Đỗ Bảo: “35 tuổi làm liveshow hẵng là quá sớm”

Tài hoa và nổi tiếng, nhưng khi nói về chuyện đời, chuyện nghề nhạc sĩ Đỗ Bảo lại chia sẻ với một phong thái rất khiêm tốn, giản dị.

Tài hoa và nổi tiếng, nhưng khi nói về chuyện đời, chuyện nghề nhạc sĩ Đỗ Bảo lại chia sẻ với một phong thái rất khiêm tốn, giản dị. Anh cho rằng tuổi mình làm liveshow so với giới nghệ sĩ vẫn còn là quá liều, quá sớm. Tuy nhiên, nhạc sĩ luôn giữ cho mình một niềm tin mãnh liệt vào bản thân và tình yêu của công chúng.

Viết gì thì viết nhưng vẫn là tình ca thôi

“Cánh cung 3” có vẻ như đã bắn được một mũi tên đi rất xa, vượt ngoài sự mong đợi của anh. Có phải lực đẩy đó đã kéo luôn anh ra khỏi cái hình ảnh biệt lập trước đây, khi mà tần suất xuất hiện của anh trên các phương tiện truyền thông nhiều chưa từng thấy?

Đó là do báo chí quan tâm, chứ tôi vẫn vậy thôi, chẳng có thay đổi gì đâu. Như bạn biết đấy, việc ra đĩa tôi cũng không có tổ chức họp báo gì cả, nhưng khi giới truyền thông họ quan tâm với một thái độ tích cực đến công việc của nghệ sĩ, thì mình cũng phải có thiện chí và một sự tôn trọng. Đó là cách làm việc của tôi với giới truyền thông.

Tuy nhiên bên ngoài chuyện đĩa nhạc tôi cũng thấy anh chia sẻ cả chuyện vợ chuyện con…

Đúng là có nhưng rất hạn chế. Thực ra so với người khác thì những chia sẻ của tôi cũng không đáng kể, vì tôi quan niệm rằng người làm nghề thì chỉ nên nói chuyện nghề thôi. Tôi vẫn là một người rất kín đáo, tôi không thích nói chuyện gì ngoài âm nhạc cả. Tuy nhiên, vào một lần nào đó, tình cờ gặp một người nào đó mà tôi thấy phù hợp thì tôi có thể chia sẻ. Gọi là cởi mở hơn thì cũng được.
 

Anh từng giải thích việc chỉ chọn một giọng hát Hà Trần cho “Cánh cung 3” là để thông điệp của album sẽ nhất quán hơn, anh có thể nói rõ hơn về cái “thông điệp” đó?

Việc tổ chức để đưa ra một thông điệp trong album đòi hỏi tác giả phải nỗ lực rất nhiều. Như album “Thời gian để yêu” với thông điệp về tình yêu hay “Cánh cung” với thông điệp khát khảo tuổi trẻ mà khán giả đã từng đón nhận trước đó. Khi cộng tác với quá nhiều ca sĩ thì người nhạc sĩ phải biết cân đong như thế nào cho mỗi phần thể hiện vừa toát lên cái sắc riêng của ca sĩ, lại vừa phải ăp khớp với các ca sĩ khác, làm sao cho cả đĩa nhạc xuyên suốt và thống nhất.

Với “Cánh cung 3”, tôi chọn Hà Trần vì tôi tin tưởng Hà là người biết tiết chế tổng thể để đưa ra thông điệp “Chuyện của mặt trời, chuyện của chúng ta” một cách tốt nhất. Cô ấy có đủ khả năng và tình yêu với các ca khúc của tôi, để truyền tải lại ho khán giả một cách đúng nhất những gì mà tôi đã truyền tải cho cô ấy. Trong album, Hà chủ động hát cả 12 bài, cô ấy biết bài nào nên hát to một chút, bài nào nên hát nhỏ một chút, bài này nên rót câu này ra, bài kia lại tạo cảm giác bí ẩn…
 
Về thông điệp, như tiêu đề của “Cánh cung 3”, tôi đưa ra hai vấn đề chính là tình yêu và lương tâm trong ảo tưởng của con người, nó là những nhận thức tích lũy được qua từng ngày sống và trải nghiệm. Nó vượt ra ngoài phạm vi của tình yêu đôi lứa. Nếu như trong những album trước đây tôi thường viết về tình yêu chỉ có 2 người với nhau thôi, thì bây giờ tình yêu đó, 2 con người đó được đặt trong mối tương quan của xã hội rộng lớn, trong không gian của nhân loại, thậm chí là vũ trụ.

Trước khi phát hành “Cánh cung 3” anh có tuyên bố đây sẽ là một đĩa nhạc cuối cùng anh viết về tình yêu. Bây giờ anh có muốn thay đổi quyết định đó không?

Không hẳn là không viết về tình yêu nữa, mà nó sẽ không còn là mối quan tâm số 1 của tôi. Trước đây, khi còn trẻ, thế giới của tôi rất nhỏ bé, trong ấy tình yêu đôi lứa có thể chiếm đến 80%, hoặc có khi là tất cả. Lúc nào trong đầu cũng chỉ đẩy ắp những suy nghĩ như: nói thế nào để rủ được bạn gái đi chơi, hay tối nay mặc bộ đồ nào cho hợp… Nhưng bây giờ khi đã sống đủ lâu để hiểu đời, tôi cảm thấy mình phải quan tâm đến nhiều vấn đề khác, chuyện trai gái sẽ thu về một khoảng nhỏ hơn, để nhường chỗ cho chuyện thời sự, chính trị, chuyện nhiễu nhương của xã hội…

Tôi nghĩ con người phải trung thành với những cảm nhận của mình về cuộc sống, chúng ta không nên dối lừa bản thân, đặc biệt là người nghệ sĩ không thể đem sự thiếu trung thực vào trong những tác phẩm của mình. Ví dụ bây giờ tôi phải lo lắng với những chuyện rất đỗi bình thường trong gia đình, thì đó cũng là một mối quan tâm có thật và tôi nghĩ mình không có lý do gì để không viết về nó.
 

Cái tên Đỗ Bảo đã đóng đinh với những ca khúc về tình yêu, anh có sợ “bớt” sáng tác về chủ đề này nữa công chúng sẽ bớt yêu anh?

Tôi có một niềm tin rằng khán giả yêu thích những sáng tác của tôi không phải chỉ vì tôi viết về tình yêu mà vì tôi viết bằng những cảm xúc thật bên trong mình. Ví dụ “Bài ca tháng 6” là một bài tình ca mà thiếu vắng tình yêu. Nhưng trong cái sự thiếu vắng đó thực ra lại rất đầy tình cảm. Quan trọng là khán giả luôn tìm thấy được một mối tương đồng cảm xúc nào đó trong bài hát của tôi.

Và tôi chợt nghĩ ra rằng dù sau này tôi có viết gì thì viết, những sáng tác của tôi cũng vẫn là tình ca. Bởi vì tình yêu rộng lớn lắm, đâu chỉ có riêng tình yêu đôi lứa, tình yêu cuộc sống, yêu con người, yêu đất nước, sự hướng thiện, hướng đến hạnh phúc, trăn trở, lo lắng cho mọi điều xung quanh, tức là mình đang yêu, đang hy vọng và muốn bảo vệ điều gì đó, đấy là tình yêu và đấy chính là tình ca.

Người nghệ sĩ thì không nên ảo tưởng

Có thể thấy Đỗ Bảo là một người suy nghĩ rất sâu sắc, và ca từ trong âm nhạc của anh rất đẹp nhưng cũng đầy tính triết lý, phong cách ấy anh tự định hình cho mình hay chịu sự ảnh hưởng từ một tiền bối hay đồng nghiệp nào đó?

Cái này tôi cũng không rõ, khi còn trẻ tôi thần tượng tất cả các nhạc sĩ Việt Nam thời đấy. Bởi tôi thấy được làm nhạc sĩ thì hay lắm, to tát lắm và tôi chỉ nghĩ làm thế nào để sau này mình có thể trở thành nhạc sĩ. Nhưng bây giờ tôi thấy mình cũng đang là một người nhạc sĩ đây và hóa ra nó cũng bình thường thôi.

Những suy nghĩ ngày xưa khi nhìn lại thì đúng là rất non trẻ, ngây thơ, nhưng nó vẫn rất đẹp. Còn bây giờ để nghĩ xem tôi có thần tượng ai không thì thực sự là tôi không rõ.

Nhưng nhiều người cho rằng trong Đỗ Bảo có chút gì đó bóng dáng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn…

Từng có nhiều người cũng nói với tôi vậy, nhưng tôi thì thực không dám nghĩ như thế. Ngày xưa tôi hâm mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhưng đó chỉ là suy nghĩ của một thời tuổi trẻ thôi. Bây giờ khi đã định hình được một cái tên trong lòng công chúng, tôi cũng không dám nghĩ đó là điều gì to tát, không dám nghĩ mình là thần tượng của ai, hay là giống như ai đó trong cuộc sống này. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là tôi có đam mê và tôi thấy rằng âm nhạc hữu ích cho chính bản thân mình.

Việc sáng tác, đem những giai điệu tốt đẹp đến cho đời chính là lẽ sống để cứu rỗi tâm hồn người nghệ sĩ, giúp cho những người như tôi cảm thấy mình sống có ý nghĩa hơn. Hoặc nếu cảm thấy một cuộc sống vô nghĩa thì mình phải tự cứu lấy mình bằng cách làm thế nào lấp đầy ý nghĩa cho cuộc sống của mình, một trong những cách ấy là theo đuổi âm nhạc. Tất cả các nhạc sĩ đến một lúc nào đó họ cũng đều nghĩ giống như tôi thôi.
 


Vả lại, cuộc sống vốn đã đầy rẫy ảo tưởng rồi, người nghệ sĩ là người tinh tế hơn cả, họ phải là người đầu tiên nhận ra những cái trừu tượng trong cuộc sống và không nên ảo tưởng. Tôi cho rằng những người ảo tưởng về bản thân, nghĩ mình làm được nhiều việc to tát như vĩ nhân, hay nghĩ mình giống người này, người kia thì thường lại là những người rất khó thành công.
 
Anh vừa nói rằng người nghệ sĩ không nên ảo tưởng nhưng cũng nói rằng “Cánh cung 3” là những điều ảo tưởng, vậy là sao…

Người nghệ sĩ ở đây là người nhận ra những ảo tưởng của cuộc sống đầu tiên, tôi bày nó ra và đưa cho mọi người xem. Không dám nói là để thức tỉnh ai, nhưng đó là những điều tôi thấy và nếu như ai chưa thấy thì tôi muốn được chia sẻ với họ. Ví dụ như “chuyện của mặt trời, chuyện của chúng ta”, đêm và ngày chỉ là ảo tưởng của con người, còn ánh sáng của mặt trời thì bao đời vẫn vậy, lúc nào nó cũng đang tỏa sáng ở đâu đấy.

Anh từng tâm sự rằng không bận lòng với chuyện đĩa nhạc có được đón nhận hay không, bán được nhiều hay có đóng góp gì cho nhạc Việt không, mà cái anh quan tâm nhất là thái độ sống của người nghệ sĩ. Như thế phải chăng Đỗ Bảo không bao giờ đặt ra mục tiêu cụ thể cho công việc của mình?

Làm nghệ thuật dĩ nhiên mục tiêu của người nghệ sĩ vẫn là công chúng. Nhưng muốn mở rộng đối tượng khán giả thì ban đầu nhạc sĩ vẫn phải đi từ phân khúc khán giả đã yêu thích những tác phẩm của mình rồi. Như việc tôi quyết định tổ chức đêm nhạc, đó cũng là một cách tôi mở rộng phạm vi và đón chờ những sự quan tâm mới.

Còn về cá nhân tôi, tôi có một sự cực đoan nhất định, nhưng cái cực đoan ấy nó đem lại lợi ích cho những người khác, chứ không phải làm rối loạn xã hội. Nghe thì có vẻ đáng sợ nhưng trong mặt tích cực của việc cực đoan đó là khi người nghệ sĩ có thể bảo toàn được tiếng nói, sự sáng tạo, nỗ lực và tư tưởng của cá nhân mình.

Trên thực tế, những tư tưởng cá nhân tốt đẹp đang rất thiếu vắng trong xã hội bây giờ, đặc biệt là giới sáng tác. Không phải không có nhưng phải nói là rất ít. Tôi cứ nghĩ mãi một điều rằng nếu lúc này tôi không còn bảo thủ giữ lấy cái cực đoan của mình mà cứ hòa lẫn vào đám đông, làm theo tất cả mọi người, thì sau này chắc chắn lịch sử sẻ trả lời rằng hàng bao nhiêu năm qua người nghệ sĩ đã làm được gì, thu được bao nhiêu cái đĩa hay. Rõ ràng là thiếu vắng. Và khán giả thì vẫn không thỏa mãn, rồi dần dần họ cũng sẽ quay lưng.

Thiết nghĩ nếu tôi không thoát ra khỏi tập quán làm nghề của showbiz bấy lâu nay thì làm sao có thể ra được những tác phẩm thành công, làm sao có “Cánh cung 3” bán được hàng nghìn bản như thế này.
 

Sáng tác nhạc cũng giống như sinh những đứa con

Đã có không ít ca sĩ hát thành công những sáng tác của Đỗ Bảo, nhưng nếu phải lựa chọn một cái tên, anh “ưng” ai nhất?

Có 2 ca sĩ mà tôi cho rằng tương đối hiểu và gắn bó nhiều với tác phẩm của tôi nhất đó là Tấn Minh với Hà Trần. Còn những ca sĩ đã từng cộng tác cùng, tôi đều biết ơn họ, vì nhờ có họ những tác phẩm của tôi mới có đời sống. Chứ bây giờ mình là nhạc sĩ mà cứ tự khen mình viết hay, rồi ca khúc không có ai thể hiện thì chẳng hiểu ông nhạc sĩ đó sẽ có ai biết đến.

Hơn nữa, tôi là người rất cẩn thận với những lựa chọn của mình, trước khi làm việc gì tôi đều nghĩ rất kĩ cho nên khi đã làm xong rồi không bao giờ tôi phải lăn tăn về nó nữa. Những tên tuổi tôi đã chọn mặt gửi vàng các ca khúc của mình thì tôi đều hết sức tin tưởng. Không bao giờ tôi có suy nghĩ sau này sẽ phải chọn lại hay phải suy nghĩ lại, phải nấn ná điều gì.

Anh nói rằng sau “Cánh cung 3” anh muốn hướng tới những nhân tố mới mẻ và sẽ không làm việc tiếp với các gương mặt cũ của Showbiz. Với một người cẩn thận và kỹ tính trong công việc, chắn hẳn anh đã có những sự “nhắm nhe”. Anh có thể bật mí về một vài cái tên sẽ là sự kế thừa cho những Tấn Minh, Hà Trần…?

Tôi vẫn đang chờ đợi. Vì thời gian từ bây giờ đến lúc ra album tiếp theo cũng còn vài năm nữa, và đôi khi cũng phải trông chờ ở số phận sắp đặt. Xem ông trời sẽ đem đến cho ta người cộng sự như thế nào.

Đương nhiên, ngay ngày hôm nay tôi cũng đã nhìn thấy những nhân tố mà tôi thích, tuy nhiên vẫn còn cần thời gian cân nhắc thêm cho kĩ càng, để đến khi chọn rồi mình sẽ không phải ân hận. Nói trước bước không qua, nên tạm thời bây giờ tôi vẫn chưa có quyết định chính thức nào cả.

Thông thường các nhạc sĩ bây giờ sáng tác rất nhanh, có khi làm theo đặt hàng thì chỉ 1 – 2 tuần là xong 1 bài hát nhưng Đỗ Bảo lại giữ tiến độ 4 năm 1 album, anh có thấy như vậy là mình khá chậm so với mọi người không?

Cốt lõi của người làm âm nhạc chính là những tác phẩm, có tác phẩm rồi ta mới có trình diễn, mới có liveshow, mới có báo chí để nói về âm nhạc. Vì vậy, với người nghệ sĩ, viết các sáng tác là quan trọng nhất và mất nhiều chất xám, công sức nhất. Tôi vẫn giữ nhịp đều đều 4 năm 1 album thôi chứ cũng không thể nào viết nhanh hơn được.

Người ta cứ tưởng rằng nhạc sĩ ngồi cảm xúc lên một cái là viết ra được 1 bài hát, có thể có nhiều người làm theo cách đó nhưng cá nhân tôi không viết như thế được. Ví dụ như đĩa “Cánh cung 3”, tôi mất 1 năm rưỡi để viết và sản xuất. Có thể nói đây là đĩa nhạc mà tôi tập trung toàn diện, dành rất nhiều thì giờ cho nó. Mỗi một ca khúc được làm hoàn chỉnh trung bình mất khoảng 1 tháng.

Khác với những người khác khi làm album họ chỉ cần tâm đắc 1 – 2 bài hay là được rồi, nhưng cả cuộc đời này tôi không bao giờ thích làm những cái đĩa như thế. Làm như vậy là làm vớ vẩn. Sáng tác ca khúc với người nghệ sĩ mà nói cũng giống như là sinh những đứa con, làm gì có chuyện sinh 12 đứa mà bảo “tôi chỉ cần 1 – 2 đứa đẹp trai, xinh gái là được”. Người làm bố, làm mẹ luôn phải có trách nhiệm với những đứa con mình sinh ra. Với tôi, tôi luôn chăm chút và chia đều tình yêu thương cho chúng.
 

Tuy vậy, tôi lại thấy rằng nghệ sĩ thì cũng rất cần có những giây phút “xuất thần” để sáng tác, nó giống như nguồn cảm hứng thăng hoa ồ ạt đến bất chợt và không thể ngăn lại được, chẳng nhẽ ca khúc nào của anh cũng phải triết lý thật kĩ lưỡng và cân nhắc thật lâu trước khi viết?

Trung bình thì là 1 tháng 1 bài, mặc dù vậy cũng có bài tôi viết khá nhanh, như trong album “Thời gian để yêu” thì chính bài chủ đề album lại là bài tôi viết nhanh nhất, chỉ gói gọn trong 1 ngày và sau đó thì chỉnh sửa rất ít. Nếu nói là “xuất thần” thì chắc có ca khúc đó, còn trong “Cánh cung 3” thì không. Hầu như các sáng tác trong album lần này đều mất rất nhiều thời gian để triển khai ý tưởng.

Đã có rất nhiều câu chuyện được anh kể, chất liệu ấy anh lấy từ đâu?

Mình phải tự đào xới ra thôi. Người nghệ sĩ sáng tác thì cũng như người nông dân lao động ý mà. Thậm chí có khi còn khổ hơn cả nông dân. Những chỗ mà chẳng ai người ta đến thì mình phải đến đó đào bới, tìm xem có cái gì hay không để mang về. Kiếm được một mỏ quặng rồi thì ta mới bắt đầu khai thác nó.

Sự “đến” ở đây mang tính chất trừu tượng vậy, đến trong tâm tưởng, trong suy tư. Rồi từ những suy nghĩ sâu xa đó, tôi tìm những lời ca phù hợp để đưa nó vào giai điệu. Có nhiều người nói rằng tôi sử dụng ca từ khá là “mạnh bạo”, nào là “kế hoạch làm bạn” rồi “con quỷ dưới ngầm”. Nhưng đó là kết quả của quá trình tôi đào bới, suy tư rất kĩ mới có thể chọn ra những từ ngữ “đắc ý” như vậy, nó mô tả đúng điều mình muốn nói mà khán giả vẫn chấp nhận và nghe được.

"Độc hành" là điều kiện “cần” của người nghệ sĩ

Anh tự nhận rằng không có mấy người hiểu được Đỗ Bảo ở thời điểm này. Như thế phải chăng anh vẫn luôn độc hành trong một thế giới riêng của mình?

Đây là suy nghĩ của riêng tôi thôi chứ cũng chẳng có cơ sở khoa học nào cả. Theo tôi, “độc hành” là điều kiện cần của người nghệ sĩ, vì khi đi vào một chỗ đám đông, tư duy và suy nghĩ của người nghệ sĩ sẽ không còn rõ ràng. Có rất nhiều thứ ở bên ngoài thế giới kia làm phân tán quan điểm của tôi, không định hình ra thì tôi không sáng tác được. Tôi không tin vào những giá trị mà đám đông tạo ra, đám đông không thể đưa ra một khái niệm nhất quán, nó chỉ có thể có ở mỗi cá nhân.

Nhưng đấy không có nghĩa là một sự lập dị, tôi vẫn có bạn bè, thậm chí tôi nghĩ mình còn có nhiều bạn thân hơn mọi người. Có thể người ngoài nhìn vào thấy tôi sống khác quá, khác rất nhiều so với giới nghệ sĩ. Nhưng tôi nghĩ việc tôi sống như thế nào không phải là vấn đề mà mọi người nên băn khoăn. Với người nghệ sĩ thì câu hỏi cốt lõi duy nhất nên đặt ra đó là “họ có hạnh phúc hay không”. Nếu mà anh ấy nói là “tôi hạnh phúc”, thì chúng ta phải chúc mừng anh ấy chứ. Tôi hỏi bạn bè tôi rất nhiều người câu hỏi ấy, nhưng thường tôi nhận được sự lúng túng, không biết trả lời như thế nào. Còn tôi, tôi luôn thấy hài lòng về cuộc sống của mình.
 

Bạn bè tôi vẫn ở bên tôi, mặc dù có thể mọi người thấy tôi ít giao thiệp, nhưng nếu để ý mọi người có thể thấy bất cứ khi nào tôi tôi ra album, làm liveshow, tôi cần của những cộng sự, những người bạn thì họ luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ.

Đỗ Bảo luôn được biết tới như một người hết mình và có trước có sau với bạn bè đồng nghiệp, nhưng trong một môi trường Showbiz khó lường, thái độ sống ấy có khi nào mang lại rắc rối cho anh?

Cũng có chứ, nhưng những điều đó đã xảy ra từ hàng chục năm trước, trên con đường tôi đang định hình phong cách âm nhạc. Có thể coi đó là những khó khăn đầu tiên trong sự nghiệp, nhưng thôi thì có thành công nào dễ dàng đâu. Nếu như mọi thứ thuận lợi quá thì lại hóa ra không hay. Tất cả những rắc rối đó tựu chung lại đều là những bài học mà nếu mình vượt qua được, mình có thể hoàn toàn tự tin vào bản thân. Sau này mình sẽ càng có kinh nghiệm đối phó với những khủng hoảng, khó khăn. Tôi nhìn những chuyện đó rất lạc quan, tôi chẳng sợ gì cả, rắc rối đến thì ta lại tìm cách tháo gỡ và sẽ vượt qua nó thôi. Quan trọng là người nghệ sĩ phải luôn giữ được cái tôi vững vàng của mình.

Các nhạc sĩ có nhiều sáng tác hay về tình yêu thường rất đào hoa và đa tình, anh có thuộc tuýp người đó không?

Quan niệm về tình yêu như tôi nói nãy giờ nó rất là rộng. Khi yêu mọi thứ xung quanh, từ cây đàn, bản nhạc đến cái máy tính, tôi thấy mình yêu rất nhiều, đó cũng là một cái đa tình. Còn yêu theo kiểu tình yêu nam nữ thì không. Nói vui một chút chứ có muốn thì bây giờ cũng làm sao mà “đa” được nữa.

Bóng dáng của người bạn đời có xuất hiện trong những sáng tác cụ thể nào của anh?

Như tôi đã nói, tôi phải sống với rất nhiều thế giới khác nhau, thế giới âm nhạc, thế giới suy tưởng, thế giới đời thực. Có những câu hỏi ở thế giới này đặt ra nhưng câu trả lời lại nằm ở những thế giới kia.

Rất nhiều sáng tác của tôi có bóng dáng người bạn đời chứ, nhưng cụ thể là bài nào thì có lẽ tôi chưa “khai” ra sớm đâu. Tôi muốn mọi người đến với tác phẩm của tôi một cách thoải mái, không có bất cứ hạn chế tưởng tượng nào cả. Chẳng hạn bây giờ tôi nói mình viết bài này cho người con gái này, bài kia cho người con gái kia, hay về một câu chuyện cụ thể quá rõ ràng, thì người nghe sẽ không liên kết được với câu chuyện của người ta.

Ví dụ trong bài “Bức thư tình thứ hai” có đoạn “ngày em gặp anh ngày cơn gió bồi hồi, em sẽ vẫn bước về phía ấy, phía tấm rèm buông khung cử sổ nắng nơi anh ngồi”. Nếu tôi nói rõ đó là cái cửa sổ ở phố này, quán kia thì ấy là điều không tốt cho khán giả, tôi muốn bài hát phải dành trọn không gian để người nghe thấy được mình trong đó. Cụ thể câu chuyện của tôi, khi về già có thể tôi sẽ chia sẻ cho thế hệ sau hiểu, còn bây giờ hãy để cho khán giả được thoải mái tưởng tượng rộng rãi với khung cửa sổ của riêng họ.
 

Ngày xưa, anh “mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ”, những điều đó đã đủ đầy trong tay, vậy bây giờ anh mơ gì?

Những mong muốn là thứ không bao giờ dừng lại, lúc nào con người ta cũng phải mơ đến một điều gì đó. Bây giờ, tôi mơ đến những điều kiện sống tốt hơn từ nghề nghiệp của mình. Tôi muốn sẽ được đi du lịch nhiều nơi hơn, đi vòng quanh thế giới để được trải nghiệm những không gian mởi mẻ chỉ từng xuất hiện trong suy nghĩ. Người xưa nói rằng “đi một ngày đàng học một sàng khôn” mà, tôi là con người rất mê sự tìm hiểu, khám phá. Mỗi chuyến đi lại giúp tôi thu về cho mình một chất liệu cần thiết để bồi đắp nhân sinh quan của mình.

Tuy nhiên, giấc mơ “ngôi nhà và những đứa trẻ” nó đã quá đẹp và việc đạt được nó là một thành công quá lớn mà tôi cho rằng đã đem đầy đủ giá trị đến cho cuộc sống của mình.

35 tuổi làm liveshow hẵng là quá sớm

Trong cái thời buổi mà nhà nhà làm liveshow, người người làm liveshow tại sao phải đến thời điểm này anh mới có một đêm nhạc cho riêng mình?

Nhạc sĩ ở tuổi 35 như tôi có thể coi rằng là một trong những người trẻ nhất làm liveshow với quy mô lớn. Thực sự đây là một việc khó, một quyết định liều lĩnh và không đơn giản, chứ làm một đêm nhạc mini ở quán cà phê thì lại dễ. Cho nên không thể nói là muộn được mà đang là sớm đấy.

Chẳng qua là tôi đã bắt đầu sự nghiệp sáng tác sớm, từ khi mới 15 – 17 tuổi, nên bây giờ tôi thấy sản phẩm của tôi đã tương đối đủ rồi, cũng kha khá để làm 1 liveshow riêng rồi, vậy là tôi quyết định "liều". Nói thế nhưng tôi vẫn sợ bị người khác đánh giá lắm, người ta lại cho rằng trẻ ranh mà đã thế này thế kia. (cười)

Liệu đây có phải là điểm mở đầu để Đỗ Bảo tấn công vào Showbiz với hình ảnh khác và hàng loạt liveshow khác trong thời gian tới.

Nếu thành công ở liveshow lần này thì chắc chắn sẽ có những hứa hẹn trước mắt, có thể là một đêm nhạc khác ở tp Hồ Chí Minh. Còn dự định xa hơn nữa thì tôi chưa tính tới.

Bây giờ có liveshow của các ca sĩ, nhạc sĩ được tổ chức với tần suất khá dày, rất nhiều trong số đó làm khán giả thất vọng bởi cách làm “cẩu thả” theo kiểu show chợ, ca sĩ lên sân khấu hát như khoán. Đỗ Bảo sẽ làm gì để tránh những vết xe đổ đó?

Tôi chỉ có thể nói rằng từ xưa đến nay, tôi làm những sản phẩm như thế nào thì không cần nói mọi người cũng đã biết. Cái gì tôi làm ra thì tôi phải chịu trách nhiệm với nó, với liveshow này cũng vậy, khán giả đã từng nhận được những đĩa “Cánh cung” như thế nào thì liveshow này cũng như vẫn thế thôi.

Ngày xưa khi ra “Cánh cung” tôi mới 26 tuổi, ở cái thời ấy mà tôi đã dám liều như thế thì bây giờ cái chuyện tôi liều làm liveshow cũng là bình thường.
 

Nếu để so với những show diễn họ làm ăn kiếm tiền thì tôi không muốn so đến vì tôi cũng không biết họ làm như thế nào, tôi không xem. Hơn nữa, đây cũng không phải lần đầu tôi thực hiện những show thế này, chỉ có điều đây là lần đầu tôi làm show tác giả cho riêng tôi. Tôi rất tự tin ở bản thân mình, còn sự đón nhận của công chúng như thế nào lại là cái khách quan không nói trước được.

Có ý kiến cho rằng tuyển tập bộ 3 “cánh cung” đều chỉ là tập hợp những sáng tác của Đỗ Bảo, vậy ở liveshow tới có câu chuyện cụ thể nào để kể cho khán giả của anh?

Tôi chẳng có câu chuyện cụ thể nào cả, liveshow chỉ có đường dây theo âm nhạc thôi chứ không có đường dây theo văn học. Văn học là một thế mạnh của tôi rồi, tôi không nghĩ mình cần phải sắp xếp theo một kịch bản rõ ràng nào. Chỉ đơn giản là hết bài hát này thì cần một bài hát gì vang lên, để âm nhạc rót một cách tự nhiên, sinh động, hấp dẫn vào tai người nghe. Chương trình của tôi cũng sẽ không có người giới thiệu, chính tôi và các ca sĩ sẽ dẫn dắt từ đầu đến cuối, còn lại tôi xin được giữ bí mật đến ngày đó.

Cảm ơn những chia sẻ của anh, chúc anh thành công với liveshow sắp tới của mình!

Theo Đẹp plus


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.