Bé gái 15 tháng tuổi tử vong thương tâm do bị rắn hoa cổ đỏ cắn khi đang chơi ở sân nhà

Bé gái 15 tháng tuổi bị rắn hoa cổ đỏ cắn, cầm máu bằng cách nào cũng không được và tử vong thương tâm dù được đưa lên tuyến trên điều trị tích cực.

Ngày 6/4, bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, vừa qua nơi đây vừa tiếp nhận một trường hợp tử vong rất thương tâm vì bị rắn cắn.

Bệnh nhi là bé N.T.N.T. (15 tháng tuổi, ngụ Tiền Giang), được chuyển từ BV tuyến tỉnh đến với một vết thương trên tay phải băng ép vì không thể cầm máu được.

Khai thác bệnh sử, gia đình cho biết trong lúc bé đang chơi ngoài sân thì bị rắn cắn ở cẳng tay. Dù người nhà đã đắp lá thuốc lên tay nhưng máu vẫn không ngừng chảy nên bé được chuyển vào BV tỉnh.

Tại BV đa khoa Tiền Giang bé đã bị rối loạn đông máu, phải dùng thuốc chống lại tình trạng này. Các bác sĩ đã tiêm 4 lọ huyết thanh kháng nọc độc rắn lục tre nhưng không hiệu quả. Trước tình trạng ngày càng nặng, bé được băng ép tạm ở vết thương và chuyển gấp lên TP.HCM.

Tại khoa Cấp cứu BV Nhi đồng 1 sau khi thăm khám và đối chiếu vết thương với hình ảnh người nhà cung cấp, các bác sĩ phát hiện loại rắn bé bị cắn không phải rắn lục tre mà có tên là rắn hoa cổ đỏ. Điều đau lòng là hiện tại chưa có huyết thanh kháng nọc rắn này.

Bé gái 15 tháng tuổi tử vong thương tâm do bị rắn hoa cổ đỏ cắn khi đang chơi ở sân nhà-1
Rắn hoa cổ đỏ được mệnh danh là nữ hoàng bóng đêm. (Ảnh: iwthanoi.vn)

Dù các bác sĩ đã liên hệ khắp nơi, thậm chí ra nước ngoài nhưng đều bó tay trong việc tìm thuốc giải độc.

Bệnh nhi được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực - chống độc (ICU) để điều trị tích cực, truyền máu, dùng thuốc rối loạn đông máu... tuy nhiên tình trạng ngày càng nặng, xuất huyết dưới da và chân răng.

Sau 2 ngày điều cầm cự, bé đã không qua khỏi. Thời điểm tử vong nghi ngờ bệnh nhi có xuất huyết não.

Bé gái 15 tháng tuổi tử vong thương tâm do bị rắn hoa cổ đỏ cắn khi đang chơi ở sân nhà-2
Bác sĩ Đinh Tấn Phương khẳng định rắn hoa cổ đỏ là rắn độc.

Theo bác sĩ Phương, rắn hoa cổ đỏ còn có tên là rắn bảy màu, nữ hoàng bóng đêm, rắn học trò. Rắn có đầu màu ô liu, thân mình nhiều hoa văn, cổ đỏ sặc sỡ. Điều đáng lo ngại là nhiều người cho rằng rắn này không độc nên thậm chí còn nuôi chơi.

Lý do là vì nhiều trường hợp bị rắn hoa cổ đỏ cắn nhưng không có triệu chứng trúng độc.

Nguyên nhân là vì rắn này có 2 chiếc răng bơm chất độc nằm sâu trong hàm nên nếu bị cắn phớt qua có thể không dính răng bơm nọc độc. Ngoài ra độ độc còn tuỳ thuộc vào thức ăn của rắn.

Do đó bác sĩ khuyến cáo phụ huynh không để trẻ nhỏ lại gần, chơi đùa với rắn hoa cổ đỏ.


Theo Pháp luật và bạn đọc

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/be-gai-15-thang-tuoi-tu-vong-thuong-tam-do-bi-ran-hoa-co-do-can-khi-dang-choi-o-san-nha-162210604154142715.htm

rắn cắn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.