Theo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), từ tháng 7/2013, ngành than dự kiến chỉ có thể xuất khẩu được 400-500 nghìn tấn/tháng, giảm hơn một nửa so với 6 tháng đầu năm 2013.

Vinacomin: Xuất khẩu giảm vì thuế

Giải thích cho nguyên nhân này, ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng Giám đốc Vinacomin cho biết: "Sau ngày 7/72013, thuế xuất khẩu than sẽ được điều chỉnh lên mức mới là 13% thay vì 10% như hiện nay sẽ khiến nhiều chủng loại than phải dừng xuất khẩu do không có lãi.

Từ năm 2012, Vinacomin đã phải tạm thời giảm đất bóc, tiền lương, khấu hao… để đảm bảo các hệ số tài chính ở mức an toàn tối thiểu cần phải cam kết với các nhà tài trợ vốn".

Ông Biên khẳng định năm 2013, tập đoàn tiếp tục thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí (cắt giảm tiếp 5-10%), chọn nơi có giá thành thấp nhất để tạm thời tăng sản lượng khai thác tối đa trước, lùi sản lượng nơi có giá thành cao nhưng sản xuất than vẫn không có lãi.

Ngành than sẽ gặp khó khăn sâu khi điều chỉnh thuế xuất khẩu?.
Ngành than sẽ gặp khó khăn sâu khi điều chỉnh thuế xuất khẩu?.

Kêu khó để xin tăng giá than cho điện?

Theo ông Biên, nếu thuế xuất khẩu tăng cùng với hiện tại than phải tăng bán cho ngành điện nhưng giá thành còn thấp nên Vinacomin sẽ điều chỉnh lại sản lượng cả năm vì dự kiến cả năm có phấn đấu cũng chỉ tối đa bằng mức sản lượng năm 2012 (do tăng than bán vào điện nhưng giá bán còn thấp), giảm 4 triệu tấn so với kế hoạch.

Theo lãnh đạo Vinacomin, chỉ riêng quý I/2013 tập đoàn này đã phải bán giá than cho ngành điện chỉ bằng 71-73% giá thành sản xuất than năm 2011, dẫn đến ngành than "mất" 1.500 tỷ đồng.

Ngoài ra, sẽ có gần 15.000 lao động sẽ thiếu việc làm cùng với gia đình họ không đảm bảo được thu nhập, ảnh hưởng, tác động xấu đến đời sống, an sinh xã hội trên địa bàn.

Bên cạnh đó, có một số không nhỏ lực lượng lao động của các doanh nghiệp đang thực hiện hợp đồng với các doanh nghiệp ngành than trong việc bóc xúc đất đá, vận tải và cung ứng các dịch vụ cơ khí sửa chữa, thương mại... cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Xuất khẩu không được vì thuế hay vì Trung Quốc không nhập?

Được biết, hiện Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu than đá lớn nhất của Việt Nam, chiếm 83,9% tổng lượng than xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2013 của Việt Nam, tương đương trên 4 triệu USD, giảm 5,72% về trị giá so với cùng kỳ năm 2012. Một số loại than cám của Việt Nam cho nhiệt lượng thấp dưới tiêu chuẩn của Trung Quốc là 7.000 kcal/kg.

Ông Bùi Văn Khích, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam cho hay:Trung Quốc là thị trường chủ yếu của ngành than Việt Nam nhưng chúng ta chủ yếu xuất sang chất lượng thấp sang Trung Quốc. Nên vì thế, giá than chất lượng thấp xuất sang Trung Quốc khoảng 65 đô la Mỹ/tấn, giảm khoảng 20 đô la Mỹ so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, trong tháng 5/2013, Cơ quan năng lượng quốc gia Trung Quốc đề xuất lệnh cấm nhập khẩu than chất lượng kém, để tăng tiêu thụ sản phẩm nội địa, đồng thời góp phần giảm ô nhiễm môi trường.

Kinh tế tăng trưởng chậm khiến nhu cầu tiêu thụ than Trung Quốc giảm mạnh, dẫn tới giá than giảm mạnh tới 1/3 so với mức đỉnh cuối năm 2011, gây khó khăn cho các nhà khai mỏ Trung Quốc, hiện sản xuất khoảng gần 1/2 sản lượng toàn cầu.

Do đó, nhiều nhà sản xuất than Trung Quốc đã phải đóng cửa hoặc tạm dừng kinh doanh. Các nhà khai mỏ cho rằng, hạn chế nhập khẩu là biện pháp cần thiết để họ quay trở lại sản xuất.

Điều này có nghĩa là khoảng 50 triệu tấn than/năm sẽ bị ngừng nhập vào Trung Quốc.

Theo Đất Việt