Bà mẹ có dáng người mi nhon sở hữu cả tủ cấp đông sữa mẹ

Theo bà mẹ nhỏ nhắn này, điều quan trọng nhất để có đủ sữa mẹ cho con bú không phải là do cơ địa, cũng không phải phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng, cách kích sữa... mà chủ yếu là vấn đề tâm lý.

Theo bà mẹ nhỏ nhắn này, điều quan trọng nhất để có đủ sữa mẹ cho con bú không phải là do cơ địa, cũng không phải phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng, cách kích sữa... mà chủ yếu là vấn đề tâm lý.

Theo chị Phan Ly (hiện đang sinh sống tại Hà Đông, Hà Nội), mẹ của bé Nguyễn Phan (tên thường gọi ở nhà là Cốc), người mẹ nào cũng có đủ sữa để nuôi con bằng sữa mẹ. Không có chuyện thiếu sữa mà chỉ là ít sữa hay nhiều sữa mà thôi. Điều quan trọng nhất đối với một người mẹ muốn nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn, không phải là do cơ địa, cũng không phải phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng, cách kích sữa... mà chủ yếu là vấn đề tâm lý. 

Cùng trò chuyện với chị Phan Ly để lắng nghe chị chia sẻ một vài bí quyết giúp các mẹ có nguồn sữa dồi dào cho con. 

Bức ảnh chồng bạn chụp một nửa số sữa trữ đông đã gây choáng cho không ít mẹ vì trông chẳng khác nào "đại lý trữ sữa". Hiện tại lượng sữa mỗi ngày bạn hút được là bao nhiêu?

- Mình cho con bú khá nhiều lần trong ngày, mỗi lần con bú theo nhu cầu nên mình khó tính được lượng sữa chính xác cơ thể sản xuất ra là bao nhiêu. Nhưng hiện tại, mình đã đi làm được 2 tuần thì mỗi ngày vẫn hút được khoảng 1 lít sữa. Đây không phải lượng sữa nhiều nhất từ lúc sinh tới giờ. Công việc liên quan đến tiếp xúc khách hàng nên mình không có nhiều thời gian để hút sữa như trước nữa. Trước khi đi làm, có ngày ngoài cho con bú mình trữ đông được 2 lít sữa.

Sữa trữ đông
Đây chỉ là một nửa số sữa trữ đông của chị Phan Ly. 

Bạn có nhiều sữa ngay từ sau sinh hay phải áp dụng các biện pháp kích sữa?

- Lúc mới sinh, mình cũng giống như các mẹ khác, chỉ có chút sữa non thôi. Sau này sữa về nhiều hơn, vượt quá cả nhu cầu ăn của con là do mình có sử dụng chiêu kích sữa bằng máu hút sữa.

Trước khi sinh, mình có tham gia một số lớp học tiền sản và nhờ đó, mình được bác sĩ hướng dẫn là nên áp dụng việc hút sữa, kích sữa khoảng 6 tuần sau khi sinh, không nên áp dụng sớm. Bởi lẽ, ở những tuần đầu tiên, nhu cầu ăn của con ít (vì dạ dày bé còn rất nhỏ, chỉ bằng hòn bi rồi lớn dần bằng quả trứng...) mà mẹ sử dụng máy hút sữa sẽ kích thích sữa về nhiều hơn nhu cầu ăn của con. Sữa về mà con không ăn hết, mẹ không hút thì dễ bị tắc sữa. Các mẹ dành quá nhiều thời gian cho con bú, hút sữa sẽ ít có thời gian nghỉ ngơi dễ gây mệt mỏi.

Trước khi hút sữa hoặc cho con bú, mình thường uống 1 cốc nước hoặc sữa ấm, việc này kích thích sữa về rất nhanh.

Từ kinh nghiệm bản thân, mình thấy điều quan trọng nhất trong kích sữa là phải kiên trì. Ví dụ khi hút sữa thì cữ sữa về là 15 phút một lần, nhiều mẹ hút đến phút thứ 14, mất kiên nhẫn và chờ mãi không thấy sữa về nên lại ngừng. Điều này làm các mẹ vừa mệt mỏi, vừa hoang mang lại khiến lượng sữa không về nhiều như mong đợi.

Để cho con bú, hút sữa được hiệu quả, ngoài các kiến thức cơ bản trên thì tâm lý người mẹ phải thoải mái. Cần phải tự tin mình đủ hoặc thừa sữa cho con. Mẹ phải ngủ đủ, tránh stress. Điều này cực kỳ quan trọng trong việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Chế độ ăn uống của bạn khi nuôi con nhỏ như thế nào để đảm bảo nguồn sữa dồi dào nhất cho con?

- Mình thấy nhiều gia đình sau sinh, các mẹ bị ép ăn kiêng khem rất kỹ như chỉ ăn mãi thịt nạc, rau ngót, chân giò... các loại cá tuyệt nhiên không được ăn. Mình thì không kiêng như vậy. Chế độ ăn uống của mình sau sinh đa dạng như trước khi sinh, chỉ hạn chế dầu mỡ. Ngoài ra, mình ăn thêm các bữa phụ như uống thêm sữa, ăn hoa quả. Mình nói không với món cháo móng giò thần thánh mà nhiều mẹ thường ăn sau sinh, vì mình nghĩ món này rất dễ gây tắc sữa. Những đồ cay nóng và đồ biển có chứa hàm lượng thủy ngân cao mình cũng không ăn.

Chế độ ăn uống đa dạng là để đảm bảo chất lượng nguồn sữa cho con và sức khỏe cho mẹ. Còn một bí quyết khác nhằm kích thích nguồn sữa về dồi dào cho con đó là mình chú trọng bổ sung nước cho cơ thể. Hàng ngày, ngoài lượng nước mình vẫn duy trì như trước khi cho con bú, mình còn bổ sung thêm lượng nước bằng lượng sữa đã hút ra.

Với lượng sữa dư thừa, bạn bảo quản như thế nào?

- Mình thường bảo quản bằng túi trữ sữa chuyên dụng và cất vào tủ đông. Ban đầu mình trữ trong tủ lạnh gia đình nhưng sau lượng sữa nhiều quá, lại không đảm bảo vệ sinh nên nhà mình mua lại 1 chiếc tủ cấp đông để bảo quản riêng.

Mình dành 1 phần sữa trữ đông để khi đi làm hoặc bận không cho con bú trực tiếp được thì người nhà có thể rã đông cho con bú bình. Một phần còn lại mình đem tặng. Hiện mình đang tặng sữa cố định cho 1 chị điều trị basedow không thể cho con bú và cho một nhóm các mẹ xin sữa về cho các bé bị bỏ rơi.

Từ trải nghiệm của bản thân, bạn thấy điều gì quan trọng nhất khi muốn nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn?

- Nuôi con bằng sữa mẹ rất dễ, dễ là mẹ nào cũng có đủ hoặc thừa sữa cho con. Còn khó là sự quyết tâm. Nếu không vượt qua được tâm lý "Liệu mình có đủ sữa cho con ăn không?", không vượt qua được áp lực từ những người xung quanh về chuyện cho ăn sữa ngoài, không vượt qua được mệt mỏi, stress để cho con bú và hút sữa thường xuyên… Vì vậy, mình thấy quyết tâm là quan trọng nhất, nếu không kiên định thì không thể làm được.

Sữa trữ đông
Bé Cốc trong chuyến du lịch lần đầu tiên cùng ba mẹ.

Chồng bạn có vai trò gì trong việc giúp đỡ vợ có đủ sữa cho con bú?

- Rất may mắn là mình luôn có chồng đồng hành từ ngay giai đoạn mang bầu. Anh ấy cùng mình tham gia tất cả các lớp học tiền sản mà mình đăng ký nên cả 2 vợ chồng đều hiểu tầm quan trọng và cách nuôi con bằng sữa mẹ. Ngay sau khi sinh, các công việc nhà như cơm nước, giặt giũ, dọn dẹp… chồng mình đảm nhận hết, còn mình thì dành thời gian để chăm sóc con.

Ngoài ra chồng mình còn là người đấu tranh cùng mình trong việc cho bé ăn dặm sớm... Nhờ đó, mình luôn có tâm lý thoải mái và yên tâm hơn trong việc nuôi và chăm sóc con.

Từ lúc con ra đời đến nay, bạn có gặp khó khăn gì trong việc chăm sóc và nuôi con?

- Do mình sinh con đầu lòng nên rất nhiều thứ bỡ ngỡ, gần như tất cả mọi thứ xảy ra với con, mình đều lúng túng cả. Nhưng những thứ này có thể xử lý được vì mình đã nắm được các kiến thức cơ bản ở các lớp tiền sản, rồi các tài liệu tham khảo trên mạng hay kinh nghiệm chia sẻ thực tế của các mẹ khác.

Điều khó khăn nhất đó là làm sao để thuyết phục người thân có thể hiểu được cách nuôi con mà hai vợ chồng mình đang áp dụng hiện nay. Ví dụ như chuyện khi con mới sinh thì 72h giờ đầu con chưa cần ăn mà chỉ cần tráng dạ dày bằng sữa non của mẹ. Đa số mọi người trong gia đình đều yêu cầu cho con ăn ngay sữa ngoài sau khi sinh. Khi vợ chồng mình phản đối thì mọi người nói con đói nên con mới khóc, mà không hiểu rằng khi con chào đời, con khóc vì cảm thấy lạ với môi trường bên ngoài.

Bạn dự định khi nào sẽ cai sữa cho con?

- Hiện tại, Cốc còn rất nhỏ nên mình chưa có ý định cai sữa cho con, vấn đề này là con quyết định. Mình sẽ cho con bú đến chừng nào con từ chối mới thôi.

Việc nuôi con bằng sữa mẹ đã tác động thế nào đến cân nặng của bạn sau khi sinh?

- Nó chính là "thần dược" giảm cân sau sinh đấy. Lúc chuẩn bị sinh, mình nặng tới gần 70kg, nhưng hiện tại, mình đã giảm và ổn định ở mức trước khi mang bầu. Mình thấy càng cho con bú và càng hút sữa nhiều thì cân nặng càng giảm nhanh. 

Xin cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện. Chúc vợ chồng bạn và bé Cốc luôn mạnh khỏe, hạnh phúc!

Theo Trí thức trẻ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.