
Minh họa: Tô Chiêm
Thấy dáng ông chừng lo lắng, đi ra đi vào làm
những việc ngày thường chẳng chịu nhúng tay, bà Báu vừa chải đầu vừa
lườm chồng "Gớm, ông không nghe câu bố vợ phải đấm à.” Thì đã sao, ông
nghĩ, trong ba đứa con, ông cưng nhất con gái út, hôm nay nó thông báo
đưa bạn trai về ra mắt. Không bồn chồn mới lạ?!
Áng chừng giờ này con Phương sắp về, ông Báu thắt
ca vát chỉnh tề, giục hai cậu con trai được ông huy động về nhà ngủ từ
tối qua dậy. Sau đó ông lên ban công tầng hai, vừa tưới mấy chậu hoa vừa
nhòm xuống đường, có ý đợi. Nghe rõ tiếng chuông inh ỏi, ông Báu vẫn
bất động vài giây. Từ trên cao ông thấy rõ đứng cạnh con gái ông là một
chàng Tây có vẻ bần hàn.
- Bố làm gì lâu thế, đã đến giấc ngủ trưa đâu- Phương trách.
-Ông bố trách cứ! Mày mang một thằng mũi lõ rách rưới như tổ quạ về nhà mà bảo bố phải mở cửa ngay à?
- Bố phân biệt chủng tộc nhá- Phương cười phá rồi
kéo tuột Danny vào nhà. Bà Báu từ bếp ra, hai anh trai của Phương từ
tầng ba xuống, miệng há hốc.
- Chắc chắn chồng tương lai chưa em - Tuấn lừ mắt.
- Cưng ơi, chọn chồng kiểu gì thế này - Vũ cười ngặt nghẽo.
Cô út chẳng nói chẳng rằng, ngồi xuống bộ ghế khảm
trai bề thế, bóc vỏ vải thiều xoàn xoạt. Cậu bạn trai vội vã bám theo.
Bà Báu lẩm bẩm: "Tưởng bạn trai thế nào, trông như ngợm ấy. Nó đói ăn
hay sao mà khô quắt thế”.
Ông Báu đã ngồi đối diện Danny. Ngắm anh chàng từ
đầu đến chân, càng nhìn càng khó ưa. Không ổn rồi. Ông quay sang nhắc
Tuấn: "Mày hỏi nó bao nhiêu tuổi, nghề ngỗng gì không? Từ đâu đến?”.
Phương định chen vào, ông Báu gạt đi "Tao không hỏi mày”. Phương đành
ngồi im nghe Tuấn trò chuyện với Danny, ánh mắt thỉnh thoảng lóe lên vẻ
tinh nghịch. Tuấn thở dài bảo bố " Hắn ta tên Danny, 29 tuổi, cũng có
chất đấy, từ Hà Lan sang Thái làm ăn theo dự án. Lấy vợ Thái, bị nó lừa
lấy hết tài sản rồi bỏ theo thằng khác. Dự án của công ty ở Thái cũng
phá sản, thất nghiệp, nó chán đời, lang thang sang Việt Nam tìm việc.
Tóm lại, anh chàng đang đói khát thì được con gái của bố rước về nhà
nuôi cả tháng nay rồi”.
Bà Báu mặt biến sắc "Mày đòi thuê nhà ở riêng là để
đem giai về thế hả, Phương?”. Tuấn vỗ vai: "Chú mày gặp con Phương nhà
này là trúng số độc đắc rồi, ông kễnh ạ. Uống cà phê không, anh pha cho
một ly”. Danny gật đầu, mặt tươi rói như được giải thoát, anh luôn tránh
cái nhìn soi mói của ông Báu.
- Mày định lấy nó thật đấy hả. Bố mẹ nuôi anh em
chúng mày ăn học tử tế, khốn khó gì mà lấy Tây cho mang tiếng với hàng
xóm láng giềng hả con.
- Bố lại quan niệm cũ rồi, có phải ai lấy Tây cũng vì tiền đâu - Tuấn bê ra ly cà phê thơm phức, đỡ lời Phương.
Bà Báu trở lại bếp trông nồi vịt xáo măng. Trời
nóng bức, ăn món này mát ruột. Thấy Danny, Tuấn và Vũ nói chuyện có vẻ
hợp, Phương an tâm vào bếp, vòng tay qua eo rồi tì cằm lên vai mẹ. Giọng
bà Báu thiểu não "Chắc ngày đầu gặp, trông nó còn tệ hại hơn phải
không, Phương”. Phương vẫn giữ vẻ mặt bình thản "Mẹ thương Danny nhé,
bây giờ kiếm được đồng nào cũng phải gửi sang Thái cho người ta nuôi con
giúp. Cô vợ cũ sinh con mới được ba tháng đã bỏ đi”. Miếng canh nếm thử
trong miệng bà Báu đắng ngắt.
Ông Báu ngồi ngoài phòng khách, nhìn đăm đăm thằng
con rể tương lai trò chuyện khá rôm rả với hai con trai của ông. Lòng
ông cuộn lên từng chặp, ôi, ông lo quá, bọn trẻ bây giờ toàn sính ngoại.
Mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm, đất nước này tiếp nhận không biết bao
người ngoại quốc, từ doanh nhân mang dự án vào lừa đảo cho đến những
thằng thất nghiệp cầu bơ cầu bất ngày ngủ công viên, đêm rình trộm cắp.
Văn minh hào nhoáng đi trước nhưng theo sau cả rác rưởi thế giới nhập
khẩu vào Việt Nam. Về hưu lâu rồi nhưng thời sự ông theo sát. Rồi không
chừng, ngay trong nhà ông đây, con gái ông lấy thằng chồng ngoại, ngày
ăn với nó, đêm ngủ với nó, có khi nó là gián điệp cũng không chừng. Có
ngày lăn đùng ngã ngửa nó là tội phạm chính trị, là tội phạm kinh tế.
Các cụ ngày xưa bảo lấy vợ xem tông lấy chồng xem giống. Biết tông với
giống thằng Danny này ở phương trời nào mà kiểm tra cho được.
Bà Báu đã giục dọn bàn. Đám thanh niên đứng cả dậy,
riêng ông Báu vẫn ngồi thừ ra. Phương tiến lại gần bố, ngồi xuống thủ
thỉ "Con biết bố đang nghĩ gì. Có phải thời chiến tranh "nóng lạnh” nữa
đâu. Mấy năm trước con sang Thái dự hội nghị, từng trò chuyện với anh
ấy, chuyên gia về xây dựng dự án quan hệ công chúng cho các doanh
nghiệp, khách sạn đấy bố ạ. Nhiều công ty ngoại muốn đầu tư vào Thái đều
phải nhờ anh ấy tư vấn. Nhưng hoàn cảnh bị vợ lừa, công ty phá sản, lại
đang lúc kinh tế ở đâu cũng khó khăn nên mới ra nông nỗi này. Sông có
khúc người có lúc, nhất là anh ấy đang phải xoay xở ở nơi đất khách quê
người”.
Càng nghe ông Báu càng giận "Thì về lại Hà Lan mà
xoay, sang Việt Nam làm gì. Con càng nói bố càng chẳng hiểu nó giỏi
giang, thông minh ở chỗ nào mà bị lột sạch bởi một con đàn bà? Thế phải
gọi là ngu chứ”. Phương vẫn nhỏ nhẹ "Anh ấy còn vướng đứa con quá nhỏ
đang nhờ mẹ vợ cũ nuôi giúp mà bố, đi xa thế nào được. Ở Hà Lan cũng
chẳng còn ai”.
Trong mắt ông Báu, các con ông có lớn mà không có
khôn. Chúng trưởng thành thời kinh tế thị trường, nơi chốn từng chật vật
xếp hàng mua thực phẩm theo tem phiếu giờ là những siêu thị đầy ắp hàng
hóa, cái gì cũng dư thừa nên chẳng biết lo xa. Như ông đây, một viên
chức nhà nước, nhưng nếu không khôn ngoan khéo léo xoay xở thì gia đình
ông làm gì có cái nhà rộng rãi này để ở, các con được đi du học. Ông
lòng dạ trong sạch, nhưng ông phải có quỹ đen. Cái đợt ông đưa bà hơn 1
tỷ đồng xây nhà, nói là tiền bố mẹ ông chia cho oai, thực ra là quỹ đen
của ông cả. Hồi chạy cho cậu em ruột từ Yên Bái về Hà Nội dạy học, ông
cũng phải chi quỹ đen. Làm thằng đàn ông, có quỹ đen còn lén giúp bố mẹ,
anh chị em họ hàng bên nội lúc cần, chứ chẳng lẽ ngửa tay xin lại tiền
đã đưa cho vợ hay sao. Nhục nhã lắm, khó nói lắm. Hàng tháng, lương
thưởng ông nộp cả cho vợ nhưng thỉnh thoảng đi họp hành, công tác người
ta có phong bao phong bì thêm. Những người mình xin việc giúp cũng muốn
đền ơn. Từ chối không được. Cứ đều đặn mỗi tuần, có khi chỉ hai ba ngày,
tranh thủ giờ nghỉ trưa ông Báu lại đi bộ ra cửa hàng vàng gần cơ quan
mua một hai chỉ bỏ vào đôi tất hôi, nhét trong những chiếc giày rách vứt
ngăn bàn làm việc. Ông nhớ vàng thời đó rẻ lắm, ba bốn trăm ngàn một
chỉ, giờ lên ba bốn triệu đồng. Giày rách tất hôi cứ đầy lên trong tủ
tài liệu, con mẹ quét dọn cũng không thèm ngó vào. Cứ thế gần 20 năm
trời. Đợt ông mang vàng đi bán lấy tiền làm nhà là nhiều nhất, hơn 100
chiếc nhẫn khiến bọn nhân viên tiệm vàng trố mắt ra, bàn tán mãi.
Bữa cơm dọn ra gồm món vịt xáo măng tươi, nem rán,
nộm tai heo, đĩa rau sống có ngọn và rổ bún tươi nuột óng từng sợi. Ông
bà Báu ăn trong lặng lẽ, chỉ đám trẻ trò chuyện sôi nổi. Đợi Phương dọn
mâm, lau bàn sạch sẽ, bà Báu mang tiếp ra đĩa dưa hấu đỏ mọng nước. Rồi
không nhịn được nữa, bà thở dài "Mày định làm Phật sống hả con, nuôi
thằng này rồi nuôi luôn cả đứa con trời ơi đất hỡi của nó hả? Thân mày
chắc lo nổi chưa?”.
Phương lấy dĩa xiên miếng dưa hấu to nhất đưa cho
bố, rồi tiếp tục chọn miếng ngon khác mời mẹ, chậm rãi nói: "Con chìa
tay ra trợ giúp Danny đứng dậy chứ không làm Phật, làm Thánh của anh ấy.
Danny phải tự làm lại từ đầu và kiếm tiền nuôi con anh ấy chứ. Con tin
Danny đủ tự trọng. Từ lâu con đã cảm phục và ước ao được làm bạn gái anh
ấy. Lúc này chúng con mới yêu thương nhau, chưa nghĩ đến hôn nhân đâu
mẹ ơi”. "Thiên hạ nhìn vào cái kiểu già nhân ngãi non vợ chồng như thế
còn ai dám lấy mày nữa?”. "Mẹ ơi, chắc gì con lấy chồng. Nếu cứ phải để ý
thiên hạ, thì mẹ cũng nhìn thiên hạ mà xem, kết hôn liệu có đảm bảo gắn
bó đến già được như bố và mẹ. Mẹ cũng hiểu vất vả của phụ nữ sau hôn
nhân, đúng không, mẹ đừng ép con mẹ nhé. Con chưa sẵn sàng”.
Bà Báu vẫn ngồi ca cẩm, nhưng trong lòng bà biết con gái nói chẳng sai.
Một năm sau, Chủ nhật sum họp ăn cơm gia đình như
thường lệ. Ông Báu thấy Danny dựng chiếc Vespa trước cửa nhà, bước vào
mặt mũi thiểu não. "Con Phương đâu, sao không về cùng?”. Bà Báu bước ra
hỏi. Danny gãi tai, nói tiếng Việt khá sõi: "Cô ấy đuổi con rồi. Phương
bỏ con thì con chết”.
Ông Báu cả cười, nghĩ thầm cái thằng mũi lõ này
ngày càng dẻo mỏ. Ông bảo "Mày làm gì để nó đuổi ra khỏi nhà? Ngồi xuống
nói, đứng nói làm tao mỏi cổ lắm”. Danny ngồi phịch xuống, đưa mắt lo
âu nhìn Tuấn và Vũ từ trên gác bước xuống. Anh vân vê cái mũ bảo hiểm
trong tay, ấp úng "Mẹ vợ cũ của con bên Thái Lan gọi điện cho cô ấy,
nhắn gửi thêm tiền, con của con bị ốm, phải đi viện. Con chưa đủ tiền
nên Phương đưa thêm lương của cô ấy. Rồi cô ấy lên kế hoạch tiết kiệm
chi tiêu, nhận thêm việc buổi tối để có thêm tiền gửi sang Thái. Cô ấy
quá tốt, con thực sự muốn cưới cô ấy làm vợ và ở lại đây mãi mãi, bố mẹ
ạ. Sáng nay con cầu hôn cô ấy, cô ấy bảo nghề nghiệp của con chưa ổn
định, nhà cửa còn ở thuê nên chưa nghĩ đến kết hôn. Con thú nhận còn tài
khoản ở ngân hàng Thụy Sĩ, đủ để mua nhà. Thế là cô ấy nổi giận đùng
đùng, đuổi con đi, con chưa kịp ra khỏi nhà cô ấy đã bỏ đi đâu không
biết”. Ông Báu nhíu đôi lông mày lại, hóa ra lâu nay thằng này giả nghèo
giả khổ để thử thách con gái ông. Chỉ có bà Báu ngỡ ngàng, Vũ và Tuấn
cười sặc sụa "Cha mẹ ơi, thằng này cũng có quỹ đen kìa”.
Hà Nội cuối tuần, không khí chẳng trong lành hơn
ngày thường, người và xe vẫn tấp nập. Lẫn trong dòng người đó là Danny,
Vũ và Tuấn, ba người đàn ông hối hả đi tìm Phương. Ở nhà, bà Báu tất bật
chuẩn bị bữa cơm sum họp như thường lệ, ông Báu dặn với vào bếp, giọng
khoan khoái "Cứ đúng giờ dọn cơm bà nhé, ăn uống quen nếp rồi, không
việc gì phá lệ. Kệ chúng nó!”
Theo Đại đoàn kết