- Đặc tính nổi bật ư? Để suy nghĩ xem: Tôi không hát hay, tôi không múa giỏi, tôi cũng chả có tài đá bóng hay giỏi ngoại ngữ gì.

- Nhưng chị có mắt bồ câu.

- Mắt Bồ Câu thì hôm nay nhiều cô gái có, và khéo còn Bồ Câu tha thiết hơn tôi..

- Khó nhỉ?

- Quả là khó. Câu hỏi của nhà báo khiến tôi chợt nhận ra là mình tồn tại trên đời này mà không có đức tính nào nổi bật.

- Có đấy. Để tôi nhắc cho chị nhé: Phẩm chất lớn nhất của bồ câu là hiền lành.

- Hiền lành như thế nào?

- Như chim Bồ Câu. Chưa từng ai thấy chim Bồ Câu đánh ai, phản đối ai và làm hại ai bao giờ. Chả thế mà thiên hạ gọi chị là chim hòa bình.

- Vậy xin hỏi nhà báo một câu này. Tính hòa bình có phải là tính chịu đựng không?

- Không. Mặc dù đôi khi cũng rất giống chịu đựng. Bởi nhiều khi không thể có hòa bình nếu không trừng phạt.

- Nếu vậy Bồ Câu còn thua người. Con người hôm nay còn chịu đựng hơn, ít trừng phạt hơn, giỏi chịu phạt hơn tôi nữa.

- Vô lý.

- Có gì đâu vô lý. Tôi có bằng chứng rõ ràng mà.

- Bằng chứng đâu? Những ai chịu đựng?

- Sinh viên và cha mẹ họ chứ ai?

- Sinh viên và cha mẹ?

- Ừ. Như nhà báo đã biết, vừa qua dư luận phát hiện ra rất nhiều trường đại học được thành lập mà không đủ chất lượng.

- Tôi biết. Chả những không đủ chất lượng mà có thể nói chất lượng còn kém xa.

- Những trường ấy không đủ diện tích phòng học, không đủ phương tiện giảng dạy và hơn hết, không đủ giáo viên một cách trầm trọng.

- Đúng.

- Tóm lại, nếu nói một cách nghiêm khắc thì những trường như thế chả đáng gọi là đại học. Chúng thiếu nhiều tiêu chuẩn rất tối thiểu. Song chúng lại thu của sinh viên, hay nói cách khác, của gia đình các sinh viên, một khoản học phí chả tối thiểu chút nào.

- Như vậy, tốt nghiệp ở các trường ấy sẽ làm việc ra sao?

- Cả thế giới đang tự hỏi câu này. Mặc dù thế giới rất rộng, nhưng cũng rất ít nơi dành cho các sinh viên học như thế.

- Vậy sao các trường đó được thành lập?

- Cả nhân loại cũng đang hỏi câu này. Các trường đó không phải từ dưới đất mọc lên như cây cỏ. Chúng phải được ký quyết định công nhận.

- Ai ký?

- Thì... thì cơ quan chức năng và người có trách nhiệm được Nhà nước ủy quyền chứ ai! Không thể là một nhân viên xoàng.

- Chả xoàng chút nào. Ký như thế phải cấp cao chứ còn gì nữa.

- Theo lệ thường của một người công chức, trước khi ký phải kiểm tra. Mà kiểm tra một trường đại học có đủ tiêu chuẩn hay không theo tôi là một việc vô cùng đơn giản.

- Tại sao đơn giản?

- Tại đây là một việc làm khoa học. Khoa học luôn có chuẩn hóa. Bao nhiêu diện tích phòng học, bao nhiêu phòng thí nghiệm, bao nhiêu tiến sĩ, giáo sư có biên chế chính thức, mọi sự đều rất rõ ràng.

- Đúng. Rất rõ ràng nếu như người ta muốn biết.

- Nhưng người ta đã không muốn. Nói thẳng ra là đã lờ đi. Hậu quả là trên đất nước bỗng mọc lên khá đông các trường chưa đạt chuẩn. Nhưng sinh viên hoặc gia đình sinh viên không biết, hoặc biết mà không tin điều đó, họ cứ vô và cứ đóng học phí ào ào.

- Như thế, giáo dục đã trở nên một món hàng kinh doanh, đã vậy, lại còn kinh doanh gian dối.

- Đúng. Nói thẳng thắn đây là kinh doanh gian dối. Khi người ta nhận tiền rồi trao cho sinh viên những sản phẩm thiếu phẩm chất nặng nề. Sự gian dối này làm mất thời gian, mất tiền bạc, kèm theo mất lòng tin.

- Chính xác.

- Vậy mà sau khi dư luận ồn ào lên án, mọi người xôn xao trên tivi, trên báo chí, rồi thôi. Mà nào mọi người có ít đâu, hàng chục sinh viên ấy chứ.

- Ừ nhỉ.

- Không có ai trong Bộ Giáo dục và Đào tạo làm sao cả. Chẳng có cá nhân nào phải xin lỗi và phải mất chỗ ngồi. Một nền hòa bình vững chắc được tồn tại. Một không khí thanh thản tuyệt vời.

- Quả là mọi sự đã trôi qua vô cùng êm ái.

- Từ đó tôi chợt hiểu rằng, hiền lành không phải là đức tính nổi bật của chim Bồ Câu, mà của sinh viên. Các sinh viên và các phụ huynh đã hiền lành bất tận khi chui vào những trường kém phẩm chất. Tôi chợt nhận ra mình còn nhỏ bé, còn phải rèn luyện rất nhiều mới được như các sinh viên ấy. Tôi chả "Bồ Câu" được như họ. Khéo tôi là Quạ không chừng!

Theo Lê Thị Liên Hoan