Có con gái đừng vội cho thi hoa hậu

Nhiều cô gái tìm vinh quang và danh vọng qua các cuộc thi sắc đẹp, nhưng vô tình lại đẩy họ vào những thị phi và bi kịch không đáng có.

Nhiều cô gái tìm vinh quang và danh vọng qua các cuộc thi sắc đẹp, nhưng vô tình lại đẩy họ vào những thị phi và bi kịch không đáng có.

Các đấng mày râu khẳng định vị thế và bản lĩnh của mình trên con đường học vấn qua các danh vị, cấp bậc trong xã hội. Riêng chị em phụ nữ, nhất là một số cô gái có nhan sắc ở vùng sâu vùng xa lại chọn cách đổi đời và tìm lấy hào quang bằng con đường ngắn nhất là các cuộc thi sắc đẹp. Nếu ngày xưa, một người đậu tiến sĩ thì ba họ rỡ ràng. Còn ngày nay, một cô gái đăng quang ngôi vị cao nhất tại các cuộc thi sắc đẹp lớn càng khiến họ hàng “mở mày mở mặt” với thiên hạ hơn gấp bội. Nó phần nào khẳng định giá trị của người phụ nữ. Cụm từ “hồng nhan bạc phận” đã trở nên lỗi thời mà thay vào đó phải là “hồng nhan bạc triệu” khi chiếc vương miện cẩn kim cương, ngọc trai lấp lánh trên đầu cùng quyền trượng vạn người mơ.

Thế nhưng, nghĩ cho cạn, suy cho cùng, nếu trong nhà có con gái thì tôi sẽ khuyên con mình đừng tham gia các cuộc thi nhan sắc tại Việt Nam khi cơ chế và xã hội còn quá nhiều bất cập. Việc khuyến khích, đưa con đi thi chẳng khác nào đưa con vào gông cùm của thị phi, gánh nặng áp lực mà cả đời khó thoát để tìm về hai chữ “bình yên”.

Hoa hậu không phải thánh nữ và cũng không đại diện cho toàn thể phụ nữ Việt Nam

Tôi thấy thật lạ khi cái suy nghĩ khi một cô gái trở thành hoa hậu thì công chúng nghiễm nhiên tự cho mình cái quyền ảo tưởng rằng, cô ấy phải thập toàn thập mĩ từ dung mạo đến tính cách. Đặc biệt, công dung ngôn hạnh phải làu thông. Nhất cử nhất động cần toát lên nét đoan chính, nghiêm túc và đầy kiêu hãnh chả khác gì một thánh nữ của một giáo phái nước ngoài. Và hễ cô ấy có bất kì hành động nào khiến một số đông phật ý vì họ lỡ cho mình cái quyền bắt người khác phục vụ cái suy nghĩ ích kỉ cá nhân, thì họ liền lên án gay gắt, chỉ trích thậm tệ, dù cô ấy không sai pháp luật Việt Nam cũng không hề ảnh hưởng đến cuộc sống của bất kì ai.

Ôi! Khi khoác lên mình chiếc áo hoa hậu là phải trong trắng, trinh nguyên, hoàn hảo như thánh nữ theo mong muốn kì vọng của một số người, liệu có quá sức với những cô gái ở ngưỡng tuổi còn quá trẻ chăng? Cũng xin đừng có ngụy biện rằng hoa hậu đại diện cho toàn thể phụ nữ Việt Nam nên cô ấy phải thế này thế nọ. Xét cho cùng, các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam hay Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam… cũng chỉ là một cuộc thi sắc đẹp do một tờ báo hay một đơn vị uy tín, có danh có tiếng nào đó tổ chức ra nhằm tạo sân chơi cho các nhan sắc đang khát khao thể hiện bản thân nhưng không bằng con đường học vấn. Họ chỉ là một nhóm rất nhỏ trong số hàng triệu phụ nữ Việt Nam tham gia vào cuộc thi. Vậy thì người thắng của cuộc thi nhan sắc ấy cũng chỉ là người đại diện cho một nhóm nhỏ người trong xã hội có cùng mục đích và suy nghĩ.

Những cô gái khác có học thức đàng hoàng, được giáo dục tử tế, có ước mơ hoài bão cao xa… Đặc biệt, không có niềm đam mê nổi tiếng lấn sân vào showbiz hay kiếm chồng đại gia thì họ đã chọn cho mình một con đường khác để đi chứ không rảnh đăng kí, theo đuổi rồi đấu đá kịch liệt trong các cuộc thi nhan sắc. Việc tự tổ chức rồi tự huyễn hoặc tìm được người phụ nữ đại diện cho nhan sắc và nhân cách của cả một quốc gia khiến các cuộc thi tự giết chết niềm tin yêu của công chúng và đẩy vô số cô gái vào những tấn bi hài kịch, khóc không ra nước mắt mà cười cũng chẳng nên hình.

aidagiuphoahaudomylinhdapscandalsaudangquang-ngoisao 0

Ra ngõ gặp hoa hậu.

Thật tình, rất nhiều người không thể đếm nổi trong một năm, hay chỉ trong một tháng ở nước ta xuất hiện bao nhiêu cuộc thi sắc đẹp mà ngay cả cái tên cũng chả thể nhớ hết. Bước ra đường chắc cũng gặp phải mấy chục, mấy trăm: á hậu, hoa hậu, á khôi, hoa khôi, top 10 của cuộc thi A, top 5 của cuộc thi B... Vậy thì khỏi cần bàn cãi về người chiến thắng ở các cuộc thi nhan sắc đó sẽ làm nên trò trống gì.

ky-duyen4-ngoisao 0

Một cái công thức mà tôi vẫn luôn thấy là khi các cô gái thắng giải cao tại các cuộc thi kiểu “ao làng” thì bắt đầu tổ chức tiệc cảm ơn với báo chí. Sau đó là những màn hứa hẹn dự thi ở một cuộc thi nào quốc tế nào đó hoặc tiếp tục tham dự một cuộc thi sắc đẹp lớn hơn, mang tầm quốc gia hơn. Nếu không may mắn thi trượt, các người đẹp lại cố tham gia nghiệp diễn xuất, ca hát bằng những dự án phim có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng tham gia, vài chương trình truyền hình thực tế hút khán giả. Kế đến là chụp những bộ ảnh thời trang mỗi tháng nhằm chứng tỏ đẳng cấp, duy trì hình ảnh. Chiếc vương miện mà các cô gái ấy đạt được dường như chỉ có giá trị hiện kim của các đơn vị tài trợ. Phải chăng chúng ta đang chìm đắm và cuốn theo bộ phận không nhỏ lớp trẻ trong các cuộc thi sắc đẹp đến nỗi ra đường hay mở mạng ra là hoa hậu, người đẹp, mà quên rằng, một đất nước giàu mạnh cần có là nền kinh tế vững chắc, nền giáo dục tốt, còn nhan sắc cũng tốt nhưng không có cũng không phải vấn đề quá quan trọng, hãy lược bớt các cuộc thi, hoa hậu người đẹp vô bổ. Hãy để các cô gái bớt ảo tưởng, bớt huyễn hoặc bản thân mà tập trung học hành.

147252730326292-do-my-linh-thi-sinh-co-so-do-chuan-nhat-hoa-hau-hoan-vu-viet-nam-2015-1-ngoisao 0

Văn hóa hùa, chửi bất chấp

Chỉ cần một người ghét ai đó, một người chửi cho xuôi tai thì kéo theo hàng tá anh hùng bàn phím hùa theo dù có không liên quan đi nữa. Khi hỏi lí do vì sao lại ghét cô A, lại chửi cô B thì chắc rằng vài người sẽ nói: “Một người ghét thì không sao, nhưng nhiều người ghét thì chắc chắn cô đó phải có vấn đề này nọ”.

Chả có một chính kiến nào rõ ràng hoặc vô lí hơn là vì ghen tị, đố kị. Chẳng hạn, một cô ca sĩ đang được yêu thương bất ngờ bị công kích hội đồng chỉ vì cô ấy dám chia tay người yêu 9 năm để yêu một anh chàng nổi tiếng hơn, giàu có hơn và mang lại cho cô ấy niềm vui niềm hạnh phúc thật sự. Hay trường hợp một cô tân hoa hậu vừa mới đăng quang bị chửi không tiếc lời chung quy chỉ vì cô ấy không đẹp như mong đợi, như kì vọng và như lời quảng cáo của ban tổ chức. Kéo theo hùa, chửi bất chấp là soi mói, đào bới từ facebook, instagram… đến săn lùng nhà cửa, bạn bè, người thân… để khai quật những gì xấu nhất, hớ hênh nhất của cô ấy từ cái thời chưa nổi tiếng để bàn tán cho hả dạ.

Là một người đàng hoàng, bạn có hành động thật thô bỉ khi chụp lại dáng ngủ của một cô gái khi cô ấy làm việc liên tục dẫn đến mệt mỏi mà thay vào đó là tế nhị nhắc nhở cô ấy và người thân nên cẩn trọng ngay lúc đó? Là một người tử tế và chăm chỉ làm việc, liệu bạn có thời gian để lên facebook lục từng tấm ảnh cũ, đọc từng status, soi từng comment xem một hoa hậu nào đó có nói tục chửi thề để đi chia sẻ cho cả thiên hạ cùng bàn tán chăng? Bạn có chắc số còn lại không bị chụp được ảnh thì trong sạch và không có những hành động tương tự trong cuộc sống?

hinh-anh-cac-hoa-hau-luc-dang-quang-20-ngoisao 0

Một giờ làm hoa hậu, suốt đời sống cùng thị phi.

Tôi thấy không biết đáng thương và tội nghiệp cho những cô gái trẻ đăng quang ngôi vị cao nhất tại các cuộc thi sắc đẹp hay là ngưỡng mộ họ. Cái giây phút nhận vương miện, cầm quyền trượng cùng số tiền thưởng và những đặc quyền của hoa hậu có đủ để đánh đổi một cuộc sống bình an bên gia đình, bạn bè? Có đáng để đánh đổi sự tự do, thảnh thơi mà bạn vốn được hưởng như mỗi con người trong cuộc sống? Hai năm mang vương miện, bạn thử hỏi các tên tuổi như: Mai Phương Thúy, Đặng Thu Thảo, Kỳ Duyên… có mệt mỏi và áp lực không khi chỉ một hơi thở của họ cũng đủ gây sóng tạo gió? Làm hoa hậu không chỉ phải làm tròn nhiệm vụ đã được ban tổ chức đề ra mà còn phải đảm bảo giữ gìn hình ảnh đó trong sạch trong suốt những tháng ngày dài đằng đẵng. Lỡ rơi vào trường hợp xui xẻo như hoa hậu Kỳ Duyên thì có khóc hết nước mắt, có van xin nài nỉ cách mấy thì dư luận cũng thẳng tay giày xéo.

Còn may mắn qua ải an toàn hay sau thời gian mệt nhoài với thị phi mới trao lại cái vương miện nặng trịch thì kịch bản tiếp theo sẽ nối tiếp nhau là: Hai năm sau khi trao lại vương miện, Hoa hậu A đang làm gì?; Đám cưới cổ tích của Hoa hậu A cùng một đại gia (hay thiếu gia); Lộ ảnh con đầu lòng của hoa hậu A; Cuộc sống của hoa hậu A trong hào môn; Sau mười năm, dung nhan của hoa hậu A có gì thay đổi?.... Tóm lại, mỗi giây phút của bạn trong cuộc đời sẽ tiếp tục được chú ý, quan tâm quyết liệt để có mặt trên các trang báo cho công chúng tường lãm. Nó đồng nghĩa rằng, cả cuộc đời bạn chả có giây phút nào được yên thân dù cuộc sống của bạn có hạnh phúc hay bất hạnh. Thật chẳng khác gì bản báo cáo thường nhật của các tù nhân lãnh án tù chung thân cho dù bạn có muốn hay không.

Thà làm một cô cá thoải mái bơi lượn giữa đại dương bao la hơn làm một con cá cảnh cho ngàn vạn người ngắm, ngàn vạn người soi.

Theo GĐVN


Hoa hậu Việt Nam 2016

hoa hậu Đỗ Mỹ Linh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.