10 ngày thêm 6 ca tử vong vì sốt xuất huyết, Hà Nội xuất hiện 3 ổ dịch mới

Trong tuần qua Hà Nội ghi nhận 3 ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) mới tại quận Đống Đa, Bắc Từ Liêm và huyện Thanh Oai. Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố có 7 ổ dịch SXH tại 4 quận, huyện. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy số ca mắc SXH ở nước ta đang gia tăng nhanh, hiện đã có khoảng 92.000 người mắc, 36 trường hợp tử vong. Như vậy chỉ trong vòng 10 ngày qua đã có thêm 15.000 ca mắc mới và tăng 6 trường hợp tử vong so với 10 ngày trước đó.

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua (tính từ ngày 27/6 đến 1/7), trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 52 trường hợp mắc SXH tại 24 quận, huyện (tăng 2,3 lần so với tuần trước đó). Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, Hà Nội đã có 175 ca mắc SXH nhưng chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Tại miền Bắc, nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương... đã ghi nhận các ca SXH diễn biến nặng (sốt tăng nặng, kèm lên cơn co giật, cô đặc máu, có tràn dịch màng phổi...) có dịch tễ trở về từ các tỉnh phía Nam. Qua nhiều trường hợp SXH do có yếu tố dịch tễ từ miền Nam - nơi có dịch SXH đang lưu hành, các bác sĩ khuyến cáo người dân khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người... cần phải được đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm, chẩn đoán SXH kịp thời, tránh những biến chứng của SXH như sốc, suy đa tạng, chảy máu. Người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi cắn khi đi du lịch như mang theo kem chống muỗi, ngủ màn, tránh xa nơi có muỗi cắn để không bị nhiễm bệnh...

Tuần qua, thành phố cũng có thêm 139 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng gần 29% so với tuần trước đó). Cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, thành phố đã có 968 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng gấp 5,2 lần so với cùng kì năm 2021).

Để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH và tay chân miệng trong thời gian tới, theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, ngành Y tế thành phố tiếp tục tăng cường giám sát, điều tra xử lí kịp thời ca bệnh, ổ dịch SXH, tay chân miệng và các bệnh truyền nhiễm khác.

Cùng với đó, giám sát, đánh giá định kì các chỉ số côn trùng, giám sát vệ sinh môi trường tại khu vực ổ dịch cũ, ổ dịch phức tạp, từ đó phát hiện sớm, xử lí triệt để ổ dịch, không để dịch lây lan và bùng phát tại cộng đồng.

Bộ Y tế cho biết dịch SXH bùng phát trong bối cảnh COVID-19 khiến nhiều người nhầm lẫn và có tâm lí chủ quan, không đến cơ sở khám chữa bệnh ngay mà tự theo dõi. Khi đến cơ sở khám chữa bệnh thì bệnh đã chuyển nặng, khó khăn trong công tác điều trị. Cục trưởng Cục Quản lí Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê yêu cầu các cơ sở y tế đặc biệt là y tế tư nhân tuân thủ việc thu dung, điều trị người bệnh SXH theo phân độ tại Cẩm nang điều trị SXH.

Tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn bù dịch theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXH ban hành kèm theo Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22/8/2019, không truyền dịch khi chưa có chỉ định. Tuân thủ chỉ định chuyển từ dung dịch cao phân tử sang dung dịch điện giải khi người bệnh ra sốc theo hướng dẫn. Khi sử dụng dung dịch cao phân tử trên phải theo dõi sát tình trạng đáp ứng điều trị và phát hiện sớm các diễn biến để kịp thời hội chẩn khoa, hội chẩn bệnh viện hoặc hội chẩn tuyến trên", Cục trưởng Cục Quản lí Khám, chữa bệnh lưu ý. Đồng thời yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường việc theo dõi người bệnh SXH đang nằm nội trú trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời hoặc chuyển tuyến các ca bệnh SXH có diễn biến nặng lên. Ghi chép hồ sơ bệnh án đầy đủ, chi tiết.

Theo Tiền Phong


sốt xuất huyết


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.