Hành
vi cưỡng bức lao động, ngược đãi người lao động, quấy rối tình dục tại
nơi làm việc có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 75 triệu đồng… Đây
là một trong những nội dung được quy định tại Dự thảo Nghị định Quy
định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động.
Dự
thảo Nghị định “Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động về
các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp
khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, thủ tục xử phạt vi phạm hành
chính trong lĩnh vực lao động" vừa được Bộ Lao động, Thương binh và Xã
hội đưa ra lấy ý kiến người dân.
Theo
Nghị định này, hành vi cưỡng bức lao động, ngược đãi người lao động,
quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng
đến 75 triệu đồng.
Mức
phạt này cũng được áp dụng cho các hành vi lợi dụng danh nghĩa dạy
nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc dụ dỗ, ép buộc
người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật; Hành vi dụ
dỗ, hứa hẹn và quảng cáo gian dối để lừa gạt người lao động hoặc lợi
dụng dịch vụ việc làm, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước
ngoài theo hợp đồng để thực hiện hành vi trái pháp luật; Hành vi sử dụng
lao động chưa thành niên trái pháp luật.
Trong
khi đó, hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng
vũ lực đối với lao động là người giúp việc gia đình hoặc giao việc cho
người giúp việc gia đình không theo hợp đồng lao động hoặc giữ giấy tờ
tùy thân của người lao động lại chỉ bị phạt từ 5 triệu đến 10 triệu
đồng.

Hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng
đến 75 triệu đồng
Bảo vệ sức khỏe lao động nữ
Dự
thảo Nghị định cũng quy định nhiều mức phạt cho các hành vi vi phạm đến
quyền lợi hợp pháp của lao động nữ, người giúp việc và trẻ vị thành
niên.
Theo
đó, hành vi không tham khảo ý kiến của đại diện lao động cho nữ khi
quyết định những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ và
trẻ em trong doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu
đồng.
Hành
vi không bảo đảm việc làm cũ khi lao động trở lại làm việc sau khi nghỉ
hết thời gian theo quy định của Bộ luật lao động; trả mức lương thấp
hơn mức lương của công việc cũ trước khi người lao động nữ nghỉ thai sản
trong trường hợp họ được bố trí việc làm khác cũng bị phạt tiền từ 10
triệu đồng đến 30 triệu đồng. Ngoài ra, hình phạt bổ sung sẽ buộc người
sử dụng lao động phải đảm bảo việc làm cũ hoặc việc làm khác cho người
lao động nữ nhưng với mức lương không thấp hơn so với mức lương của công
việc cũ.
Việc
không lập sổ theo dõi; kiểm tra sức khỏe định kỳ; lạm dụng sức lao động
của người lao động chưa thành niên; không xuất trình sổ theo dõi người
lao động chưa thành niên khi thanh tra viên lao động yêu cầu cũng sẽ bị
phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Theo
quy định tại Dự thảo, hành vi sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng
lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn; có thai; nghỉ thai sản;
nuôi con dưới 12 tháng tuổi trong trường hợp doanh nghiệp không chấm dứt
hoạt động sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 60 triệu đồng.
Bắt "đặt cọc" tiền cũng sẽ bị phạt
Tại
dự thảo Nghị định, hành vi giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng,
chứng chỉ của người lao động cũng sẽ bị phạt từ 20 triệu đồng đến 40
triệu đồng.
Việc
yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc
tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động cũng sẽ bị phạt tiền
từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Hành
vi yêu cầu người lao động thử việc quá thời gian quy định tại Điều 27
của Bộ luật Lao động sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 10 triệu đồng
khi vi phạm với mỗi người lao động.
Nếu
trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức
lương của công việc đó cũng bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu
đồng khi vi phạm với mỗi người lao động.
Còn
nếu không nhận lại người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn
tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động dự kiến bị phạt tiền từ 10 triệu
đồng đến 15 triệu đồng.
Trong
khi đó, hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ khi đơn phương chấm dứt
hợp đồng lao động trái pháp luật của người sử dụng lao động theo quy
định tại Điều 42 của Bộ luật Lao động có thể bị phạt tiền từ 20 triệu
đồng đến 25 triệu đồng khi vi phạm với mỗi người lao động.
Dự
thảo quy định, hành vi không trả hoặc trả không đầy đủ tiền trợ cấp
thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho người lao động trong thời hạn theo
quy định tại khoản 2 Điều 47 của Bộ luật Lao động bị phạt tiền từ 20
triệu đồng đến 25 triệu đồng.
Hành
vi trả lương làm thêm giờ, làm việc ban đêm cho người lao động thấp hơn
mức quy định tại Điều 97 của Bộ luật Lao động bị phạt tiền từ 5.000.000
đồng đến 7.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động.
Hành
vi trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định
tại Điều 98 của Bộ luật Lao động bị cảnh cáo và phạt tiền từ 15.000.000
đồng đến 30.000.000 đồng. Việc huy động người lao động làm thêm giờ mà
không được sự đồng ý của người lao động sẽ phạt tiền từ 30 triệu đồng
đến 35 triệu đồng.
Dự
thảo cũng quy định sẽ xử phạt từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối
với hành vi không cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc; nghỉ hàng
tuần; nghỉ chuyển ca; nghỉ hàng năm; nghỉ lễ, tết; nghỉ về việc riêng,
nghỉ không hưởng lương theo đúng quy định pháp luật.
Theo VnMedia