Bác sĩ kê đơn trị cúm A dù bệnh nhi test âm tính

Bệnh nhi được bác sĩ ở phòng khám kết luận mắc cúm A và kê đơn điều trị bao gồm thuốc Tamiflu. Song khi mẹ bệnh nhi cho con đến viện, kết quả hoàn toàn trái ngược.

Mới đây, phản ánh trên mạng xã hội, chị P.K.O. (29 tuổi, Ninh Bình) thể hiện sự bức xúc khi đưa con đi khám tại một phòng khám tư ở Ninh Bình.

Chia sẻ với Zing, chị O. cho biết con trai chị hiện 5 tuổi. Bé rất hay ốm nhưng mỗi lần lại do một loại vi khuẩn, virus khác nhau.

"Gần đây, bé có biểu hiện sốt, ho nên tôi đưa đi kiểm tra tại một phòng khám gần nhà. Tại đây, bác sĩ không cho bé xét nghiệm nhưng đã kê đơn thuốc điều trị cúm A. Nghi ngờ không chính xác nên tôi chưa cho con dùng đơn thuốc này", chị kể.

Sau đó, chị đã đưa con đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội. Kết quả xét nghiệm cho thấy bé không bị cúm A.

Qua câu chuyện của mình, chị O. bày tỏ lo ngại về việc bác sĩ kê đơn không đúng bệnh sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của con. Đồng thời, chị cũng khuyến cáo hiện trên mạng xã hội, khá nhiều bà mẹ chủ quan, xin đơn thuốc của bé khác khi có biểu hiện ốm tương tự để uống. Trong khi đó, mỗi bé một tình trạng và cần khám kỹ lưỡng mới phát hiện được bệnh.

Không cho trẻ dùng thuốc khi chưa chắc chắn mắc bệnh

Theo TS.DS Phạm Đức Hùng, Bệnh viện Nhi Cincinnati, Ohio, Mỹ, phòng khám trên có quy trình khám chữa bệnh thiếu y đức. Trẻ chưa có kết quả xét nghiệm mắc cúm A đã sử dụng thuốc điều trị dễ gặp nhiều tác dụng phụ.

Bác sĩ kê đơn trị cúm A dù bệnh nhi test âm tính-1
Trẻ được kê đơn thuốc có Tamiflu khi chưa có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A. Ảnh: NVCC.

Các tác dụng phụ thường gặp khi dùng Tamiflu là buồn nôn, nôn, nhức đầu, đỏ mắt, ho, vấn đề hô hấp, tăng tổn thương thận ở những người có bệnh thận. Ông nhấn mạnh tác dụng phụ đáng sợ nhất là rối loạn tâm thần, thay đổi tâm trạng thất thường (hiếm gặp).

"Khi mắc cúm A, trẻ chủ yếu điều trị triệu chứng như hạ sốt, nghỉ ngơi, ăn uống, bổ sung điện giải, vitamin C, vệ sinh mũi họng... Ngoài ra, trẻ cũng cần hạn tiếp xúc với các trẻ khác hoặc những người có cơ địa suy giảm miễn dịch" TS Hùng cho hay.

Bác sĩ Nguyễn Đình Tỉnh, giảng viên bộ môn Nhi, khoa Y học lâm sàng, Đại học Y tế Công cộng, cho biết việc lạm dụng chỉ định kê Tamiflu khi chưa có bằng chứng rõ ràng không được khuyến cáo. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu bác sĩ nghi ngờ trẻ có nguồn lây nhiễm và nhận thấy vấn đề sử dụng thuốc mang lại nhiều lợi ích rõ ràng cho trẻ hơn là tác dụng phụ của thuốc có thể cân nhắc dùng.

"Rất nhiều trường hợp cả gia đình mắc cúm, 5 người mắc nhưng khi test thì chỉ 2, 3 người dương tính. Những triệu chứng cúm rất rõ ràng thì vẫn có thể cân nhắc dùng", bác sĩ Tỉnh lấy ví dụ.

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh trường hợp không bị cúm A nhưng vẫn chỉ định dùng thuốc, khi trẻ mắc bệnh, sử dụng lại những loại thuốc này có nguy cơ gặp tác dụng phụ lần 2.

Đồng quan điểm, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho rằng ngoài nguy cơ gặp tác dụng phụ, sử dụng Tamiflu khi chưa mắc bệnh còn gây tốn kém cho phụ huynh vì thuốc hiện khá đắt. Bên cạnh đó, chưa xét nghiệm dương tính với cúm A, bác sĩ đã kê đơn thuốc có Tamiflu là không phù hợp.

"Thị trường hiện có nhiều thuốc Tamiflu là hàng xách tay, không rõ nguồn gốc, người dân dễ dàng mua được để sử dụng. Điều này có thấy quy định còn lỏng lẻo, không xử lý được những người bán thuốc xách tay. Bên cạnh đó, dân trí không cao, không có hiểu biết về bệnh, dùng thuốc mù quáng, sẵn sàng dùng theo đơn thuốc của người khác. Những điều này có thể gây ra nhiều hậu quả khôn lường", bác sĩ Thái nói.

Triệu chứng cúm A dễ nhầm lẫn

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Tỉnh, triệu chứng của bệnh cúm A rất dễ nhầm lẫn. Trong khi đó, hiện nay tại nước ta có nhiều dịch cùng lưu hành như Covid-19, sốt xuất huyết, chân tay miệng, cúm A... Không ít trường hợp nghi mắc cúm A nhưng khi xét nghiệm lại dương tính với Covid-19.

Các bệnh này đều có triệu chứng chung là sốt, việc phân biệt cần dựa trên triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng.

Triệu chứng ban đầu của bệnh nhân nhiễm cúm A tương tự những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do tác nhân khác, đó là sốt, viêm long đường hô hấp (như ho, hắt hơi, sổ mũi), đau họng…

Tuy nhiên, ngoài các triệu chứng ban đầu, bệnh nhân mắc cúm A thường sốt cao 39-40 độ C, da sung huyết, họng đỏ sung huyết toàn bộ. Đối với trẻ em còn có mệt mỏi, ăn kém, quấy khóc, các trường hợp nặng có thể có khó thở và biến chứng khác.

Bác sĩ kê đơn trị cúm A dù bệnh nhi test âm tính-2
Một bệnh nhi được điều trị cúm mùa tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Thạch Thảo.

Bác sĩ Hà Thị Duyên, khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh, khuyến cáo để phòng tránh cúm A, phụ huynh nên tiêm vaccine phòng cúm hàng năm cho con trước hai tuần đến một tháng trước thời điểm dịch cúm diễn ra (tháng 3, 4, 9, 10 trong năm).

Khi trẻ có dấu hiệu nặng như tiêu chảy, sốt cao, li bì, ăn uống kém, nôn, bé cần phải nhập viện điều trị. Cha mẹ cũng cần cho trẻ ăn uống lành mạnh, nâng cao sức đề kháng, tránh tập trung đông người khi đang có dịch cúm.

Cúm A thường lây lan với tốc độ nhanh, đặc biệt đối với người lớn và trẻ nhỏ chưa được tiêm vaccine phòng bệnh. Trước tình trạng bệnh nhân cúm tăng bất thường, người dân cần thực hiện đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng, nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng phòng bệnh.

Bạn nên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. Đặc biệt, người dân nên tiêm vaccine cúm mùa là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/bac-si-ke-don-tri-cum-a-du-benh-nhi-test-am-tinh-post1340021.html

cúm A


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.