Băng huyết sau sinh khó lường, có thể tử vong sau 30 phút

Khi bị băng huyết ồ ạt, nếu không cấp cứu kịp thời sản phụ có thể bị suy hô hấp, suy tim và có thể tử vong sau 30 phút.

Trường hợp sản phụ 24 tuổi ở Hà Nội tử vong sau 2 ngày sinh thường tại Bệnh viện Việt Pháp vẫn đang chờ kết luận cuối cùng từ hội đồng chuyên môn. Tuy nhiên theo nhận định ban đầu, nguyên nhân tử vong nghĩ nhiều đến băng huyết nghĩ do rối loạn đông máu, suy đa phủ tạng.

Băng huyết trong sản khoa rất phổ biến, vậy biến chứng này nguy hiểm như thế nào?

PGS.TS Phạm Bá Nha, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, băng huyết chính là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở sản phụ. Tại Việt Nam, tỉ lệ bị băng huyết khi sinh chiếm 3-8% tính chung các tuyến.

Riêng tại Bệnh viện Bạch, tỉ lệ này khoảng 1% trên tổng số hơn 7.000 ca đỡ đẻ mỗi năm.

PGS Nha cho biết, băng huyết sau sinh có nhiều nguyên nhân, trong đó đờ tử cung chiếm tới 80%, ngoài ra do tổn thương sinh dục, rối loạn đông máu… Chỉ khi xác định chính xác căn nguyên mới có thể điều trị triệt để.

Băng huyết sau sinh khó lường, có thể tử vong sau 30 phút-1

Các bác sĩ Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh An Giang cấp cứu cho một trường hợp bị băng huyết sau sinh. Ảnh: TTXVN

Trong đó băng huyết do rối loạn đông máu cũng có thể do bệnh sẵn có như mắc bệnh lý máu khó đông Hemophilia, điều trị thuốc kháng đông, xuất huyết giảm tiểu cầu… hoặc rối loạn do bị chảy máu quá nhiều.

Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Bạch Mai cho biết thêm, xuất huyết sau sinh có thể ồ ạt hoặc từ từ, do đó nhân viên y tế phải theo dõi rất sát sản phụ sau sinh.

“Nếu xuất huyết ồ ạt không được phát hiện, sản phụ đã có thể tử vong do tụt huyết áp dẫn tới ngừng tim”, PGS Nha thông tin.

Các trường khác nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ rơi vào suy hô hấp, suy tim, ngừng tim, thiếu oxy các phủ tạng như thận, não, gan… gây suy đa phủ tạng. Trong đó nghiêm trọng nhất là thiếu oxy đến não gây chết não, thiếu oxy đến tim gây suy tim.

Thông thường để đảm bảo cuộc đẻ an toàn, các cơ sở y tế đều cẩn trọng khám sức khoẻ cho thai phụ, sàng lọc các bệnh nền nếu có, kiểm tra sức khoẻ tim, phổi thận…, xét nghiệm máu để phát hiện bất thường.

Các trường hợp khi theo dõi thai nghén có các yếu tố nguy cơ cần được khám và làm các xét nghiệm thăm dò kĩ để loại trừ bệnh lý. Đồng thời khi chuyển dạ, nhân viên y tế cần theo dõi sát sản phụ, xử trí nhanh và tích cực trong chuyển dạ góp phần giảm tai biến.

Như đờ tử cung cũng không thể biết trước. Song PGS Nha chia sẻ, những bác sĩ sản khoa có tay nghề và kinh nghiệm có thể xác định được các trường hợp có nguy cơ đờ tử cung cao như thai to, đa ối, tử cung to, chuyển dạ kéo dài. Từ đó có sự chuẩn bị sớm cho cuộc đẻ.

Khi sản phụ bị băng huyết, tùy nguyên nhân sẽ có nhiều hướng xử lý như dùng thuốc, truyền máu, can thiệp phẫu thuật thắt động mạch chậu, cắt tử cung… để cầm máu.

Nguyên tắc là xử lý nhanh, tránh để bệnh nhân tụt huyết áp và chú ý bù máu đủ. Nếu bệnh nhân qua cơn nguy kịch, gần như hồi phục hoàn toàn. Trường hợp cấp cứu muộn, bệnh nhân sẽ tử vong hoặc sống thực vật.

Sau can thiệp phẫu thuật, sản phụ cần được theo dõi sát trong 1 tuần đầu tiên để tránh biến chứng.

Ngoài băng huyết, PGS Nha cũng lưu ý biến chứng tắc mạch như tắc mạch phổi, tắc mạch não, tắc mạch ối khi sinh cũng rất nguy hiểm, vài năm trở lại đây, tỉ lệ biến chứng này ngày càng nhiều.

 

Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/bang-huyet-sau-sinh-kho-luong-co-the-tu-vong-sau-30-phut-686428.html

sản phụ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.