- Người ta nói con gái bây giờ mạnh mẽ hơn cả đàn ông, đến cái quyền chinh phục trong tình yêu cũng tranh giành. Chị nghĩ thế nào?
Thì nếu yêu cũng nên nói ra. Nhưng mà phụ nữ Á Đông cũng không nên mạnh mẽ quá. Người đàn ông bao giờ cũng muốn là người chinh phục.
- Vậy là chị ủng hộ họ hay chê trách?
Tôi ủng hộ chứ. Bởi vì mỗi người bước vào cuộc chơi đều hiểu rõ luật chơi. Và họ dám bước qua tất cả những rào cản, như truyền thống đàn ông tỏ tình với phụ nữ, như áp lực dư luận, như sự thất bại. Vậy là ít nhất họ đã “vượt lên chính mình”, dám bước vào một thử thách mà không phải ai cũng dám vượt qua, kể cả đàn ông.
- Chị mạnh mẽ thế, có khi nào chị dám… tỏ tình trước?
Bây giờ tôi trải qua mọi chuyện nên mạnh mẽ thế. Chứ trước thì tôi nhát gan lắm. Nhưng đúng là ngày xưa tôi tỏ tình trước, mà là tỏ tình hộ người ta.
- Nghĩa là chị làm "bồ câu đưa thư" ấy à?
Anh ấy là vận động viên bóng chuyền, áo số 4. Cô diễn viên múa trong đoàn thích mê đi, mà chả dám nói. Cô ấy nhờ tôi. Trước giờ tôi là có số xe duyên. Hồi học cấp 3, tôi cũng xe duyên cho một đôi ở lớp, suốt ngày được ăn kem miễn phí. Vì giúp cô diễn viên múa, tôi mới qua chỗ bóng chuyền, bảo với số 4, có nhìn thấy cô tóc dài kia không, nó thích anh đấy! Số 4 nhìn tóc dài, chả nói gì. Đến một lần số 4 quên giầy ở trên phòng, nhờ tôi lên lấy giầy, tôi mới đưa chìa khóa cho tóc dài. Hôm sau số 4 quát tôi, anh nhờ em em không làm thì thôi, sao lại nhờ người khác? Tôi nói, thì người ta thích anh, chứ em đâu thích anh đâu? Số 4 trừng mắt, nhưng mà anh thích em! Thôi xong! Tôi bỏ chạy!
- Và kết thúc? Nghe có vẻ… nhạt nhỉ?
Tôi bỏ trốn chứ. Khi ấy tôi chỉ biết có hai nơi là Buôn Ma Thuột, nơi đoàn nghệ thuật của tôi làm việc và Kon Tum, nơi có làng của tôi. Tôi bỏ một mạch, chạy xe hơn 200km để về Kon Tum trốn. Một tuần sau tự dưng số 4 lù lù xuất hiện ở đầu làng, gặp ngay em trai tôi, thế là nó dẫn tới tận nhà. Cả làng vây lấy tôi. Không ai muốn cho tôi lấy người Kinh, luật tục của làng khi ấy là thế. Nếu tôi mà lấy người Kinh là bị phạt vạ. Tôi nói, tôi đâu có yêu, cũng không gọi anh về đây. Tôi đang bỏ trốn mà. Vậy là cả làng quay ra truy hỏi số 4. Về sau số 4 kể lại, khi ấy anh phải tìm cái cột nhà để ngồi tựa vào, chứ sợ đến mức nghĩ là mình mà ngồi không điểm tựa thì có khi lưng mình sẽ bị vài mũi dao! Anh ấy thuyết phục lâu lắm. Chúng tôi phải mất nhiều thời gian mới cưới được nhau.
- Theo tục lệ của người Banah, nếu chị ưng ai đó, chị có quyền xin cưới họ cơ mà?
Thì nếu mình ưng, mình sẽ nhờ người mối lái đặt vấn đề. Nhưng mà đây là người Kinh. Người làng không muốn con gái lấy chồng người dân tộc khác. Thế nên tôi là kẻ… xé rào.
- Tỏ tình giả, lấy chồng thật, chị có thấy đời mình như một bộ phim Hollywood không?
Lấy chồng thật mà chia tay với chồng cũng thật. Kể thì nó đơn giản thế chứ khi lấy cũng vất vả lắm. Yêu thật chứ, mà cuối cùng cũng có hạnh phúc dài lâu đâu. Mới nói là hạnh phúc rất khó để dạy dỗ nhau, nó không có mẫu số chung. Có những đôi nếu thực sự họ là của nhau, thì chỉ cần một tháng đã có thể hiểu và yêu nhau mãi. Nhưng có những đôi yêu nhau cả chục năm mà cưới nhau về ba tháng là chia tay liền. Tình yêu và hạnh phúc là thứ mà chúng ta nên tin vào cái gọi là định mệnh và duyên phận…
- Bây giờ chị từng trải, chị có sức hấp dẫn của người phụ nữ thành đạt và nổi tiếng, thấy thích ai đó chị có dám nói lời yêu không?
Tôi thuộc tuýp người không thích nói yêu trước. Nhưng nếu ai yêu tôi thì tôi cũng… tới liền (cười lớn).
Theo