28 tuổi đã mắc ung thư dạ dày, bác sĩ chỉ rõ việc cần phải làm ngay để phòng bệnh

Vì chủ quan với những triệu chứng như đi ngoài, đau bụng, không ít người đi khám phát hiện mắc ung thư đường tiêu hóa.

Bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa Nguyễn Thị Lan (hiện đang công tác tại một bệnh viện tư nhân ở Hà Nội) cho biết đa số bệnh nhân đến khám bệnh lý đường tiêu hóa khi xuất hiện một trong các dấu hiệu rất mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác khiến người bệnh chủ quan. Sau khi áp dụng các phương pháp thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhân mắc ung thư đường tiêu hóa.

Nhiều năm nay, bệnh nhân L. L. A (50 tuổi, ở Bắc Ninh) thỉnh thoảng xuất hiện đau bụng vùng hạ vị quặn từng cơn sau khi ăn đồ lạ. Ngoài ra, chị A. không có khó chịu gì khác như không nôn, không sốt, không gầy sụt cân. Đợt này, bệnh nhân thấy tần suất đau nhiều hơn nên đi khám, nội soi đại trực tràng phát hiện bị ung thư đại tràng ngang.

28 tuổi đã mắc ung thư dạ dày, bác sĩ chỉ rõ việc cần phải làm ngay để phòng bệnh-1
Các bác sĩ đang tiến hành nội soi tiêu hóa cho bệnh nhân.

Hay trường hợp bệnh nhân P.V.Đ (28 tuổi, ở Thanh Hóa) có tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh, gần đây bệnh nhân xuất hiện triệu chứng ợ hơi, ợ chua, đầy bụng, ăn uống kém. Vì vậy, bệnh nhân tự mua thuốc dạ dày về uống, tình trạng bệnh có đỡ nhưng không khỏi hẳn. Khi đến bệnh viện nội soi dạ dày, Đ. "ngã ngửa" khi phát hiện bị mắc ung thư dạ dày.

Bệnh nhân T.Đ.D (32 tuổi, ở Thái Bình) gần đây hay đau bụng, đi ngoài phân nhỏ dẹt, sụt cân. Đi khám bác sĩ chỉ định nội soi đại trực tràng, kết quả phát hiện ở đại tràng Sigma có tổn thương sùi loét lớn, bác sĩ nội soi nghĩ đến u ác tính nên sinh thiết tổn thương và cho làm mô bệnh học thì có kết luận khẳng định là ung thư tuyến biệt hóa.

Khi nhận được kết quả, anh D. vô cùng lo lắng khi tuổi còn trẻ, con còn nhỏ dại mà đã bị mắc ung thư ở giai đoạn tiến triển. Giá như anh phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm hơn thì mọi chuyện đã khác.

Hay trường hợp anh L.V.T (47 tuổi, Hải Phòng) đi khám vì vài tháng nay xuất hiện đại tiện phân nát có nhầy, kèm theo đau bụng âm ỉ vùng quanh rốn. Anh T. vô cùng bất ngờ khi có kết quả chẩn đoán ung thư đại tràng ngang nghi di căn gan.

28 tuổi đã mắc ung thư dạ dày, bác sĩ chỉ rõ việc cần phải làm ngay để phòng bệnh-2Hiện đang ngày càng nhiều người trẻ mắc ung thư đường tiêu hóa.

Phát hiện sớm điều trị có kết quả rất tốt

Bác sĩ Nguyễn Thị Lan cho biết trong quá trình khám bệnh có nhiều trường hợp phát hiện sớm ung thư, được điều trị kịp thời và cho kết quả rất tốt. Điển hình là bệnh nhân P.Đ.Đ (54 tuổi, Thanh Hóa) không có triệu chứng gì bất thường, chỉ đến kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm và được tư vấn nội soi dạ dày - đại trực tràng, sau đó kiểm tra phát hiện ra ở đại tràng trái có polyp lớn.

28 tuổi đã mắc ung thư dạ dày, bác sĩ chỉ rõ việc cần phải làm ngay để phòng bệnh-3

Ung thư đường tiêu hóa nếu phát hiện sớm và kịp thời sẽ điều trị khỏi.

Bác sĩ nội soi tiến hành cắt polyp qua nội soi và lấy bệnh phẩm làm mô bệnh học cho kết quả Loạn sản độ cao (tiền ung thư hay ung thư sớm). Rất may mắn, bác Đ. đã được phát hiện và cắt bỏ hoàn toàn tổn thương ở giai đoạn tiền ung thư, tránh trở thành ung thư tiến triển.

Hay như bệnh nhân Đ.G.O (45 tuổi, Hà Nội) cũng đến khám vì xuất hiện triệu chứng như một viêm dạ dày thông thường (đau bụng thượng vị, ợ hơi) nhưng khi nội soi dạ dày phát hiện thấy tổn thương loạn sản biểu mô ở góc bờ cong nhỏ dạ dày. Sau đó, bệnh nhân đã được tư vấn thực hiện can thiệp cắt hớt niêm mạc qua nội soi để loại bỏ hoàn toàn tổn thương tiền ung thư.

“Đây chỉ là hai trong số rất nhiều ca ung thư sớm đường tiêu hóa được bệnh viện phát hiện tình cờ khi nội soi dạ dày - đại trực tràng mà không có biểu hiện gì bất thường hoặc các triệu chứng ít, mơ hồ, dễ nhầm lẫn và bỏ sót. Điều này khẳng định vai trò quan trọng của việc nội soi dạ dày - đại trực tràng trong việc chẩn đoán sớm, cũng như sàng lọc ung thư sớm đường tiêu hóa”, bác sĩ Lan chia sẻ.

Những điều nên làm ngay để tránh nguy cơ mắc ung thư

Bằng kinh nghiệm trực tiếp thăm khám và chẩn đoán bệnh chính xác cho hàng ngàn ca, bác sĩ Lan khuyến cáo người dân nên làm ngay những điều sau để phòng tránh nguy cơ mắc ung thư như sau:

- Cần thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học như tăng cường ăn nhiều rau xanh, trái cây. Giảm chất béo. Hạn chế đồ chua cay nóng, chất kích thích, chiên rán nướng, đồ ăn công nghiệp, rượu bia. Bỏ thuốc lá.

28 tuổi đã mắc ung thư dạ dày, bác sĩ chỉ rõ việc cần phải làm ngay để phòng bệnh-4

Ăn nhiều rau xanh, chất xơ giúp phòng ung thư dạ dày.

- Xây dựng lối sống lành mạnh: Tập thể dục đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày.

- Cần đi khám ngay nếu xuất hiện các biểu hiện bất thường như: Chán ăn, đầy bụng, sụt cân không rõ nguyên nhân; Đại tiện phân nhỏ dẹt, phân máu, táo bón hoặc tiêu chảy, …

- Tầm soát ung thư đường tiêu hóa (dạ dày, đại trực tràng) định kỳ ở các cơ sở y tế uy tín, ngay cả khi cơ thể không xuất hiện các dấu hiệu nói trên. Đặc biệt, lưu ý là những người thuộc nhóm có nguy cơ cao như:

• Người trên 45 tuổi;

• Cá nhân hoặc người thân trong gia đình có tiền sử bệnh lý liên quan đến đường ruột, polyp đại trực tràng, ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày, …

• Người thường xuyên bị táo bón, đại tiện ra máu không rõ nguyên nhân;

• Người có lối sống ăn uống không lành mạnh, thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia, …

• Người có các bệnh liên quan đến tổn thương đường tiêu hóa: Viêm teo niêm mạc dạ dày, viêm loét đại trực tràng, bệnh Crohn, …

 “Công thức” phát hiện sớm bệnh đường tiêu hóa

Ung thư đường tiêu hóa là một trong những loại ung thư đường tiêu hóa hay gặp và bệnh có xu hướng ngày càng trẻ hóa, bệnh có tiên lượng tốt nếu phát hiện ở giai đoạn sớm hoặc các tổn thương tiền ung thư.

Theo đó, cơ hội sống cho bệnh nhân có thể kéo dài trên 10 năm trở lên, thậm chí là khỏi bệnh, nhưng nếu phát hiện muộn thì khả năng điều trị ít hiệu quả, tốn kém kinh phí và đau đớn cho bệnh nhân.

Do triệu chứng thường không có triệu chứng đặc hiệu ở giai đoạn sớm nên tầm soát định kỳ là việc làm khoa học giúp phát hiện sớm các bất thường.

Theo BS Lan, thông thường khi đi kiểm tra các bệnh đường tiêu hóa nói chung, ung thư dạ dày và đại trực tràng nói riêng, bệnh nhân được bác sĩ khám và chỉ định làm những danh mục sau:

-  Khám lâm sàng: Là những gợi ý ban đầu về tình trạng bệnh qua hỏi bệnh và thăm khám.

- Thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh:

+ Chụp X-quang: Là phương pháp chẩn đoán phổ biến, dễ làm, mất ít thời gian, nhưng khó phát hiện được các tổn thương tiền ung thư, có thể nhầm tổn thương khi chưa thụt sạch phân.

+ Chụp CT scanner, chụp MRI... để chẩn đoán giai đoạn bệnh hoặc ở các bệnh nhân chưa có điều kiện nội soi dạ dày - đại trực tràng (già yếu, suy kiệt…).

-  Nội soi: Là phương pháp cần thiết để chẩn đoán, phát hiện các khối u ở kích thước khoảng vài milimet hoặc các bất thường khác của dạ dày - đại tràng như polyp, túi thừa, các tổn thương viêm, loét…

- HP hơi thở: Tìm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) - một trong những nguyên nhân hay gây viêm niêm mạc dạ dày - tá tràng, viêm teo niêm mạc dạ dày, loét dạ dày - hành tá tràng, đặc biệt nghiêm trọng hơn có thể gây nên u lympho, ung thư dạ dày…

- Xét nghiệm:

+ Xét nghiệm máu ẩn trong phân (FOBT): Máu trong phân có thể do nhiều nguyên nhân như polyp, ung thư, viêm loét đại trực tràng, trĩ… Nếu xét nghiệm dương tính cần nội soi đại trực tràng bằng ống mềm để kiểm tra.

+ Xét nghiệm các dấu ấn ung thư: CEA, CA 19-9, CA 72-4, Pepsinogen….

+ Sinh thiết: Cần làm nếu quá trình nội soi thấy xuất hiện các tổn thương bất thường, việc làm sinh thiết có ý nghĩa để khẳng định chính xác tổn thương lành hay ác tính. 

 

Theo thoidaiplus

Xem link gốc Ẩn link gốc http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/28-tuoi-da-mac-ung-thu-da-day-bac-si-chi-ro-viec-can-phai-lam-ngay-de-phong-benh-d5120201591020834.html

ung thư dạ dày


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.