Theo quy luật ngũ hành, mùa hè thuộc hỏa. Trời nắng gắt oi nồng làm cho cơ thể mệt mỏi, ăn không ngon miệng, ngủ khó. Tân dịch hao tổn do mất nước nên cơ thể uể oải. Chính vì vậy, vào những ngày hè, người xưa đã biết chọn những loại thực phẩm mang tính hàn, lạnh, có công dụng thanh nhiệt, giải thử, sinh tân chỉ khát và bổ dưỡng âm khí để giúp cơ thể thêm khỏe mạnh.

Đông y quan niệm nhiệt trong người phát sinh do rối loạn điều hòa hoạt động của các tạng, phủ trong cơ thể, nhất là 2 trạng thái tâm và tỳ. Hỏa độc, nhiệt độc (do ăn nhiều đồ cay nóng, nhiều chất béo, ngọt) bốc lên sinh lở loét, đau nóng rát. Phương pháp chữa trị là thanh nhiệt giải độc, dưỡng âm, lương huyết.

Đậu xanh vị ngọt mát, có tác dụng giải nóng, tiêu khát, trừ bỏ phù thũng, lợi tiểu, chữa lở loét... Món mà người xưa hay dùng để giải nhiệt là nấu đậu xanh xay cả vỏ cùng gạo. Đây là món ăn rất tốt cho mùa hè.

(Ảnh minh họa)

Canh đậu xanh non và ngọn đậu xạnh luộc chấm muối vừng cũng có chức năng trị tiêu khát, uống nhiều nước, giải độc, nóng, lợi tiểu, thanh nhiệt, hạ khí. Ngoài ra, đậu xanh nấu chung với đậu đen, đậu đỏ, cam thảo ăn cả bã lẫn nước trong vòng 7 ngày sẽ phòng được các chứng bệnh mùa hè.

Theo Nam dược thần liệu, đậu đen có vị ngọt, tính hàn, bổ thận, bổ gan, trị thiếu máu. Đậu đen trị được nhiều bệnh cho mùa hè như trừ phong nhiệt, giải độc, giải nhiệt và dùng làm thuốc bổ dưỡng. Món ăn giải nhiệt rất tốt trong tiết hạ là cháo đậu đen hầm gà ác. Đây là món ăn lợi tiểu, giải nhiệt rất tốt, thích hợp với mọi lứa tuổi. Các loại canh chua có nhiều nước được chế biến đơn giản và có tác dụng làm mát như: canh cua, hến, thịt nạc nấu chua... rất thích hợp cho việc giải nhiệt trong mùa hè. Bởi trong các loại canh chua thường có cà chua, me... Mà theo Đông y, cà chua tính hơi hàn, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát máu, bình can, chống nóng, giải khát...

Mướp đắng (khổ qua) mang vị đắng, tính hàn, có tác dụng sáng mắt, trừ khát, giải nhiệt, bổ khí, hoạt huyết. Mướp đắng dùng làm thức ăn mùa hè rất phù hộp. Món mướp đắng xào thịt bò, mướp đắng nấu canh xương, mướp đắng nhồi thịt hấp... rất tốt khi dùng để giải nhiệt. Ngoài ra, mướp đắng phơi khô dùng thay trà có tác dụng thanh nhiệt.

Đu đủ là loại trái câu đứng đầu trong danh sách các vị thuốc tốt giúp cơ thể giải nhiệt. Theo quan niệm của Đông y, mộc qua (tức đu đủ) có tính hàn, vị ngọt, thanh nhiệt, bổ tỳ. Ăn vào mùa nào cũng tốt.

Ngoài món đu đủ chín, đu đủ hầm đường phèn cũng được người xưa "chuộng" làm thuốc giải nhiệt. Món ăn này nếu ăn thường xuyên vào mùa xuân, hè có tác dụng thanh tâm, nhuận phế, giải nhiệt, giải độc... Nếu ăn vào mùa thu, đông lại có tác dụng nhuận táo, ấm dạ dày, bổ tì vị, dưỡng gan, nhuận phổi... Cách chế biến rất đơn giản. Đu đủ chín gọt bỏ vỏ, thái miếng rồi cho vào bát to chưng cách thủy với đường phèn.

Dưa hấu được coi là "vua các trái cây" trong mùa hè (hạ quý thủy quả chi vương). Người xua có câu: "Nhiệt thiên lưỡng khảm qua, dược bất dụng qua" (trời nóng ăn hai quả dưa, không cần phải uống thuốc).

Ngày nay, dưa hấu có thể chế biến thành nhiều món như dưa hấu nướng, salad dưa hấu, carry dưa hấu... nhưng ngày xưa thì dưa hấu chỉ ăn tươi. Nhiều nơi, đặc biệt là ở miền Nam, còn ăn dưa hấu với cơm - một sự kết hợp đầy ngẫu hứng tạo nên một món ăn có phong vị độc đáo.

Họ hàng với dưa hấu là dưa chuột cũng có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, dùng chữa các chứng bệnh do nhiệt gây nên như kiết lỵ... Ngoài việc thái nhỏ ăn ghém cùng rau sống, dưa chuột xào, nấu canh... sẽ giúp cơ thể hạn chế bệnh mất nước mà theo quan niệm của y học hiện đại là nhờ có muối khoáng và vitamin C.

Các sách y xưa ghi rằng dừa có tác dụng thanh nhiệt. Cơm dừa có vị ngọt, tính bình. Nước dừa có vị ngọt, tính ấm, đi vào hai kinh phế và có tác dụng thanh thử giải nhiệt, sinh tân lợi niệu (tạo thể dịch và lợi tiểu), chủ trị các chứng phiền khát do nắng nóng; tiêu chảy mất nước; phù thũng, tiểu ít...

Cơm dừa bổ tỳ ích vị ( điều chỉnh chức năng tiêu hóa), sát trùng tiêm cam tích, chủ trị các chứng bệnh giun lãi và bệnh cam tích trẻ em, mặt vàng thân gầy, chán ăn.

Đậu phụ (đậu hủ) có vị ngọt, mát có tác dụng thanh nhiệt, nhuận táo, bổ trung, giải độc và sinh nước bọt. Theo quan niệm của Đông y, trời nóng thuộc về thứ tà. Đây là một trong những lục tà (hay còn gọi là lục dâm) khiến người ta dễ suy kiệt. Để khắc trị lục tà này dân gian hay dùng đậu hủ tươi nấu với lá hẹ. Món này có tác dụng mát cho phổi, giải độc cho cơ thể, bổ dưỡng.

Ngoài ra ăn đậu phu kho nghệ, đậu phụ nấu canh rau dền, đậu phụ kho cá trạch... cũng có tác dụng tương tự.

Chanh tươi tính bình, có tác dụng sinh tân, chỉ khát, thanh nhiệt, an thai, khai vị, tiêu thực. Những người máu nhiệt, hay rối loạn tiêu hóa, chán ăn miệng nhạt, không tiêu... nên dùng chanh ngậm với muối.

Trai hàu có tính hàn, giúp bổ âm, giải độc, thanh nhiệt. Ăn nhiều thịt trai cả nam phụ lão ấu đều chữa trị được chứng nhiệt hỏa. Không chỉ giúp giải nhiệt, các món ăn từ trai còn chữa mồ hôi trộm cho trẻ em, chữa yếu sinh lý cho nam giới.

Chỉ cần luộc trai chín, thái nhỏ, ướp gia vị rồi xào với hành phi. Lọc nước luộc trai, đun sôi rồi cho trai đã xào vào cùng hành, rau răm đảo đều, ăn cùng với cơm.

Theo Văn Nguyên