyên mũ bảo hiểm… Trông bề ngoài họ bình dị như bao người lao động khác trên hè phố Sài Gòn, cho đến khi tội phạm đường phố xuất hiện.

Hơn 12h đêm mới cơ bản hoàn tất thủ tục, trinh sát lục tục gọi nhau đi về. “Chắc nay ra thuê nhà nghỉ ngủ quá, đi suốt còn về muộn miết, vợ đuổi rồi” “Thôi về lẹ, vợ con đang đợi”…Giờ các anh mới thấm mệt.

Nhiều ngả đường đã vắng hoe, thi thoạt xoẹt qua vài người chạy xe máy. Họ thức để canh cho người dân TP.HCM giấc ngủ bình yên.

__________

Vào khoảng 20h35 ngày 12-1, Lê Văn Trí Đạt chạy xe máy giật phăng điện thoại trên tay một thanh niên trẻ. Người này đang ngồi trên xe máy đậu bên đường Bà Hạt (phường 4, quận 10).

Ăn hàng thành công, Đạt tăng ga chạy về hướng Nguyễn Tri Phương. Hành động mau lẹ là vậy, Đạt không ngờ, mọi hành vi đều rơi vào tầm ngắm của trinh sát Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm tuần tra .

Tổ tuần tra lập tức truy đuổi và tóm gọn Đạt cùng tang vật, phương tiện gây án. Trinh sát Đội 3 tiến hành di lý người này về công an phường 4 quận 10 lập biên bản bắt người phạm tội quả tang.


Theo Pháp luật TP.HCM


cướp giật

vợ đẻ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.