6 người mang máu hiếm lên Bệnh viện Chợ Rẫy cứu một bệnh nhân nước ngoài

Một người đàn ông nước ngoài cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) với nguy cơ xuất huyết não. Do mang nhóm máu hiếm, việc truyền tiểu cầu để cứu sống người bệnh đã gặp thách thức.

Ngày 24/3, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết nơi đây đã khởi động quy trình khẩn cấp, tìm kiếm nguồn máu hiếm kịp thời cứu sống một bệnh nhân.

Theo đó, ông A.P. 64 tuổi, quốc tịch Anh, được chuyển đến cấp cứu ngày 17/3 trong tình trạng chảy máu răng, máu mũi, bầm da dạng chấm, xuất huyết hai chân. Ê-kíp điều trị nhận định đây là trường hợp bị giảm tiểu cầu miễn dịch trên nền bệnh tăng huyết áp, nguy cơ xuất huyết não do thông số xét nghiệm tiểu cầu rất thấp, chỉ đạt 1.0 G/L, cần được truyền khẩn chế phẩm tiểu cầu.

Tuy nhiên, ông P. có nhóm máu O RH- (chỉ chiếm khoảng 0,1% dân số Việt Nam). Kho dự trữ của Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy khi đó cũng vừa hết chế phẩm tiểu cầu nhóm O RH-. Việc lựa chọn khối tiểu cầu phù hợp khá khó khăn.

Trước tình trạng nguy cấp của bệnh nhân, Trung tâm Truyền máu của Bệnh viện Chợ Rẫy đã khởi động quy trình khẩn cấp, nhanh chóng liên lạc với Câu lạc bộ máu hiếm TP.HCM (thuộc Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM) và Câu lạc bộ nhóm máu hiếm miền Nam.

    6 người mang máu hiếm lên Bệnh viện Chợ Rẫy cứu một bệnh nhân nước ngoài-1
6 người mang máu hiếm lên Bệnh viện Chợ Rẫy cứu một bệnh nhân nước ngoài-2

Bệnh nhân đã được cứu sống kịp thời nhờ nguồn máu quý giá từ những người mang dòng máu hiếm. Ảnh: BVCC

Ngay sau đó, 6 thành viên của hai câu lạc bộ đã không ngần ngại đường xa, bỏ dở công việc để gấp rút đến Bệnh viện Chợ Rẫy chung tay cứu người bệnh. Có người từ huyện ngoại thành xa xôi như Củ Chi (TP.HCM) hoặc tỉnh Đồng Nai cũng gác lại việc của mình và có mặt sớm nhất.

Kết thúc quá trình sàng lọc, 3 thành viên phù hợp để hiến tiểu cầu là anh Nguyễn Văn Bao, chị Lê Thị Mít, chị Nguyễn Thị Thúy (đều ở TP.HCM).

Sau gần 10 tiếng triển khai quy trình báo động đỏ (từ 8h đến 17h30), 3 chế phẩm tiểu cầu nhóm O RH- đạt tiêu chuẩn đã được sản xuất và truyền an toàn cho bệnh nhân. Ông P. được cứu sống.

Đến ngày 23/3, bệnh nhân đã xuất viện trong tình trạng ổn định. "Cảm ơn những người hiến tiểu cầu cũng như đội ngũ nhân viên y tế đã kịp thời cứu giúp tôi có được sự khỏe mạnh như ngày hôm nay”, ông P. chia sẻ.

Bệnh viện Chợ Rẫy cũng gửi lời cảm ơn những tình nguyện viên trong các câu lạc bộ nhóm máu hiếm đã ưu tiên việc cứu người lên hàng đầu, chung tay cùng nhân viên y tế giữ được tính mạng bệnh nhân. 

Tiểu cầu là tế bào nhỏ nhất trong máu, có nhiệm vụ làm đông cầm máu. Người bình thường có khoảng 150.000 - 300.000 tiểu cầu trong mỗi mm3 máu. Tiểu cầu có đời sống trung bình từ 3 - 5 ngày.

Người hiến cần khám và làm xét nghiệm máu trước khi hiến tiểu cầu. Quy trình hiến tiểu cầu rất chặt chẽ. Người bệnh được lấy máu, máu được đưa trực tiếp vào máy chiết tách tế bào. Máy chiết tách tế bào sẽ ly tâm, tách và giữ lại thành phần tiểu cầu. Sau đó, máy truyền trả lại những thành phần khác như hồng cầu, bạch cầu, huyết tương cho người hiến. Thời gian hiến kéo dài khoảng 60 - 80 phút.

Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/nhieu-nguoi-mang-mau-hiem-len-benh-vien-cho-ray-cuu-song-mot-nguoi-nuoc-ngoai-2263035.html

xuất huyết não


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.