Nếu bạn đã đến cao nguyên đá Đồng Văn, nơi tỷ lệ đá chiếm diện tích phần lớn đất đai đồi núi ở đây, nếu bạn đã thấy mùa đông giá lạnh, đá xám ngắt một màu, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mùa xuân, những mầm sống xanh non, những màu hoe vàng của hoa ngô, những cây cải... nhọc nhằn vươn lên từ đá.

Ngô là một loại cây quá ư thân thiện đối với người dân tộc. Ở đây cái gì cũng khó khăn hơn nơi khác gấp mấy lần, tra được hạt ngô trên đá, chăm bẵm, làm nương làm rẫy, cho đến ngày thu hoạch, người Mông trên núi cao lại cần mẫn gùi ngô về phơi hoặc gác bếp.

Món mèn mén trên mỗi bếp lửa hồng là thức ăn từ bao đời nay không thay đổi. Và người dân tộc nấu rượu, với một niềm vui, một thói quen, một tập tục. Ngô thì nhà ai cũng có, rượu, nhà ai cũng có thể tự nấu, nhưng rượu ngon hay không, thì không phải nhà ai nấu cũng ngon. Nấu rượu có lá men truyền thống, có vị ngô thơm bùi, uống tuy nặng mà lại không gắt, cứ mềm môi mà lâng lâng, được cái tốt là không gây đau đầu. Sáng hôm sau, sau cái bữa say ngủ vùi ấy, người ta lại đi làm nương.

Tháng ngày trên vùng cao nguyên đá lạnh lẽo hơn ở dưới xuôi. Cứ tháng 9 là cái lạnh đã làm má bọn trẻ con hây hây hồng, áo len áo rét đã phải lôi ra mặc, đứa nhỏ thì cởi truồng bởi cái sự nghèo khó. Người ta cần đến rượu để làm ấm nóng người. Nếu dưới xuôi, miếng trầu là đầu câu chuyện – thì trên này, bát rượu – là đầu câu chuyện.

Không phải ngẫu nhiên mà người dân tộc đi chợ Phiên, hầu như ai cũng rẽ qua hàng rượu. Riêng cái cung cách người ta đi chợ đã khác người dưới xuôi rồi. Ai cũng mặc bộ cánh đẹp, đi chợ mà nô nức như đi hội. Bởi đến chợ là họ được gặp gỡ, trao đổi, được ngồi tâm tình với nhau giữa chợ. Vợ cứ đi bán hàng, chồng cứ ngồi cà kê chén rượu, rít điếu thuốc lào. Hết hàng cả nhà ngồi ăn thắng cố giữa chợ với nhau.

Hàng rượu bán can bán lít được xếp ngay ngoài chợ, đứng thành một hàng ngay ngắn, và chao ôi là dài. Tức là số lượng người bán rượu không hề ít ỏi hay thu hẹp, mà ngược lại, rất hoành tráng, tấp nấp và vui. Ai thử rượu chẳng được. Không mua chẳng sao. Không bị “đốt giấy xua tà”, không bị ăn mắng, lườm hay nguýt, hay lời thô tục, không bị chèn ép giá cao. (Lạy giời cho mấy cái “không” ấy cứ mãi là “không” chứ đừng có chuyển thành “chưa”).

Người dân tộc bán rượu chỉ là để... được bán rượu mà thôi. Cũng như uống rượu, chỉ là để... uống rượu mà thôi. Rượu để thành từng can, xếp phía đằng trước, và đứng đằng sau là những cô hàng rượu đang mặc những bộ trang phục rất đẹp, má các cô cũng đỏ hồng. Gì thì cũng phải uống giao lưu với bạn, với người thử rượu đôi chút, để bảo rằng, rượu tôi rất ngon, hãy thử đi, ngon lắm mà, phải thử mới biết chứ.

Chạm bát nhau, để chào nhau, để câu chuyện thêm mặn mà. Họ ngồi uống, hoặc chỉ có một đôi, hoặc cả hội, hoặc cũng có thể ngồi một mình. Nhưng cái số một mình thì ít lắm. Có thể là hai anh chàng kéo nhau ra phía bên này chợ, ngồi một chai rượu, hai cái bát, tâm tình chắc rằng kể lể chuyện tình yêu. Mặt anh chàng này cúi xuống, trầm ngâm, kể cho bạn. Anh kia xuống ít hơn, thi thoảng khác tay, vỗ vai bạn. Hoặc có anh bạn câm, được bạn mời uống rượu đúng hôm chợ phiên. Người kia bảo: Cả tuần mới được gặp thằng này, nó câm, không biết nói, nhưng vẽ giỏi lắm, nó tự vẽ đấy. Rồi anh câm hồn nhiên và đầy tự hào lôi từ trong túi ngực ra mấy mầu vẽ rất rắn rỏi. Thêm nữa, là một cái gương bé tí xíu, sau gương, là hình một cô gái đang mỉm cười. Chúng tôi bật cười, mời anh câm một chén.

Một người đàn ông ôm con ngan đen đi qua. Con ngan to quá, nhưng hơi già. Hỏi mày bán bao nhiêu tiền, người đàn ông giơ tay ra hiệu, khoảng 45 ngàn.Chúng tôi mời ông ta một chén. Xong lại chào nhau. Kẻ ngồi giữa chợ uống rượu ngắm chợ, người đi bán hàng hoặc tìm nhau.

Mà không chỉ có đàn ông mời rượu. Đàn bà ở đây uống rượu như uống nước trà, đàn bà với đàn bà với nhau, đàn ông với đàn bà. Uống, và thuốc lào, thuốc lá. Xong rồi, tan chợ rồi, vẫn còn ngồi bịn rịn bát thắng cố, bịn rịn bát rượu chào nhau. Chưa hết, tôi thấy có hai người đàn bà, còn cầm tay nhau, ôm nhau, lưu luyến mãi, dặn dò mãi, ý chừng chưa muốn rời nhau. Họ tình cảm với nhau quá, họ thật lòng với nhau quá. Họ cười cùng cười, mà khóc thì cùng khóc, vui cùng vui, buồn cùng buồn với nhau. Thế này mà đôi lứa, cùng say với nhau thì...

Đó đây những anh chàng say rượu quá, được mấy người đàn bà (vợ mẹ, bạn) dìu ra chợ. Say rượu mà sao hoan lạc, giống như trong truyện Alexis Zorba – “Những con người hoan lạc”. Lạ lắm. Đi tiếp những đoạn đường về bản, thấy không ít người gục xuống ven đường, thậm chí nằm thẳng cẳng. Những kẻ có vợ đi cùng sẽ được vợ che ô, con ngồi đợi chờ bao igờ người đàn ông đó tỉnh. Có ngựa, thì bế chồng nằm vắt vẻo lên ngựa, còn không thì cứ ngồi ven đường...

Mấy người đàn ông đi cùng đoàn tôi tặc lưỡi. Thế này mà mình say, vợ mình có giận, thôi đi luôn đi, thế là mình có cớ... để đi luôn. Những tiếng cười lại vang lên.

Theo Thi Anh